Thứ Tư 14/9/2005
“Thiên Chúa và Con Người cùng nhau Bước Đi trong Lịch Sử”
(Thánh Vịnh 131 (132): 1-10: - Kinh Tối Thứ Năm, Tuần Thứ Ba)
1. Chúng ta đã nghe phần đầu của bài Thánh Vịnh 131 (132), một bài thánh ca được Phụng Vụ Giờ Kinh Tối nêu lên cho chúng ta hai lần. Không phải là ít học giả nghĩ rằng bài ca này được vang lên trong việc long trọng cử hành việc chuyển hòm bia Chúa, dấu hiệu hiện diện thần linh giữa Dân Yến Duyên, đến Giêrusalem, một tân đô do vua Đavít chọn.
Theo trình thuật về biến cố này được Thánh Kinh cho biết thì chúng ta đọc thấy rằng Vua Đavít “đã thắt áo bào trúc bâu, đến nhẩy múa ngất ngây trước nhan Chúa, khi vua và toàn dân Yến Duyên nghênh đón hòm bia Chúa một cách hớn hở reo hò và vang lên tiếng kèn thổi” (2Sam 6:14-15).
Trái lại, có những nhà học giả khác lại liên hệ bài Thánh Vịnh 131 (132) với việc cử hành tưởng niệm biến cố xa xưa, sau khi thiết lập việc tôn thờ ở cung thánh Sion, một việc làm thực sự của vua Đavít.
2. Bài thánh ca của chúng ta dường như bao hàm một chiều kích phụng vụ: Nó có lẽ được sử dụng trong việc kiệu rước, với sự hiện diện của các tư tế và tín hữu cùng với việc góp mặt của một ca đoàn.
Theo Phụng Vụ Giờ Kinh Tối thì chúng ta sẽ dừng lại ở 10 câu đầu tiên của bài Thánh Vịnh này, những câu giờ đây được công bố. Tâm điểm của phần bài Thánh Vịnh này là lời thề trọng đại của vua Đavít. Thật vậy, sự kiện đó là, vua – không kể đến sự bất đồng gay go với vị tiền nhiệm của mình là Vua Saolê – “đã thề cùng Chúa, đã hứa cùng Đấng Toàn Năng của Giacóp” (Ps 131[132]:2). Nội dung của việc long trọng quyết tâm này, được diễn tả ở câu 3-5, là những gì rõ ràng minh bạch, đó là Vị vương chủ này sẽ không bước vào vương điện Giêrusalem, sẽ không an tâm ngơi nghỉ, trừ phi trước hết ông tìm thấy một nơi cư ngụ cho hòm bia Chúa.
Ở chính tâm điểm của đời sống xã hội bởi đó cần phải có một sự hiện diện gợi lên mầu nhiệm về Vị Thiên Chúa siêu việt. Thiên Chúa và con người có thể cùng bước đi trong lịch sử, và đền thờ ấy có nhiệm vụ cho thấy mối hiệp thông này một cách hữu hình.
3. Đến đây, sau những lời của vua Đavít, là việc tưởng nhớ về quá khứ, có lẽ qua những lời của một ca đoàn phụng vụ. Thật vậy, việc tái nhận thức đã bừng lên về hòm bia đang ở miền quê Jaar, thuộc vùng Ephrata (xem câu 6): Hòm bia đã ở đó lâu ngày, sau khi được quân Philitinh đem trả lại cho dân Yến Duyên là dân đã bị mất đi trong một trận chiến (xem 1Sam 7:1; 2Sam 6:2-11). Vì lý do này, hòm bia đã được mang từ thành ấy về thành thánh tương lai, và đoạn Thánh Vịnh của chúng ta kết thúc với việc hân hoan cử hành cho thấy, một đàng, dân chúng tôn thờ (xem câu 7,9), tức là hội đồng phụng vụ, đàng khác, Chúa là Đấng tỏ mình hiện diện và tác hành bằng dấu hiệu của hòm bia được đặt ở Sion (câu 8).
Linh hồn của phụng vụ là ở việc vượt qua này giữa các vị tư tế và tín hữu, và giữa Chúa với quyền năng của Ngài.
4. Để kết thúc phần đầu củ abài Thánh Vịnh 131 (132), có một lời than nguyện cầu cho thành phần thừa kế vua Đavít: “Vì Đavít tôi tớ của Ngài, xin đừng loại trừ vị được xức dầu” (câu 10).
Thật là dễ trực giác thấy được chiều kích thiên sai nơi lời nguyện cầu ấy, một lời nguyện cầu thoạt tiên là để nài xin ơn trợ giúp chủ quyền của Yến Duyên trong các cơn thử thách của cuộc đời. Chữ “được xức dầu” thật sự được chuyển dịch từ chữ Do Thái “Thiên Sai”: ánh mắt của Thánh Vịnh gia bởi thế vươn tới cả những biến cố khác của vương quốc Giuđa và hướng tới niềm đại trông mong “Đấng Được Xức Dầu” trọn lành, Vị Thiên Sai sẽ luôn làm hài lòng Thiên Chúa, Đấng được Vị Thiên Sai yêu thương và chúc tụng.
5. Việc dẫn giải về tính cách thiên sai này sẽ trở thành chủ yếu nơi việc Kitô hữu đọc lại bài Thánh Vịnh ấy và sẽ bao gồm toàn bài Thánh Vịnh.
Chẳng hạn, đáng kể là việc áp dụng được Ezechias thành Giêrusalem, vị linh mục thuộc tiền bán thế kỷ thứ 5, lấy câu thứ 8 áp dụng vào việc Nhập Thể của Chúa Kitô. Trong Bài Giảng Thứ Hai của mình về Mẹ Thiên Chúa, ngài đã ngỏ cùng Vị Trinh Nữ rằng: “Về Mẹ và về Đấng được Mẹ sinh ra, vua Đavít đã không ngừng hát với chiếc đàn tam thập lục rằng: ‘Ôi Chúa, xin hãy tiến lên đến chốn nghỉ ngơi của Chúa, Chúa và hòm bia của quyền toàn năng Chúa’ (Ps 131[132]:8)”. ‘Hòm bia của quyền toàn năng Chúa’ là ai? Ezechias đáp: “Hiển nhiên là Vị Trinh Nữ này, Mẹ Thiên Chúa. Vì, nếu Chúa là viên ngọc trai thì Mẹ có lý là hòm bia; nếu Chúa là mặt trời thì Vị Trinh Nữ này cần phải được gọi là tầng trời; và nếu Chúa là Hoa vô nhiễm thì Vị Trinh Nữ sẽ là cây bất hoại, là địa đường bất tử” ("Testi Mariani del Primo Millennio" [Marian Texts of the First Millennium] I, Rome, 1988, pp. 532-533).
Anh Chị Em thân mến,
Trong bài giáo lý tuần này, chúng ta xét tới phần đầu của bài Thánh Vịnh 131. Bài thánh vịnh này cho thấy việc Vua Đavít long trọng cử hành việc chuyển Hòm Bia Giao Ước, dấu hiệu Thiên Chúa hiện diện giữa Dân Ngài, đến chốn nghỉ ngơi của mình ở Giêrusalem. Việc Vua Đavít hứa xây cất một đền thờ cho hòm bia nhắc nhở chúng ta rằng mầu nhiệm của Thiên Chúa cần phải có một vị thế trọng tâm nơi cuộc sống của mọi xã hội.
Hòm bia và đền thờ là những dấu hiệu hữu hình cho việc hiện diện của Thiên Chúa ở mọi giai đoạn cuộc hành trình của chúng ta, trong khi hết mọi cộng đoàn phụng vụ cử hành việc hân hoan hội ngộ giữa Thiên Chúa và nhân loại. Bài thánh vịnh này tiếp tục nguyện cầu cho thành phần được xức dầu thừa kế Vua Đavít, thành phần được truyền thống Kitô giáo hiểu như là một qui chiếu ngôn sứ về Chúa Giêsu Kitô, Vị Thiên Sai và Đức Vua được hứa hẹn, Người Con Nhập Thể của Thiên Chúa, vị được hạ sinh bởi Trinh Nữ Maria khi thời gian viên trọn cho phần rỗi của chúng ta.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 14/9/2005