Bài 131 (Thứ Tư 26/1/2005)


Giá Trị Cao Cả của

Việc Cầu Nguyện trong Cơn Thất Vọng

(Thánh Vịnh 114 [116]: 1-2, 5, 7-9, Kinh Tối Thứ Sáu, Tuần Thứ Hai)

 


1.     Nơi Thánh Vịnh 114 (116) vừa được loan báo, tiếng của Thánh Vịnh gia bày tỏ tình yêu tri ân cảm tạ của mình đối với Chúa, sau khi Ngài đã nghe lời thiết tha khẩn cầu của ông: “Tôi kính mến Chúa là Đấng đã lắng nghe tiếng tôi kêu cầu. / Đấng lắng tai nghe tiếng tôi” (câu 1-2). Liền sau lời tuyên xưng tình yêu thương này là một cuộc diễn tả sống động về cơn ác mộng tử thần đã chộp bắt mạng sống của con người nguyện cầu (x các câu 3-6).

Thảm kịch này được phác tả với những biểu hiệu thông dụng nơi các bài Thánh Vịnh. Những cuộn khúc quấn lấy mạng sống là những cuộn khúc tử thần, những cái bẫy khiến cho đời sống sầu thương là những thứ nhức nhối của âm phủ là nơi cố gắng lôi kéo kẻ sống đến với mình mà không bao giờ họ được xoa dịu (x Prov 30:15-16).

2.     Đó là hình ảnh của một con mồi bị rơi vào bẫy của một tay săn bắt tàn nhẫn. Sự chết giống như một cái kìm kẹp thắt lại (Ps 114[116]: 3). Bởi thế, đằng sau con người cầu nguyện là nguy cơ chết chóc, một thứ chết chóc được kèm theo bởi một cảm nghiệm tâm thần đớn đau: “Tôi cảm thấy thống khổ và khiếp hãi” (câu 3). Thế nhưng, từ vực thẳm thảm khốc ấy ông đã kêu lên Đấng duy nhất có thể vươn tay ra giật lấy con người sầu thương nguyện cầu khỏi tình trạng rối rít bất khả tháo gỡ ấy: “Vậy tôi kêu cầu danh Chúa, ‘Ôi Chúa, xin cứu lấy mạng sống của tôi!’” (câu 4).

Đầy là một lời nguyện cầu ngắn ngủi nhưng tha thiết của con người, khi thấy mình ở trong tình trạng tuyệt vọng, nắm chắc lấy tấm ván cứu độ duy nhất. Cũng thế, các vị môn đệ trong Phúc Âm đã kêu lên khi gặp bão tố (x Mt 8:25), và cũng thế tông đồ Phêrô bước đi trên mặt biển van xin khi bắt đầu chìm xuống (x Mt 14:30).

3.     Một khi được cứu độ, con người nguyện cầu tuyên xưng rằng Chúa là Đấng “từ ái và chính trực”, hơn thế nữa, là Đấng “xót thương” (câu 5). Tĩnh từ “xót thương” này, theo nguyên ngữ Do Thái, liên quan tới sự dịu dàng của một người mẹ, làm khơi lên “thẳm cung” của bà.

Lòng tin tưởng chân thực bao giờ cũng thấy Thiên Chúa là tình yêu, cho dù có những lúc khó lòng hiểu được những hành động của Ngài. Tuy nhiên, chắc chắn một điều là “Chúa bảo vệ kẻ hèn mọn” (câu 6). Thế nên, trong cơn khốn cùng và bị bỏ rơi, người ta bao giờ cũng tin tưởng nơi Ngài là “Cha của thành phần không cha, là Đấng bênh vực thành phần góa bụa” (Ps 67[68]:6).

4.     Thế rồi xẩy ra một cuộc đàm đạo giữa Thánh Vịnh gia và linh hồn của ông, một cuộc đàm được tiếp tục ở bài Thánh Vịnh 115 tới đây, và cần phải được coi như là một tổng hợp với bài Thánh Vịnh chúng ta đang chia sẻ với nhau đây. Đó là những gì truyền thống Do Thái đã thực hiện, khi lấy nguyên bài Thánh Vịnh 116 làm gốc, theo số thứ tự nơi Sách Thánh Vịnh của Do Thái. Thánh Vịnh gia mời gọi linh hồn của ông hãy tái phục hồi niềm an bình thanh thản sau cơn ác mộng tử thần (câu 7).

Được đánh động bởi đức tin, Chúa đã ra tay, đã chặt đứt những trói buộc con người cầu nguyện, đã lau khô châu lệ cho họ, và đã ngăn chặn lại việc họ lao nhào xuống âm ty vực thẳm (câu 8). Tình trạng đổi thay này là những gì tỏ tường và bài thánh vịnh được kết thúc bằng một cảnh tươi sáng, đó là cảnh con người cầu nguyện trở về với “mảnh đất của kẻ sống”, tức là trở về với những đường lối của thế giới, là “bước đi trước nhan Chúa”. Ông tham dự vào việc cầu nguyện cộng đồng ở đền thờ, ngưỡng vọng mối hiệp thông với Thiên Chúa đang đợi chờ ông vào lúc cuối đời của ông (câu 9).

5.     Để kết luận, một lần nữa chúng ta hãy để ý tới những đoạn quan trọng nhất của bài Thánh Vịnh, bằng cách theo dõi lời dẫn giải của một đại văn hào Kitô giáo ở vào thế kỷ thứ ba là Origen, lời dẫn giải bằng Hy ngữ về bài Thánh Vịnh 114 (116) chúng ta có được trong bản Latinh của Thánh Giêrônimô.

Khi đọc thấy là Chúa “ghé tai về bên tôi”, ông nhận định rằng: “Chúng ta nhỏ bé và thấp hèn, chúng ta không thể vươn mình và nâng mình lên cao. Vì thế mà Chúa ghé tai đoán thương nghe chúng ta. Khi đã nói và làm tất cả mọi sự, bởi chúng ta là con người không thể trở thành thần thiêng, Thiên Chúa đã trở nên con người và hạ mình xuống, như những gì đã viết: ‘Ngài hạ thấp các tầng trời mà ngự đến’ (Ps 17[18]:10).

Thật vậy, bài Thánh Vịnh tiếp tục: “Chúa bảo vệ thành phần đơn thành” (câu 6): “Nếu con người cao cả, nếu họ nâng mình lên và huyênh hoang, thì Chúa không bảo vệ họ; nếu người ta nghĩ mình cao cả, Chúa sẽ không thương xót họ; nhưng nếu người ta hạ mình xuống thì Chúa thương xót họ và bảo vệ họ. Đến nỗi như theê họ nói rằng: ‘Này đây tôi và con cái Chúa đã ban cho tôi’ (Is 8:18). Và ‘Khi tôi bị hạ bệ thì Ngài đã cứu tôi’”.

Như thế ai là kẻ bé mọn và nghèo nàn là người có thể phục hồi an bình, nghỉ ngơi, như bài Thánh Vịnh nói (câu 7), cũng như giáo phụ Origen nhận định: “Khi nói ‘Hãy trở về với sự nghỉ ngơi của mình’ tức là dấu hiệu cho thấy thoạt tiên họ được nghỉ ngơi rồi đánh mất nó… Thiên Chúa đã duưng nên chúng ta tốt lành và làm cho chúng ta thành những kẻ có quyền quyết định, rồi đặt tất cả chúng ta cùng với Adong trong vườn địa đường. Thế nhưng, bởi quyết định tự do của mình, chúng ta đã bị tụt xuống khỏi tình trạng diễm phúc ấy, đến thung lũng châu lệ này, người công chính khuyên nhủ hồn mình rằng hãy trở về với nơi từ đó nó đã bị rơi xuống… ‘Hãy trở về, hỡi hồn tôi ơi, với nơi nghỉ ngơi của mình: vì Chúa đã làm cho ngươi điều thiện hảo’ Nếu ngươi, hỡi linh hồn, trở về với địa đường, không phải vì ngươi xứng đáng, mà là vì công cuộc của tình thương Chúa. Chúng ta cũng hãy nói với linh hồn mình rằng: ‘Hãy trở về với chốn nghỉ ngơi của mình’. Nơi nghỉ ngơi của chúng ta là Đức Kitô, Thiên Chúa của chúng ta” (Origen-Jerome, "74 Omelie sul Libro dei Salmi" [74 Homilies on the Book of Psalms], Milan, 1993, pp. 409,412-413).


Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh 114 nhắc nhở chúng ta về giá trị cao cả của lời nguyện cầu. Bài này nói về lời kêu cầu giúp đỡ được ngỏ cùng Thiên Chúa trong một trường hợp cực kỳ hiểm nghèo. Người tín hữu gắn bó với Chúa như niềm hy vọng cứu độ duy nhất của mình và bày tỏ tình yêu tri ân cảm tạ của mình về việc họ được Ngài bảo vệ.

Đức tin chân chính bao giờ cũng thấy Thiên Chúa là tình yêu, cho dù có những lúc chúng ta cảm thấy khó lòng hiểu được trọn vẹn các hành động của Ngài. Việc cầu nguyện giúp cho chúng ta tái khám phá ra dung nhan yêu thương của Thiên Chúa. Ngài không bao giờ bỏ rơi dân của Ngài nhưng bảo đảm là cho dù thử thách và khổ đau cuối cùng sự thiện sẽ vinh thắng.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến vào ngày Thứ Tư, 26/1/2005.