Thứ Tư 19/10/2005

 

 

“Bài Ca Vịnh Tình Thương Thiên Chúa”

(Thánh Vịnh 129 [130]: - Kinh Tối Thứ Bảy, Tuần Thứ Ba)

 

 

1.         Vừa được công bố là một trong những bài Thánh Vịnh nổi tiếng nhất và được yêu chuộng nhất của truyền thống Kitô giáo: đó là bài “De Profundis”, được gọi như thế bởi cách nó được bắt đầu ở bản dịch Langữ. Cùng với “Miserere”, nó trở thành một trong những bài thánh vịnh thống hối được yêu chuộng theo lòng sùng mộ của dân chúng.

 

Không kể những gì liên quan tới vấn đề tang chế, bài thánh vịnh này trước hết là một bài ca vịnh về tình thương thần linh và về việc hòa giải giữa tội nhân và Chúa là Vị Thiên Chúa công minh song luôn sẵn sàng tỏ mình ra như “xót thương và nhân ái, chậm bất bình và hết sức kiên trì yêu thương và trung tín, giữ tình yêu thương trung kiên cho đến ngàn đời, thứ tha điều sai quấy, vấp phạm và tội lỗi” (Ex 34:6-7). Chính vì lý do này mà bài thánh vịnh của chúng ta đây được đưa vào phụng vụ giờ kinh tối Giáng Sinh và toàn tuần bát nhật Giáng Sinh, cũng như vào phụng vụ giờ kinh tối của Chúa Nhật Thứ Bốn Phục Sinh và lễ trọng Truyền Tin Lời Nhập Thể.

 

2.         Bài Thánh Vịnh 129 (130) được mở đầu bằng một tiếng kêu vọng lên từ vực sâu của sự dữ và lỗi lầm (câu 1-2). Cái “tôi” của thánh vịnh gia thân thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, con kêu lên tới Chúa”. Thế rồi bài thánh vịnh diễn tiến làm 3 đoạn theo chủ đề tội lỗi và thứ tha. Trước hết là việc quay trở về cùng Chúa, Đấng được trực tiếp gọi bằng “Ngài”: “Ôi Chúa, nếu Chúa chấp tội thì lạy Chúa nào ai chống lại được hay chăng? Thế nhưng Chúa là Đấng thứ tha mà Chúa được kính sợ” (câu 3-4).

 

Vấn đề quan trọng ở đây là những gì làm phát sinh ra lòng trọng kính, một thái độ hãi sợ hòa lẫn với lòng kính mến, không phải là bị trừng phạt mà là được thứ tha. Ngài không phải là một Thiên Chúa chỉ biết giận dữ, thái độ bao dung quảng đại bất vũ phu của Ngài là những gì chắn chắn khơi lên trong chúng ta niềm kính sợ. Thật thế, Thiên Chúa không phải là một vị vương chủ không biết nhẫn tâm chỉ biết lên án lỗi lầm, mà là một người Cha yêu thương, Đấng chúng ta cần phải kính mến không phải vì sợ bị trừng phạt mà vì lòng nhân ái sẵn sàng thứ tha của Ngài.

 

3.         Ở tâm điểm của đoạn thứ hai là cái “tôi” của thánh vịnh gia không ngỏ lời cùng Chúa nữa mà là nói về mình: “Tôi ngong ngóng đợi chờ Chúa, linh hồn tôi mong đợi lời Ngài. Linh hồn tôi trông đợi Chúa còn hơn cả lính canh trông chờ hừng đông” (câu 5-6). Từ tâm khảm của thánh vịnh gia thống hối này bấy giờ nổi lên niềm ước mong, hy vọng và tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ lên tiếng tuyên bố việc Ngài giải phóng và xóa bỏ lỗi lầm.


Đoạn thứ ba cũng là đoạn cuối cùng nơi việc khai triển của thánh vịnh gia bao gồm toàn thể Yến Duyên, một dân tộc thường lỗi phạm và ý thức được nhu cầu cần đến ơn cứu độ của Thiên Chúa: “Yến Duyên hãy tìm kiếm Chúa, / Vì Chúa nhân hậu và đầy ơn cứu chuộc. Và Chúa sẽ cứu Yến Duyên khỏi tất cả mọi tội lỗi của họ” (câu 7-8). 

 

Ơn cứu độ cho bản thân, đầu tiên được thánh vịnh gia van nài, bấy giờ bao gồm cả cộng đồng này nữa. Đức tin của thánh vịnh gia này được dung nhập vào niềm tin lịch sử của thành phần Dân Giao Ước ấy,  một dân “được cứu chuộc” bởi Chúa, chẳng những khỏi những nỗi âu lo bị người Ai Cập đàn áp, mà còn “khỏi tất cả mọi lỗi lầm”.

 

Từ vực thẳm tối tăm của tội lỗi, lời van xin “Từ Vực Sâu – De Profundis” vang tới chân trời rạng ngời của Thiên Chúa là Đấng đầy “xót thương và ơn cứu chuộc”, hai đặc tính của Vị Thiên Chúa của tình yêu.

 

4.         Giờ đây chúng ta hãy dựa vào việc suy niệm theo truyền thống Kitô giáo về bài thánh vịnh này. Chúng ta hãy lấy lời của Thánh Ambrôsiô: Ở những bản văn của mình, ngài thường nhắc lại những lý do dẫn cho người dâng lời van nài Thiên Chúa thứ tha. 

Thánh nhân đã nhắc nhở chúng ta trong luận đề về thông hối của ngài rằng ”Chúng ta có một Vị Chúa tốt lành muốn thứ tha cho hết mọi người. Nếu anh chị em muốn được công chính hóa thì hãy xưng thú việc làm sai trái của anh chị em: một việc khiêm nhượng xưng thú tội lỗi là những gì gỡ rối lỗi lầm…. Anh chị em thấy được niềm hy vọng của ơn tha thứ ra sao khi Ngài dẫn anh chị em đến chỗ xưng thú lỗi lầm” (2,6,40-41: SAEMO, XVII, Milan-Rome, 1982, p. 253).

 

Trong Bài Dẫn Giải về Phúc Âm Theo Thánh Luca, lập lại cũng lời mời gọi ấy, vị giám mục Milan đây tỏ ra lạ lùng trước những tặng ân được Thiên Chúa thêm vào với việc thứ tha của Ngài: “Anh chị em hãy  coi Thiên Chúa tốt lành biết bao và đẵn sàng thứ tha tội lỗi: Ngài chẳng những trả lại những gì Ngài đã lấy đi mà còn ban những tặng ân ngoài lòng mong ước nữa”. Ông Zacaria, thân phụ của Gioan tẩy Giả, vẫn bị câm vì không tin tưởng vị thiên thần, thế nhưng sau đó, khi thứ tha cho ông, Thiên Chúa đã ban cho ông tặng ân ngôn sứ được tỏ hiện ở bài Ca Vịnh. Thánh Ambrôsiô nhận định rằng: “Con người vừa bị câm ngay trước đó giờ đây lại nói tiên tri. Đó là một trong những tặng ân trọng đại nhất của Chúa, vị mà chính những kẻ chối bỏ Ngài lại tuyên xưng Ngài. Bởi thế không ai được mất lòng tin tưởng, không ai được thất vọng trong việc lãnh nhận những việc bù đắp của Chúa, cho dù họ có ăn năn thống hối các lỗi lầm trong quá khứ của họ. Thiên Chúa biết làm thế nào để đổi thay được tâm trí của Ngài, nếu anh chị em biết cách hoán cải tội lỗi của anh chị em”. (2,33: SAEMO, XI, Milan-Rome, 1978, p. 175).

 

Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô,

 

Hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em về bài “Từ Vực Sâu – De Profundis”, tức về bài Thánh Vịnh 129, một trong những bài thánh vịnh thống hối nổi tiếng nhất. Nó là một cuộc cử hành lòng thương xót Chúa, Đấng bao giờ cũng sẵn sàng thứ tha và làm hòa với tội nhân. Tự tận đáy nỗi xót xa nhức nhối của mình, thánh vịnh gia nhận thấy Thiên Chúa là một người Cha yêu  thương, và bởi thế ông cảm thấy tôn kính Ngài.

 

Từ niềm tin tưởng cậy trông vào tình yêu của Thiên Chúa ấy phát sinh ra niềm hy vọng, cả cho cá nhân cũng như cho toàn dân Yến Duyên. Cho dù họ hay lỗi lầm phạm đến mình, Chúa cũng cứu chuộc họ khỏi cảnh làm tôi cũng như khỏi “tất cả mọi lầm lỗi của họ”.

 

Thánh Ambrôsiô, trong bài Dẫn Giải của mình, nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa chẳng những thứ tha tội lỗi cho chúng ta khi chúng ta xưng thú với Ngài mà còn ban cho chúng ta những ân sủng mới ngoài lòng mong ước nữa. Chẳng hạn như Zacaria, thân phụ của Giaon Tẩy Giả, chẳng những nói lại được khi ông hối hận về thái độ nghi ngờ của ông, mà ông còn được ban cho cả tặng ân nói tiên tri nữa.

 

Thánh Ambrôsiô nói rằng: “Đừng bao giờ thất vọng trước việc thứ tha của Thiên Chúa, dù tội lỗi của anh chị em có lớn lao mấy đi nữa. Thiên Chúa bao giờ cũng có thể thay lòng đổi dạ nếu anh chị em nhìn nhận những vấp phạm của mình”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
19/10/2005