Bài 124 (Thứ Tư 3/11/2004)

 

Bài Ca Chúc Tụng Con Chiên Kitô

(Ca Vịnh Khải Huyền 4 và 5, Kinh Tối Thứ Ba, Tuần Thứ Hai)



1.     Bài ca vịnh vừa được công bố cho chúng ta mang đến cho Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều tính cách đơn giản và sốt sắng của một ca đoàn chúc tụng. Đó là một phần của thị kiến trang trọng mở đầu của Sách Khải Huyền, một cuốn sách cho thấy một loại phụng vụ thiên đình mà chúng ta là thành phần vẫn còn lữ hành trần thế cũng được liên kết qua các cuộc cử hành của giáo hội chúng ta.

Bài thánh thi ca này, một bài được sáng tác với một số câu được trích từ Sách Khải Huyền và được liên kết cho việc phụng vụ sử dụng, có hai yếu tố căn bản. Yếu tố thứ nhất, được phác tả một cách vắn gọn, đó là việc chúc mừng công cuộc của Chúa: “Chúa đã tạo dựng nên tất cả mọi sự; vì Chúa muốn mà chúng được hiện hữu và được tạo thành” (4:11). Thật vậy, việc tạo thành là những gì cho thấy quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Như Sách Khôn Ngoan viết: “từ sự vĩ đại và tuyệt vời của những thụ sinh phát sinh ra nhận thức xứng đáng về Đấng Hóa Công của chúng” (13:5). Cũng thế, Thánh Phaolô nhận định rằng: “Từ khi tạo thành thế giới, những phẩm tính vô hình về quyền năng và thần tính hằng hữu của Ngài đã được thấu hiểu và nhận thấy nơi những gì Ngài đã thực hiện” (Rm 1:20). Đó là lý do cần phải biết dâng bài ca chúc tụng lên Đấng Hóa Công để mừng vinh hiển của Ngài.

2.     Về vấn đề này cũng nên nhắc lại là Hoàng Đế Domitian, vị hoàng đế mà có lẽ dưới triều đại của ông Thánh Gioan đã viết Sách Khải Huyền, đã tự xưng mình danh hiệu “Dominus et dues noster” (chúa và thần của chúng tôi) và đã truyền lệnh là phải xưng hô với ông bằng danh hiệu này mà thôi (see Suetonius, "Domitian," XIII).

Hiển nhiên là Kitô hữu không chịu gán cho bất cứ một tạo sinh con người nào, cho dù có quyền lực rất nhiều, những tước hiệu như thế và chỉ vang lên những lời xưng hô tôn thờ với “Vị Chúa và là Thiên Chúa” chân thực của họ mà thôi, Ngài là Hóa Công của vũ trụ (x Rev 4:11), cũng như với Đấng cùng với Thiên Chúa “là khởi nguyên và là cùng tận” (x 1:17), ngự trên ngai trời với Thiên Chúa là Cha của Người (x 3:21): Chúa Kitô đã chết và đã sống lại, được biểu hiệu ở đây nơi hình ảnh “Con Chiên đứng”, mặc dù Người có “bị thảm sát” (5:6).

3.     Đó chính là yếu tố thứ hai được khai triển nhiều nơi bài thánh thi ca chúng ta đang dẫn giải đây: yếu tố Chúa Kitô, Con Chiên bị sát tế. Bốn sinh vật và 24 vị trưởng lão kêu lên Người bằng một bài ca được bắt đầu với câu hô: “Người xứng đáng lãnh nhận cuộn sách và mở các ấn tín trong đó, vì Người đã bị thảm sát” (5:9).

Thế nên, ở tâm điểm của lời chúc tụng này là Chúa Kitô cùng với công cuộc cứu chuộc của Người. Chính vì thế mà Người có thể giải mã ý nghĩa của lịch sử: Chính Người mới là vị “mở các ấn tín” (ibid.) của cuốn sách bí mật chất chứa dự án của Thiên Chúa.

4.     Thế nhưng, công việc của Người không phải là công việc dẫn giải; mà là một hành động hoàn thành và giải phóng. Vì Người bị “thảm sát” mà Người mới có thể “cứu chuộc” (ibid.) con người xuất thân từ những gốc gác khác nhau nhất.

Động từ Hy Lạp duđợc sử dụng ở đây không hoàn toàn ám chỉ đến câu truyện Xuất Hành, một câu truyện không hề nói đến “việc cứu chuộc” dân Do Thái. Tuy nhiên, việc liên tục của đoạn văn này chứa đựng một hình ảnh hiển nhiên về lời Thiên Chúa hứa hiển nhiên với dân Do Thái ở núi Sinai: “Các ngươi sẽ trở thành cho Ta một vương quốc tư tế, một quốc gia thánh hảo” (Ex 19:6).

5.     Giờ đây lời hứa này đã trở thành sự thật. Con Chiên đã thiết lập cho Thiên Chúa “một vương quốc cùng những vị tư tế… và họ sẽ hiển trị trên trái đất” (Rev 5:10), và vương quốc này hướng về toàn thể nhân loại được kêu gọi để làm nên cộng đồng con cái Thiên Chúa, như Thánh Phêrô đã nhắc nhở: “An hem là giòng dõi được tuyển chọn, laàhàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh hảo, là dân riêng của Người, để anh em có thể loan truyền những lợi chúc tụng Người là Đấng đã kêu gọi an hem từ tối tăn ra ánh sáng lạ lùng” (1Pt 2:9).

Công Đồng Chung Vaticanô II đã minh nhiên ám chỉ đến những đoạn của Bức Thư Thứ Nhất Thánh Phêrô và của Sách Khải Huyền khi, noiù rằng “chức tư tế chung” thuộc về toàn thể tín hữu, đã dẫn giải về cách thức tín hữu hành sử chức này như sau: “Thành phần tín hữu, bởi chức tư tế vương giả của mình, liên kết trong việc hiến dâng Thánh Thể. Họ cũng hành sử chức tư tế này trong việc lãnh nhận các bí tích, trong lời nguyện cầu và tạ ơn, trong việc làm chứng bằng đời sống thánh đức, cũng như bằng việc bỏ mình và chủ động bác ái” ("Lumen Gentium," No. 10).

6.     Bài thánh thi ca của Sách Khải Huyền mà chúng ta suy niệm hôm nay đây đã kết thúc bằng lời hô lên cuối cùng bởi “đoàn đoàn lớp lớp” các thần trời (x Rev 5:11). Lời hô lên cuối cùng ấy nói đến “Con Chiên bị thảm sát” là vị được gán cho cùng một vinh hiển như cho Thiên Chúa Cha, “Con Chiên xứng đáng… lãnh nhận quyền năng và giầu sang, khôn ngoan và sức mạnh” (5:12). Đó là giây phút của việc chiêm ngưỡng tinh tuyền, của việc hân hoan chúc tụng, của bài ca mến yêu Chúa Kitô trong mầu nhiệm vượt qua của Người. ]

Hình ảnh vinh sáng này của hiển quang thiên quốc là những gì được ngưỡng vọng nơi Phụng Vụ của Hội Thánh. Thật thế, như Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nhắc nhở, Phụng Vụ là “tác động” của toàn thể Chúa Kitô (“Christus totus”). Những ai cử hành phụng vụ này trên thế gian đây, thì sống một cách nào đó, vượt ra ngoài các dấu hiệu, phụng vụ thiên quốc, là nơi việc cử hành là một cuộc hoàn toàn hiệp thông và mừng rỡ. Chính ở nơi phụng vụ vĩnh hằng này mà Thần Linh và Giáo Hội làm cho chúng ta tham phần, khi chúng ta cử hành mầu nhiệm cứu độ nơi các phép bí tích (see Nos. 1136 and 1139).

Anh Chị Em thân mến,

Bài ca vịnh chúng ta suy niệm hôm nay đây mang đến cho Phụng Vụ Giờ Kinh Chiều tính cách đơn giản và sốt sắng của một ca đoàn chúc tụng. Nó tập trung đặc biệt vào Chúa Kitô, Con Chiên, Đấng đã bị thảm sát nhưng giờ đây đang vinh quang hiển trị. Nơi Người, dự án vĩnh hằng của Thiên Chúa đã được nên trọn. Người đã giải thoát chúng ta khỏi sự dữ và làm cho chúng ta thành một vương quốc tư tế. Chúng ta là một cộng đồng con cái Thiên Chúa là cộng đồng tất cả mọi dân tộc được kêu gọi hình thành.

Khi chúng ta nói lên lời chúc tụng và niềm mến yêu Chúa Kitô cùng chiêm ngưỡng chiên thắng Vượt Qua của Người, chúng ta, ở một nghĩa nào đó, đã thông phần vào mối hiệp thông hoan lạc của phụng vụ thiên quốc vậy.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 3/11/2004.