Bài 133 (Thứ Tư 11/5/2005)
Nhờ sợ Chúa mà không sợ sự dữ
(Ca Vịnh Khải Huyền 15:3-4 - Kinh Tối Thứ Sáu, Tuần Thứ Hai)
Trước 17 ngàn người dự buổi triều kiến chung vào Thứ Tư hằng tuần ngày 11/5/2005 tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐTC Biển Đức XVI tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Vịnh đã được ĐTC GPII dọn sẵn. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý:
“Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, những công cuộc của Chúa là những gì cao cả và diệu kỳ. Ôi vua các dân nước, đường lối của Chúa thì công minh và chân thật. Lạy Chúa, ai sẽ không kính sợ Chúa hay không tôn vinh danh Chúa đây? Vì chỉ một mình Chúa là thánh. Tất cả mọi dân nước đều đến tôn bái trước tôn nhan Ngài, vì Ngài đã thể hiện những việc công minh của Ngài” (Rev 15:3-4).
1. Bài ca vịnh chúng ta giờ đây chúng ta suy niệm, nhìn tổng quát thì ngắn ngủi và long trọng, sâu sắc và uy nghi, chúng ta sử dụng như một bài thánh ca chúc tụng dâng lên “Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng” (Rev 15:3). Đây là một trong nhiểu bài nguyện cầu trong Sách Khải Huyền, cuốn sách của sự phán quyết, của ơn cứu độ, nhất là của niềm hy vọng.
Thật vậy, lịch sử không hoàn toàn ở trong tay của những quyền lực tăm tối, của may rủi hay của việc quyết định của con người. Vị Chúa tể đóng vai tài phán các biến cố lịch sử xuất hiện khống chế cuộc xổ lồng của các quyền lực sự dữ, cuộc bừng dậy dữ dội của Satan, và tình trạng khẩn cấp của rất nhiều tai ương hoạn nạn. Người khôn ngoan dẫn lịch sử hướng về rạng đông của một vùng trời mới đất mới, một vùng trời được ca tụng ở phần cuối cùng của cuốn sách này, qua hình ành của một tân Giêrusalem (x Rev 21-22).
Những ai ngâm nga bài ca vịnh chúng ta giờ đây đang suy niệm là thành phần công chính của lịch sử, thành phần chiến thắng con mãnh thú của Satan, thành phần, qua cuộc hiển nhiên thảm bại nơi việc tử đạo, thực sự là thành phần xây dựng một tân thế giới theo như Thiên Chúa là vị kiến trúc sư tối hậu.
2. Họ bắt đầu bằng việc tôn tụng những việc “cao cả và diệu kỳ” cũng như những đường lối “công minh và chân thật” của Chúa (x Rev 15:3). Lời lẽ này là những gì mang đặc tính của cuộc dân Do Thái xuất hành thoát cảnh làm tôi cho người Ai Cập. Bài ca vịnh đầu tiên của Moisen, bài ca vịnh được vang lên sau cuộc vượt qua Biển Đỏ, là bài ca vịnh chúc tụng Vị Chúa “tiếng tăm lừng lẫy, Đấng thực hiện những kỳ công” (Ex 15:11). Bài ca vịnh thứ hai, bài được đề cập đến trong Sách Nhị Luật vào lúc cuối đời của vị đại luật gia này, khẳng định rằng “công việc của Ngài vô tì vết biết bao, tất cả mọi đường nẻo của Ngài chính đáng dường nào!” (Deut 32:4).
Bởi thế, cần phải tái xác nhận rằng Thiên Chúa không dửng dưng trước những biến cố của con người, song thấu triệt chúng bằng cách hiện thực những “đường lối” của Ngài, tức là những dự án của Ngài và những “việc làm” hiệu năng của Ngài.
3. Theo bài thánh ca của chúng ta thì việc can thiệp thần linh có một mục đích rất đặc biệt: đó là dấu hiệu mời gọi tất cả mọi dân tộc trên mặt đất này hãy hoán cải. Các quốc gia cần phải biết “đọc” thấy nơi lịch sử sứ điệp của Thiên Chúa. Lịch sử của nhân loại không phải là một thứ lịch sử mù mờ chẳng có nghĩa lý gì, cũng không phải là thứ lịch sử bị cưỡng ép phó mặc cho hoạt động phi pháp của thành phần ngông cuồng bại hoại. Có thể nhận ra hoạt động thần linh trong lịch sử. Theo hiến chế về mục vụ “Vui Mừng và Hy Vọng – Gaudium et Spes”, Công Đồng Chung Vaticanô II cũng mời gọi tín hữu hãy thấu triệt, trong ánh sáng Phúc Âm, những dấu chỉ thời đại để thấy nơi những dấu chỉ này việc bộc lộ của chính hoạt động Chúa làm (x khoản số 4 và 11).
Thái độ này của đức tin giúp con người nhận biết quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử, nhờ đó hướng họ về sự kính sợ thánh danh Chúa. Thật thế, theo ngôn ngữ Thánh Kinh thì “niềm kính sợ” này không trùng nghĩa với nỗi kinh sợ mà là việc nhìn nhận mầu nhiệm siêu việt tính thần linh. Vì thế mà nó là cơ bản của đức tin và liên kết với yêu thương: “Chúa là Thiên Chúa của các người không đòi hỏi các người điều gì khác ngoài việc kính sợ Chúa là Thiên Chúa của các người, bước đi theo mọi nẻo đường của Ngài, mến yêu Ngài, phụng sự Chúa là Thiên Chúa của các người hết lòng và hết linh hồn của các người” (x Deut 10:12).
Theo chiều hướng ấy mà trong bài thánh ca ngắn ngủi của chúng ta được trích từ Sách Khải Huyền đây, niềm kính sợ và việc tôn vinh mới liên kết với nhau: “Lạy Chúa, ai là kẻ kính sợ Chúa hay tôn vinh danh Ngài đây?” (15:4). Nhờ niềm kính sợ Chúa con người ta mới không sợ sự dữ tung hoành trong lịch sử và mới mạnh mẽ bắt đầu lại cuộc hành trình cuộc sống, như tiên tri Isaia đã công bố: “Hãy kiên cường những bàn tay rã rời, hãy làm cho vững mạnh những đầu gối mỏi mòn, hãy nói với những ai tâm can đang run hãi rằng mạnh bạo lên, đừng sợ!” (Is 35:3-4).
4. Bài thánh ca này được kết thúc bằng một niềm trông mong về một đoàn rước dân chúng đến trước nhan Vị Chúa Tể của lịch sử, Đấng tỏ mình ra qua các “hành động chính trực” của Ngài (x Rev 15:4). Họ sẽ phục mình tôn thờ Ngài. Và Vị Chúa và là cứu thế duy nhất dường như muốn lập lại cùng họ những lời đã được Ngài nói vào đêm cuối cùng cuộc sống trần gian của mình là “hãy can đảm lên, Thày đã chiến thắng thế gian” (Jn 16:33).
Chúng ta muốn kết thúc bài suy niệm ngắn ngủi của chúng ta về bài ca vịnh con chiên thắng trận này (Rev 15:3), bài ca vịnh được ngân nga bởi thành phần công chính trong Khải Huyền, bằng một bài thánh ca cổ về ban chiều, tức là bài nguyện cầu ban tối được Thánh Basiliô thành Caesarea thuộc lòng: “Khi mặt trời lặn, thấy ánh sáng của đêm tối, chúng ta hãy hát khen Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần của Thiên Chúa. Chúa đáng chúc tụng mọi lúc bởi những thánh âm, Lạy Con Thiên Chúa, Chúa là Đấng ban sự sống. Bởi thế mà thế giới tôn vinh Chúa” (S. Pricoco and M. Simonetti, "La Preghiera dei Cristiani," [The Prayer of Christians], Milan, 2000, p. 97).
Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô,
Hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em về bài ca vịnh trong đoạn 15 của Sách Khải Huyền. Nó là một bài ca loan báo cuộc chiến thắng của Chúa Kitô, con chiên đã bị sát tế vì phần rỗi của chúng ta. Ngôn từ của bài thánh ca này nhắc nhở chúng ta về bài hát được Moisen và dân Do Thái hát sau khi họ được giải thoát khỏi cảnh làm tôi ở Ai Cập.
Bài ca vịnh này chúc tụng công việc cứu độ của Thiên Chúa, một công cuộc bao trùm tất cả mọi dân tộc trên trái đất này. Nó mời gọi tất cả mọi dân nước hãy đến tôn thờ “Vị Chúa là Thiên Chúa toàn năng” cùng kính sợ và tôn vinh thánh danh của Ngài.
Chúng ta hãy tham dự vào cuộc kiệu rước linh đình này của tất cả mọi dân nước để “đến thờ lạy” Chúa. Chúng ta hãy phủ phục trước Con Chiến thắng trận của Thiên Chúa và hãy lắng nghe Người lập lại với chúng ta lời Người nói vào đêm trước khi Người chịu chết, đó là “Các con hãy can đảm lên, vì Thày đã chiến thắng thế gian” (Jn 16:33).
Vào cuối Buổi Triều Kiến Chung tuần này, ĐTC đã nhắc nhở thế này: “Ngày mốt sẽ là lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria Fatima. Anh chị em thân mến, tôi kêu gọi anh chị em hãy luôn tin tưởng hướng về Đức Trinh Nữ, hãy dâng cho Người từng nhu cầu của anh chị em”.
Màn trào phúng tin tức Canal Plus đã trình chiếu cảnh “Les Guignols de l’Info” (Những Anh Hề Tin Tức) bằng việc sử dụng những con nộm để nhạo cười những biến cố đang xẩy ra. Hôm 20/4, tức sau ngày đức tân giáo hoàng Biển Đức được bầu chọn, ngài đã bị màn hài hước này hí nhạo như là một “Adolf II” (Hitler đệ nhị).
Hội Đồng Thẩm Quyền Thính Thị CSA (Superior Audiovisual Council) hôm Thứ Tư 11/5/2005 đã nhận định rằng màn trình chiếu do Canal Plus thực hiện ấy đã vi phạm nguyên tắc “tôn trọng tính cách tế nhị về chính trị, văn hóa và tôn giáo quần chúng”, và đã cảnh cáo là cơ quan vi phạm này sẽ phải đối diện với một số tiền phạt lớn nếu tái phạm qui tắc ấy một lần nữa.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 11/5/2005