Bài 138 (Thứ Tư 15/6/2005)

 

 

Hướng Mắt về Chúa với niềm hy vọng được ngài yêu thương đáp ứng 

 

 

(Thánh Vịnh 122[123] - Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Ba)


 

Anh Chị Em thân mến:

 

Đáng thương thay anh chị em phải chịu mưa gió. Hy vọng rằng thời tiết sẽ khá hơn

 

1.         Chúa Giêsu đã khẳng định rất chính xác rằng con mắt là biểu hiệu tỏ tường cho con người sâu xa nhất, một gương soi tâm hồn (x Mt 6:22-23). Phải, Thánh Vịnh 122 (123) vừa được công bố cho thấy một trao đổi ánh mắt, đó là tín hữu hướng mắt lên Chúa và chờ đợi phản ứng thần linh, để thấy được một cử chỉ yêu thương, một cái nhìn ưu ái.

 

Không phải là hiếm thấy vị Thánh Vịnh gia nói về ánh mắt của Đấng Tối Cao, Đấng “từ trời nhìn xuống con cái loài người để thấy có ai tác hành khôn ngoan trong việc tìm kiếm Thiên Chúa” (Ps 13[14]:2). Bài Thánh Vịnh chúng ta vừa nghe đã sử dụng một hình ảnh, hình ảnh của người nô lệ và tỳ nữ hướng về chủ nhân ông của mình mong được Ngài đi đến quyết định phóng thích.

 

Mặc dù cảnh tượng này liên hệ với thế giới cổ thời cũng như với cấu trúc xã hội của thời ấy, ý tưởng này vẫn là những gì rõ ràng và quan trọng, ở chỗ, hình ảnh từ thế giới cổ Đông Phương này được sử dụng để phấn khích việc gắn bó của thành phần nghèo khổ, niềm hy vọng của thành phần bị đàn áp, và tính cách sẵn sàng của thành phần công chính đối với Chúa.

 

2.         Thánh Vịnh gia đợi chờ Thiên Chúa nhúng tay vào, theo đức công minh, hủy diệt đi sự dữ. Vì lý do ấy, thường trong Sách Thánh Vịnh con người cầu nguyện hướng mắt đầy hy vọng về Chúa: “Mắt con hằng hướng về Chúa, vì Ngài sẽ giữ chân tôi khỏi cạm bẫy” (Ps 24[25]:15), trong khi “mắt tôi mờ đi bởi trông đợi Chúa tôi” (Ps 68[69]:4).

 

Bài Thánh Vịnh 122[123] là một lời van xin được kệt hiệp giữa tiếng của một con người trung thành với tiếng của toàn thể cộng đồng: Thật vậy, bài Thánh Vịnh này đi từ ngôi thứ nhất đơn độc – “Tôi hướng mắt của mình” – đến số nhiều “ánh của chúng tôi” và “thương xót chúng tôi” (x các câu 1-3). Niềm hy vọng này là ở chỗ mong Chúa mở tay tuôn xuống tặng ân công lý và tự do. Con người công chính mong đợi ánh mắt của Thiên Chúa tỏ ra với tất cả những gì là dịu dàng và thiện hảo, như người ta đọc thấy trong lời chúc phúc cổ của Sách Dân Số: “Chúa chiếu tỏ dung nhan Ngài trước các người, và khoan nhân độ lượng với các người: Chúa hướng dung nhan Ngài trên các người và ban cho các người bình an” (6:25-26).

 

3.         Tầm quan trọng nơi ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa được tỏ hiện trong phần thứ hai của bài Thánh Vịnh, phần được đánh dấu bằng lời kêu cầu: “Ôi Chúa, xin thương xót chúng tôi, xin xót thương chúng tôi” (Ps 122[123]:3). Nó là những gì tiếp nối với đoạn kết của phần thứ nhất, nơi cho thấy niềm mong đợi tin tưởng: “ánh mắt của chúng tôi hướng về Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi, cho đến khi Ngài xót thương chúng tôi” (câu 2).

 

Thành phần tín hữu cần được Chúa nhúng tay vào can thiệp, vì họ ở trong tình trạng đớn đau, bị thành phần ngạo mạn khinh bỉ và chế nhạo. Hình ảnh được Thánh Vịnh gia giờ đây sử dụng là hình ảnh mãn nguyện: “Chúng tôi bị khinh miệt quá đủ rồi. Linh hồn chúng tôi từ lâu đã no đầy những miệt thị bởi các kẻ thoải mái, đầy những khinh khi bởi các kẻ ngạo mạn” (câu 3-4).

 

Tình trạng no thỏa lương thực và tháng năm, theo truyền thống thánh kinh, được coi là dấu hiệu của phúc lành thần linh, giờ đây bị đảo lại thành một thứ no thỏa bất khả chấp nhận là gánh nặng quá độ của những thứ nhục nhã. Chúng ta biết rằng ngày nay nhiều quốc gia, nhiều cá nhân mang đầy những thứ lo âu; họ cũng no đầy những thứ âu lo của thành phần thỏa mãn, đầy những miệt thị của thành phần ngạo mạn. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và hãy giúp những người an hem bị hạ nhục này của chúng ta.

 

Đó là lý do thành phần công chính đã ký thác mình cho Chúa, và Ngài không lạnh lùng dửng dưng trước những con mắt van xin ấy, Ngài không coi thường lời kêu cầu của họ và của chúng ta, cũng không làm cho niềm hy vọng của họ bị chán chường. 

 

4.         Để kết thúc, chúng ta hãy nhường lời cho Thánh Ambrôsiô, vị đại TGM thành Milan, vị mà, với tinh thần của Thánh Vịnh gia, đã vang lên một cách nhịp nhàng hoạt động của Thiên Chúa được đạt thành nơi Chúa Giêsu Cứu Thế: “Chúa Kitô là tất cả mọi sự đối với chúng ta. Nếu bạn muốn được chữa lành thương tích thì Ngài là vị y sĩ; nếu bạn nóng sốt thì Ngài là nguồn suối; nếu bạn bị lỗi lầm đè nén thì Ngài công lý; nếu bạn cần được giúp đỡ, thì Ngài là sức mạnh; nếu bạn sợ chết thì Ngài là sự sống; nếu bạn muốn thiên đàng thì Ngài là đường lối; nếu bạn thoát khỏi bóng tối thì Ngài là ánh sáng; nếu bạn tìm kiếm lương thực thì Ngài là dưỡng chất” ("La Verginità" [Virginity], 99: SAEMO, XIV/2, Milan-Rome, 1989, p. 81).

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Việc suy niệm của chúng ta hôm nay tập trung vào bài Thánh Vịnh 122, bài Thánh Vịnh nói về niềm mong ước của tín hữu muốn hướng mắt về Chúa với niềm hy vọng được ưu ái đáp ứng. Hình ảnh của một kẻ nô lệ tìm kiếm tự do cho thấy niềm mong đợi được Thiên Chúa tuôn đổ các tặng ân công lý và tự do của Ngài. Thật vậy, toàn thể cộng đồng tin tưởng đợi trông ánh mắt trìu mến và xót thương của Chúa. 

 

Phần thứ hai của bài Thánh Vịnh là lời van xin Chúa xót thương: “Xin xót thương chúng tôi, lạy Chúa, xin thương xót chúng tôi”. Thành phần tín hữu có thể phải chịu khinh bỉ và coi thường bởi tay thành phần giầu có và ngạo mạn, thành phần không biết kính sợ Chúa, phạm đến các quyền lợi của kẻ hèn yếu và chà đạp kẻ nghèo khổ. Thế nhưng, thành phần công chính ký thác nỗi khốn khổ của mình cho Chúa là Đấng không lạnh lùng dửng dưng trước ánh mắt van xin của họ, Đấng không coi thường lời van xin của họ, Đấng không làm lỡ làng niềm hy vọng của họ. 

 

Để kết thúc, chúng ta hãy nhắc lại giáo huấn của vị đại Thánh Ambrôsiô, người đã nói rằng Chúa Kitô là mọi sự cho chúng ta: công lý, sức mạnh, sự sống và ánh sáng!

 

Sau khi kết thúc buổi triều kiến chung cho 30 ngàn người ở Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐTC đã nhận điện thoại từ một người ngồi trong xe lăn xin ngài nói chuyện với một nữ tu bị bệnh gần chết. Ngồi ở ghế của mình, ĐTC đã sử dụng điện thoại lưu động để nói vài lời khích lệ người nữ tu này. Các nhiếp ảnh gia đã chụp được bức hình lịch sử chưa từng thấy này của một vị giáo hoàng.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo điện thư VIS của Tòa Thánh ngày 15/6/2005