Bài 137 (Thứ Tư 8/6/2005)

 

 

“Hãy kính sợ chiêm ngưỡng Thánh Danh Thiên Chúa” 

 

 

(Thánh Vịnh 110 [111] - Kinh Tối Chúa Nhật, Tuần Thứ Ba)


 

1.         Hôm nay chúng ta cảm thấy gió mạnh thổi. Gió theo Thánh Kinh là biểu hiệu cho Thánh Linh. Chúng ta hy vọng rằng Thánh Linh sẽ soi động cho chúng ta lúc này đây để suy niệm về bài Thánh Vịnh 110 (111) chúng ta vừa nghe. Nơi bài Thánh Vịnh này chúng ta thấy được một bài thánh ca chúc tụng và tạ ơn Chúa về nhiều ân phúc của Ngài, những ân phúc liên quan tới các ưu phẩm và hoạt động cứu độ của Ngài. Những ưu phẩm được đề cập tới ở đây là “xót thương”, “khoan dung”, “chính trực”, “quyền uy”, “chân thực”, “thanh liêm”, “trung thành”, “ước thệ”, “hoạt động”, “kỳ công”, kể cả “lương thực” Ngài ban, và sau hết là “danh hiệu” vinh hiển của Ngài, tức là bản thân của Ngài. Bởi thế, cầu nguyện là chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thiên Chúa và các kỳ công Ngài thực hiện trong lịch sử cứu độ.

 

2.         Bài Thánh Vịnh bắt đầu bằng lời tạ ơn được dâng lên chẳng những từ tâm hồn của Thánh Vịnh gia mà còn từ toàn thể cộng đồng phụng vụ nữa (câu 1). Đối tượng của lời cầu nguyện này, một lời nguyện cầu bao gồm cả lễ nghi tạ ơn, được bày tỏ bằng lời “các công cuộc’ (câu 2,3,6,7). Các công cuộc đây nói lên cho thấy những việc can thiệp cứu độ của Chúa, việc biểu lộ “đức công chính” của Ngài (câu 3), từ ngữ theo ngôn từ Thánh Kinh trước hết có nghĩa là tình yêu phát sinh ơn cứu độ.

 

Bởi thế, tâm điểm của bài Thánh Vịnh này được biến thành một bài thánh ca về giao ước (câu 4-9), về mối liên hệ thân tình nối kết Thiên Chúa với dân của Ngài và bao gồm một loạt những thái độ cùng cử chỉ. Được kể đến là “xót thương và bao dung” (câu 4), hợp với cuộc đại công bố ở Núi Sinai: “Chúa là Chúa, một Thiên Chúa xót thương và bao dung, chậm bất bình và giầu yêu thương và trung tín” (Ex 34:6).

 

“Xót thương” là ân sủng thần linh bao trùm và biến đổi tín hữu, trong khi “bao dung”, theo nguyên ngữ Do Thái, được diễn tả bằng một từ ngữ đặc biệt ám chỉ “nội tạng” mẫu tử của Chúa, thậm chí còn xót thương hơn cả tình mẫu tử của một người mẹ nữa (x Is 49:15).

 

3.         Mối liên hệ yêu thương này bao gồm việc ban phát lương thực căn bản, và bởi đó ban phát sự sống (câu 5), một sự sống mà, theo ý nghĩa Kitô giáo, được đồng hóa với Thánh Thể, như Thánh Giêrônimô nói: “Người đã ban bánh từ trời làm lương thực: nếu chúng ta xứng đáng, hãy ăn bánh này!” ("Breviarium in Psalmos," 110: PL XXVI, 1238-1239).

 

Bởi vậy có một tặng ân bởi đất, đó là “lãnh thổ của các quốc gia” (câu 6), một mảnh đất gợi lên đại biến cố Xuất Hành, khi Chúa tỏ mình ra như là Vị Thiên Chúa giải phóng. Thế nên, tổng luận của bài ca này được thể hiện nơi đề tài về giáo ước đặc biệt giữa Chúa và dân Ngài, như câu 9 nói một cách súc tích như sau: “(Ngài) giữ giao ước của Ngài đến muôn đời”.

 

4.         Bài Thánh Vịnh 110 (111) được kết thúc ở đoạn cuối bằng việc chiêm ngưỡng dung nhan thần linh, chiêm ngưỡng bản thân Chúa, một bản thân được thể hiện qua thánh danh siêu việt của Ngài. Thế rồi, trích một câu nói khôn ngoan (xem Cách Ngôn 1:7; 9:10; 15:33), Thánh Vịnh gia kêu mời tín hữu hãy vun trồng “đức kính sợ Chúa” (Ps 110[111]: 10) là khởi đầu của sự khôn ngoan. Kính sợ và kinh sợ là những gì không được che đậy bởi từ ngữ ấy, song là việc thiết tha chân thành tôn kính, hoa trái của yêu thương, của việc thực sự chủ động gắn bó với Vị Thiên Chúa giải thoát. Và, nếu lời đầu tiên của bài ca này là tạ ơn thì lời cuối cùng là chúc tụng: Vì đức công minh cứu độ của Chúa “bền vững đến muôn đời” (câu 3) mà lòng tri ân của Thánh Vịnh gia bất tận, nó được vang vọng ở lời nguyện cầu “muôn đời” (câu 10).

 

Tóm lại, Bài Thánh Vịnh này mời gọi chúng ta cuối cùng hãy khám phá ra những điều tốt lành Chúa ban cho chúng ta hằng ngày. Chúng ta thấy được một cách dễ dàng hơn những khía cạnh tiêu cực nơi cuộc sống của chúng ta. Bài Thánh Vịnh này kêu gọi hãy nhìn thấy những khía cạnh tích cực nữa, những tặng ân chúng ta nhận được, nhờ đó tỏ lòng tri ân cảm tạ, vì chỉ có con tim biết ơn mới có thể xứng đáng cử hành phụng vụ tạ ơn là Thánh Thể mà thôi.

 

5.         Phần kết thúc bài chia sẻ của chúng ta đây, chúng ta muốn suy niệm, theo truyền thống của Giáo Hội trong những thế kỷ đầu, về câu cuối cùng với lời công bố nổi tiếng được lập lại ở nơi khác tgrong Thánh Kinh (x Cách Ngôn 1:7): “Lòng kính sợ Chúa là bắt đầu đức khôn ngoan” (Ps 110[111]:10).


Nhà văn Kitô giáo Barsanuphius ở Gaza (hoạt động ở tiền bán thế kỷ thứ 6) đã dẫn giải câu này như sau: “Bắt đầu đức khôn ngoan là gì nếu không phải là xa tránh tất cả những gì Thiên Chúa không ưa thích? Và người ta làm thế nào để xa lánh nếu không phải bằng cách không làm gì mà trước hết không bàn hỏi, hay không nói điều gì mà không nên nói, hay coi mình là điên khùng, khờ dại, đáng khinh và bất xứng?” ("Epistolario," 234: "Collana di Testi Patristici" [Collection of Patristic Texts], XCIII, Rome, 1991, pp. 265-266).

 

John Cassian (vị sống giữa thế kỷ thứ 4 và 5) lại thích đặc biệt nói rằng “có một sự khác biệt cả thể giữa tình yêu, một tình yêu không thiếu gì và một tình yêu là kho tàng của đức khôn ngoan và kiến thức, với tình yêu bất toàn, được gọi là “khởi đầu của đức khôn ngoan”; tình yêu bất toàn, chất chứa ý nghĩ trừng phạt, được loại trừ khỏi tâm can của thành phần trọn lành trong việc tiến đến tình yêu trọn vẹn” ("Conferenze ai Monaci" [Conferences to Monks], 2,11,13: "Collana di Testi Patristici," CLVI, Rome, 2000, p. 29). Như thế, trong cuộc hành trình của đời sống chúng ta tiến đến với Chúa Kitô, nỗi sợ hãi của thành phần tôi tớ từ thuở ban đầu được thay thế bởi đức kính sợ toàn hảo là yêu thương, tặng ân của Thánh Linh.

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Bài suy niệm của chúng ta hôm nay tập trung vào bài Thánh Vịnh 110, một bài thánh ca chúc tụng và tạ ơn chiêm ngưỡng mầu nhiệm Thiên Chúa cùng với các kỳ công cứu độ của Ngài. Những tác động cứu độ này của Chúa bộc lộ đức công chính, lòng xót thương và tình yêu thương là những gì làm nên giao ước thân tình và trường vĩnh Ngài đã thiết lập với dân của Ngài.

 

Thánh Vịnh gia kêu gọi chúng ta hãy đáp lại giao ước này bằng việc chiêm ngưỡng thánh danh của Thiên Chúa bằng lòng kính sợ là khởi đầu của đức khôn ngoan. Chữ kính sợ không có nghĩa là kinh sợ, mà là chân thành kính trọng Chúa và thành thực tuân theo đường lối của Thiên Chúa. Cả chúng ta nữa, hãy hướng lòng chúng ta về Chúa trong tạ ơn và chúc tụng!

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày
8/6/2005