Bài 143 (Thứ Tư 17/8/2005)
“Cầu Nguyện là một Bài Ca Hy Vọng”
(Thánh Vịnh 125 [126] - Kinh Tối Thứ Ba, Tuần Thứ Ba)
1. Khi nghe những lời của bài Thánh Vịnh 125 (126), người ta có ấn tượng như thấy trước mắt cái biến cố đã được hát lên ở phần hai của Sách Tiên Tri Isaia, bài ca “tân xuất hành”. Đó là cuộc trở lại của dân Do Thái từ chốn lưu đầy Babylon về mảnh đất Cha Ông, theo sắc chỉ của Vua Ba Tư Cyrus năm 538 BC. Bấy giờ cảm nghiệm hân hoan được lập lại từ cuộc xuất hành đầu tiên, khi dân Do Thái được giải thoát khỏi cảnh làm tôi người Ai Cập.
Bài Thánh Vịnh này có một ý nghĩa đặc biệt khi nó được hát lên vào những ngày dân Do Thái cảm thấy bị đe dọa và sợ hãi vì họ lại bị thử thách. Thật vậy, bài Thánh Vịnh này bao gồm một lời nguyện cầu cho thành phần tù nhân trở về vào thời bấy giờ (x câu 4). Bởi thế bài Thánh Vịnh này trở thành một lời nguyện cầu của Dân Chúa trong hành trình lịch sử của họ, một hành trình đầy hiểm nguy và thử thách, nhưng bao giờ cũng hướng đến việc tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ và là Đấng Giải Phóng, Đấng nâng đỡ thành phần hèn yếu và bị đàn áp.
2. Bài
Thánh Vịnh này đem con người ta vào một bầu không khí hoan hỉ: Có tiếng cười,
vui mừng vì được giải phóng, có những bài ca hân hoan vang trên môi miệng (x câu
1-2).
Có một
phản ứng kép đối với quyền tự do được phục hồi này. Một đàng là các quốc gia dân
ngoại nhìn nhận sự cao cả của Vị Thiên Chúa của dân Do Thái: “Chúa đã thực hiện
những điều vĩ đại cho họ” (câu 2). Việc cứu độ của Dân Tuyển Chọn trở thành một
minh chứng sáng tỏ cho sự hiện diện hiệu năng và toàn năng của Thiên Chúa, Đấng
hiện diện và hoạt động trong lịch sử. Đàng khác, mục đích là để cho Dân Chúa
tuyên xưng đức tin của họ vào Chúa là Đấng cứu độ: “Chúa đã thực hiện những điều
cao cả cho chúng tôi” (câu 3).
3. Bấy giờ quá khứ mới hiện về, một quá khứ được sống lại bằng một sự
rùng mình sợ hãi và đắng cay. Chúng ta muốn chú ý tới hình ảnh nông nghiệp được
Thánh Vịnh gia sử dụng, đó là: “Những ai gieo trong nước mắt sẽ gặt trong hân
hoan!” (câu 5). Dưới sức nặng nề của công việc, có những lúc khuôn mặt của người
ta có hằn vệt nước mắt: Con người gieo vãi cách cực nhọc những gì có thể kết
thúc cách vô hiệu và thua bại. Thế nhưng khi có một mùa gặt phong phú và hân
hoan thì con người khám phá ra rằng sầu thương đã kết trái.
Trong câu
này của bài Thánh Vịnh chất chứa một bài học cao cả về mầu nhiệm sinh hoa kết
trái và sự sống nơi khổ đau. Đúng như Chúa Giêsu đã nói khi gần tới cuộc khổ nạn
và tử nạn của Người là: “Trừ khi hạt lúa miến rơi xuống đất chết đi, bằng không
nó vẫn là một hạt lúa miến; thế nhưng nếu nó chết đi, nó mới sinh nhiều hoa trái”
(Jn 12:24).
4. Chân
trời của bài Thánh Vịnh này như thế hướng về một mùa gặt hân hoan, tiêu biểu cho
niềm vui xuất phát từ tự do, an bình và thịnh vượng, là hoa trái của phúc lành
thần linh. Bởi thế, lời nguyện cầu này là một bài ca hy vọng, là những gì phải
sử dụng vào những lúc thử thách, sợ hãi, bị đe dọa bề ngoài và bị đàn áp bề
trong.
Thế nhưng
nó cũng
trở thành một lời kêu gọi chung chung nữa trong việc sống những tháng ngày của
con người và làm trọn những quyết định của họ bằng một bầu khí trung thành. Việc
kiên trì nơi điều thiện, cho dù bị hiểu lầm và chống đối, cuối cùng thì bao giờ
cũng dẫn tới ánh sáng, thành quả và an bình.
Đó là những gì Thánh Phaolô đã nhắc nhở tín hữu Galata rằng: “Kẻ nào gieo rắc cho thần trí sẽ gặt hái sự sống trường sinh bởi thần trí. Chúng ta đừng mệt mỏi hành thiện, vì đến thời của nó chúng ta sẽ được thu hoạch” (Gal 6:8-9).
5. Chúng
ta hãy kết thúc bằng suy tư của Thánh Bede the Venerable (672/3-735) về Bài
Thánh Vịnh 125(126), khi dẫn giải những lời được Chúa Giêsu loan báo cho các môn
đệ nỗi buồn thảm đang đợi chờ các vị, đồng thời niềm vui sẽ xuất phát từ nỗi
buồn thương của các vị (x Jn 16:20).
Thánh
Bede nhắc lại rằng “những ai yêu mến Chúa Kitô thì khóc lóc và than van khi họ
thấy Người bị kẻ thù nắm bắt, cầm buộc, phân xử, lên án, hành hình, chế diễu,
sau hết đóng đanh, bị lưỡi đòng đâm thâu và bị chôn táng. Trái lại, những ai hân
hoan, thành phần yêu chuộng thế gian…, khi họ lên án cho chết nhục nhã Đấng làm
họ bị rầy rà chỉ vì thấy Người. Nếu các môn đệ buồn đau trước cái chết của Chúa,
thì khi họ biết được Người phục sinh thì nỗi buồn của họ trở thành niềm vui, để
rồi khi thấy phép lạ thăng thiên họ chúc tụng và ngợi khen Chúa bằng niềm vui
lớn lao hơn thế nữa, như thánh ký Luca chứng thực (x Lk 24:53). Thế nhưng, những
lời này của Chúa cũng được áp dụng cho tất cả mọi tín hữu là thành phần, bằng
nước mắt và đau thương của thế giới, đang tìm chiếm lấy những niềm vui vĩnh cửu,
và là thành phần bấy giờ có lý do khóc lóc và buồn thương, vì họ vẫn không thể
nào nhìn thấy Đấng họ mến yêu, và vì, bao lâu họ còn ở trong xác thể thì họ biết
rằng họ còn xa quê hương và Nước Trời, cho dù họ có tin tưởng chiếm được phần
thưởng nhờ những vất vả và đấu tranh đi nữa. Nỗi buồn đau của họ sẽ thành niềm
vui khi cuộc tranh đấu ở đời này chấm dứt, họ sẽ lãnh nhận phần thưởng sự sống
trường sinh theo những gì được bài thánh vịnh này nói: ‘Ai ra đi trong nước mắt,
mang hạt giống đi gieo, sẽ trở về reo vui, mang theo những bó lúa’” ("Omelie sul
Vangelo" [Homilies on the Gospel] 2,13: Collection of Patristic Texts, XC, Rome,
1990, pp. 379-380).
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 17/8/2005