Thứ Tư 7/9/2005
“Chúa Kitô là Nguyên Lý của Mối Hiệp Kết”
(Ca Vịnh Calosê 1: 1,3,12,15,17-18 - Kinh Tối Thứ Tư, Tuần Thứ Ba)
1. Trong quá khứ chúng ta đã suy niệm về hình ảnh cao cả của Chúa Kitô, Vị Chúa của vũ trụ và của lịch sử, vị đóng vai chủ chốt trong bài thánh ca này từ ngay đầu Bức Thư Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côlôsê. Thật vậy, bài ca vịnh ấy có mặt ở cả 4 tuần lễ của Phụng Vụ Giờ Kinh chiều.
Tâm điểm của bài thánh ca này bao gồm các câu từ 15 đến 20, đoạn mà Chúa Kitô, Đấng được diễn tả là “hình ảnh” của Vị “Thiên Chúa vô hình”, hiện lên một cách trực tiếp và long trọng (câu 15). Tiếng Hy Lạp “eikon”, icon, là tiếng được Vị Tông Đồ này yêu chuộng: Ngài sử dụng nó 9 lần trong Thư Từ của ngài, áp dụng nó cho Chúa Kitô, hình ảnh tuyệt vời của Thiên Chúa (xem 2Cor 4:4), hay cho con người là hình ảnh và là vinh quang của Thiên Chúa (x 1Cor 11:7). Tuy nhiên, con người, bởi tội lỗi, “đã biến vinh quang của Thiên Chúa bất tử lấy những hình ảnh giống con người hữu tử” (Rm 1:23), chọn việc tôn thờ các ngẫu tượng và trở nên giống như các ngẫu tượng ấy.
Bởi thế, chúng ta cần phải liên lỉ làm cho hình ảnh của mình theo mẫu mực hình ảnh của Con Thiên Chúa (x 2Cor 3:18), vì chúng ta đã được “giải thoát khỏi việc thống trị của tối tăm và được mang vào vương quốc của Người Con yêu dấu của Ngài” (Col 1:13).
2. Bởi thế Chúa Kitô được công bố là “trưởng tử của tất cả mọi tạo vật” (câu 15). Chúa Kitô có trước toàn thể tạo vật (x câu 17), đã được hạ sinh từ đời đời: vì thế mà “tất cả đã được dựng nên nhờ Người và cho Người” (câu 16). Trong truyền thống Do Thái cổ thời vấn đề được khẳng định là “toàn thể thế giới được dựng nên đều liên quan tới Đấng Thiên Sai” (Sanhedrin 98b).
Đối với vị tông đồ ấy, Chúa Kitô là nguyên lý của mối hiệp kết (“tất cả mọi sự cấu kết lại với nhau trong Người”), là vị trung gian (“nhờ Người”), và là đích điểm của toàn thể tạo sinh qui tụ lại. Người là “trưởng tử của nhiều anh em” (Rm 8:29), tức là, là Người Con đệ nhất trong đại gia đình con cái Thiên Chúa là nơi nhờ Phép Rửa chúng ta được thuộc về.
3. Đến đây, ánh mắt chúng ta hướng từ thế giới tạo sinh về thế giới của
lịch sử: Chúa Kitô là “đầu của thân thể là Giáo Hội” (Col
1:18) và Người đã là như thế qua việc Nhập Thể của Người. Thật vậy, Người đã gia
nhập cộng đồng nhân loại, để cai trị nó và thiết lập nó thành nên một “thân thể”
duy nhất, tức là thành một mối hiệp nhất hòa hợp và tốt đẹp. Việc liên lỉ phát
triển của nhân loại đã được cắm sâu trong Chúa Kitô, là cái đòn bẩy, là “nguyên
lý”.
Chính vì tính cách chính yếu này mà Chúa Kitô trở nên nguyên lý phục sinh cho
tất cả mọi người, “nên “trưởng tử của kẻ chết”, vì “trong Chúa Kitô tất cả được
làm cho sống… Chúa Kitô là hoa trái đầu mùa, rồi tới những ai thuộc về Người khi
Người đến” (1Col
15:22-23).
4. Bài thánh ca tiến đến kết luận bằng việc ca tụng “tầm vóc viên trọn”,
theo tiếng Hy Lạp là “pleroma”, một tầm vóc Chúa Kitô đã có nơi bản thân Người
như tặng ân yêu thương của Chúa Cha. Đó là sự viên trọn của thần tính chiếu tỏa
nơi vũ trụ hay nơi nhân loại, trở thành một nguồn an bình, hiệp nhất và hoàn
toàn hòa hợp (Col 1:19-20).
“Việc
hòa giải” này và “việc an bình” này được thực hiện bởi “máu từ cây thập giá” là
những gì nhờ đó chúng ta được công chính hóa và được thánh hóa. Bằng việc đổ máu
mình ra và hiến bản thân mình, Chúa Kitô đã làm tràn lan an bình, thứ an bình
theo ngôn ngữ thánh kinh, là tổng hợp của những sự thiện hảo thiên sai và sự
viên trọn cứu độ bao gồm tất cả thực tại tạo sinh.
Thế nên, bài thánh ca này kết thúc với một chân trời sáng tỏ của sự hòa giải, hiệp nhất, hòa hợp và an bình, một chân trời hiện lên một cách uy nghi hình ảnh tác giả của nó là Chúa Kitô, “Người Con yêu dấu” của Cha.
5. Các cây bút thuộc truyền thống Kitô giáo xưa đã suy niệm về bài thánh ca sâu sắc này. Trong cuộc đối thoại của mình, Thánh Cyrilô Giêrusalem đã trích bài ca vịnh của Bức Thư gửi giáo đoàn Côlôsê để đáp lại vấn đề của một đàm nhân vô danh hỏi ngài rằng: “Vậy thì chúng ta nói rằng Lời được hạ sinh bởi Thiên Chúa Cha đã chịu khổ vì chúng ta nơi xáx thịt của Người hay sao?”
Câu trả lời là một câu khẳng định theo chiều hướng của bài ca vịnh này. Thật vậy, Thánh Cyrilô xác nhận là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, trưởng tử của tất cả mọi tạo vật, hữu hình và vô hình, bởi Người và trong Người mà mọi sự hiện hữu, đã được cho làm đầu Giáo Hội: Người còn hơn là trưởng tử của kẻ chết nữa”, tức là, người đầu tiên trong số kẻ chết sống lại. Thánh Cyrilô tiếp: “Người nhận làm của Người tất cả những gì xứng hợp với xác thịt loài người và ‘chấp nhận khổ giá, cho dù ô nhục’ (Heb 12:2). Chúng tôi không nói rằng một con người tầm thường, đầy những vinh dự, tôi không biết làm thế nào, nhờ việc hiệp nhất với Người, là người đối với chúng ta đã được thánh hóa, thế nhưng chính vị Chúa vinh quang này là Đấng đã bị đóng đanh” ("Perché Cristo è uno: Collana di testi Patristici" [Why Christ is One: Collection of Patristic Texts], XXXVII, Rome, 1983, p. 101).
Trước vị Chúa hiển vinh này, dấu hiệu của tình yêu tối cao của Cha, chúng ta cũng dâng bài ca chúc tụng của chúng ta và phục xuống tôn thờ Người cùng tạ ơn Người.
Anh Chị Em thân mến,
Bài giáo lý hôm nay tập trung vào bài ca vịnh ở chương một thuộc Bức Thư Thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Côlôsê. Trong bài ca vịnh này, Chúa Kitô được trình bày như là “icon”, là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử của mọi tạo vật”. Người là Đấng tất cả chúng ta cần phải sống đời noi gương bắt chước.
Thánh Phaolô cũng nói về Chúa Giêsu như là một Đấng “có trước tất cả mọi sự”, Đấng mà nhờ Người và cho Người “tất cả mọi sự đã được tạo thành”, và là Đấng trong Người “tất cả mọi sự liên kết với nhau”. Bởi thế, Chúa Kitô là nguyên lý của mối hiệp kết, là Đấng Trung Gian của chúng ta và là cùng đích của tất cả mọi tạo vật. Trong đại gia đình của Thiên Chúa, Chúa Kitô là Người Con đệ nhất.
Bài ca vịnh này cũng nhắc nhở chúng ta rằng nhờ việc Nhập Thể của Người, Chúa Kitô là đầu của thân thể là Giáo Hội. Người là “khởi nguyên, là trưởng tử của kẻ chết”, và trong Người “tầm vóc viên trọn của Thiên Chúa hân hoan ngự trị”. “Tầm vóc viên trọn” này của thần tính chiếu tỏa nơi tất cả mọi tạo vật cũng như nơi tất cả nhân loại, bởi thế, là mạch mọi an bình, hiệp nhất và hoàn toàn hòa hợp.
Hôm nay
chúng ta hân hoan hy vọng suy niệm về bài ca vịnh tuyệt vời này của Thánh Phaolô,
một việc suy niệm đối với chúng ta là cơ hội để tạ ơn Chúa Giêsu Kitô vì đã giải
thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi. Chớ gì đối với chúng ta nó cũng là một
phấn khích trong việc phấn đấu trở nên các môn đệ thực sự của Chúa Kitô “là
trưởng tử củ atất cả mọi tạo vật”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch
theo Zenit ngày
7/9/2005