Thứ Tư 21/9/2005
Chuyển Hòm Bia Giao Ước Về Giêrusalem
(Thánh Vịnh 131 (132): 11-18: - Kinh Tối Thứ Năm, Tuần Thứ Ba)
1. Phần
thứ hai của bài Thánh Vịnh 131 (132) vừa được tái vang vọng. Bài Thánh Vịnh này
là một bài ca gợi lên cho thấy biến cố quan trọng của lịch sử dân Yến Duyên, đó
là biến cố chuyển Hòm Bia Giao Ước về thành Giêrusalem.
Đavít là
chủ động viên của việc chuyển về này, như đã được chứng thực ở phần đầu của bài
thánh vịnh, phần chúng ta đã dẫn giải. Vị vua này đã thề rằng sẽ không xây cất
lâu đài vua chúa cho bản thân mình, trừ khi ông tìm thấy một nơi xứng đáng với
hòm bia của Chúa, dấu hiệu hiện diện của Thiên Chúa nơi dân Ngài (x các câu
3-5).
Bởi thế chính Thiên Chúa đã đáp lại lời thề này của vua, “Chúa đã thề với Đavít, một lời đoan nguyền sẽ không bao giờ thất hứa” (câu 11). Lời hứa long trọng này chính yếu là những gì được tiên tri Nathan nhân danh Thiên Chúa mà nói về miêu duệ mai hậu của Đavít, về một triều đại vững bền (x 2Sam 7:8-16).
2. Lời thề thần linh bao gồm cả việc dấn thân của con người, ở chỗ nó được điều kiện hóa bằng chữ “nếu”; “Nếu con cái của ngươi tuân giữ giao ước của Ta, Ta sẽ dạy cho chúng luật pháp” (câu 12). Đối với lời hứa và tặng ân của Thiên Chúa, những gì không có tính chất ma thuật, cần phải được tín hữu đáp ứng và chủ động gắn bó về phía con người trong cuộc trao đổi đan kết hai tự do, thần linh và nhân loại.
Từ đó, bài Thánh Vịnh được biến thành một bài thánh ca tuyên tụng các công hiệu lạ lùng của cả tặng ân Chúa ban lẫn lòng trung thành của dân Yến Duyên. Việc Thiên Chúa hiện diện là những gì con người cần phải cảm nghiệm (x các câu 13-14). Ngài sẽ trở thành như một cư dân ở giữa thành phần dân cư của Giêrusalem, như một người công dân sống những biến cố lịch sử với các người công dân khác, nhưng cống hiến sức mạnh phúc lành của Ngài.
3. Thiên
Chúa sẽ chúc lành cho việc thu hoạch, quan tâm cho thành phần nghèo khổ được no
đầy (x câu 15); Ngài sẽ chở che các vị tư tế bằng áo choàng hộ thân, ban cho các
vị ơn cứu độ của Ngài; Ngài sẽ làm cho tất cả mọi tín hữu sống trong an bình và
hoan lạc (xem câu 16).
Phúc lành
phong phú nhất của Ngài vẫn giành cho Đavít cùng miêu duệ của vua: “Ở đó Ta sẽ
làm mọc lên một cái sừng cho giòng dõi của Đavít; Ta sẽ đặt một cây đèn cho kẻ
được Ta xức dầu. Ta sẽ làm hổ ngươi bẽ mặt các quân thù của hắn, nhưng triều
thiên của Ta sẽ chói lọi trên đầu của hắn”.
Như đã xẩy ra ở
phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh này (x câu 10), một lần nữa, hình ảnh của nhân
vật “được xức dầu” nhập cuộc, theo tiếng Do Thái, đó là “Messiah”, gắn liền
giòng dõi của Đavít với Messiah, vị mà theo ý nghĩa Kitô giáo đạt được trọn vẹn
ý nghĩa của mình nơi hình ảnh Chúa Kitô. Những hình ảnh được sử dụng ở đây là
những hình ảnh sống động: Đavít được tiêu biểu như một cái sừng mọc lên vươn
rộng một cách cứng chắc. Thiên Chúa soi sáng cho giòng dõi Đavít bằng một cây
đèn sáng tỏa, biểu hiệu của tính cách sinh động và vinh quang; một triều thiên
rạng ngời là dấu hiệu việc giòng dõi này chiến thắng kẻ thù của mình, nhờ đó
chiến thắng sự dữ.
4. Việc hiện diễn lưỡng diện của Chúa ở một nơi và trong lịch sử được
hiện thực qua Giêrusalem, nơi đền thờ chứa đựng hòm bia, và nơi triều đại Đavít.
Bởi thế mà bài Thánh Vịnh 131 (132) trở thành một việc cử hành của Thiên Chúa –
Thiên Chúa ở với tạo vật của Ngài, sống giữa họ và làm cho họ nên tốt lành vì họ
sống liên kết với Ngài trong công lý và chân lý. Trung tâm điểm thiêng liêng của
bài thánh ca này như thế thành một dạo khúc cho lời công bố của Thánh Gioan: “Và
Lời đã hóa thành nhục thể và sống giữa chúng ta” (Jn 1:14).
Chúng ta
kết luận bằng việc nhớ rằng đầu phần hai của bài Thánh Vịnh 131 (132) là những
gì thường được các Vị Giáo Phụ Giáo Hội diễn tả về Việc Nhập Thể của Lời trong
cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria.
Ngay từ thời Thánh Irênêô, khi đề cập tới lời ngôn sứ của tiên tri Isaia liên quan tới vị trinh nữ này hạ sinh, đã giải thích rằng: “Những lời, ‘Vậy hãy lắng nghe, Ôi nhà Đavít’ (Is 7:13) cho thấy rằng vị vua vĩnh hằng được Thiên Chúa hứa cho Đavít xuất phát từ ‘hoa trái của lòng vua’, một diễn tả ám chỉ một trinh nữ thụ thai. Thế nên Thánh Kinh… nêu lên và xác nhận rằng việc hạ sinh của ‘vị sẽ đến’ như được loan báo sẽ xuất hiện từ Vị Trinh Nữ. Đúng như Isave, con người đầy Thánh Linh đã khẳng định khi nói cùng Mẹ Maria rằng ‘Bà có phúc hơn mọi người nữ và con lòng bà gồm phúc lạ’ (Lk 1:42). Như thế Thánh Linh nói với thành phần muốn lắng nghe rằng nơi việc hạ sinh của Vị Trinh Nữ này, hay nói cách khác, của Đức Maria, lời hứa của Thiên Chúa với Đavít về một vị vua xuất phát từ lòng của vua là những gì được nên trọn” ("Contro le eresie," 3,21,5: Già e Non Ancora, CCCXX, Milan 1997, p. 285).
Như thế, chúng ta thấy sự chân thật và trung thành của Thiên Chúa có một chiều kích lớn rộng từ bài thánh vịnh cổ thời tới việc nhập thể của Chúa Kitô. Nơi bài Thánh Vịnh này, mầu nhiệm của Thiên Chúa sống giữa chúng ta hiện lên và chiếu tỏa khi Người trở nên một người trong chúng ta nơi việc Nhập Thể. Việc trung thành của Thiên Chúa và việc tin tưởng của chúng ta đối với Ngài trong giòng lịch sử trở thành nguồn mạch hân hoan cho chúng ta.
Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay chúng ta chú ý tới bài Thánh Vịnh 113 là bài nhắc nhở chúng ta về mộït trong những biến cố quan trọng nhất của lịch sử Yến Duyên, tức là việc chuyển Hòm Bia Chúa về Thành Giêrusalem. Vua Đavít đã hứa tìm một nơi vĩnh viễn cho hòm bia là biểu hiệu cho việc hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài này, trước khi vua xây đền đài cho bản thân vua.
Lời thề của vua đã được Chúa chấp thuận nơi lời Thiên Chúa hứa không bao giờ “rút lời”, vang vọng lời tiên tri Ngài đã nói qua Nathan trong việc thiết lập vương quốc của Đavít đến muôn đời. Dân Chúa được khuyến giục hãy trung thành với giao ước của Ngài, tiến vào cuộc đối thoại liên kết tự do của con người với tự do của thần linh.
Một lần nữa, hình ảnh về một vị được Thánh Hiến là Đấng Thiên Sai, đã xuất hiện. Kitô hữu sau đó đã thấy việc nên trọn của hình ảnh này nơi bản thân của Chúa Kitô. Chúng ta kết thúc bằng việc nhắc lại rằng bài thánh vịnh này thường được các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội để diễn tả việc nhập thể của Lời trong Cung Lòng Đức Trinh Nữ Maria.
Như Thánh Irênê đã nói “Mẹ đã hoàn tất lời Thiên Chúa hứa cho Đavít, mang lại cho vị vua hoa trái của lòng Mẹ”. Chớ gì chúng ta, như Mẹ Maria, luôn biết đáp ứng giao ước của Thiên Chúa nơi niềm hân hoan vui sướng và thái độ kiên trì.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 21/9/2005.