Bài 123 (Thứ Tư 27/10/2004)
Giầu Sang Cũng Không Cứu Được Con Người
(Thánh Vịnh 48 [49]: 14-21, Kinh Tối Thứ Ba, Tuần Thứ Hai)
1. Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều sắp xếp bài Thánh Vịnh 48 (49), bài thánh vịnh có tính chất khôn ngoan, mà chúng ta vừa nghe phần thứ hai (x câu 14-21). Như trong phần thứ nhất (x câu 1-13), phần chúng ta đã chia sẻ, phần thứ hai này của bài Thánh Vịnh cũng lên án cái ảo vọng xuất phát từ thứ ngẫu tượng giầu sang. Đây là một trong những chước cám dỗ liên lỉ ở nơi loài người: dính bén với tiền bạc, coi nó như là những gì được phú cho không thể nào dứt bỏ; nó lôi kéo con người ta đến chỗ nghĩ rằng “cũng có thể mua được cả sự chết”, bằng việc loại trừ nó khỏi bản thân mình.2. Thực tế cho thấy, bằng khả năng của mình, sự chết vẫn xẩy ra để hủy hoại tất cả mọi ảo ảnh, quét sạch mọi trở ngại, hạ bệ tất cả mọi thứ tự tin (x câu 14) và đưa cả thành phần giầu sang lẫn nghèo khổ, thành phần chủ nhân ông lẫn tôi tớ, thành phần ngu xuẩn lẫn khôn ngoan sang đời sau. Sống động thay hình ảnh được tác giả Thánh Vịnh phác tả khi cho thấy sự chết như là một mục tử, bằng bàn tay mạnh mẽ, dẫn dắt đàn lũ tạo sinh khả hoại (x câu 15). Bởi thế bài Thánh Vịnh 48 (49) gợi cho chúng ta suy nghĩ một cách thực tế và nghiêm trọng về sự chết, cái cùng điểm nồng cốt bất khả tránh của đời sống con người.
Chúng ta thường tìm hết cách để tránh né thực tại này, loại trừ nó ra khỏi chân trời tâm tưởng của mình. Thế nhưng, nỗ lực này, ngoài tính cách vô ích của nó, còn là những gì không thích hợp nữa. Thật thế, việc suy niệm về sự chết là những gì bổ ích, vì nó tương đối hóa rất nhiều thực tại phụ thuộc là những thực tại mà tiếc thay chúng ta lại tuyệt đối hóa chúng, như thực sự xẩy ra liên quan đến giầu sang, thành đạt, quyền thế. Đó là lý do, Sirach, một con người khôn ngoan trong Cựu Ước đã khuyên nhủ rằng: “Nơi bất cứ những gì mình làm, các người hãy nhớ đến ngày cuối cùng của mình thì các người sẽ không bao giờ phạm tội” (7:36).
3. Thế nhưng, trong bài Thánh Vịnh của chúng ta đây, có một điểm quặt quan trọng. Nếu tiền bạc không thành công trong việc “chuộc cứu chúng ta” khỏi tử thần (Ps 48 [49]:8-9), song vẫn có vị có thể cứu chúng ta khỏi chân trời mù mịt và thê thảm. Thật vậy, Thánh Vịnh Gia nói: “Thế nhưng Thiên Chúa sẽ cứu mạng sống của tôi, sẽ giải cứu tôi khỏi mãnh lực của Âm Phủ” (câu 16).
Nhờ đó, chân trời hy vọng và bất tử hiện lên cho con người công chính. Để trả lời cho vấn nạn được nêu lên ở đầu bài Thánh Vịnh này (“tại sao tôi lại sợ hãi?”: câu 6), giờ đây câu đáp sẽ là: “Đừng lo sợ khi kẻ khác được giầu có” (câu 17).
4. Con người công chính, về lịch sử thì nghèo khổ và hèn hạ, khi tiến đến biên giới sau hết của cuộc đời thì chẳng có sản vật nào, không có gì làm “giá chuộc” hầu cản ngăn tử thần và vuột khỏi vòng tay lạnh lùng của hắn. Thế nhưng, bấy giờ mới xẩy ra sự lạ lùng, đó là chính Thiên Chúa rat ay cứu chuộc và giật kẻ tín trung của mình khỏi bàn tay tử thần, vì chỉ một mình Ngài mới thắng được tử thần là những gì loài người bất khả chuyển lay.
Vì lý do ấy mà Thánh Vịnh Gia kêu mời chúng ta “đừng sợ” và đừng ghen với người giầu là thành phần vốn lên mặt hơn nơi vinh hiển của họ (ibid.), vì khi tử thần xuất hiện, họ sẽ bị tước đoạt tất cả, họ sẽ không thể mang theo mình vàng bạc, danh tiếng hay thành đạt (câu 18-19). Trái lại, thành phần tín nghĩa sẽ không bị Chúa bỏ rơi, Đấng sẽ chỉ cho họ “con đường sự sống, tràn đầy hân hoan trước nhan Chúa, những sướng vui ở bên tay hữu Chúa đến muôn đời” (x Ps 15 [16]:11).5. Vậy chúng ta có thể, bằng việc đúc kết bài suy niệm khôn ngoan về Thánh Vịnh 48 (49), trịnh trọng công bố những lời của Chúa Giêsu, Đấng tỏ cho chúng ta một thứ kho tàng thực sự đối lại sự chết: “Đừng thu tích cho mình những kho tàng trên mặt đất này, nơi mối mọt và hư hoại hủy được và trộm cắp lấy mất. Nhưng hãy thu tích những kho báu trên trời, nơi mối mọt và hư hoại không hủy được và trộm cắp không lấy mất. Vì kho tàng của các con ở đâu thì lòng của các con cũng ở đó” (Mt 6:19-21).
6. Theo ý nghĩa những lời của Chúa Kitô, Thánh Ambrôsiô, trong bài Dẫn Giải Thánh Vịnh 48 (49), đã xác định một cách rõ ràng và mạnh mẽ tính cách bất nhất của những thứ giầu sang: “Chúng chỉ là tất cả những gì tiêu tán và chúng đi nhanh hơn chúng đến. Một kho tàng như thế chỉ là một giấc mơ. Các người tỉnh giấc thì nó đã biến mất rồi, vì con người có thể hồi tỉnh trước cơn mê say thế gian này mà dấn thân thi hành các nhân đức, khinh thường tất cả những điều ấy và coi nhẹ tiền bạc của cải” ("Commento a Dodici Salmi" [Commentary on Twelve Psalms], No. 23: Saemo, VIII, Milan-Rome, 1980, p. 275).
7. Bởi thế, vị giám mục thành Milan này đã khuyến khích chúng ta đừng để mình bị thu hút bởi giầu sang và vinh quang phàm trần: “Đừng sợ khi người ta trở nên giầu có, khi vinh quang nhà của họ gia tăng! Hãy biết để làm sao chuyên chú nhìn một cách sâu xa thì cái đó sẽ dường như là những thứ trống rỗng đối với các người nếu nó không có được một chút đức tin trọn vẹn”. Thật vậy, trước khi Chúa Kitô xuất hiện thì con người đã bị hư hoại và rỗng không: “Cái sa đọa hư hoại của Adong xưa đã làm chúng ta trở thành rỗng tuyếch, thế nhưng ân sủng của Chúa Kitô đã làm cho chúng ta được tràn đầy. Người đã hủy mình ra như không để làm cho chúng ta nên tràn đầy và làm cho tầm vóc viên trọn về nhân đức lưu ngụ nơi xác thịt của con người”.
Thánh Ambrôsiô đã kết luận khi nói rằng chính vì lý do này mà chúng ta giờ đây có thể kêu lên như Thánh Gioan: ‘Tất cả chúng ta đã lãnh nhận từ sự viên mãn của Người tràn đầy hồng ân’ (Jn 1:16)” (ibid.)
Anh Chị Em thân mến,Bài giáo lý hôm nay là bài chia sẻ về phần thứ hai của bài Thánh Vịnh 48. Trong bài Thánh Vịnh này, chúng ta nghe thấy được lời lên án mạnh mẽ những ai ngẫu tượng hóa giầu sang phú quí mà bỏ mất Thiên Chúa.
Một trong những chước cám dỗ liên lỉ của nhân loại đó là việc dính bén với tiền bạc, với niềm hy vọng sai lầm là nó thậm chí có thể cứu được họ khỏi tay tử thần.
Trong thế giới ngày nay, có những lúc chúng ta cố xao lãng cái chết chóc của mình. Bởi thế cần phải nhớ lại rằng việc cẩn thận suy niệm bằng cả đức tin về định mệnh sau cùng của con người sẽ mang lại nhiều lợi ích. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người công chính, ngay cả trong giờ lâm tử. Thật vậy, Thiên Chúa mở rộng chân trời hy vọng và trường sinh bất tử cho những người tín nghĩa của Ngài.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 27/10/2004.
Trước khi kết thúc buổi triều kiến chung hằng tuần hôm này, Thứ Tư 27/10/2004, với 20 ngàn người ở Quảng Trường Thánh Phêrô trong mưa gió ướt át, ĐTC GPII đã bày tỏ lòng Ngài luôn để ý tới nhân dân Iraq như sau:
“Hằng ngày Tôi nguyện cầu cho nhân dân Iraq thân yêu đang cố gắng tái thiết các cơ cấu cho xứ sở của họ. Tôi cũng mời gọi Kitô hữu hãy tiếp tục quảng đại góp phần cần thiết của mình cho việc hòa giải các tâm can con người”.
Ngài đã cho biết Ngài “thông cảm với nỗi sầu thương của các gia đình nạn nhân cũng như với những khổ đau của thành phần bị bắt làm con tin và tất cả những ai vô tội trở thành mồi ngon cho cái dã man mù quáng của nạn khủng bố”.
Có cả trăm người dân Iraq và khoảng 20 ngoại kiều đã bị bắt cóc. Ít là 37 con tin ngoại quốc đã bị sát hại trong những tháng qua.