Thứ Tư 5/10/2005

 

 

“Hai Quan Điểm Tôn Giáo Khác Nhau”

 

 

(Thánh Vịnh 134 [135]: 13-21: - Kinh Tối Thứ Sáu, Tuần Thứ Ba)

 

1.         Bài Thánh Vịnh 134, một bài ca có cung điệu vượt qua, được cống hiến cho chúng ta hai đoạn khác nhau nơi phụng vụ Kinh Tối. Chúng ta vừa nghe phần thứ hai (x câu 13-21), phần được kết thúc bằng lời alleluia, lời kêu vang chúc tụng Chúa mở đầu bài thánh vịnh.

 

Sau khi đã tưởng nhớ, ở phần thứ nhất của bài thánh ca, biến cố Xuất Hành, tâm điểm của việc Yến Duyên cử hành cuộc vượt qua, thánh vịnh gia giờ đây tương phản một cách quyết liệt hai quan đểm về đạo giáo khác nhau. Một mặt là hình ảnh hiện lên của một Vị Thiên Chúa hằng sống và ngôi vị, Đấng là trọng tâm của đức tin chân thực (x câu 13-14). Sự hiện diện của Ngài là sự hiện diện thực sự và cứu độ; Chúa không phải là một thực tại bất động và khuất bóng, nhưng là một ngôi vị sống động, Đấng “hướng dẫn” thành phần tín nghĩa của mình, “tỏ ra xót thương” họ, bảo trì họ bằng quyền năng và tình yêu thương của Ngài.  

 

2.         Mặt khác là sự sùng bái ngẫu tượng (x câu 15-18), biểu hiện cho một thứ tôn giáo tính lệch lạc và gian xảo. Thật vậy, ngẫu tượng không là gì khác ngoài “công việc do tay con người tạo ra”, một sản phẩm của những gì con người ước vọng, và vì thế, không thể vượt qua những giới hạn của tạo vật. Nó quả thực có một hình dạng con người, với miệng, mắt, tai, cổ nhưng lại bất động, vô sinh, thực sự như trường hợp của một pho tượng vô hồn (x Ps 113B:4-8).

 

Số phận của con người tôn thờ những thực tại chết chóc này trở nên giống như những thực tại ấy, cũng bất lực, mỏng dòn, bất động. Qua những câu thánh vịnh này rõ ràng cho thấy khuynh hướng vĩnh viễn của con người trong việc tìm kiếm sự cứu độ nơi “công cuộc của tay mình”, đặt hy vọng nơi giầu sang, quyền lực, thành công, vật chất. Tiếc thay, những gì xẩy ra cho họ là những gì được tiên tri Isaia đã diễn tả một cách chính xác: “Họ ăn uống trên đống tro; một trí óc dối trá đã dẫn họ đi hoang; và họ không thể giải thoát mình hay nói rằng ‘Có sự gian dối nào nơi bàn tay phải của tôi hay chăng?’” (44:20).

 

3.         Bài Thánh Vịnh 134 (135), sau việc suy niệm này về đạo giáo thật và giả, về đức tin chân chính nơi vị Chúa tể vũ trụ và lịch sử, và về việc tôn thờ ngẫu tượng, kết thúc bằng lời chúc tụng phụng vụ (x các câu 19-21), một phép lành phụng vụ dẫn đến hàng loạt những hình ảnh hiện diện nơi việc tôn thờ được thực hiện trong đền thờ ở Sion (x Ps 113B: 9-13).

Từ tất cả mọi cộng đồng qui tụ lại trong đền thờ này xuất hiện một phép lành hòa hợp với Thiên Chúa Hóa Công của vũ trụ và với Đấng Cứu Tinh của dân Người, được thể hiện nơi tính cách đa dạng của các tiếng nói cùng sự khiêm tốn của lòng tin tưởng.

 

Phụng vụ là nơi đặc biệt để lắng nghe Lời thần linh, lời làm cho những tác động cứu độ của Chúa hiện diện, thế nhưng cũng là một vòng cầu trong đó kinh nguyện cộng đồng được dâng lên để chúc tụng tình yêu thần linh. Thiên Chúa và con người gặp nhau bằng một gắn bó cứu độ, một gắn bó nên trọn một cách đích thực nơi việc cử hành phụng vụ.

 

4.         Khi dẫn giải câu này của bài thánh vịnh đây về những thứ ngẫu tượng cùng những thứ tượng tự được những kẻ tin tưởng vào chúng (x Ps 134[135]: 15-18), Thánh Âu Quốc Tinh đã nhận định thế này: “Thật vậy – anh em ơi, hãy tin rằng – ở nơi họ có một cái gì tương tự với những thứ ngẫu tượng của họ: dĩ nhiên là không phải ở nơi thân th36 của họ mà ở trong con người nội tâm của họ. Họ có tai nhưng họ không nghe thấy Thiên Chúa đã kêu gọi gọi ra sao: ‘Ai có tai để nghe thì hãy nghe’. Họ có mắt nhưng họ chẳng thấy gì: họ có, tức là, có những con mắt nơi thân thể song không có con mắt đức tin”. Cũng thế, “họ có mũi nhưng họ không ngửi thấy chi. Họ không thể nhận thấy mùi hương được Thánh Tông Đồ nói đến là: Chúng ta hãy là hương thơm của Chúa Kitô ở khắp mọi nơi (x 2Cor 2:15). Có ích gì cho họ chăng khi họ có mũi mà họ lại không hít thở được hương vị ngọt ngào của Chúa Kitô hay chăng?”

 

Thật thế, Thánh Âu Quốc Tinh công nhận rằng, vẫn có những con người gắn bó với việc tôn thờ ngẫu tượng, “tuy nhiên, hằng ngày, có những con người, vì tin tưởng vào phép lạ của Chúa Kitô, đã gắn bó với đức tin. Hằng ngày những con mắt của kẻ mù lòa và tai của kẻ điếc lác được mở ra, mũi trước kia bị tịt nay bắt đầu hít thở lại, lưỡi bị câm nín được nói năng, cẳng của kẻ bị tê liệt được kiên cường, chân của thành phần què quặt được thẳng đứng. Từ những hòn đá này xuất hiện con cái của Abraham (x Mt 3:9). Bởi thế, đối với những người ấy cần phải nói rằng: ‘Nhà Yến Duyên ơi hãy chúc tụng Chúa’. Hãy chúc tụng Ngài, hỡi thành phần đấng bậc của Giáo Hội! Điều này có ý nói về ‘Nhà Aaron’. Hãy chúc tụng Ngài hỡi các vị thừa tác viên! Điều này có ý nói về ‘Nhà Lêvi’. Và còn các quốc gia thì sao, nó muốn nói gì đây? ‘Các ngươi là thành phần kính sợ Chúa, hãy chúc tụng Chúa’” ("Esposizione sul Salmo" [Commentary on Psalm] 134, 24-25): Nuova Biblioteca Agostiniana, XXVIII, Rome, 1977, pp. 375,377).

 

Anh Chị Em thân mến,

Việc chúng ta suy niệm hôm nay tập trung vào phần thứ hai của bài Thánh Vịnh 134. Hai quan điểm về đạo giáo được trình bày. Quan niệm thứ nhất cho thấy một vị Thiên Chúa hằng sống và cá vị với việc Ngài hiện diện thực sự và cứu độ là tâm điểm của đức tin chân chính vì Ngài hướng dẫn và xót thương dân của Ngài. Quan niệm thứ hai nói lên tính cách đạo nghĩa méo mó và sai lạc của việc tôn thờ ngẫu tượng.

 

Các thứ ngẫu tượng chỉ là một thứ sản phẩm của các ước vọng con người và bất lực cùng vô hồn như là một pho tượng mà thôi. Thật vậy, những ai tìm kiếm ơn cứu độ bằng “công việc của tay người” – khi đặt niềm hy vọng của họ nơi giầu sang, quyền lực hay thành đạt – chỉ đánh lừa mình thôi.

 

Căn cứ vào việc suy niệm về đức tin thật giả ấy, bài thánh vịnh kết luận bằng lời chúc tụng theo phụng vụ. Toàn thể cộng đồng tập trung trong đền thờ dâng lời nguyện cầu lên Thiên Chúa, ca khen chúc tụng tình yêu của Ngài và việc Ngài cứu độ.

 

Như Thánh Âu Quốc Tinh, chúng ta cũng nhìn nhận rằng vẫn còn có những người gắn bó với việc tôn thờ ngẫu tượng, thế nhưng chúng ta cũng hỉ hoan thấy rằng có những con người hằng ngày gắn bó với đức tin, và liên kết với tất cả mọi tín hữu, kêu lên từ tâm can của họ rằng: Nào chúng ta hãy chúc tụng Chúa!


 
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo Zenit ngày 5/10/2005