Bài 122 (Thứ Tư 20/10/2004)



Cái Hư Ảo của Giầu Sang Phú Quí

(Thánh Vịnh 48 [49], Kinh Tối Thứ Ba, Tuần Thứ Hai)



1.     Việc chúng ta suy niệm bài Thánh Vịnh 48 (49) sẽ được chia làm 2 giai đoạn, đúng như Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều đã làm, phụng vụ giờ kinh sắp xếp bài Thánh Vịnh này thành hai thời điểm. Giờ đây chúng ta sẽ dẫn giải chính yếu ở phần thứ nhất là phần cho thấy một trường hợp khốn khó, như ở bài Thánh Vịnh 72. Con người công chính phải trực diện với “những ngày tháng ám muội”, khi họ bị “vây quanh bởi điều tội lỗi của các kẻ bách hại”, thành phần “huyênh hoang về những thứ giầu sang phồn vinh của mình” (câu 6-7).

Cái luận kết của người công chính được làm nên như một thứ cách ngôn, xuất hiện một lần nữa ở cuối bài Thánh Vịnh. Nó tổng hợp một cách rõ ràng sứ điệp chủ yếu của bài thánh thi này: “Những kẻ tử vong không tồn tại với tất cả giầu sang phú quí của mình; họ chết đi như những con hoang thú” (câu 13). Nói một cách khác, “giầu sang phú quí” thực sự không phải là một thứ lợi lộc! Tốt hơn hãy sống nghèo nàn và kết hợp với Thiên Chúa.

2.     Câu cách ngôn này dường như âm vang tiếng nói khắc nghiệt của một con người khôn ngoan của thánh kinh cổ kính là Ecclesiastes, hay Qoheleth, khi con người ấy diễn tả số phận hiển nhiên giống như nhau của tất cả mọi sinh vật đó là sự chết, một cái chết mang lại cái hư không cho tất cả những thứ gắn bó mù quáng với những sự vật trần gian: “Như họ từ lòng mẹ mà ra thế nào, họ cũng sẽ ra đi như vậy, trần truồng như khi họ xuất thân, chẳng mang theo được gì bởi công khó của mình cả” (Ecclesiastes 5:14). “Số phận của con người và của dã thú chỉ là một; vật này chết đi cũng như vật kia vậy… Cả hai đều đi đến cùng một nơi” (Ecclesiastes 3:19,20).

3.     Thật là hết sức mù quáng khi con người tin rằng họ sẽ tránh được cái chết, khi họ cắm đầu vào việc tồn tích những thứ của cải vật chất: Thật vậy, vị tác giả Thánh Vịnh nói về một thứ “thiếu hiểu biết” hầu như có tính chất của loài thú.

Đề tài này cũng đã được tất cả mọi nền văn hóa cũng như tất cả mọi thứ linh đạo đào sâu, và được Chúa Giêsu bộc lộ cho thấy một cách nghiêm trọng và dứt khoát khi phán: “Hãy giữ mình khỏi tất cả mọi thứ tham lam, cho dù có giầu có nhưng sự sống không phải là ở những sở hữu vật này”. (Lk 12:15). Đoạn Người nói đến dụ ngôn về một con người giầu có ngu muội, một con người thu tích sản vật một cách vô độ mà không để ý gì tới cạm bẫy do tử thần nhử mồi mình (x Lk 12:16-21).

4.     Phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh hoàn toàn tập trung thực sự vào cái ảo ảnh chi phối tâm trí của con người giầu có. Ông ta tin rằng ông ta sẽ thành đạt ngay cả trong “việc buôn bán” cái chết chóc cho bản thân mình, bằng cách cố gắng tiêu diệt nó, như ông đã từng làm với tất cả những thứ ông đã chiếm hưữ, tức là công thành danh toại, là trổi hơn kẻ khác về lãnh vực xã hội và chính trị, là mánh khóe miễn trừng, là tham lam trục lợi, là tiện nghi thoải mái, là lạc thú truy hoan.

Thế nhưng, vị tác giả Thánh Vịnh cũng không ngần ngại gán cho cái kỳ vọng này là ngu xuẩn. Ông đã sử dụng một từ ngữ cũng có một giá trị về tiền bạc, đó là “sự chuộc đền”: “Người ta không thể cứu chuộc được mình, không thể chuộc đền với Thiên Chúa. Giá để chuộc lấy một sự sống quá ư là cao; người ta vẫn sẽ không bao giờ có thể sống đến muôn kiếp mà không tới ngày tận số” (câu 8-10).

5.     Con người giầu có ôm ấp cái may mắn đủ thứ của mình tin tưởng rằng họ sẽ thành công cả trong việc làm chủ sự chết nữa, như thể họ đã từng làm chủ hết mọi sự và hết mọi người bằng tiền bạc của mình. Thế nhưng, dù số lượng họ sẵn sàng cống hiến có nhiều mấy chăng nữa thì số phận tối hậu của họ cũng vẫn không đổi thay.

Như tất cả mọi con người, nam nữ, giầu nghèo, khôn dại, họ cũng sẽ phải đi đến nấm mồ mà thôi, như đã xẩy ra cho kẻ quyền thế, và họ cũng sẽ phải bỏ lại đời này vàng bạc yêu quí, những sản vật thể chất được họ hết lòng sùng bái (câu 11-12).

Chúa Giêsu đã nói xa xa với thành phần thính giả của Người câu vấn nạn day dứt này: “Con người ta có lợi gì khi họ được cả thế gian mà hư mất sự sống mình?” (Mt 16:26). Không gì có thể đổi được sự sống là tặng ân của Thiên Chúa, Đấng “nắm trong tay mình sự sống của hết mọi sự và hơi thở của toàn thể nhân loại” (Job 12:10).

6.     Trong số những vị Giáo Phụ của Hội Thánh dẫn giải về bài Thánh Vịnh 48{49) này, đặc biệt phải kể đến Thánh Ambrôsiô; ngài đã nới rộng ý nghĩa của bài thánh vịnh này bằng một quan điểm sâu hơn, bắt đầu chính lời mời gọi mở màn của tác giả bài Thánh Vịnh: “Hỡi tất cả mọi dân tộc, hãy nghe điều này! Hỡi tất cả mọi dân cư trên trái đất, hãy lắng tai nghe”.

Vị nguyên giám mục Milan đã dẫn giải thế này: “Chúng ta hãy nhận ra ở đây là, chính ở ngay lúc mở đầu, tiếng nói của Chúa Cứu Thế kêu gọi con người đến với Giáo Hội, để, bằng việc từ bỏ tội lỗi, họ trở thành những môn đồ của sự thật và nhận thấy được cái lợi lộc của đức tin”. Đúng thế, “tất cả mọi tâm can thuộc các thế hệ con người khác nhau đã bị nhiễm bởi nọc độc của con rắn, và lương tâm con người, bị nô lệ cho tội lỗi, không thể tự mình vượt thoát”. Vì thế mà vị Chúa này, “tự động hứa thứ tha theo lòng quảng đại của tình Ngài xót thương, nhờ đó con người tội lỗi không còn lo âu sợ hãi mà đầy ý thức, hân hoan để có thể hiến thân làm tôi tớ phụng sự Vị Chúa nhân lành này, Đấng đã thứ tha tội lỗi và tưởng thưởng những việc lành công đức” ("Commento a Dodici Salmi" [Commentary on Twelve Psalms], No. 1: SAEMO, VIII, Milan-Rome, 1980, p. 253).

7.     Nơi những lời này của bài Thánh Vịnh, người ta nghe thấy tiếng vọng của lời mời gọi của phúc âm: “Hãy đến với Tôi, hỡi tất cả những ai cảm thấy mệt nhọc và nặng gánh, Tôi sẽ bổ sức cho. Hãy mang lấy ách của Tôi” (Mt 11:28). Thánh Ambrôsiô tiếp: “Khi người ta đến thăm kẻ liệt, như vị bác sĩ đến chữa trị các thương tích đớn đau, Người cũng biên toa chữa trị, nhờ đó những ai biết lắng nghe Người thì taât cả tin tưởng lãnh nhận được phương thuốc chữa lành… Người đã kêu gọi tất cả mọi dân tộc đến với nguồn mạch của sự khôn ngoan và kiến thức, đến với những lời hứa hẹn được hoàn toàn cứu chuộc, hầu không còn ai sống trong lo âu, không còn ai sống trong thất vọng” (No. 2: Ibid., pp. 253.255).

Anh Chị Em thân mến,

Như Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều chia bài Thánh Vịnh 48 làm hai buổi khác nhau, chúng ta cũng suy niệm bài thánh vịnh này làm hai phần. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu cái tiền đề phiền nhiễu trong bài thánh vịnh khi con người công chính được cho biết rằng họ phải đối diện với “những tháng ngày ám muội”, vì “các kẻ thù hiểm độc đang bao chung quanh họ”, cũng như vì những con người “huyênh hoang về cái dồi dào giầu sang của chúng”. Cảm nghiệm này đã khiến con người công chính đei đến chỗ thâm tín được rằng giầu sang phú quí chẳng có lợi lộc gì hết.

Thật vậy, tốt hơn là sống nghèo khổ và hiệp nhất với Thiên Chúa hơn là sống giầu sang, thành đạt, và cách xa Chúa. Vị tác giả Thánh Vịnh, khi sử dụng ngôn ngữ về tiền bạc, đã nhắc nhở chúng ta rằng “không ai có thể chuộc được chính mình hay trả giá cho mạng sống của họ”.

Phúc Âm đã tái nhắc lại đề tài này khi dạy chúng ta rằng cho dù là thành phần giầu sang và quyền thế cũng không thể nào thoát được tử thần. Chúa Giêsu đã kêu gọi tất cả mọi con người nam nữ, giầu nghèo, yếu kém hay quyền uy, khi phán: “hãy đến với Tôi tất cả những ai cảm thấy meat mã và gánh nặng, Tôi sẽ bổ sức cho. Hãy mang lấy ách của Tôi” (Mt 11:28). Chớ gì chúng ta luôn có ơn để hân hoan mang vác những gánh nặng của mình, với ý thức rằng kho tàng chân thực chỉ được tìm thấy nơi đời sống trong Chúa Kitô mà thôi.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 20/10/2004.