Thứ Tư 2/11/2005
“Con Người Trung Thành
là Con Người Quảng Đại Bao Dung.
(
Thánh Vịnh 111 [112] - Kinh Tối Chúa Nhật, Tuần Thứ Bốn)
1. Hôm qua sau khi cử hành lễ trọng kính các thánh trên thiên đình, hôm nay chúng ta tưởng nhớ đến tất cả mọi tín hữu đã qua đời. Phụng vụ mời gọi chúng ta hãy nguyện cầu cho tất cả mọi người thân yêu của chúng ta đã qua đi, hướng tâm tưởng của chúng ta về mầu nhiệm sự chết là gia sản chung của tất cả mọi dân tộc.
Được đức tin soi chiếu, chúng ta nhìn cái bí ẩn chết chóc của con người một cách bình thản và hy vọng. Theo Thánh Kinh, sự chết thực ra không phải là tận cùng mà là một cuộc tái sinh, nó là một cuộc vượt qua khẩn thiết để những ai mô phỏng cuộc sống trần gian của mình theo những qui định của Lời Chúa có thể đạt tới sự sống viên mãn.
Thánh Vịnh 111 (112), một bài thánh vịnh có tính chất khôn ngoan, cho chúng ta thấy hình ảnh của những con người công chính, thành phần kính sợ Chúa, nhìn nhận siêu việt tính của Ngài và tin tưởng mến yêu gắn bó với ý muốn của Ngài trong khi đợi chờ được hội ngộ với Ngài sau khi qua đi.
Một “phúc ân” được giành cho thành phần tín nghĩa ấy: “Phúc cho những ai kính sợ Chúa” (câu 1). Thánh Vịnh gia liên nói rõ việc kính sợ này là ở chỗ nó thể hiện nơi tính cách đơn sơ dễ dạy đối với các giới lệnh của Chúa. Người được cho là “có phúc” là người “hết sức hỉ hoan” nơi các giới lệnh của Ngài, tìm được nơi những giới lệnh ấy niềm vui và an bình.
2. Bởi thế, tính chất đơn sơ dễ dạy là nguồn mạch cho niềm hy vọng và cho mối hòa hợp nội ngoại. Việc tuân giữ luật lệ về luân lý là nguồn an bình sâu xa của lương tâm. Thật thế, theo nhãn quan của thánh kinh về “việc tưởng thưởng” thì chiếc áo choàng ân phúc thần linh được phủ trên con người công chính, thứ ân phúc ghi dấu bền vững và thành đạt nơi các việc làm của họ cũng như trên miêu duệ của họ: “Giòng dõi của họ sẽ cường thịnh nơi mảnh đấy này, một giòng dõi chính trực và phúc ân. Sự giầu sang phú quí sẽ thuộc về nhà của họ” (câu 2-3, cf 9).
Tuy nhiên,
ngược lại với nhãn quan lạc quan này là những nhận định đắng cay của nhân vật
Gióp chính trực, người đã trải qua mầu nhiệm sầu thương, cảm thấy mình bị trừng
phạt cách bất công và chịu đựng những thử thách rõ ràng là vô lý. Ông Gióp là
biểu hiệu cho nhiều con người chính trực chịu đừng rất nhiều trên thế gian này.
Thế nên, cần phải đọc bài thánh vịnh này theo bối cảnh phổ quát của Mạc Khải là
mạc khải bao gồm tất cả moi chiều kích của thực tại đời sống con người.
Thế nhưng, niềm tin tưởng vẫn tiếp tục có năng hiệu, một niềm tin tưởng mà thánh vịnh gia muốn truyền đạt và được chính ông cảm nghiệm, một con người đã chọn theo đường lối của lòng đạo hạnh bất khả trách cứ về luân lý, ngược lại với tất cả những đường lối thành công ảo vọng là những gì chiếm được bằng bất chính và vô luân.
3. Nơi trọng tâm của việc trung thành với Lời thần linh này là một chọn lựa trọng yếu, tức là lòng bác ái yêu thương đối với kẻ nghèo và thiếu thốn: “Tất cả mọi sự tốt đẹp với những ai quảng đại cho vay mượn…. Họ rộng lượng ban phát cho kẻ nghèo khổ” (câu 5,9). Bởi thế, con người trung thành là con người quảng đại; theo qui chuẩn thánh kinh, họ những người anh chị em của họ vay mượn mà không lấy tiền lời (x Deut 15:7-11), cũng không tham lam nặng lãi làm hủy hoại đời sống của người nghèo.
Con người công chính, lưu ý tới lời khiển trách liên tục của các vị tiên tri, thích ứng mình với thành phần bị loại trừ, và hết sức nâng đỡ thành phần này. Câu 9 nói: “Họ quảng đại ban phát cho người nghèo”, một việc làm cho thấy tính cách hoàn toàn quảng đại, triệt để vô vị lợi của họ.
4. Ngoài hình ảnh của con người trung tín và bác ái này, con người “tốt lành, xót thương và công chính”, bài Thánh Vịnh 111 (112) cuối cùng cho thấy trong một câu duy nhất lý lịch của con người gian ác. Con người này thấy được sự thành công của thành phần chính trực thì bị dày vò bởi giận dữ và ghen tương. Nó là một cuộc hành hạ con người có lương tâm xấu, ngược lại với con người quảng đại có tấm lòng “bền vững” và “bình lặng” (câu 7-8).
Chúng ta nhìn vào gương mặt thanh thản của con người trung tín, “kẻ sẵn lòng ban phát cho người nghèo”, và kết thúc bài suy niệm của chúng ta bằng những lời của Thánh Clêmentê thành Alexandria, Vị Giáo Phụ của Giáo Hội thuộc thế kỷ thứ ba, vị đã dẫn giải về việc quyết định của Chúa là những gì khó hiểu. Trong dụ ngôn về người quản lý bất trung có câu nói đối với chúng ta dường như thể chúng ta cần phải lợi dụng “tiền bạc bất chính” vậy. “Từ đó mới có vấn đề là tiền bạc và giầu sang phải chăng tự chúng là những gì bất chính, hay Chúa muốn nói gì đây?”
Thánh Clêmentê thành Alexandria giải thích dụ ngôn này rất hay trong bài giảng của ngài: “Người giầu có khó được cứu độ biết bao?”. Và ngài nói, bằng việc khẳng định này, Chúa Giêsu: “tuyên bố là tự bản chất bất chính bất cứ sở hữu vật nào con người có được chỉ vì nó, như là sự thiện riêng của mình, không chia sẻ chung với những ai đang thiếu thốn; nhưng Người cũng tuyên bố rằng từ sự bất chính ấy cũng có thể thực hiện một việc chân chính và đáng khen, đó là cứu trợ một trong những người nhỏ mọn là thành phần được cư ngụ đời đời trước Chúa Cha (cf. Matthew 10:42; 18:10)" (31,6: "Collana di Testi Patristici" [Collection of Patristic Texts] CXLVIII, Rome, 1999, pp. 56-57).
Thế rồi, ngỏ lời cùng độc giả, Thấh Clêmentê cảnh giác là “Hãy nhớ rằng, trước hết, Người không truyền cho anh chị em phải van nài, hay phải ăn xin, nhưng truyền cho anh chị em hãy tìm kiếm những ai đáng được keuêxin, vì họ là thành phần môn đệ của Đấng Cứu Thế” (31,7: ibid., p. 57).
Đoạn, trích bài thánh kinh khác, ngài dẫn giải là: “Bởi thế, thật là tuyệt vời câu Thánh Tông Đồ nói: ‘Thiên Chúa yêu thương kẻ vui vẻ ban phát’ (2Cor 9:7), người hoan hưởng việc ban phát và không gieo rắc một cách nhỏ giọt, để không thu lượm được cùng một cách thế, nhưng chia sẻ mà không tiếc xót, biệt phân hay đau đớn, và đó thực sự là hành thiện” (31,8: ibid).
Vào ngày chúng ta đang tưởng nhớ đến người quá cố đây, như tôi đã nói vào lúc mở đầu cuộc gặp gỡ của chúng ta đây, tất cả chúng ta đều được kêu gọi đương đầu với cái bí ẩn của sự chết, bởi thế, đương đầu với vấn đề làm cách nào để sống tốt lành, làm sao đểm tìm được hạnh phúc. Trước hết, bài thánh vịnh đáp là Phúc thay cho con người biết ban phát; phúc thay cho con người không sống cho mình mà là ban tặng bản thân; phúc thay con người xót thương, nhân ái và chân chính; phúc thay cho con người sống tình yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Có thế chúng ta mới sống tốt lành và không sợ hãi sự chết, vì chúng ta sống với niềm hạnh phúc xuất phát từ Thiên Chúa là là nguồn hạnh phúc vô cùng bất tận.
Anh Chị Em thân mến,
Sau ngày hôm qua cử hành lễ trọng kính Các Thánh, phụng vụ hôm nay kêu mời chúng ta hãy nguyện cầu cho những người thân yêu quá cố của chúng ta đã lìa bỏ chúng ta.
Vì chúng ta đương đầu với sự chết, Sách Thánh làm cho niềm hy vọng của chúng ta kiên vững bằng việc bảm đảm với chúng ta rằng tất cả những ai sống theo Thế Giới của Thiên Chúa đều được tái sinh trong sự sống viên mãn. Đó là những con người công chính, những con người hạnh phúc, những con người được Thánh Vịnh 111 nói tới. Nơi họ, việc kính sợ Chúa, tức là việc tuân kính lề luật Chúa, mang lại tình trạng hòa hợp nội tâm và nỗi an bình lương tâm. Vì họ cảm nghiệm được giá trị tối hậu của một đời sống chính trực về luân lý, họ tin tưởng loại bỏ những thứ hứa hẹn thành đạt gian dối nhờ việc làm bất chính và vô luân.
Thánh Vịnh gia
minh nhiên nêu lên một đặc tính trọng yếu của những ai bước đi theo Lời Chúa, đó
là sống tình yêu quảng đạo đối với tha n hân thiếu thốn của mình. Trong lời dẫn
giải của mình về các câu thánh vịnh này, Thánh Clêmentê thành Alexandria mời gọi
Kitô hữu hãy quảng đại chia sẻ với tha nhân của mình bằng việc ban tặng “không
hối tiếc, bất biệt phân hay xót xa”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 2/11/2005