Thứ Tư 31/8/2005
Tất Cả Mọi Nỗ Lực của Chúng Ta đều Thất Bại”
(Thánh Vịnh 126 [127] - Kinh Tối Thứ Tư, Tuần Thứ Ba)
1. Bài Thánh Vịnh 126 (127) vừa được công bố làm hiện lên trước mắt
chúng ta một cảnh tượng chuyển động, đó là một ngôi nhà đang được kiến thiết,
một thành đô có lính canh, đời sống gia đình, các đội canh đêm, hoạt động hằng
ngày, những bí mật lớn nhỏ trong đời sống. Tuy nhiên, bên trên tất cả những thứ
ấy là một sự hiện diện quyết liệt, đó là sự hiện diện của Chúa, Đấng canh chừng
các hoạt động của con người, như câu mở đầu sắc nét của bài thánh vịnh này cho
thấy: “Nếu Chúa không ra tay dựng nhà thì họ chỉ luống công xây cất mà thôi” (câu
1)
Thật vậy, một xã hội vững vàng đã được xuất phát từ việc dấn thân của tất cả mọi phần tử của mình, thế nhưng nó cần được chúc phúc và nâng đỡ của vị Thiên Chúa mà tiếc thay là Đấng thường bị loại trừ và bỏ bê. Sách Cách Ngôn nhấn mạnh đến vai trò chính yếu của tác động thần linh đối với phúc hạnh của một cộng đồng, và nó đề cao như thế một cách triệt để, khi khẳng định là “phúc lành của Chúa làm cho phong phú, và Ngài không pha trộn phúc lành ấy với sầu thương” (Pro 10:22).
2. Bài thánh vịnh khôn ngoan này, hoa trái của việc suy niệm về thực tại của đời sống hằng ngày này, được xây dựng một cách thiết yếu trên một điều tương phản, đó là không có Chúa thì người ta luống công tìm cách xây dựng một ngôi nhà vững chắc, xây dựng một thành phố an toàn, làm cho lao công của con người sinh hoa kết trái (x Ps 126[127]:1-2). Trái lại, với Chúa, người ta được thịnh vượng và phong phú, một gia đình đông con cái và thanh nhàn, một thành phố đầy dự trữ và vững chắc, không liên lỉ có những âu lo và bất ổn (x câu 3-5).
Bài
thánh vịnh mở đầu bằng cách qui hướng về Chúa, Đấng được diễn tả như là người
thợ xây nhà và là người canh chứng thành đô (x Ps 120[121]:1-8). Sáng dậy, con
người đi làm việc cần cù để nuôi gia đình mình cũng như để giúp vào việc phát
triển của xã hội. Nó là công việc làm tiêu hao nghị lực của họ, làm cho trán họ
đổ mồ hôi (x Gen 3:19) cả ngày trời (x Ps 126[127]:2).
3. Đúng thế, thánh vịnh gia không ngần ngại khẳng định rằng việc lao
nhọc ấy là những gì vô bổ nếu Thiên Chúa không ở bên kẻ khổ công làm việc. Trái
lại, vị này cũng khẳng định
là Thiên Chúa thậm chí tưởng thưởng
cho giấc ngủ của bạn bè Ngài. Vậy vị thánh vịnh gia này muốn tuyên tụng vai trò
chính yếu của ân sủng thần linh, những gì khiến cho hoạt động của con người được
liên tục và đáng giá, cho dù có tính cách hạn hẹp và tạm bợ. Bằng việc bình thản
và trung thành trao phó quyền tự do của mình cho Chúa, các hoạt động của chúng
ta đồng thời cũng trở nên vững chắc, có thể sinh hoa kết trái lâu bền. Bởi thế
mà “giấc ngủ” của chúng ta trở thành một cuộc nghỉ ngơi Chúa ban, một cuộc nghỉ
ngơi được chúc phúc, một cuộc nghỉ ngơi để đóng chấm một thứ hoạt động mang ý
nghĩa và liên tục.
4. Đến đây chúng ta tiến sang một cảnh khác được diễn tả trong bài thánh
vịnh của chúng ta đây. Chúa ban tặng ân con cái, thành phần được coi như là phúc
lành và ân huệ, một dấu hiệu tiếp tục của sự sống và là dấu hiệu của một lịch sử
cứu độ tiến đến những giai đoạn mới mẻ (x câu 3). Thánh vịnh gia đặc biệt đề cao
“con cái được sinh ra trong thời trẻ trung của con người”: Người cha có con cái
trong thời trẻ trung của mình chẳng những thấy chúng hết sức khỏe mạnh cường
tráng, mà chúng còn là sự đỡ nâng của họ trong tuổi già. Bởi thế họ có thể an
tâm đương đầu với tương lai, trở thành như một chiến binh, được trang bị bằng
những “mũi tên” sắc nhọn và thắng đoạt là con cái của họ.
Mục đích của hình ảnh ấy, một hình ảnh theo văn hóa bấy giờ, là để hoan hưởng sự
an ninh, vững chắc, sức mạnh của một gia đình đông đúc, một hình ảnh như được
lập lại ở bài Thánh Vịnh sau đó 127 (128), trong đó hiện lên hình ảnh của một
gia đình hạnh phúc.
Hình ảnh cuối cùng diễn tả một người cha được vây bọc bởi con cái của mình, một người cha được kính cẩn chào hỏi ở cổng thành, ở nơi sinh hoạt chung. Bởi thế, việc sinh sản là tặng ân mang lại sự sống và phúc hạnh cho xã hội. Chúng ta thấy được điều này trong thời đại của chúng ta đây đối với các quốc gia đang bị hụt hẫng, bởi cái mất mát về nhân số, cái mới mẻ, sinh động và tương lai được hiện thân nơi thành phần con trẻ. Tuy nhiên, sự hiện diện ân phúc của Thiên Chúa là nguồn sự sống và hy vọng vẫn là những gì vượt lên trên tất cả mọi sự.
5. Bài Thánh Vịnh 126 (127) thường được các tác giả về tu đức dùng để thực sự đề cao việc hiện diện thần linh, một sự hiện diện quyết liệt để tiến triển trên con đường trọn lành và xây dựng Vương Quốc của Thiên Chúa. Bởi vậy mà đan sĩ Isaia (chết ở Gaza năm 491), khi nhắc lại trong cuốn “Asceticon” (Logos 4, 118) của mình mẫu gương của các vị tổ phụ và tiên tri thì dạy rằng: “Họ đặt mình dưới sự bảo vệ của Thiên Chúa, nài xin ơn trợ giúp của Ngài, chứ không tin tưởng vào một số việc hoàn tất nào của họ cả. Và đối với họ, việc bảo vệ của Thiên Chúa là một thành trì vững chắc, vị họ biết rằng không có Chúa giúp họ trở nên bất lực và lòng khiêm tốn của họ khiến họ cùng với Thánh Vịnh gia kêu lên rằng: ‘Nếu Chúa không xây nhà thì những ai xây cất đều bị luống công vô ích. Nếu Chúa không canh chừng thành đô thì kẻ trông coi có tỉnh thức cũng bằng thừa’” ("Recueil Ascétique," Abbey of Bellefontaine, 1976, pp. 74-75).
Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô,
Hôm nay tôi xin chia sẻ với anh chị em về Bài Thánh Vịnh 126, bài thánh vịnh nhắc nhở chúng ta rằng bất cứ những gì chúng ta làm hay đảm nhận chỉ có thể sinh hoa kết trái nếu nó được Chúa chúc phúc. Không có Chúa, tất cả mọi nỗ lực của chúng ta sẽ hoàn toàn bị thua bại. Với Chúa, chúng ta sẽ tìm được thịnh vượng và hạnh phúc, các việc lao nhọc của chúng ta sẽ sinh hoa trái, và đời sống của chúng ta sẽ được an ninh.
Thánh Vịnh gia cũng nhắc nhở chúng ta rằng tặng ân con cái là một phúc lành đặc biệt của Thiên Chúa, là nguồn mạch của niềm vui và sự nâng đỡ, đặc biệt trong tuổi già. Con cái cũng là một phúc lành cho cả xã hội nữa, làm cho xã hội được đặc biệt tươi trẻ và có tương lai. Chúng ta dễ nghĩ tới những xã hội ngày nay đang thiếu mất nghị lực và hy vọng vì vấn đề giảm sút mức sinh sản. Chớ gì phúc lành của Thiên Chúa mang đến cho các xã hội ấy sự sống mới, hy vọng mới! Và chớ gì chúng ta tất cả nhìn nhận rằng với ơn Chúa giúp công việc của chúng ta mới có thể thành đạt, vì “Nếu Chúa không xây nhà thì những ai xây cất đều bị luống công vô ích”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 31/8/2005