Thứ Tư 16/11/2005
“Những Việc Lạ Lùng của Thiên Chúa
trong Lịch Sử Cứu Độ”
(
Thánh Vịnh 135 [136]: 10-26 cho Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Bốn)
1. Chúng ta lại suy niệm về bản thánh ca chúc tụng của Thánh Vịnh 135 (136) được Phụng Vụ Giờ Kinh Tối chia ra làm hai phần, theo sự phân biệt riêng của bài thánh vịnh liên quan đến chủ đề. Thật vậy, việc chúc tụng các công cuộc của Chúa được phác họa thành hai lãnh vực, lãnh vực về không gian và lãnh vực về thời gian.
Ở phần thứ nhất (câu 1-9), phần vừa được chúng ta suy niệm tuần trước, chúng ta thấy các tác động thần linh được tỏ hiện nơi thiên nhiên tạo vật: Chúng cho thấy nguồn gốc của những kỳ công trong vũ trụ. Ở phần nhất của bài thánh vịnh này, niềm tin đã được bày tỏ trước Vị Thiên Chúa Hóa Công, Đấng đã tỏ mình ra qua các tạo vật trong vũ trụ của Ngài. Giờ đây, bài hoan ca của thánh vịnh gia này, bài được truyền thông Do Thái gọi là “bài Hallel cao cả”, tức là bài chúc tụng cao cả nhất dâng lên Chúa, lại dẫn chúng ta tới một chân trời khác, chân trời lịch sử. Do đó, phần thứ nhất là phần nói về thiên nhiên tạo vật như phản ảnh vẻ đẹp của Thiên Chúa; phần thứ hai là phần nói về lịch sử và về sự thiện hảo Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta trong giòng thời gian. Chúng ta biết rằng Mạc Khải thánh kinh liên tục cho thấy rằng việc hiện diện của Vị Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ được đặc biệt tỏ hiện nơi lịch sử cứu độ (cf. Deuteronomy 26:5-9; Genesis 24:1-13).
2. Do đó, thánh vịnh gia thấy được cái diễn tiến của những tác động
giải thoát của Chúa, mà trọng tâm của những hành động giải thoát này là biến cố
xuất hành Ai Cập, một biến cố có liên hệ sâu xa với cuộc hành trình khốn khổ ở
sa mạc Sinai, một biến cố được kết thúc ở mảnh đất hứa là tặng ân thần linh dân
Do Thái cảm nghiệm thấy ở tất cả mọi trang sách Thánh Kinh.
Cuộc vượt qua Biển Đỏ lẫy lừng, “biển được rẽ ra làm hai”, biển được tách ra và thuần thục như một con quái vật bị khuất phục (câu 13), là biến cố làm phát sinh một dân tộc được giải phóng để thực hiện một sứ vụ và để đạt tới đích điểm vinh quang (câu 14-15; Xuất Hành 15:1-21), một biến cố theo ý nghĩa Kitô giáo là việc được hoàn toàn giải thoát khỏi sự dữ nhờ ân sủng phép rửa (x 1Cor 10:1-4). Thế rồi sau đó là cuộc hành trình sa mạc bắt đầu: nơi cuộc hành trình này Chúa đã tỏ ra là một chiến binh, Đấng, tiếp tục công cuộc giải phóng được bắt đầu từ việc vượt qua Biển Đỏ, nhúng tay vào việc bênh vực dân Ngài bằng việc đánh thành phần đối phương của họ. Bởi thế mà sa mạc và biển cả là những gì tiêu biểu cho cuộc vượt qua sự dữ và cuộc đàn áp để lãnh nhận tặng ân tự do và đất hứa (x câu 16-20).
3. Cuối cùng, bài thánh vịnh này cho thấy là xứ sở được Thánh Kinh ca tụng một cách nồng nhiệt như là “một xứ sở tốt đẹp, một mảnh đất có các giòng nước, có những mạch nước và có những suối chảy… một mảnh đất có lúa miến và lúa mạch, có các cây nho và cây vả cùng với cây lựu, có những cây Olive và mật ong, một mảnh đất các người có thể tha hồ mà ăn bánh và là nơi các người sẽ chẳng thiết thốn chi, một mảnh đất các tảng đá có sắt và có những ngọn đồi có mỏ đồng cho các người” (Deut 8:7-9).
Việc cử hành đặc biệt này, một việc cử hành vượt ra ngoài thực tại của mảnh đất ấy, là để chúc tụng tặng ân thần linh, hướng niềm mong đợi của chúng ta về tặng ân cao cả nhất là sự sống trường sinh với Thiên Chúa. Một tặng ân làm cho con người được tự do, một tặng ân được xuất phát – như hằng được liên tục lập đi lập lại ở câu đối ca nổi bật ở mỗi câu, từ “hesed” của Chúa, tức là từ “tình thương” của Ngài, từ việc Ngài trung thành với những gì hứa quyết nơi Giao Ước với Yến Duyên, từ tình yêu của Ngài được tiếp tục thể hiện nơi việc “tưởng niệm” (câu 23). Vào thời điểm “bị hạ xuống”, tức là vào thời điểm gặp phái những liên tục thử thách và bị đàn áp, Yến Duyên luôn khám phá thấy bàn tay cứu độ của Vị Thiên Chúa tự do và yêu thương. Trong lúc đói khát và khốn cực, Vị Chúa này cũng sẽ xuất hiện để ban lương thực cho toàn thể nhân loại, tỏ ra căn tính là Đấng Hóa Công của Ngài (câu 25).
4. Bởi vậy, nơi bài Thánh Vịnh 135 (136) này, có hai khía cạnh của một Mạc Khải thần linh duy nhất được liên kết với nhau, đó là mạc khải về vũ trụ (câu 4-9) và mạc khải về lịch sử (câu 10-25). Dĩ nhiên Vị Chúa này là Đấng siêu việt như Đấng Hóa Công và là Đấng nắm trong tay toàn quyền về hữu thể, thế nhưng Ngài cũng gần gũi với các tạo vật của Ngài, khi tiến vào không gian và thời gian. Ngài không ở cách xa, ở trên trời xa vời. Trái lại, việc hiện diện của Ngài nơi chúng ta đạt đến tuyệt đỉnh nơi việc nhập thể của Kitô giáo.
Đó là những gì được Kitô giáo giải thích về bài thánh vịnh này rõ ràng loan báo, như được các vị Giáo Phụ của Giáo Hội chứng thực, những vị thấy tột đỉnh của lịch sử cứu độ và dấu hiệu tối hậu của tình yêu nhân hậu Chúa Cha nơi tặng ân Con Ngài là Đấng Cứu Độ và Cứu Chuộc nhân loại (x Jn 3:16).
Bởi vậy mà Thánh Cyprianô, một vị tử đạo ở thế kỷ thứ ba, khi bắt đầu luận đề về “Các Công Việc Bác Ái và Làm Phúc Bố Thí” của mình đã chiêm ngưỡng một cách lạ lùng những việc được Thiên Chúa hoàn thành nơi Đức Kitô là Con Ngài cho dân của Ngài, để cuối cùng làm cho con người bồi hồi nhận biết tình thương của Ngài: “Anh chị em rất thân mến, các phúc ân của Thiên Chúa thì nhiều và lớn lao, những ân phước được sự thiện hảo quảng đại và dồi dào của Thiên Chúa Cha và của Đức Kitô hoàn thành và sẽ mãi thực hiện cho phần rỗi của chúng ta; thật vậy, để bảo trì chúng ta, để ban cho chúng ta một sự sống mới cũng như để có thể cứu chuộc chúng ta, Chúa Cha đã sai Người Con; Người Con, Đấng được sai đến, cũng muốn được gọi là Con Người, để làm cho chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa: Người đã hạ mình để nâng con người là thành phần thoạt tiên nằm trên mặt đất, Người đã bị thương tích để chữa lành các vết thương của chúng ta, Người đã trở thành nô lệ để dẫn chúng ta là thành phần nô lệ đến chỗ tự do. Người đã chấp nhận cái chết để có thể ban cho thành phần hữu tử chúng ta được bất tử. Đó là những tặng ân muôn vàn và cao cả của tình thương thần linh” (1: "Trattati : Collana de Testi Patristici" [Treatises: Collection of Patristic Texts] CLXXV, Rome, 2004, p. 108).
(ĐTC ghi chú về những lời của vị Giáo Phụ này như sau:)
Với những lời ấy, vị Tiến Sĩ thánh thiện này của Giáo Hội khai triển bài thánh vịnh ấy bằng việc liệt kê các ân huệ Thiên Chúa ban cho chúng ta, thêm vào bài này những gì thánh vịnh gia chưa biết tới nhưng vẫn trông mong, đó là tặng ân chân thực Thiên Chúa ban cho chúng ta: tặng ân Người Con, tặng ân Nhập Thể, một việc nhập thể Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta và ở cùng chúng ta, trong Thánh Thể và nơi Lời của Ngài, mọi ngày cho tới tận cùng lịch sử.
Chúng ta gặp nguy hiểm là việc tưởng nhớ tới sự dữ, tới những sự dữ phải chịu, thường mạnh hơn ký ức về sự lành. Bài thánh vịnh này giúp làm bừng lên trong chúng ta ký ức về sự thiện, về tất cả mọi sự thiện Chúa đã làm cho chúng ta và đang làm cho chúng ta, và chúng ta có thể thấy được rằng tâm can của chúng ta có chuyên chú hay chăng: Thật sự tình thương của Chúa thì vĩnh hằng, hiện hữu từ ngày này sang ngày khác.
(Như thường lệ, ĐTC tóm bài giáo lý thánh vịnh bằng tiếng Anh như sau:)
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 135 làm thành một bài hoan ca nổi tiếng nơi truyền thống Do Thái như là một “bài đại tụng ca”. Thánh vịnh gia chiêm ngưỡng hai chiều kích mạc khải của Thiên Chúa, chiều kích vũ trụ và lịch sử. Phần đầu của bài thánh vịnh này, phần chúng ta đã chia sẻ Thứ Tư tuần trước, chúc tụng Chúa về các việc tạo dựng cao cả.
Hôm nay, ở phần hai của bài thánh vịnh đây, chúng ta nghe về những việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ: đó là việc xuất hành của dân Yến Duyên khỏi Ai Cập, việc vượt qua Biển Đỏ và cuộc hành trình qua sa mạc. Những biến cố này biểu hiệu tượng trưng cho cuộc vượt qua sự dữ mà đến tặng ân tự do trong đất hứa.
Bởi thế mà bài thánh vịnh này là bài tụng ca tình yêu của Thiên Chúa, một tình thương chủ động và trung thành của (theo tiếng Do Thái được gọi là “hesed”). Việc Thiên Chúa nhúng tay vào lịch sử của loài người đạt đến tuyệt đỉnh nơi mầu nhiệmj Nhập Thể. Thánh Cyprianô, khi chiêm ngưỡng những việc vĩ đại Thiên Chúa hoàn thành nơi Đức Kitô đã mời gọi Kitô hữu hãy chúc tụng Chúa về “nhiều ân huệ cao cả của tình thương thần linh Ngài”. Tiếng gọi này âm vang thực sự những lời này của thánh vịnh gia: “Hãy tri ân cảm tạ Vị Thiên Chúa của Thiên Đình, vì tình yêu của Ngài muôn đời bền vững”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/11/2005