Thứ Tư 14/12/2005

 

 

“Một Bài Ca Tin Tưởng Cậy Trông: Chúa luôn ở với chúng ta”

 

(Thánh Vịnh 138 [139] cho Kinh Tối Thứ Tư, Tuần Thứ Bốn)

 

 

 

1.         Trong hai giây phút đặc biệt, Phụng Vụ Giờ Kinh Tối – phụng vụ giờ chúng ta đang suy niệm về các bài thánh vịnh và ca vịnh đây – chúng ta thấy có một bài đọc về một bản thánh ca khôn ngoan với nét đẹp trong sáng và đầy những cảm xúc, đó là bài Thánh Vịnh 138 (139). Hôm nay chúng ta có được phần nhất của bài thánh vịnh này (1-12), tức là hai đoạn đầu tiên tôn tụng một cách thứ tự về sự toàn tri của Thiên Chúa (1-6) và sự toàn hiện của Ngài trong không gian và thời gian (7-12).

 

Các hình ảnh và những lời diễn tả có tính cách nhấn mạnh ấy là để chúc tụng đấng tạo hóa. Một tác giả Kitô giáo thời thế kỷ thứ 5 là Theodoret ở Cyprus  đã khẳng định là: “Nếu các công trình được tạo dựng nên là những gì rất ư vĩ đại thì đấng hóa công cao cả biết mấy” ("Discorsi sulla Provvidenza," 4: "Collana di Testi Patristici," LXXV [Discourse on Providence: Compilation of Patristic Texts] Roma 1988, p. 115). Việc suy niệm của thánh vịnh gia đây trước hết tìm cách thấm nhập vào mầu nhiệm của Vị Thiên Chúa siêu việt, Đấng đồng thời lại gần gũi với chúng ta.

 

2.         Nội dung của sứ điệp này rất rõ trước mắt chúng ta, đó là Thiên Chúa biết hết mọi sự và Ngài ở với tạo vật của Ngài, chúng ta không thể nào tránh né được Ngài. Sự hiện diện của Ngài không phải là một cái gì đó có tính cách đe dọa hay kiểm soát, cho dù ánh mắt của Ngài nghiêm trọng khi nhìn thấy sự dữ, những gì Ngài không thể nào làm ngơ.

 

Tuy nhiên, vấn đề chính yếu của Ngài ở đây là sự hiện diện cứu độ, một hiện diện có khả năng ôm ấp tất cả mọi hữu thể và trọn vẹn lịch sử. Tóm lại, đó là một phối trí linh thiêng được Thánh Phaolô ám chỉ nơi những gì ngài nói ở Công Nghị Nhã Điển, bằng cách trích lời của một thi sĩ Hy Lạp: “Trong Ngài chúng ta sống động và hiện hữu” (Acts 17:28).

 

3.         Đoạn thứ nhất (1-6), như Thánh Vịnh gia nói, là việc chúc tụng sự toàn tri thần linh: Thật vậy, những động từ về kiến thức như “thăm dò”, “quen thuộc”, “hiểu biết”, “phân biệt” và “nhận biết” là những động tự được lập đi lập lại. Như vốn thấy, kiến thức của thánh kinh còn sâu xa hơn cả việc học biết và hiểu biết thuần túy của lý trí nữa; nó là một thứ hiệp thông giữa tri giả (the knower) và tri thức (the known): bởi vậy mà Chúa là Đấng tiềm mật với chúng ta, ở trong tâm tưởng và hành động của chúng ta.

Đoạn thứ hai của bài thánh vịnh chú trọng tới sự toàn hiện thần linh (7-12). Nơi những câu thánh vịnh này, ý muốn viễn vông của con người trong việc né tránh sự hiện diện của Thiên Chúa là những gì được diễn tả một cách phập phồng. Tất cả không gian đều được bao phủ: trước hết là chiều dọc giữa “trời cao với vực thẳm” (câu 8), rồi tới chiều ngang, bao gồm hết mọi sự từ hừng đông, tức từ Phía Đông, cho tới cả ở “bên ngoài biển khơi” là vùng Địa Trung Hải, tức là Tây Phương (câu 9). Thiên Chúa đều hiện diện một cách chủ động ở mỗi một lãnh vực không gian này, kể cả những gì kín mật nhất.

 

Thánh Vịnh gia cũng nói đến một thực tại khác trong đó chúng ta lặn ngụp đó là thời gian, một thực tại được biểu hiệu bằng đêm đen và ánh sáng, bằng bóng tối và ban ngày (câu 11-12). Cho dù đêm tối là môi trường khó tiến bước và thấy được, đều được xuyên thấu bởi ánh mắt và sự hiện diện của Vị Chúa của hữu thể và thời gian. Ngài bao giờ cũng muốn nắm lấy tay chúng ta để dẫn đắt chúng ta bước đi trên con đường trần thế (câu 10). Bởi vậy mà đây không phải là một thứ gần gũi của một vị thẩm phát khiến phải lo âu sợ hãi mà là một thứ đỡ nâng và tự do.

 

Như thế, chúng ta mới có thể hiểu được nội dung tới hậu chính yếu của bầ thánh vịnh này. Nó là một bài ca tin tưởng cậy trông: Thiên Chúa ở với chúng ta. Ngay cả trong những đêm đen của cuộc đời chúng ta, Ngài cũng không bỏ rơi chúng ta. Ngay cả trong những lúc khốn khó, Ngài vẫn hiện diện ở đó. Và ngay cả trong đêm tối cuối cùng, trong cảnh lẻ loi cô đơn cuối cùng là lúc không một ai có thể ở  bên chúng ta, trong đêm tối của chết chóc, Chúa vẫn không bỏ chúng ta. Ngài vẫn còn đồng hành với chúng ta nữa trong tình trạng đơn độc cuối cùng của đêm tối tử thần ấy.

 

4.         Chúng ta bắt đầu với lời trích dẫn của một tác giả Kitô giáo là Theodoret ở Cyprus. Chúng ta giờ đây cũng kết thúc với ông và với “Cuộc Bàn Luận Thứ Tư về Việc Quan Phòng” của ông, vì đây là đề tài chính yếu của bài thánh vịnh này. Ông đã suy nghĩ về câu thánh vịnh thứ 6, câu thánh vịnh được thánh vịnh gia kêu lên rằng: “Một kiến thức như thế là những gì vượt xa tôi, quá vời vợi cho tôi với tới”. Ông Theodoret nhận định về câu này bằng việc phân tích một cách sâu xa cái bên trong nội tâm của mình cùng với cảm nghiệm riêng của mình rồi khẳng định rằng: “Khi suy tư và đi sâu vào nội tâm của mình, khi tách mình ra khỏi cảnh ồn ào ngoại tại, tôi muốn dìm mình vào việc chiêm ngưỡng bản tính của mình… Khi suy nghĩ về điều ấy và nghĩ về việc hòa hợp giữa bản tính hữu tử và bất tử, tôi cảm thấy hoảng hồn trước cái lạ lùng này, và khi tôi không thể chiêm ngưỡng mầu nhiệm này thì tôi nhìn nhận là tôi bất lực; còn nữa, khi tôi công bố cái hiển vinh nơi kiến thức của Đấng Hóa Công và cất tiếng hát chúc tụng Ngài thì tôi kêu lên rằng: ‘Kiến thức ấy vượt xa tôi, quá xa vời cho tôi với tới’” ("Collana di Testi Patristici" [Compilation of Patristic Texts] LXXV, Rome, 1988, pp. 116, 117).

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay chúng ta chú ý tới bài Thánh Vịnh 138 là bài suy niệm về Thiên Chúa là Đấng ở khắp mọi nơi và biết hết mọi sự. Việc suy niệm về Chúa này và về việc tạo dựng của Ngài là những gì chúc tụng mầu nhiệm về Vị Thiên Chúa siêu việt là Đấng cũng gần gũi chúng ta.

 

Thật vậy, sự hiện diện cứu độ này là nền tảng và có khả năng bao gồm tất cả mọi hữu thể và trọn vẹn lịch sử. Kiến thức được bài thánh vịnh này nói tới vượt lên trên sự hiểu biết về lý trí. Đó là một kiến thức của Thánh Kinh, một kiến thức là mối hiệp thông giữa người được biết và Đấng hiểu biết: bởi thế mà Chúa là Đấng có liên hệ mật thiết với chúng ta khi chúng ta suy nghĩ và bất cứ khi nào chúng ta tác hành.

 

Thiên Chúa hiện diện ở tất cả không gian lẫn thời gian: Ngài ở trên trời cũng như dưới vực thẳm của trái đất; ngài ở trong ánh sáng lẫn bóng tối. Chúng ta kết thúc bằng việc chiêm ngắm những lời của ông Theodoret ở Cyprus, người đã nhận thấy rằng ngay cả khi tuyên bố sự khôn ngoan của Đấng Hóa Công, chúng ta vẫn không thể nào không nhìn nhận bản chất siêu vời của đức khôn ngoan Chúa là những gì quá cao vời đối với sự hiểu biết của chúng ta. “Nếu cái tạo vật còn vĩ đại như thế thì Đấng Tạo Thành còn vô cùng cao cả đến đâu”.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
14/12/2005