Bài 132 (Thứ Tư 4/5/2005)
"Thiên Chúa hằng hỗ trợ chúng ta
ở mọi nơi mọi lúc trong cuộc đời của chúng ta"
(Thánh Vịnh 114 [116]: 1-2, 5, 7-9, Kinh Tối Thứ Sáu, Tuần Thứ Hai)
Loạt bài giáo lý về Kinh Nguyện Thánh Vịnh được ĐTC Gioan Phaolô II hứa trong
Tông Thư Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Niên Kỷ (6/1/2001) và ngài đã thực sự
thực hiện như lời hứa bắt đầu từ Thứ Tư ngày 28/3/2001, cho đến khi ngài bắt đầu
lâm bệnh nặng vào 2 tháng cuối đời của ngài. Loạt bài này đã được 131 bài cho
tới ngày 26/1/2005. Ngài hứa rằng:
“Bản thân Tôi đã quyết định dùng những buổi giáo lý vào ngày Thứ Tư hằng tuần
tới đây để suy niệm về các Thánh Vịnh, mở đầu là các Thánh Vịnh của Kinh Ban
Mai, những kinh nguyện chung được Giáo Hội dùng để kêu mời chúng ta thánh hóa và
điều hành ngày sống của chúng ta... phải đặc biệt dạy cho dân chúng cầu nguyện
theo kinh phụng vụ...” (đoạn 34.2).
Thứ Tư tuần trước, trong buổi triều kiến chung đầu tiên của mình, Đức Tân Giáo
Hoàng Biển Đức đã hứa tiếp tục loạt bài này của vị tiền nhiệm như sau:
“Chính ngài đã tìm cách thực hiện những ý định đó này bằng cách cống hiến các
buổi giáo lý Thứ Tư vào thời gian cuối cùng để dẫn giải về các bài Thánh Vịnh
cho giờ kinh phụng vụ ban mai và chiều tối. Như ngài đã làm khi mở màn cho giáo
triều của ngài, lúc ngài muốn tiếp tục những bài chia sẻ được khởi xướng bởi vị
Tiền Nhiệm của ngài về các nhân đức Kitô giáo (x “Insegnamenti di Giovanni Paolo
II”, I [1978], tr. 60-63), tôi cũng có ý thực hiện vào các buổi triều kiến hằng
tuần tới đây việc dẫn giải đã được Đức Gioan Phaolô II dọn cho phần thứ hai của
các Bài Thánh Vịnh và Ca Vịnh thuộc Giờ Kinh Phụng Vụ Chiều Tối. Từ Thứ Tư tuần
tới, tôi sẽ bắt đầu vào chính bài giáo lý của ngài đã bị gián đoạn sau buổi
triều kiến chung 26/1/2005”.
Tuy nhiên, qua những lời mở đầu của bài giáo lý hôm nay, vị tân giáo hoàng của
chúng ta cho biết rằng những bài giáo lý tiếp theo này là của Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô II, chứ không phải của ngài. Bởi thế, đôi khi ngài nói buông, không
dựa vào bản văn đã soạn, để giải thích thêm về những lời của vị tiền nhiệm của
mình. Những chỗ này, như tín điện của VIS cho biết, sẽ được người dịch để trong
ngoặc đơn, phân biệt khỏi những lời của tác giả Gioan Phaolô II.
Anh Chị Em thân mến,
1. Như tôi đã thông báo hôm Thứ Tư tuần trước là tôi quyết định tiếp tục những
buổi giáo lý dẫn giải về các bài Thánh Vịnh và ca vịnh thuộc các giờ kinh tối,
bằng việc sử dụng các bản văn được vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II của tôi đã biên
soạn.
Thánh Vịnh 120 (121), mà chúng ta suy niệm hôm nay là phần tổng hợp của ‘những
bài thăng ca’, tức là, của cuộc hành trình tiến đến cuộc hội ngộ với Chúa trong
đền thờ Sion. Đó là một bài Thánh Vịnh của lòng tin tưởng vì nơi bài này động từ
Do Thái ‘shamar’ – tức là giữ, canh giữ – âm vang đến 6 lần. Thiên Chúa, Đấng
được kêu cầu danh thánh mấy lần, hiện lên như là “vị canh giữ” luôn tỉnh thức,
cẩn trọng và quan tâm, như “người lính canh” trông coi dân mình để bảo vệ họ
khỏi hết mọi nguy cơ và hiểm họa.
(Đến đây, ĐTC nói buông, vạch ra rằng những chước cám dỗ, một đời sống tiện nghi,
quyền lực và thế giá đôi khi được coi như là mục tiêu, như ‘những cao điểm nơi
đời sống của chúng ta’, mà thực tế thì chúng lại không phải thế, ‘vì sự sống
đích thực là những gì xuất phát từ Chúa’)
Bài ca này mở màn với một ánh mắt của con người cầu nguyện ngước cao, “hướng về
phía núi non”, tức là về hướng các ngọn đồi là nơi Giêrusalem hiện lên: ơn trợ
giúp từ trời cao, vì Chúa ngự trên cao nơi thánh điện của Ngài (câu 1-2). Tuy
nhiên, “những ngọn đồi” cũng có thể ám chỉ đến những nơi dựng lên các đền đài
ngẫu tượng, được gọi là các nơi cao, những nơi thường bị lên án trong Cựu Ước (x
1Kgs 3:2; 2Kgs 18:4). Trong trường hợp này có một cái gì đó tương phản nhau, đó
là, trong khi kẻ hành hương tiến về Sion thì mắt của họ lại chăm chú vào các đền
thờ dân ngoại là những gì hết sức cám dỗ họ. Thế nhưng, đức tin của họ vững chắc
và họ tin tưởng rằng: “Chúa là Đấng dựng nên trời đất hỗ trợ tôi” (Ps
102[121]:2).
2. Lòng tin tưởng này được sáng tỏ trong bài Thánh Vịnh bằng những hình ảnh
người canh giữ và canh gác, thành phần canh chừng và bảo vệ. Cũng có một cái gì
đó ám chỉ đến bàn chân không ngập ngừng (câu 3) trên con đường của sự sống và có
lẽ của vị mục tử là người trong việc nghỉ đêm vẫn canh chừng đoàn vật của mình
mà không ngủ mê hay ngủ nghỉ (câu 4). Vị Mục Tử Thần Linh không nghỉ ngơi khi
coi sóc dân của mình.
Sau đó là một biểu hiệu khác, đó là biểu hiệu “bóng rợp”, một biểu hiệu bao hàm
việc tái tấu cuộc hành trình trong một ngày nắng (câu 5). Nó gợi nhớ đến cuộc
hành trình lịch sử trong sa mạc Sinai, khi Chúa đi trước Do Thái “ban ngày bằng
cột mây để tỏ cho họ biết đường đi nước bước” (Ex 13:21). Trong Sách Thánh Vịnh,
người ta thường cầu nguyện như thế này: “Xin hãy giấu ẩn tôi đi trong bóng cánh
của Ngài” (Ps 16[17]:8; x Ps 90[91]:1).
3. Sau biểu hiệu canh thức và bóng rợp, là biểu hiệu thứ ba, biểu hiệu về vị
Chúa đứng về “bên phải” của kẻ tín trung với Người (x Ps 120[121]:5). Đó là vị
thế của kẻ bênh vực, cả quân sự lẫn ở một phiên tòa: Nó là việc tin tưởng không
bị bỏ rơi trong lúc bị thử thách, bị sự dữ tấn công, bị bách hại. Về vấn đề này,
Thánh Vịnh Gia tiếp tục tư tưởng về cuộc hành trình trong một ngày nắng được
Thiên Chúa bao che cho khỏi bị cháy nám.
Thế nhưng sau ngày là đêm. Ngày xưa người ta nghĩ rằng những tia sáng của mặt
trăng cũng là những gì tác hại, gây cảm sốt, mù lòa hay thậm chí điên dại; đó là
lý do tại sao Chúa cũng bảo vệ chúng ta về đêm nữa (câu 6).
Bài Thánh Vịnh kết luận bằng một câu tin tưởng ngắn ngủi: Thiên Chúa sẽ bảo về
chúng ta bằng lòng yêu thương trong mọi giây phút, gìn giữ sự sống chúng ta cho
khỏi tất cả mọi sự dữ (x câu 7). Tất cả mọi hoạt động của chúng ta, được tóm lại
trong hai động từ đối cực là ‘xuất’ và ‘nhập’, bao giờ cũng được ánh mắt Chúa
trông coi, hết mọi tác động của chúng ta và tất cả thời giờ của chúng ta, “cả
hiện này và cho đến muôn đời” (câu 8).
4. Giờ đây chúng ta dẫn giải câu tin tưởng cuối cùng bằng một chứng từ thiêng
liêng theo truyền thống Kitô giáo cổ thời. Thật vậy, trong các Bức Thư gửi cho
Barsanuphius ở Gaza (người đã chết vào khoảng giữa thế kỷ thứ sáu), một vị khổ
tu nổi tiếng là khôn ngoan nên được các đan sĩ, các viên chức trong giáo hội và
thành phần giáo dân vì sự khôn ngoan bàn hỏi nhận thức của họ, câu này của bài
Thánh Vịnh được nhắc đến mấy lần thế này: “Chúa sẽ gìn giữ các bạn khỏi tất cả
mọi sự dữ, Người sẽ gìn giữ mạng sống của quí bạn”. Như thế, ngài muốn ủi an tất
cả những ai cảm thấy vất vả cực nhọc, cảm thấy đời sống bị thử thách, những nguy
hiểm và những thứ bất hạnh.
Một lần kia, khi được một đan sĩ xin cầu nguyện cho vị này cùng đồng bạn của vị
ấy, Barsanuphius đã trả lời trong những lời chúc tốt đẹp của mình lời trích từ
câu thánh vịnh này: “Hỡi con cái yêu dấu của thày, thày ấp ủ các con trong Chúa,
xin Ngài gìn giữ các con khỏi tất cả mọi sự dữ và ban cho các con sức chịu đựng
như ông Gióp, ân phúc như Giuse, hiền lành như Moisen và can đảm chiến đấu như
Gioduệ, con của Nun, khôn ngoan như các vị Quan Án, khuất phục quân thù như các
vua Đavít và Solomon, đất đai trù phú như dân Do Thái. Xin Ngài ban cho các con
ơn thứ tha tội lỗi bằng việc chữa lành xác thân như người bại liệt. Chớ gì Ngài
giải cứu các con khỏi sóng gió như Phêrô, và gìn giữ các con khỏi gian nan hoạn
nạn như Phaolô và các tông đồ khác. Xin Ngài gìn giữ các con khỏi tất cả mọi sự
dữ, như thành phần con cái đích thực của Ngài, và ban cho các con, vì danh Ngài,
những gì lòng các con cầu khấn cho lợi ích của linh hồn và thân xác. Amen” (Barsanuphius
and John of Gaza, Epistles, 194: "Collana de Testi Patristici" [Collection of
Patristic Texts], XCIII, Rome, 1991, pp. 235-236).
Anh Chị Em thân mến,
Trong bài giáo lý tuần này, chúng ta suy niệm bài Thánh Vịnh 120, một trong
những “bài thăng ca” hỗ trợ thành phần hành hương cổ thời tiến bước trên con
đường tiến về Đền Thờ Gia Liêm. Thánh Vịnh Gia bắt đầu bằng việc ‘ngước mắt lên’
để sửa soạn cho việc gặp gỡ Thiên Chúa dân Do Thái trong nơi thánh của Ngài.
Đoạn ông kêu cầu Chúa là vị canh giữ và là sức mạnh của dân Do Thái, Đấng liên
lỉ canh chừng Dân của mình và cứu họ khỏi mọi sự dữ.
Việc tuyên xưng đầy tin tưởng vào mối quan tâm đáp ứng của Thiên Chúa hằng hỗ
trợ chúng ta ở mọi nơi mọi lúc trong cuộc đời của chúng ta, đã vang dội qua các
thế kỷ nơi phụng vụ của Giáo Hội cũng như nơi những lời nguyện cầu của các thánh.
Xin Chúa thực sự bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự dữ, và ban tất cả những gì lòng
chúng t among ước, “cả bay giờ và cho đến muôn đời”.
Đaminh Maria Cao Tnấ Tĩnh, BVL,
dịch theo Zenit và VIS ngày 4/5/2005, trừ phần dẫn nhập.