Thứ Tư 23/11/2005

 

 

Dự Án Thần Linh là Mọi Sự được Qui Tụ trong Chúa Kitô

 

(Ca Vịnh Ephêsô 1:3-10 cho Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Bốn)

 

 

 

1.         Mỗi tuần Phụng Vụ Giờ Kinh Tối đề ra cho việc cầu nguyện của Giáo Hội bài thánh ca long trọng mở đầu của Bức Thư gửi cộng đoàn Êphêsô bài ca vịnh vừa được công bố. Bài ca vịnh này thuộc về một loại “berakot”, tức là loại “các thứ phúc lành” đã được hiện hữu trong Cựu Ước và là những gì đã được truyền bá rộng rãi hơn trong truyền thống Do Thái giáo. Bởi thế, nó là một trào lưu chúc tụng liên tục dâng lên Thiên Chúa là Đấng, theo đức tin Kitô giáo, được chúc tụng như là “Cha của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”.

 

Chính vì lý do này mà nơi bài thánh ca chúc tụng này hình ảnh của Đức Kitô mới nổi bật, Đấng mà công việc của Thiên Chúa Cha được tỏ hiện và nên trọn. Thật vậy, ba động từ chính của bài ca vịnh dài dòng mà gẫy gọn này bao giờ cũng dẫn chúng ta đến với Người Con này.

 

2.         Thiên Chúa “đã chọn chúng ta trong Người” (câu 4): Đó là ơn gọi nên thánh của chúng ta và là ơn gọi đóng vai con cái được thừa nhận, nhờ đó là ơn gọi được làm an hem với Chúa Kitô. Tặng ân này, một tặng ân hoàn toàn biến đổi thân phận tạo vật của chúng ta, được ban cho chúng ta “nhờ việc làm của Chúa Giêsu Kitô” (câu 5), một công việc tham dự vào đại dự án cứu độ thần linh, vào “ý định ưu ái” (câu 5)  yêu thương của Chúa Cha là Đấng vị Tông Đồ bàng hoàng chiêm ngưỡng. 

 

Động từ thứ hai, sau động từ của việc tuyển chọn (“đã chọn chúng ta”), là động từ ám chỉ tặng vật ân sủng: “ân sủng Ngài đã ban cho chúng ta nơi Người Con” (ibid). Theo tiếng Hy Lạp chúng ta có cùng một gốc hai lần, đó là “charis” và “echaritosen”, để nhấn mạnh đến tính cách nhưng không của sáng kiến thần linh xẩy ra trước mọi đáp ứng của nhân loại. Bởi thế, ân sủng Cha ban xuống trên chúng ta nơi Người Con duy nhất của Ngài đó là việc tỏ hiện tình Ngài yêu thương là những gì bao bọc và biến đổi chúng ta.

 

3.         Thế rồi chúng ta có động từ trọng yếu thứ ba nơi bài ca vịnh Thánh Phaolô này: đối tượng của bài ca vịnh này lúc nào cũng là ân sủng thần linh là những gì được “đổ xuống trên chúng ta” (câu 8). Bởi thế, chúng ta thấy mình trước một động từ của sự phong phú dồi dào, chúng ta có thể nói – theo nguyên nghĩa của nó – về cái thái quá, về việc ban phát vô hạn hay hạn chế.

 

Như thế là chúng ta tiến tới tình trạng vô cùng hiển vinh phong phú của mầu nhiệm về Thiên Chúa, một Thiên Chúa bằng ân sủng cởi mở và tỏ mình cho ai được kêu gọi bởi ân sủng và yêu thương, một mạc khải không thể nào đạt tới chỉ bằng nguyên tài năng thông minh và khả năng của con người. “Những gì mắt chưa hề thấy và tai chưa hề nghe, những gì lòng chưa cảm thấu, những gì Thiên Chúa đã sửa soạn cho những ai kính mến Ngài, thì vị Thiên Chúa này đã mạc khải cho chúng ta biết nhờ Thần Linh. Vì Thần Linh thấu suốt hết mọi sự, kể cả thẳm cung của Thiên Chúa” (1Cor 2:9-10).

 

4.         “Mầu nhiệm” về “ý muốn” thần linh là một trọng điểm để điều hợp toàn thể hữu thể và toàn thể lịch sử, dẫn đến chỗ thành toàn theo ý muốn của Thiên Chúa: Nó là “dự án vào thời diểm viên trọn hiệp nhất tất cả mọi sự trong Người, những sự trên trời cũng như những sự dưới đất” (Eph 1:10). Nổi bật nhất trong “dự án” này, theo ngôn ngữ Hy Lạp là “oikonomia”, tức là trong dự án hòa hợp này nơi cấu trúc của hữu thể và của việc hiện hữu đó là Chúa Kitô, vị thủ lãnh của thân thể Giáo Hội, thế nhưng nó cũng là cái trục phục hồi nơi chính bản thân Người “tất cả mọi sự, những sự trên trời và những sự dưới đất”. Tình trạng phân tán và các thứ hạn hẹp đều được thắng vượt, và cái “toàn vẹn” được hình thành, cái toàn vẹn là đích điểm chân thực của cái dự án đã được ý muốn thần linh thiết lập từ ban đầu.

 

Thế nên, chúng ta thấy mình đứng trước một đại họa phẩm về lịch sử tạo dựng và cứu độ, là những gì giờ đây chúng ta suy niệm và chia sẻ sâu xa hơn nữa bằng những lời lẽ của Thánh Irênêo, vị đại Tiến Sĩ của Giáo Hội ở thế kỷ thứ hai, vị mà, trong mấy trang thuộc thẩm quyền của mình về luận đề “Chống Các Bè Rối”, đã khai triển những suy tư rõ ràng của mình về việc qui tụ được Chúa Kitô hoàn tất. 

 

5.         Ngài khẳng định là đức tin Kitô giáo nhìn nhận rằng “chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và một Chúa Giêsu Kitô duy nhất là Chúa của chúng ta, Đấng đã đến theo dự án của mình và đã qui tụ tất cả mọi sự nơi bản thân Người. Trong tất cả mói sự ấy có cả con người là loài được Thiên Chúa hình thành. Bởi thế Người cũng qui tụ cả con người nơi chính bản thân Người, trở nên hữu hình, Đấng vô hình, trở thành khả thấu, Đấng bất khả thấu, và trở thành người, Đấng là Lời” (3,16,6: "Già e Non Ancora" [Already and Not Yet], CCCXX, Milan, 1979, p. 268).

 

Bởi thế, “Lời Chúa” thực sự làm người, không phải ở bề ngoài, bằng không “việc làm của Người không thực sự”. Trái lại, “Người là những gì Người dường như là: Thiên Chúa là Đấng qui tụ nơi bản thân mình tạo vật cũ của Ngài, đó là con người, để sát hại tội lỗi, phá hủy sự chết và sinh động con người. Và bởi thế mà những việc làm của Người mới chân thực” (3,18,7: ibid., pp. 277-278). Người làm cho mình trở thành đầu của Giáo Hội để kéo tất cả mọi người đến củng Người vào lúc thích thuận. Chúng ta hãy nguyện cầu, theo tinh thần của những lời sau đây: Vâng, lạy Chúa, xin lôi kéo chúng con lại cùng Chúa; xin lôi kéo thế giới lại với Chúa và xin ban cho chúng con an bình, an bình của Chúa.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/11/2005