Bài 134 (Thứ Tư 18/5/2005)
“Chúc Tụng Danh Chúa”
(Thánh Vịnh 113 [112] - Kinh Tối Thứ Bảy, Tuần Thứ Hai)
Anh Chị Em thân mến,
Trước khi chúng ta bắt đầu dẫn giải ngắn gọc về bài Thánh Vịnh chúng ta vừa nghe,
tôi xin nhắc anh chị em là hôm nay là ngày sinh nhật của Đức Gioan Phaolô II
thân yêu của chúng ta. Ngài đáng lẽ ở vào tuổi 85, nhưng chúng ta tin rằng ngài
thấy chúng ta từ trời cao và ở với chúng ta. Nhân dịp này chúng ta muốn dâng lời
tạ ơn Chúa về tặng ân Người đã ban cho chúng ta vị Giáo Hoàng này, và chúng ta
cũng muốn ngỏ lời cám ơn đến chính vị Giáo Hoàng ấy về tất cả những gì ngài đã
làm và đã chịu đựng. (khi nghe ĐTC nói về ngày sinh nhật 85 tuổi của cố giáo
hoàng GPII như trên đây, 25 ngàn người tham dự buổi triều kiến chung này đã
nhiệt liệt vỗ tay).
1. Bài Thánh Vịnh 112 đã vang vọng tính cách giản dị và duyên dáng của mình,
những gì góp phần vào việc mang lại một loạt ít bài Thánh Vịnh từ 112 đến 117
vẫn được gọi là “the Egyptian Hallel”. Bài Thánh Vịnh này là bài alleluia, tức
là bài ca ngợi khen chúc tụng, bài ca chúc tụng việc giải phóng khỏi cảnh làm
tôi người Ai Cập cùng niềm vui của dân Do Thái trong việc phụng sự Chúa một cách
tự do ở Đất Hứa (x Ps 112[113]}.
Không phải là ngẫu nhiên mà truyền thống Do Thái đã liên kết loạt bài Thánh Vịnh
này với phụng vụ vượt qua đâu. Việc cử hành của biến cố ấy, theo những chiều
kích về lịch sử xã hội nhất là chiều kích thiêng liêng, được coi như dấu hiệu
của việc giải phóng khỏi sự dữ dưới muốn vàn hình thức tỏ hiện của nó.
Bài Thánh Vịnh 112 là một bài thánh ca ngắn, một bài thánh ca theo nguyên ngữ Do
Thái được làm nên bởi 6 chữ, tất cả đều thấm đậm những cảm quan tin tưởng, chúc
tụng và hân hoan.
2. Đoạn thứ nhất (x 1-3) là đoạn chúc tụng “danh Chúa”, một biểu hiệu mà theo
ngôn ngữ Thánh Kinh vốn ám chỉ về chính bản thân của chính Thiên Chúa, về việc
hiện diện sống động của Ngài trong lịch sử.
“Danh Chúa” được vang lên ba lần một cách hết sức thiết tha nơi tâm điểm của
việc cầu nguyện tôn thờ. Tất cả mọi hữu thể và hết mọi lúc – “từ khi mặt trời
mọc lên cho tới khi lặn xuống”, Thánh Vịnh gia viết (câu 3), đều được liên kết
với nhau nơi tác động tạ ơn duy nhất. Nó như thể một hơi thở liên tục từ đất bay
lên trời cao để tôn tụng Chúa là Đấng hóa công của vũ trụ và là vua của lịch sử.
3. Chính bằng tác động hướng về trời này mà bài Thánh Vịnh dẫn chúng ta đến mầu
nhiệm thần linh. Đoạn thứ hai (x 4-6) thực sự là đoạn chúc tụng siêu việt tính
của Chúa, một siêu việt tính được diễn tả bằng những hình ảnh hướng thượng vượt
trên chân trời thuần nhân. Bài Thánh Vịnh loan báo rằng: Chúa “Cao hơn mọi quốc
gia”, “ngự trên cao”, và không ai bằng Ngài; ngài thậm chí còn nhìn “xuống” các
tầng trời, vì “vinh quang của Ngài” là những gì “ở trên các tầng trời!” (câu 4).
Ánh mắt thần linh nhìn xuống toàn thể thực tại, trên các hữu thể trên trời dưới
đất. Tuy nhiên, cái nhìn của Ngài không phải là một cái nhìn kiêu kỳ và xa cách,
như cái nhìn của một vị hoàng đế lạnh lùng. Chúa, theo Thánh Vịng gia, là Đấng
nhìn “xuống” (câu 6).
4. Bởi thế, chúng ta tiến đến diễn tiến cuối cùng của bài Thánh Vịnh (x câu
7-9), một diễn tiến hướng chú ý của chúng ta từ trời cao đến chân trời trần thế
của chúng ta. Chúa hạ mình xuống quan tâm tới những cái nhỏ nhoi và bần cùng của
chúng ta, một tình trạng bắt chúng ta phải hãi sợ ẩn lánh mình đi. Ngài hướng
ánh mắt yêu thương của Ngài cùng với việc dấn thân thần hiệu của Ngài về thành
phần hèn mọn và khốn cùng nhất thế gian này: “Chúa nâng thành phần túng bần lên
khỏi bụi đất, thành phần nghèo nàn từ chỗ tro tàn” (câu 7).
Thiên Chúa cuí mình xuống trên thành phần túng bần và khổ đau để an ủi họ là như
thế đó. Và lời diễn đạt này đã đạt tới ý nghĩa tối hậu của nó, tới thực tại cao
cả nhất của nó vào giây phút Thiên Chúa cúi mình xuống cho tới chỗ hóa thành
nhục thể, trở thành một người như chúng ta, như một con người nghèo khổ trên thế
gian này. Người đã ban cho thành phần nghèo khổ được hưởng một vinh dự lớn lao
nhất, Người “đặt họ ngồi với bậc quân vương”; phải, “với những bậc quân vương
của dân chúng” (câu 8). Thiên Chúa đã ban vinh dự và niềm vui lớn lao được có
một số con cái cho người đàn bà cô đơn hiếm muộn bị xã hội cổ thời hạ nhục như
thể bà là một cánh cây khô héo vô dụng (câu 9). Bởi thế, Thánh Vịnh gia chúc
tụng một Vị Thiên Chúa, Đấng rất khác với chúng ta nơi sự cao cả của Người, song
đồng thời lại rất gần gũi với những tạo vật khổ đau của Người.
Thật dễ dàng trực giác thấy nơi những câu của Bài Thánh Vịnh 112 này hình ảnh
tiền thân về những lời của Mẹ Maria nơi bài “Ngợi Khen”, bài ca vịnh về con
người được Thiên Chúa chọn “coi mình thấp hèn và là nữ tỳ của Người”. Còn sâu xa
hơn cả bài Thánh Vịnh của chúng ta đây, Mẹ Maria đã công bố rằng Thiên Chúa “đã
hạ người thế lực xuống khỏi ngai tòa của họ, và đã nâng người hèn mọn lên” (x Lk
1:48,52; Ps 112:6-8).
5. Có một bài “Dạ Thánh Ca” đã được tồn tại trong “Các Hiến Bản của Chư Vị Tông
Đồ” (VII,48), đã tiếp tục và khai triển cái mở màn hân hoan nơi bài Thánh Vịnh
của chúng ta đây. Chúng ta nhắc lại bài này ở đây, vào cuối bài chia sẻ của
chúng ta, để làm sáng tỏ vấn đề Kitô hữu đọc lại về việc cộng đồng sơ khai cử
hành các bài Thánh Vịnh:
“Hỡi các con, hãy chúc tụng Chúa, hãy ngợi khen danh Chúa. Chúng tôi chúc tụng
Chúa, chúng tôi ngợi khen Chúa, chúng tôi tôn tụng Chúa vì vinh quang vô cùng
của Chúa. Chúa là vua, là Cha của Chúa Kitô con chiên vô tì tích, Đấng xóa tội
trần gian. Chúc tụng, ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa là Cha qua Chúa Kitô và
trong Chúa Thánh Thần, khi nay và muôn đời. Amen. (S. Pricoco and M. Simonetti,
"La Preghiera dei Cristiani," (The Prayer of Christians), Milan, 2000, p. 97).
Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô,
Bài chia sẻ hôm nay là bài chia sẻ về Thánh Vịnh 112. Bài thánh ca tuyệt vời này
là bài góp phần vào việc đưa đến một loạt Thánh Vịnh chúc mừng việc giải phóng
của dân Do Thái khỏi tình trạng làm nô lệ. Bài này cũng bày tỏ niềm vui họ cảm
thấy khi phụng sự Chúa nơi Đất Hứa.
Cụm từ “danh Chúa”, nghĩa là chính Chúa, được lập lại khắp bài Thánh Vịnh và trở
thành tâm điểm của lời nguyện cầu tôn tụng. Thật vậy, sự cao cả của Thiên Chúa
đòi chúng ta phải chúc tụng, tuy nhiên, “Đấng Tối Cao” không bao giờ ngừng chăm
sóc cho thành phần nghèo khổ và túng bần trên thế gian này. “Chúa nâng thành
phần túng bần lên khỏi bụi đất, thành phần nghèo nàn từ chỗ tro tàn” (Ps 112:7).
Đoạn cuối cùng của bài Thánh Vịnh này cho thấy trước những lời của Mẹ Maria
trong “Ca Vịnh Ngợi Khen”. Chúng ta hãy liên kết lời nguyện cầu của chúng ta với
của Mẹ khi chúng ta chúc tụng Thiên Chúa là Cha, để ca ngợi hiển vinh của Ngài,
nhờ Chúa Con và Thánh Thần, khi nay và cho đến muôn đời. Amen.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày
18/5/2005