Bài 135 (Thứ Tư 25/5/2005)

 

 

Thiên Chúa luôn gần gũi chúng ta

 

 

(Thánh Vịnh 115 [116] - Kinh Tối Thứ Bảy, Tuần Thứ Hai)


 

Thứ Tư 25/5/2005, trước 27 ngàn người ở Quảng Trường Thánh Phêrô, như thường lệ cho buổi triều kiến chung hằng tuần, ĐTC Biển Đức XVI lại tiếp tục loạt bài Giáo Lý về Giờ Kinh Phụng Vụ đã được ĐTC GPII soạn dọn. Bài giáo lý lần này là bài thứ 135 về Thánh Vịnh 115 (116) cho Giờ Kinh Tối Thứ Bảy, Tuần Lễ Thứ Hai (trong 4 tuần Phụng Vụ Kinh Thần Vụ).

1.     Bài Thánh Vịnh 115 (116) chúng ta vừa cầu nguyện, luôn được sử dụng theo truyền thống Kitô giáo, bắt đầu từ Thánh Phaolô, vị trích dẫn lời mở đầu, theo bản dịch 70 của Hy Lạp, đã viết cho Kitô hữu Côrintô là: “Bởi thế, vì chúng ta có cùng một tinh thần đức tin, theo những gì đã được viết, ‘tôi tin nên tôi mới nói’, chúng tôi cũng thế, chúng tôi tin nên chúng tôi mới nói” (2Cor 4:13).

Vị Tông Đồ này về tinh thần hợp với Thánh Vịnh gia, trong việc an tâm tin tưởng và thành tâm chứng thực, bất chấp những khổ đau và yếu hèn của con người. Viết cho Kitô hữu thành Rôma, Thánh Phaolô lấy câu 2 của bài Thánh Vịnh này để nói lên cái tương phản giữa việc Thiên Chúa trung thành và việc con người bất nhất: “Thiên Chúa phải là Đấng chân thực cho dù mọi người đều giả trá” (Rm 3:4).

Truyền thống sau đó đã biến bài ca này thành một cử hành mừng tử đạo (see Origen, "Exhortation to Martyrdom," 18: "Testi di Spiritualità," Milan, 1985, pp. 127-129), vì lời khẳng định “cái chết của những vị thánh nhân của Ngài là những gì cao quí” (Ps 115[116]:15), hay nó được thành văn từ Thánh Thể vì đề cập đến “chén cứu độ” được Thánh Vịnh gia dâng lên để kêu cầu danh Chúa (câu 13). Truyền thống Kitô giáo đồng hóa “chén cứu độ” này với “chén chúc tụng” (x 1Cor 10:16), “chén Tân Ước” (x 1Cor 11:25; Lk 22:20): những diễn tả được Tân Ước đặc biệt qui về Thánh Thể.

2.     Theo nguyên ngữ Do Thái thì bài Thánh Vịnh 115 (116) tạo nên một bài duy nhất được dẫn mở bằng bài Thánh Vịnh 114 (115). Cả hai bài này là một lời tạ ơn duy nhất dâng lên Chúa là Đấng giải thoát khỏi cơn ác mộng chết chóc.

Trong bài Thánh Vịnh của chúng ta đây chất chứa một hồi niệm về một quá khứ khổ sầu: Thánh Vịnh gia đã giơ cao ngọn lửa đức tin, ngay cả lúc trên môi miệng của ông thoát ra những lời đắng cay thất vọng và vô phúc (câu 10). Thật vậy, chung quanh ông là một bức màn đông lạnh hận thù và dối gian hiện lên, vì đồng bạn của ông đã cho ông thấy rằng ông sai lầm và bất trung (câu 11). Tuy nhiên, giờ đây, lời cầu nguyện đã được biến thành niềm tri ân vì Chúa đã giải thoát kẻ trung thành của Ngài khỏi cơn lốc tối tăm lầm lạc (câu 12).

Bởi thế, Thánh Vịnh gia sửa soạn để dâng một hiến tế tạ ơn, trong đó chén của nghi thức sẽ được uống, chén của rượu hiến thánh, dấu hiệu của việc nhìn nhận về một cuộc giải phóng (câu 13). Do đó, phụng vụ là nơi đặc biệt để dâng lời chúc tụng tạ ơn lên Vị Thiên Chúa Cứu Tinh.

3.     Thật vậy, ngoài nghi thức hy hiến, hoàn toàn liên quan tới cộng đoàn của “tất cả mọi dân tộc” là thành phần được Thánh Vịnh gia hứa quyết và làm chứng cho đức tin của ông (câu 14). Chính trong trường hợp này ông đã ngỏ lời cảm tạ quần chúng, ý thức rằng, ngay cả khi tử thần bất thình lình xuất hiện, Chúa cũng ưu ái cúi xuống trên ông. Thiên Chúa không dửng dưng lạnh lùng trước thảm kịch của tạo sinh, nhưng bẻ gẫy xiềng xích cho ông (câu 16).
Được cứu khỏi tay tử thần, Thánh Vịnh gia cảm thấy mình là “tôi tớ” của Chúa, là “con của nữ tỳ Ngài” (ibid), một diễn tả tuyệt vời của Đông phương về người được sinh ra từ nhà của ông chủ. Thánh Vịnh gia tuyên xưng một cách khiêm cung và hân hoan việc ông thuộc về nhà của Thiên Chúa, về gia đình tạo vật được liên kết với Ngài trong mến yêu và trung thành.


4.     Bao giờ cũng bằng những lời lẽ của một con người đang cầu nguyện, Bài Thánh Vịnh đã kết thúc bằng việc thực hiện một lần nữa nghi thức tạ ơn là những gì sẽ được cử hành trong khung cảnh đền thờ (câu 17-19). Nhờ đó lời cầu nguyện của ông sẽ được đặt ở giữa cộng đồng. Câu truyện tư riêng của ông được kể ra để nó có thể trở thành kích tố cho tất cả mọi người tin tưởng và mến yêu Chúa. Bởi thế, ở bối cảnh, chúng ta thấy toàn thể dân Chúa trong khi họ tạ ơn Vị Chúa của sự sống, Đấng không bỏ rơi kẻ công chính trong vùng tăm tối của khổ đau và sự chết, song dẫn họ tới hy vọng và sự sống.


5.     Chúng ta hãy kết thúc bài chia sẻ của chúng ta việc sử dụng những lời của Thánh Basiliô Cả, vị mà, trong Bài Giảng của mình về Thánh Vịnh 115 (116), nhận định về câu vấn đáp trong bài Thánh Vịnh: “Tôi biết lấy gì dâng cho Chúa để đền đáp tất cả những gì tốt lành Ngài đã làm cho tôi? Tôi sẽ nâng chén cứu độ. Thánh Vịnh gia đã hiểu chính những tặng ân dồi dào được Chúa ban, như từ hư không ông đã hiện hữu, ông được tạo nên từ cát bụi và được ban cho có lý trí… Đoạn ông nhận thấy công cuộc cứu độ được thực hiện vì loài người, nhìn nhận rằng Chúa đã ban mình để cứu chuộc tất cả chúng ta; và trong việc tìm kiếm qua tất cả những gì thuộc về mình, ông cũng không thấy được tặng vật nào ông có thể tìm thấy xứng đáng với Chúa. Bởi thế, tôi sẽ lấy gì dâng cho Chúa? Không phải là các hy tế hay lễ toàn thiêu … mà là tất cả đời sống của tôi. Đó là lý do ông nói: ‘Tôi sẽ nâng chén cứu độ’, khi gọi ‘chén’ này là cuộc khổ đau trong cuộc chiến thiêng liêng, là việc chống lại tội lỗi cho tới chết. Hơn nữa, nó là những gì được Vị Cứu Thế của chúng ta dạy trong Phúc Âm: ‘Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin hãy cất chén này cho Con’; và khi Người nói cùng các môn đệ rằng: ‘Các con có thể uống chén Thày sẽ uống chăng?’ là Người có ý nói một cách rõ ràng đến cái chết Người chấp nhận vì phần rỗi của thế gian” (PG XXX, 109).

Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh 115 là lời cầu nguyện tạ ơn Chúa là Đấng trung thành nâng đỡ Thánh Vịnh gia trong những lúc gian nan khốn khó. Nó bắt đầu như một lời nguyên riêng tư nhưng phát triển thành một tác động phượng thờ công khai. Thánh Vịnh gia thấy mình ở trong đền thờ, trước dân chúng, hiến dâng hy tế tạ ơn và nâng “chén cứu độ”. Truyền thống Kitô giáo của chúng ta nhận thấy nơi bài Thánh Vịnh này lời mời gọi tin tưởng vào Chúa là Đấng không bao giờ bỏ rơi các tôi trung của Ngài. “Chén cứu độ”, một hình ảnh gợi lên cả Thánh Thể lẫn Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, kêu gọi mỗi người chúng ta hãy can đảm dấn thân vào cuộc chiến đấu thiêng liêng hằng ngày của chúng ta.
....
Ngày mai là Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, tôi sẽ chủ tế Thánh Lễ vào lúc 7 giờ tối ở quảng trường Đền Thờ Gioan Latêranô. Sau đó là cuộc Kiệu Thánh Thể theo truyền thống đến Đền Thờ Đức Bà Cả. Tôi thân ái mời tất cả anh chị em hãy tham dự vào cuộc cử hành này để cùng nhau chúng ta làm chứng cho đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 25/5/2005