Bài 140 (Thứ Tư 6/7/2005)

 

 

“Từ đời đời chúng ta đã ở trước mắt Thiên Chúa”. 

 

 

(Ca Vịnh Eph 1:3-14 - Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Ba)


 

Anh Chị Em thân mến:

1.         Hôm nay chúng ta không nghe một bài Thánh Vịnh mà là một ca vịnh được trích từ Thư gửi giáo đoàn Êphêsô (x 1:3-14), một bài ca vịnh xuất hiện ở Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Tối vào mỗi 4 tuần lễ. Bài ca vịnh này là một bài cầu nguyện chúc tụng dâng lên Thiên Chúa là Cha. Theo diễn tiến, bài ca vịnh ấy diễn tả những giai đoạn khác nhau của dự án cứu độ được hiện thực nơi hành động của Chúa Kitô.

Ở tâm điểm của lời chúc tụng này vang vọng lời “mysterion” theo tiếng Hy Lạp, một từ ngữ thường liên hệ với những mệnh đề về mạc khải (“tỏ ra”, “nhận biết”, “bày tỏ”). Thật vậy, đây là một đại mật án được Cha giữ kín từ đời đời (x câu 9), và Ngài đã quyết định thực hiện dự án này và mạc khải “khi thời gian viên trọn” (x câu 10) nơi Chúa Giêsu Kitô, Con của Ngài.

Những giai đoạn của dự án này được nhắc đến trong bài ca vịnh nơi những hành động cứu độ của Thiên Chúa qua Chúa Kitô trong Thần Linh. Trước hết, Chúa Cha – hành động đầu tiên là – chọn chúng ta từ đời đời để chúng ta nên thánh hảo và vô trách cứ trong yêu thương (câu 4), đoạn Ngài tiền định cho chúng ta trở thành con cái của Ngài (câu 5-6), rồi Ngài cứu chuộc chúng ta và tha thứ tội lỗi cho chúng ta (câu 7-8), Ngài đã hoàn toàn tỏ cho chúng biết mầu nhiệm cứu độ trong Đức Kitô (x câu 9-10), sau hết, Ngài ban cho chúng ta gia sản đời đời (câu 11-12), khi cống hiến cho chúng ta nơi lời hứa ban Thánh Thần liên quan đến cuộc phục sinh sau hết (câu 13-14).

2.         Bởi thế, nhiều biến cố cứu độ theo nhau mở ra trong bài ca vịnh này. Chúng bao gồm ba Ngôi Vị của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh: bắt đầu là Chúa Cha, Đấng là vị khởi nguyên và là tác giả tối cao của dự án cứu độ; hướng mắt về Chúa Con là Đấng hiện thực dự án này trong lịch sử; đến Thánh Linh là Đấng in “dấu ấn” của mình trên toàn thể công cuộc cứu độ. Giờ đây chúng ta hãy chia sẻ chút xíu đến hai giai đoạn đầu, giai đoạn của sự thánh thiện và giai đoạn của tình con cái (x câu 4-6).

Cử chỉ thần linh đầu tiên, được mạc khải và hành động nơi Chúa Kitô, là việc tuyển chọn tín hữu, hoa trái của sáng kiến tự do và nhưng không của Thiên Chúa. Bởi thế, ngay từ ban đầu, “trước khi tạo thành thế giới” (câu 4), từ cõi vĩnh hằng của Thiên Chúa, ân sủng thần linh đã sẵn sàng hành động. Tôi cảm kích khi suy niệm về chân lý này, đó là từ đời đời chúng ta đã ở trước mắt của Thiên Chúa và Ngài đã quyết định cứu độ chúng ta. Lời kêu gọi này bao gồm “sự thánh hảo” của chúng ta – một từ ngữ cao cả. Thánh hảo là tham dự vào sự tinh tuyền siêu việt của Hữu Thể thần linh. Và chúng ta biết rằng Thiên Chúa là đức ái. Bởi thế, việc tham dự vào suư tinh tuyền thần linh nghĩa là tham dự vào “đức ái” của Thiên Chúa, hòa hợp chúng ta với Thiên Chúa là “đức ái”.

“Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8,16). Đây là một sự thật an ủi là cho chúng ta có thể hiểu được rằng “sự thánh hảo” không phải là một thực tại tách rời khỏi đời sống của chúng ta, trái lại, ở chỗ chúng ta có thể trở thành những con người yêu mến Thiên Chúa, chúng ta tham dự vào mầu nhiệm “thánh đức”. Như thế, đức ái trở thành thực tại thường nhật của chúng ta. Bởi vậy, chúng ta được dẫn đến chân trời linh thánh và sống động của chính Thiên Chúa.

3.         Từ đây chúng ta tiến đến giai đoạn khác, một giai đoạn cũng được biết đến trong dự án thần linh từ đời đời, đó là “việc tiền định” chúng ta làm con cái của Thiên Chúa. Chẳng những là loài người tạo sinh mà thực sự thuộc về Thiên Chúa như thành phần con cái của Ngài.

Thánh Phaolô đã tôn tụng ở những nơi khác (x Gal 4:5; Rm 8:15,23) thân phận cao quí được làm con cái Thiên Chúa là thân phận được bao hàm và xuất phát từ tình huynh đệ với Chúa Kitô, Người Con tuyệt vời, “trưởng tử giữa nhiều anh em” (Rm 8:29), cũng như từ mối thân tình với Cha trên trời, Đấng giờ đây được kêu cầu như Cha, Đấng chúng ta có thể gọi là “Cha yêu dấu”, với taât cả ý nghĩa thân tình với Thiên Chúa, trong một liên hệ hồn nhiên và yêu thương. Bởi thế, chúng ta đứng trước một tặng ân vĩ đại, một tặng ân được thể hiện bởi “sáng kiến” thần linh “tinh tuyền” cũng như bởi “ân sủng”, một biểu hiện rạng ngời của tình yêu cứu độ.

4.         Để kết luận, chúng ta hãy theo vị đại giám mục thành Milan là Thánh Ambrose, vị mà ở một trong những bức thư của mình đã nhận định về những lời của Tông Đồ Phaolô gửi tín hữu Êphêsô, chia sẻ chính xác về nội dung phong phú nơi bài ca vịnh Kitô học của chúng ta đây. Ngài trước hết nhấn mạnh đến ân sủng dồi dào Thiên Chúa đã biến chúng ta làm những người con cái thừa nhận của Ngài tronmg Chúa Giêsu Kitô. “Bởi thế, không cần phải đặt vấn đề là các chi thể đã được liên kết với đầu của mình, nhất là vì từ ban đầu chúng ta đã được tiền định thừa nhận làm con cái Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô” ("Lettera XVI ad Ireneo" [Letter XVI to Irenaeus] 4: SAEMO, XIX, Milan-Rome, 1988, p. 161).

Vị giám mục thánh đức thành Milan này tiếp tục những lời chia sẻ bằng nhận định: “Ai là giầu có, nếu không phải một mình Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng nên tất cả mọi sự?”. Rồi ngài kết luận: “Thế nhưng, Ngài còn giầu có hơn nhiều nơi tình thương của Ngài, vì Ngài đã cứu chuộc và biến đổi chúng ta, thành phần theo bản tính xác thịt tự nhiên, là con cái của cơn thịnh nộ và đáng bị trừng phạt, nhờ đó chúng ta trở thành con cái của an bình và đức ái” (No. 7: Ibid., p. 163).  

Anh Chị Em thân mến,

Hôm nay tôi xin chia sẻ với anh chị em về bài ca vịnh được trích từ Thư gừi tín hữu Êphêsô, trong đó, Thánh Phaolô nói về ân sủng được tuôn đổ trên chúng ta trong Đức Kitô. Thiên Chúa đã chọn chúng ta trong Con của Ngài, và làm cho chúng ta trở thành những đứa con thừa nhận của Ngài, nhờ đó, chúng ta có thể nên thánh hảo và vô trách cứ trước nhan Ngài.

Về phần mình, chúng ta hãy để ý tới những yếu tố ấy. Thiên Chúa tự ý chọn lựa chúng ta, Ngài đã tiền định chúng ta trước khi tạo dựng nên thế giới. Hành động ân sủng này là một tiếng gọi nên thánh, một tiếng gọi tham dự vào sự sống yêu thương của Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta được liên kết với Chúa Kitô, “trưởng tử của nhiều an hem”, chúng ta trở nên anh chị em của Chúa Kitô và là những người con thừa nhận của Cha. Như thế chúng ta được diễm hạnh kêu cầu Cha với danh xưng thân tình Cha Ơi.

Thánh Ambrose đã viết về việc tuôn đổ tuyệt vời ân sủng biến chúng ta thành những đứa con thừa nhận của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô. Ngài tỏ cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa thực sự giầu tình thương, vì Ngài đã biến đổi chúng ta từ thân phận tội lỗi của chúng ta thành con cái của an bình và yêu thương, thành phần đồng thừa tự với Chúa Kitô vinh quang của Vương Quốc thiên đình.


Sau buổi triều kiến chung hôm nay, ĐTC cũng gặp gỡ phái đoàn đồng hương Balan của Cố Giáo Hoàng GPII và xin phái đoàn này cầu nguyện cho tiến trình tôn phong của vị giáo hoàng người Balan này. Ngài đã bày tỏ niềm vui về “việc khai mở tuần vừa rồi tiến trình d0iều tra phong chân phước cho người Đầy Tớ Chúa là Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta. Tôi xin ủy thác cho việc nguyện cầu của anh chị em tiến trình tôn phong này”.

Mạng điện toán toàn cầu về việc tôn phonmg cho ĐGH GPII là www.JohnPaulIIBeatification.org tuần qua đã có tới 67 ngàn lần viếng thăm. Vị cáo thỉnh viên cũng cho biết ngài đã nhận được hằng trăm điện thư gửi cho ngài qua địa chỉ điện thư Postulazione.GiovanniPaoloII@VicariatusUrbis.org.

Cũng vào cuối buổi triều kiến chung hôm nay ĐTC đón mừng Ngọn Đuốc Hòa Bình Biển Đức ở Quảng Trường Thánh Phêrô và bày tỏ là cuộc hành trình của ngọn lửa này sẽ nhắc nhở Âu Châu về các giá trị Kitô giáo của nó.

Trong chuyến du hành năm thứ 30, cây đuốc này đã từ Moscow đến Rôma đêm Thứ Ba hôm trước. Ngọn đuốc này là biểu hiệu cho sứ điệp của Thánh Biển Đức ở Norcia về tình đoàn kết và tình huynh đệ.

Ngọn đuốc này đã được ĐGM Riccardo Fontana ở Spoleto-Norcia cùng phái đoàn hành hương đưa đến Vatican hôm nay. Chính ĐGH BĐXVI đã nói rằng ngọn đuốc ấy “đã ngừng lại ở Đức, ở đan viện Ottobeuren, cũng như ở Marktl am Inn, nơi tôi đã được sinh ra”.

Ngài đã nói thêm: “Là dấu biểu hiệu cho hòa bình, hôm nay ngọn đuốc này dừng lại trước các một của các vị tông đồ, rồi sẽ tiến về Norcia. Chớ gì việc làm gợi tưởng này phấn khởi việc quảng đại dấn thân hơn bao giờ hết cho việc làm chứng nhân đối với các giá trị Kitô giáo ở Âu Châu”.


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày
6/7/2005)