Bài 139 (Thứ Tư 22/6/2005)
Chúa canh chừng và cứu người công chính
(Thánh Vịnh 123 [124] - Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Ba)
1- Chúng ta đang có trước mắt chúng ta bài Thánh Vịnh 123 (124), một ca vịnh tạ ơn được toàn thể cộng đồng cầu nguyện xướng lên, một cộng đồng dâng lời chúc tụng Thiên Chúa về tặng ân giải thoát. Mở đầu, bài Thánh Vịnh này lên tiếng kêu mời: “Hãy nói hỡi Yến Duyên” (câu 1), phấn khích tất cả mọi người hãy dâng lời tạ ơn sống động và chân thành lên Thiên Chúa Đấng Cứu Độ. Nếu Chúa không ở với thành phần nạn nhân thì họ, với quyền lực hạn hẹp của mình, sẽ bất lực không thể giải thoát bản thân mình, và đối phương của họ, như những con quái vật, xâu xé họ ra thành từng mảnh.
Mặc dù người ta liên tưởng tới một biến cố lịch sử đặc biệt, như biến cố chấm dứt cuộc lưu đầy ở Babylon, nhưng có lẽ bài thánh vịnh này là một bài thánh ca thiết tha tạ ơn Chúa về việc chế ngự những hiểm nguy và về việc nài xin Ngài giải thoát khỏi tất cả mọi sự dữ.
2. Sau khi đề cập đến trước hết về một số “người” tấn công tín hữu và có thể “nuốt sống tín hữu” (câu 2-3), bài ca này được chia làm hai đoạn. Đoạn thứ nhất là những giòng nước cuồng loạn dâng lên, theo Thánh Kinh là biểu hiệu cho những xáo động tàn hại của sự dữ và sự chết: “Những giòng nước cuốn lấy chúng tôi, giòng thủy triều phủ lấp chúng tôi; những giòng nước xoáy nhận chìm chúng tôi” (câu 4-5). Thánh Vịnh gia bấy giờ cảm thấy như đang ở trên một cái vịnh, được cứu một cách lạ lùng khỏi cơn cuồng phong của biển cả.
Đời sống của con người bị vây phủ bởi những cuộc phục kích của thành phần gian ác là thành phần chẳng những tấn công sự sống của họ mà còn muốn hủy diệt đi tất cả mọi giá trị nhân bản nữa. Tuy nhiên, Chúa là Đấng can thiệp và trông chừng cùng cứu vớt người công chính, như được Thánh Vịnh 17(18) xướng lên: “Ngài từ cao cúi mình xuống giữ chặt lấy tôi; kéo tôi ra khỏi những giòng nước sâu mạnh. Ngài đã giải cứu tôi khỏi kẻ thù dũng mãnh và những địch thủ quá mãnh liệt đối với tôi… Chúa đến để đỡ nâng tôi. Ngài đã giải phóng tôi; đã cứu tôi vì Ngài thương yêu tôi” (câu 17-20).
3. Ở phần thứ hai nơi bài ca tạ ơn của chúng ta đây, chúng ta tiến từ hình ảnh biển khơi sang hình ảnh của một cảnh săn bắt, một cảnh thường thấy nơi nhiều bài Thánh Vịnh khẩn cầu (x Ps 123[124]: 6-8). Nó cho thấy một con mãnh thú đang ngậm mồi, hay một cạm bẫy của những kẻ bắt chim. Thế nhưng ân phúc được bài Thánh Vịnh diễn tả dẫn chúng ta đến chỗ hiểu rằng số phận của tín hữu, một số phận chết chóc, đã được thay đổi một cách sâu xa nhờ việc can thiệp cứu độ: “Chúc tụng Chúa, Đấng không để chúng tôi bị xâu xé bởi những chiếc răng nanh của chúng. Đời sống của chúng tôi thoát nạn như chim thoát lưới dò của người đánh bẫy; cái bẫy bị hư và chúng tôi thoát nạn” (câu 6-7).
Tới đây, lời cầu nguyện trở thành một cái thở phào nhẹ nhõm thoát ra từ đáy lòng của tâm hồn, ở chỗ, cho dù ngay cả khi tất cả mọi niềm hy vọng của con người bị hủy hoại, thì quyền năng giải thoát của Chúa vẫn có thể xuất hiện. Bài thánh vịnh này được kết thúc bằng việc tuyên xưng đức tin, một việc mà từ nhiều thế kỷ trước đây đã xuất hiện nơi phụng vụ Kitô Giáo như là một bản tóm tuyệt vời cho tất cả mọi lời cầu nguyện: “Adiutorium nostrum in nominee Domini, qui fecit caelum et terram – Sự nâng đỡ của chúng tôi ở nơi danh Chúa là Đấng tạo thành trời đất” (câu 8). Đấng Toàn Năng đã đặc biệt đứng về phía thành phần nạn nhân và thành phần bị bách hại, “những người ngày đêm kêu lên cùng Ngài”, và Ngài “sẽ minh oan cho họ cách mau chóng” (x Lk 18:7-8).
4. Thánh Âu Quốc Tinh đã nhận định khít khao về bài thánh vịnh này. Trước hết, ngài nhận định là bài thánh vịnh này được xướng lên một cách xứng hợp bởi “những phần tử của Chúa Kitô, Đấng đã đạt tới cõi phúc”. Đặc biệt là “nó được hát lên bởi những vị tử đạo, những vị sau khi rời bỏ trần gian này đang được hưởng phúc với Chúa Kitô, sẵn sàng nhận lại một cách bất hoại cùng thân xác trước kia bị hư hoại. Trong cuộc sống, các vị đã chịu cực hình nơi thân xác, thế nhưng trong chốn trường sinh những cực hình này sẽ được biến đổi thành những tô điểm cho đức công chính”.
Tuy nhiên, vị giám mục Hippo này cũng nói với chúng ta rằng chúng ta có thể hát bài thánh vịnh ấy bằng một niềm hy vọng. Ngài nói là cả chúng ta nữa, được sinh động bởi một niềm hy vọng vững chắc, sẽ hân hoan mừng hát. Những người hát lên bài thánh vịnh này không phải là những người xa lạ đối với chúng ta. Bởi thế, tất cả chúng ta hãy đồng lòng cất tiếng hát: cả chư vị thánh nhân là thành phần chiếm được triều thiên vinh hiển cũng như chúng ta là những người thiết tha liên kết bản thân với vinh quang của các vị. Chúng ta cùng nhau muốn rằng sự sống chúng ta đang có dưới thế này đây nhưng cũng là sự sống chúng ta sẽ không bao giờ có thể có nếu chúng ta trước hết không muốn có nó”.
Thế rồi thánh Âu Quốc Tinh trở về với quan điểm đầu tiên và giải thích rằng: “Các thánh nhân nhớ lại những đau khổ các ngài đã phải chịu, để rồi từ nơi diễm phúc và yên hàn các ngài nhìn lại con đường các ngài đã đi qua; rồi vì cảm thấy rằng mình khó có thể được giải thoát nều Đấng Cứu Thoát không nhúng tay vào cứu giúp họ, mà đầy hân hoan, các ngài kêu lên rằng: ‘nấu Chúa không ở với chúng tôi’. Bài ca của các ngài được bắt đầu như thế. Các ngài thậm chí không nói về những gì đã giải cứu các ngài bởi niềm vui của việc các ngài hân hoan hớn hở” ("Esposizione sul Salmo 123" [Commentary to Psalm 123], 3: "Nuova Biblioteca Agostiniana," XXVIII, Rome, 1977, p. 65).
Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô,
Hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em về bài Thánh Vịnh 123, một bài ca hân hoan và tạ ơn, vì Thiên Chúa đã cứu dân Ngài khỏi mọi sự dữ. Dù họ có bị đe dọa bởi các kẻ thù chống đối họ, bởi những giòng cuồng lưu hầu như nhận chìm họ hay bởi những con mãnh thú săn mồi, Chúa vẫn ở bên của họ. Ngài đã đến hỗ trợ họ và giải cứu họ khỏi hiểm nguy.
Chúng ta cũng có thể tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ đến cứu chúng ta, thậm chí vào lúc chẳng còn hy vọng nào hết. Bởi thế mà bài thánh vịnh kết thúc bằng lời tuyên xưng đức tin, “ơn phù trợ của chúng tôi ở nơi danh Chúa là Đấng tạo thành trời đất”.
Thánh Âu Quốc Tinh đã cống hiến hai lời dẫn giải cho bài thánh vịnh này. Bài thánh vịnh này có thể được nghĩ như là một bài ca của các vị tử đạo ở trên trời, hân hoan vì Thiên Chúa đã giải cứu các vị khỏi những khổ đau và tặng thưởng cho các vị triều thiên vinh hiển. Và bài thánh vịnh này có thể được nghĩ là bài hát của chúng ta, bài hát của Giáo Hội trên trần thế, bài hát diễn tả niềm hy vọng tin tưởng rằng bất cứ những khó khăn nào xẩy đến cho chúng ta thì Chúa đều ở bên chúng ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 22/6/2005