Giáo Lý về việc Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

chia sẻ và hướng dẫn trong các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

Bài 16 (Thứ Tư 10/10/2001)

HÃY LẮNG NGHE TIN MỪNG CỦA NIỀM AN ỦI

(Ca Vịnh Giêrêmia, Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Năm, Tuần Thứ Nhất)

1.         “Ôi các dân nước, hãy nghe lời Chúa, hãy loan báo lời Chúa ở các duyên hải xa xăm” (Jer 31:10). Còn tin mừng nào cần phải được loan báo bằng những lời trang trọng của Giêremia trong bài Ca Vịnh chúng ta vừa nghe như thế. Đó là một tin mừng an ủi, nên không lạ gì các chương mục có tin mừng này (xem 30-31) được gọi là “Cuốn Sách của Niềm An Uûi”. Lời loan báo này liên quan trực tiếp đến Dân Do Thái xưa, nhưng dường như cũng ám chỉ đến cả sứ điệp của Phúc Âm nữa. Trọng tâm của lời loan báo này là: “Chúa sẽ cứu chuộc Giacóp, Ngài sẽ cứu Giacóp khỏi tay kẻ thống trị” (31:11). Bối cảnh lịch sử của những lời này được Dân Chúa cảm thấy trong một giây phút hy vọng, khoảng một thế kỷ sau khi những người Assyria chiếm miền Bắc Thánh Địa năm 722. Vào những ngày của tiên tri Giêrêmia, việc canh tân đạo đức do Vua Giosia thực hiện đã làm cho dân chúng trở về với giao ước của Thiên Chúa, cũng như đã khiến cho họ hy vọng rằng thời gian trừng phạt đã qua rồi. Việc canh tân này còn làm cho họ hy vọng rằng miền Bắc sẽ được tự do trở lại và Yến-Duyên với Giuđa sẽ tái hợp. Tất cả mọi người, thậm chí “những miền duyên hải xa xăm”, cũng được chứng kiến thấy biến cố tuyệt vời này: đó là Vị Thiên Chúa Chăn Dắt Dân Yến Duyên sắp sửa ra tay can thiệp. Đấng đã để cho dân Ngài bị phân tán cũng là Đấng giờ đây sẽ qui tụ họ lại với nhau.

2.         Lời mời gọi hãy hân hoan mừng rỡ còn được cấu trúc với sự hỗ trợ của những hình ảnh hết sức cảm kích. Đó là một lời báo khiến con người ước mơ! Nó phác họa cho thấy một tương lai xẩy ra với những người lưu đầy “sẽ đến hát hò” và sẽ thấy được chẳng những Đền Thờ Chúa mà còn thấy được hết mọi điều tốt lành khác nữa, như rượu uống, thóc lúa, dầu mỡ, các đoàn thú non chiên cừu và gia súc. Sách Thánh không hề biết đến một thứ linh đạo trừu tượng. Niềm vui hứa hẹn này không phải chỉ ảnh hưởng đến nội tâm của con người, vì Chúa chăm sóc sự sống của con người trong tất cả mọi chiều kích của nó. Chính Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến điều này, khi Người mời gọi các môn đệ của Người hãy tin tưởng vào Đấng Quan Phòng, thậm chí đối với cả những nhu cầu về vật chất (x Mt 6:25-34). Bài Ca Vịnh của chúng ta ở đây nhấn mạnh đến quan điểm là Thiên Chúa muốn làm cho trọn vẹn con người được hạnh phúc. Để chuyển đạt tất cả những gì là hạnh phúc mọi người ấp ủ này, vị tiên tri sử dụng hình ảnh của một “ngôi vườn được tưới dội”, một hình ảnh tươi mát và sinh hoa kết trái. Nỗi than khóc biến thành cuộc lễ, no thỏa với những phần ăn hảo hạng (xem câu 14) cùng với dồi dào những sản vật, làm cho họ  không thể không nhẩy múa hát ca. Đó là một niềm vui bất tận, niềm vui của dân tộc này.


3.             Lịch sử cho chúng ta thấy giấc mơ ấy không thực hiện được. Chắc chắn không phải là vì Thiên Chúa không giữ lời Ngài hứa, mà tại vì họ bất trung. Phải trách dân tộc này về cái ảo vọng ấy. Sách Giêrêmia lãnh trách nhiệm bày tỏ tình trạng bất trung này bằng việc cho thấy lời tiên báo về nỗi khổ đau và gánh nặng, để rồi dần dần dẫn tới những giai đoạn thảm thiết nhất của lịch sử dân Do Thái. Ở cho, chẳng những kẻ lưu đầy của miền Bắc không được trở về, mà cả chính Giuđa cũng bị Nabuchodonosor chiếm cứ vào năm 587 BC nữa. Thế là mở màn cho những ngày đắng cay, những ngày mà, trên bờ sông Babylon, đàn địch treo lên trên cành dương liễu (x Ps 136:2). Không còn lòng trí nào để hát ca cho vui thỏa những kẻ canh tù; không ai còn có thể hớn hở khi bị tống khứ ra khỏi quê hương xứ sở của mình, ra khỏi mảnh đất Thiên Chúa lấy làm nơi cư ngụ của Ngài.


 

4.             Lời mời gọi của bài Ca Vịnh hãy vui mừng vẫn không mất đi ý nghĩa của mình. Thật vậy, lý do cuối cùng để vui mừng vẫn vững mạnh, một lý do chúng ta tìm thấy ở một số câu rất mạnh mẽ ở trước những câu chúng ta đọc trong Phụng Vụ Giờ Kinh. Người ta phải nhớ lấy những câu này trong khi đọc những lời diễn đạt về niềm vui trong bài ca vịnh của chúng ta đây. Những câu diễn tả bằng những từ ngữ sinh động tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Những câu ca vịnh cho thấy một giao ước bất khả vãn hồi, đó là “Ta yêu thương các ngươi bằng một tình yêu trường cửu” (31:3). Những câu ca vịnh hát lên nỗi lòng bộc phát của một Vị Thiên Chúa gọi Ephraim là con đầu lòng của mình và chở che bao phủ nó bằng tình âu yếm: “Họ sẽ than van khóc lóc mà đi, Ta sẽ dẫn họ về đầy những ủi an; Ta sẽ cho họ bước đi bên các khe suối nước, trên con đường thẳng ngay để họ khỏi bị vấp ngã; vì Ta là cha của Yến Duyên” (31:9). Cho dù lời hứa hẹn này bấy giờ chưa được nên trọn, vì thành phần con cái thiếu đáp ứng, song tình yêu của Người Cha vẫn còn tất cả tính cách âu yếm dịu dàng của mình.


5.             Tình yêu này là cái trục vàng nối kết lại những thăng trầm của lịch sử dân Yến Duyên, niềm vui nỗi buồn của họ, thành công thất bại của họ. Tình yêu của Thiên Chúa vẫn còn đó, và việc trừng phạt là cách diễn tả tình Ngài yêu thương, vì Ngài nhắm đến việc dạy dỗ họ và cứu độ họ. Trên tảng đá vững chắc của tình yêu này, lời mời gọi hân hoan mừng rỡ của bài Ca Vịnh gợi lên cho thấy những gì Thiên Chúa định liệu cho tương lai, mặc dù trì trệ, không sớm thì muộn sẽ được thực hiện, bất chấp mọi thứ hèn yếu của con người. Tương lai ấy đã đến nơi tân ước, với cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô và với tặng ân Thần Linh. Tuy nhiên, tương lai này sẽ hoàn toàn được nên trọn ở lần trở lại sau cùng của Chúa vào lúc ngày cùng tháng tận. Hiểu theo chiều hướng của niềm tin như vậy, “giấc mơ” của Giêrêmia vẫn tiếp tục là một cơ hội lịch sử thực sự, miễn là loài người biết trung thành, nhất là, đối với mục tiêu cuối cùng, giấc mơ này được bảo toàn bởi việc Thiên Chúa tín trung, một lòng tín trung đã được bắt đầu tỏ hiện qua tình Ngài yêu thương nơi Chúa Kitô.

Khi đọc lời tiên tri của Giêrêmia, chúng ta cần phải để cho Phúc Âm âm vang trong lòng của mình, một tin mừng tuyệt vời do Chúa Kitô loan báo ở hội đường Nazarét (x Lk 4:16-21). Đời sống của người Kitô hữu được kêu gọi trở thành một “Cuộc Mừng” thực sự, một cuộc mừng chỉ có thể bị đe dọa bởi tội lỗi của chúng ta mà thôi. Bảo chúng ta cầu nguyện những lời này của Giêrêmia, Phụng Vụ Giờ Kinh mời gọi chúng ta hãy gắn bó cuộc sống của mình với Chúa Kitô Cứu Chuộc (x Jer 31:11), cũng như hãy tìm kiếm nơi Người cái bí mật của niềm vui đích thực nơi đời sống riêng tư và chung đụng của chúng ta.


 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 17/10/2001)