Thứ Tư 9/11/2005

 

 

Từ Những Kỳ Công Được Tạo Dựng

Con Người Vươn Tới Sự Cao Cả của Thiên Chúa”

 

(Thánh Vịnh 135 [136]: 1-9 cho Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Bốn)

 

 

 

1.         Được gọi là “Bài Đại Tụng Ca”, tức là việc long trọng và uy nghi chúc tụng được Do Thái giáo vang lên trong phụng vụ vượt qua. Chúng ta đang nói về bài Thánh Vịnh 135 (136) giờ đây chúng ta nghe phần thứ nhất được Phụng Vụ Kinh Tối phân chia (x câu 1-9).

 

Trước hết chúng ta câu điệp khúc: “vì tình yêu của Ngài bền vững đến muôn đời”. Ở tâm điểm của câu này vang lên tiếng “yêu thương”, một từ ngữ thực sự là việc chuyển ngữ hợp lệ song chưa hết nghĩa theo nguyên ngữ “hesed” của Do Thái. Thật vậy, nó là một phần của thứ ngôn ngữ đặc biệt được Thánh Kinh sử dụng để bày tỏ giao ước giữa Chúa và dân của Ngài.  Từ ngữ này tìm cách diễn tả những thái độ được thiết lập trong mối liên hệ này, đó là thái độ trung thành, tín nghĩa, yêu thương và hiển nhiên là tình thương của Thiên Chúa.

 

Ở đây chúng ta có một biểu hiệu tổng hợp về mối liên hệ sâu xa và liên vị được Đấng Hóa Công thiết lập với tạo sinh của Ngài. Trong mối liên hệ này, Thiên Chúa không hiện lên trong Thánh Kinh như là một vị Chúa dửng dưng chẳng biết mủi lòng xót thương, hay là một hữu thể mờ ám và bất khả giải đoán, hay là những gì tất yếu không thể chống lại được quyền lực nhiệm mầu của nó. Trái lại, Ngài tỏ mình ra như là một ngôi vị biết yêu thương tạo vật của Ngài, Ngài canh chừng chúng, Ngài theo dõi chúng trong giòng lịch sử và chịu đựng tình trạng bất trung của dân thường nghịch lại với “hesed” của Ngài, tương phản với tình yêu nhân hậu và từ phụ của Ngài.

 

2.         Dấu hiệu hữu hình đầu tiên của đức ái thần linh này, như Thánh Vịnh gia nói, được thấy nơi thiên nhiên tạo vật. Bấy giờ lịch sử bắt đầu. Ánh mắt, đầy cảm phục và ngỡ ngàng, trước hết dừng lại trên thiên nhiên tạo vật, đó là các tầng trời, trái đất, các nguồn nước, mặt trời, mặt trăng và các tinh tú.

Ngay cả trước khi khám phá ra Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra trong lịch sử của một dân tộc thì đã có mạc khải về vũ trụ rồi, một mạc khải được Đấng Hóa Công là “Thiên Chúa chư thần”  và là “Chúa các chúa” (câu 2-3) tỏ ra cho tất cả mọi người, cống hiến cho toàn thể nhân loại.

 

Như bài Thánh Vịnh 18 (19) đã nói: “các tầng trời loan báo hiển vinh của Thiên Chúa; bầu trời công bố xảo nghệ của Đấng Kiến Tạo nên mình. Ngày này tới ngày kia chuyển đạt sứ điệp ấy; đêm này sang đêm kia truyền thông kiến thức này” (câu 2-3). Bởi thế, có một sứ điệp thần linh nhiệm mầu được in ấn nơi thiên nhiên tạo vật và là dấu hiệu của “hesed”, của việc yêu thương trung thành của Thiên Chúa là Đấng ban cho tạo sinh của Ngài hữu thể và sự sống, nước và lương thực, ánh sáng và thời gian.

 

Người ta cần phải có những đôi mắt sáng để chiêm ngưỡng mạc khải thần linh này, khi nhớ đến lời cảnh giác của Sách Khôn Ngoan kêu gọi chúng ta hãy nhận biết Đấng Hóa Công, bằng việc suy tưởng “cái vĩ đại và vẻ đẹp của những vật được tạo dựng” (Wis 13:5; x. Rm 1:20). Bấy giờ lời chúc tụng nguyện cầu tuôn chảy từ việc chiêm niệm “các kỳ công” của Thiên Chúa (x Ps 135[136]:4), những kỳ công được thể hiện nơi thiên nhiên tạo vật và được biến đổi thành một bài thánh ca hân hoan chúc tụng và tạ ơn Chúa.

 

3.         Từ các công trình được tạo dựng nên, con người nhờ thế tiến lên sự cao cả vĩ đại của Thiên Chúa, tiến tới tình thương ưu ái của Ngài. Các vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã dạy chúng ta như thế, những vị vang tiếng làm âm dội Truyền Thống Kitô giáo liên tục.

 

Vậy Thánh Basiliô Cả, ở một trong những trang đầu tiên các bài giảng đầu tiên của ngài về Hexameron được ngài dẫn giải về câu truyện tạo dựng theo chương thứ nhất của Sách Khởi Nguyên, đã dừng lại để suy nghĩ hoạt động khôn ngoan của Thiên Chúa, hoạt động dẫn ngài đến chỗ nhìn nhận nơi sự thiện thần linh cái tâm điểm đi tới của việc tạo thành. Ở đây có một số lời bày tỏ được lấy từ bài suy niệm dài của vị giám mục thánh thiện giáo phận Caesarea ở Cappadocia:

 

“’Từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên trời đất’. Lời tôi nói lặng đi bởi sự ngỡ ngàng trước ý nghĩ ấy” (1,2,1: "Sulla Genesi [Omelie sull'Esamerone]" -- On Genesis: Homily on the Hexameron -- Milan, 1990, pp. 9,11). Thật vậy, mặc dù có một số người “bị chủ nghĩa vô thần đánh lừa họ đã nghĩ rằng vũ trụ này bị thiếu hụt hướng dẫn viên và trật tự, lệ thuộc vào may rủi”, nhưng vị tác giả thánh “lập tức soi động tâm trí của chúng ta bằng tên gọi của Thiên Chúa ở ngay đầu bài trình thuật tạo dựng là ‘Từ ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng’ Và trật tự này có được một vẻ đẹp biết bao!” (1,2,4: ibid., p. 11). “Bởi thế, nếu thế giới này đã có khởi đầu và đã được tạo dựng, thì anh chị em phải tìm kiếm Đấng đã khơi động nó và Đấng là Hóa Công của nó…. Moisen đã sửa soạn cho anh chị em bằng việc giảng dạy của ông, in ấn vào linh hồn của chúng ta như là một dấu ấn danh cực thánh của Thiên Chúa, khi ông nói: ‘Từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên’.  Cái thiên nhiên diễm phúc này, sự thiện ngoài thèm muốn này, Người là đối tượng của tình yêu nơi tất cả mọi hữu thể biết lý luận, là vẻ đẹp còn vĩ đại hơn cả bất cứ vẻ đẹp được ước mong nào, là khởi đầu của các hữu thể, là nguồn mạch sự sống, là ánh sáng của kiến thức, là đức khôn ngoan bất khôn thấu, tóm lại, Người là Đấng ‘từ ban đầu đã tạo dựng nên trời đất’” (1,2,6-7: ibid., p. 13).

 

(Ở phần kết buổi triều kiến chung, Đức Thánh Cha nói tiếp:)

 

Tôi tin những lời của vị Giáo Phụ ở thế kỷ thứ 4 này có tính cách hợp thời lạ lùng, khi ngài nói một số người “bị đánh lừa bởi chủ nghĩa vô thần đánh lừa họ đã nghĩ rằng vũ trụ này bị thiếu hụt hướng dẫn viên và trật tự, lệ thuộc vào may rủi”. Có bao nhiêu là thành phần “một số” này ngày nay đây?

 

Bị đánh lừa bởi chủ nghĩa vô thần, họ tin tưởng và cố gắng cho thấy rằng khoa học cho là hết mọi sự thiếu hướng dẫn viên và trật tự, như thể chúng xẩy ra là do ngẫu nhiên tình cờ. Qua Thánh Kinh, Chúa đang lay tỉnh trí khôn mê ngủ và nói với chúng ta rằng: Lời tạo dựng đã có ngay từ ban đầu. Từ ban đầu Lời tạo dựng – Lời này đã tạo dựng nên tất cả mọi sự, Lời đã tạo dựng nên dự án khôn ngoan này, tạo dựng nên vũ trụ hoàn cầu này – cũng là Tình Yêu. 

 

Chúng ta hãy bừng tỉnh trước Lời Chúa đây. Chúng ta hãy cầu nguyện để Ngài làm sáng tỏ tâm trí của chúng ta, hầu chúng ta có thể nhận thấy sứ điệp tạo dựng được in ấn cả trong tâm can của chúng ta nữa: Khởi nguyên của tất cả mọi sự là Đức Khôn Ngoan sáng tạo và Đức Khôn Ngoan này là tình yêu và thiện hảo: “Tình thương của Ngài vĩnh hằng”.

 

(Bao giờ cuối cùng ĐTC cũng tóm tắt bài giáo lý bằng tiếng Ý sang tiếng Anh như sau:)

 

Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô,

 

Hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em về bài Thánh Vịnh 135, một bài đại thánh ca chúc tụng làm nên phụng vụ Vượt Qua của Dân Do Thái. Chúng ta hãy để ý tới câu điệp khúc: “Vì tình thương Ngài muôn đời bền vững”. Chữ chính ở đây là “tình thương”, theo ngôn ngữ Do Thái là “hesed”.

 

Nó diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với dân được Ngài tuyển chọn, thành phần Ngài đã thiết lập giao ước. Ngài không phải là một Vị Thiên Chúa lạnh lùng, xa cách, mà là Vị Thiên Chúa yêu thương tạo vật và chịu đựng họ khi họ bất trung với Ngài, khi họ loại bỏ tấm lòng cảm thương từ phụ của Ngài.

 

Những dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa được thấy nơi những kỳ công thiên nhiên tạo vật cũng như nơi các đại tặng ân Ngài ban cho dân của Ngài. Các vị Giáo Phụ của Giáo Hội dạy chúng ta hãy nhận thấy nơi các sự được tạo thành sự cao cả của Thiên Chúa cũng như tình yêu nhân hậu của Ngài đối với chúng ta.

 

Thánh Basiliô, đầy những ngỡ ngàng khi suy niệm về mầu nhiệm Việc Tạo Dựng, viết rằng Thiên Chúa “đẹp đẽ hơn bất cứ những gì có thể ước mong, là khởi nguyên của tất cả mọi hữu thể, là nguồn mạch của sự sống, là ánh sáng của kiến thức, là đức khôn ngoan khôn thấu”: Vị Thiên Chúa như thế là vị Thiên Chúa “ngay từ ban đầu đã dựng nên Trời Đất”. Chúng ta hãy chúc tụng Chúa, vì Ngài thiện hảo, vì tình thương của Ngài bền vững đến muôn đời.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 9/11/2005