Bài 130 (Thứ Tư 12/1/2005)
Những Người Chiến Thắng Satan và Sự Dữ
(Ca Vịnh Khải Huyền 11:17;12:10,12, Kinh Tối Thứ Năm, Tuần Thứ Hai)
1. Bài thánh ca vừa vang xuống từ trời rất hay. Thật vậy, Sách Khải Huyền viết ra bài ca này cho chúng ta đã liên kết phần thứ nhất của nó (x Rev 11:17-18) về “24 vị trưởng lão ngồi trên tòa trước Thiên Chúa” (11:16), với cảnh thứ hai (x 12:10-12) về “một tiếng lớn ở trên trời” (12:10).Như thế, chúng ta thấy được trong cái hình ảnh vĩ đại của cung điện thần linh là nơi Thiên Chúa và Con Chiên tức Đức Kitô, được vây quanh bởi “hội đồng triều thiên”, đang phân xử lịch sử nhân loại tùy theo thiện ác, cũng là để tỏ cho thấy mục tiêu cứu độ và vinh quang tối hậu. Những bài ca được viết rải rác trong Sách Khải Huyền có nhiệm vụ giải bày đề tài của vai trò chủ tể thần linh là vai trò qui định giòng hoạt động thường không hòa hợp của nhân loại.
2. Về vấn đề này, đáng kể đến là đoạn đầu tiên của bài thánh ca được đặt vào miệng của 24 vị trưởng lão, thành phần như thể là hiện thân của dân tuyển chọn ở giai giai đoạn lịch sử của họ, 12 chi tộc Do Thái và 12 vị Tông Đồ của Giáo Hội.
Vậy Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng và Hằng Hữu đã “tỏ ra quyền năng cao cả và thiết lập triều đại” (11:17), và mục đích của việc Người đi vào lịch sử, không phải chỉ để ngăn chặn những phản ứng bạo động của những kẻ phản loạn (x Ps 2:1,5), mà nhất là để nâng len và đền bù cho thành phần công chính. Thành phần công chính được diễn tả bằng một chuỗi từ ngữ được sử dụng để mô tả khuôn mặt thiêng liêng của Kitô hữu. Họ là “những người tôi tớ” trung thành gắn bó với lề luật thần linh; họ là “những vị tiên tri” có thiên tài về Lời mạc khải để giải thích và phân xử lịch sử; họ là những “thánh nhân” được thánh hiến cho Thiên Chúa và kính tôn danh của Ngài, tức là mau mắn tôn thờ Ngài và tuân theo ý muốn của Ngài. Trong số họ có “kẻ nhỏ và kẻ lớn”, một diễn tả được tác giả Sách Khải Huyền ưa chuộng (x 13:16, 19:5,18, 20:12) để nói đến dân Chúa trong sự hiệp nhất và khác nhau của họ.
3. Thế rồi chúng ta sang phần thứ hai của bài ca vịnh. Sau cảnh thê thảm về người nữ đang mang thai “mặc mặt trời” và về con rồng đỏ khủng khiếp (x 12:1-9), thì một tiếng nói mầu nhiệm đã xướng lên bài thánh ca tạ ơn và hoan lạc.
Niềm hoan lạc này phát xuất từ sự kiện Satan, đối thủ kỳ cựu, tên đã đứng trong tiền đường trên trời như là “kẻ tố cáo anh em của chúng ta” (12:10), như chúng ta thấy hắn trong Sách Ông Gióp (x 1:6-11, 2:4-5), bị “hất ra khỏi” chỗ của hắn ở trên trời, nên không còn quyền lực cao cả nữa. Hắn biết rằng “hắn chỉ có một thời gian ngắn” (12:12), vì lịch sử gần phải trải qua một cuộc đổi thay sâu rộng trong việc thoát khỏi sự dữ, và đó là lý do tại sao hắn phản ứng “hết sức giận dữ”.
Ở đầu bên kia xuất hiện Chúa Kitô phục sinh với máu của Người đổ ra là nguyên tố cứu độ (x 12:11). Người đã nhận được từ Cha vương quyền trên toàn thể vũ trụ; nơi Người được nên trọn “việc cứu độ, quyền năng và vương quốc của Thiên Chúa chúng ta”.
Được liên kết với cuộc chiến thắng của Người là các vị tử đạo Kitô giáo, thành phần chọn tiến bước theo con đường thập giá, chứ không chịu nhường bước cho sự dữ cũng như cho tính chất độc hại của nó, trái lại, phó mình cho Chúa Cha và hiệp nhất bản thân với cái chết của Chúa Kitô qua chứng từ thuận phục và can đảm khiến họ “không yêu sự sống mình cho dù có chết đi” (see. Ibid.). Người ta dường như nghe âm vang những lời của Chúa Kitô: “Ai yêu sự sống mình thì đánh mất sự sống ấy, còn ai ghét bỏ sự sống của mình trên thế gian này sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (Jn 12:25).4. Những lời của Sách Khải Huyền về những kẻ chiến thắng Satan và sự dữ “bằng máu Con Chiên” âm vang nơi lời nguyện cầu tuyệt vời được cho là của Simeon, vị giám mục ở Seleucia-Ctesiphon xứ Ba Tư. Trước khi chết như một vị tử đạo cùng với nhiều đồng bạn khác hôm 17/4/341, trong cuộc bắt đạo của Vua Sapor II, ngài đã nói lên khẩn cầu sau đây cùng Chúa Kitô:
“Lạy Chúa, xin ban cho con triều thiên này: Chúa biết con ước mong nó biết bao, vì con yêu mến Chúa với tất cả tâm hôn của con và sự sống của con. Con sẽ hạnh phúc được thấy Chúa và Chúa sẽ ban cho con được nghỉ ngơi…. Con muốn kiên trì một cách anh dũng với ơn gọi của con, can đảm hoàn tất công việc được ủy nhiệm cho con và làm gương sáng cho tất cả mọi dân tộc của Chúa ở Đông phương…. Con sẽ nhận được sự sống không còn đớn đau, lo âu, sầu muộn, không còn kẻ bách hại và người bị bách hại, không còn kẻ đàn áp và thành phần bị đàn áp, không còn kẻ bạo tàn và thành phần nạn nhân; ở đó con sẽ không còn bị vua chúa đe dọa, hay bị quan quyền làm kinh hãi, không ai còn mang con ra tòa và tiếp tục làm con kinh khiếp, không ai kéo lê con đi hay làm con run ray. Những vết thương nơi chân của con sẽ được lành khỏi nơi Chúa, Ôi con đường đi của tất cả mọi kẻ lữ hành; tình trạng kiệt sức của các chi thể con sẽ được nghỉ ngơi trong Chúa, Ôi Chúa Kitô là dầu thánh xức cho chúng con. Nơi Chúa là chén cứu độ của chúng con, nỗi buồn đau sẽ biến mất khỏi tâm can con; nơi Chúa là niềm ủi an và hoan lạc của chúng con, những giọt nước mắt của chúng con sẽ được lau khô” (A. Hamman, "Preghiere dei Primi Cristiani" [Early Christian Prayers], Milan, 1955, pp. 80-81).
Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay chúng ta tiếp tục việc chia sẻ của chúng ta về Phụng Vụ Giờ Kinh Tối. Đoạn chúng ta vừa nghe từ Sách Khải Huyền cho thấy vấn đề Thiên Chúa làm chủ các biến cố của loài người. Nơi cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, Chúa Cha đã bảo đảm là sự thiện sẽ chiến thắng vào lúc tận cùng thời gian. Các vị tử đạo được liên kết với cuộc chiến thắng này của Chúa Kitô; các vị đã chọn con đường thập giá để làm chứng đức tin của mình cùng tình yêu của các vị đối với Người.
Bài ca vịnh từ Sách Khải Huyền này cho thấy sự thật này bằng một nhãn quan ngời sáng. Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu Kitô, được vây quanh bởi cung điện thần linh, phân xử lịch sử thế giới tùy theo thiện ác, tỏ cho nó thấy mục tiêu cứu độ và vinh quang tối hậu.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 12/1/2005.