Thứ Tư 28/12/2005
"Thiên Chúa thấy được tất cả tương lai của cái phôi thai bào"
(Thánh Vịnh 138 [139] phần 2 cho Kinh Tối Thứ Tư, Tuần Thứ Bốn)
1. Vào buổi triều kiến chung Thứ Tư này trong tuần bát nhật Giáng Sinh, trong khi phụng vụ cử hành lễ kính Các Thánh Anh Hài, chúng ta suy niệm về bài Thánh Vịnh 138 (139), bài được đề ra cho Phụng Vụ Giờ Kinh Tối được chia làm 2 giai đoạn. Sau khi chiêm ngưỡng nơi phần thứ nhất (câu 1-12) về việc toàn hiện và toàn năng của Thiên Chúa, Vị Chúa của hữu thể và của lịch sử, bài thánh ca khôn ngoan đầy vẻ đẹp và cảm tình sâu xa này giờ đây chú trọng tới cái thực tại cao quí nhất, lạ lùng nhất của toàn thể vụ trụ là con người, một con người có hữu thể được diễn tả là “một kỳ công” của Thiên Chúa (câu 14).
Thật vậy, đề tài này rất thích hợp với bầu khí Giáng Sinh chúng ta đang sống qua những ngày chúng ta cử hành đại mầu nhiệm của Con Thiên Chúa hóa thân làm người, thật sự, trở thành một Con Trẻ, vì phần rỗi của chúng ta.
Sau khi suy nghĩ về ấh mắt và việc hiện diện của Đấng Hóa Công qua khắp chân trời vũ trụ, ở phần thứ hai của bài Thánh Vịnh này hôm nay chúng ta suy niệm về ánh mắt yêu thương của Ngài trên nhân loại, thành phần được suy nghĩ về tất cả những gì là trọn vẹn ở giây phút khởi đầu của họ.
Họ vẫn là một “bản chất chưa thành hình” nơi lòng dạ của người mẹ: Từ ngữ Do Thái sử dụng ở đây được một số chuyên gia thánh kinh cho là một “phôi thai bào”, được từ ngữ này diễn tả là nhỏ bé, vòng cung, một thực tại cuộn mình, nhưng lại là một thực tại được Thiên Chúa ghé mắt từ bi và nhân ái của Ngài tới (câu 16).
2. Để diễn tả tác động thần linh trong lòng mẹ, thánh vịnh gia đã phải sử dụng tới những hình ảnh thánh kinh cổ điển, so sánh cái lỗ hổng sản sinh của người mẹ với “thâm cung của trái đất”, tức là, tới tính chất sinh động liên lỉ của người mẹ trái đất rộng lớn (câu 15).
Trước hết, là biểu hiệu về ngưới thợ gốm cũng như về nhà điêu khắc “hình thành” vầkhuôn đúc nên tác phẩm nghệ thuật của họ, công trình của họ, giống như việc tạo dựng nên con người trong Sách Khởi Nguyên: “Chúa là Thiên Chúa đã dựng nên con người từ bùn đất” (Gen 2:7).
Bởi vậy mới có một biểu hiệu “thêu dệt” gợi lên cho thấy tính cách tinh tế của da, thịt, thần kinh, “được đan kết” thành bộ xương. Ông Gióp đã mạnh mẽ nhắc lại những hình ảnh này và những hình ảnh khác để tôn tụng kiệt tác nơi con người, mặc dù họ bị khổ đau ngược đãi và làm bầm dập: “Bàn tay Chúa đã hình thành nên tôi và dựng nên tôi … Xin hãy nhớ rằng Chúa đã dựng nên tôi từ bùn đất…! Không phải là Chúa đã đổ con ra như sửa chảy và đã làm cho con dầy lại như bơ hay sao? Với da thịt tôi mặc lấy đây, với xương và gân kết cấu con lại với nhau” (Job 10:8-11).
3. Ý tưởng trong bài Thánh Vịnh này về việc Thiên Chúa thấy được tất cả tương lai của cái phôi thai bào này, một phôi thai bào vẫn còn là “một bản chất chưa hình thành”, là một ý tưởng hết sức mãnh liệt. Ngày tháng tạo vật sinh động và đầy những việc làm suốt cả cuộc hiện hữu trần gian của họ đều đã được ghi trong sách sự sống của Chúa.
Bởi thế, một lần nữa, cái cao cả siêu việt của kiến thức thần linh hiện lên, bao gồm chẳng những quá khứ và hiện tại mà còn bao gồm cả, cho dù ẩn kín, tương lai nữa. Tuy nhiên, cái cao cả của con người tạo vật nhỏ bé chưa được sinh ra này, một tạo vật được Thiên Chúa hình thành và yêu thương, cũng cho thấy thánh kinh tỏ ra tôn kính con người ngay từ giây phút đầu tiên họ hiện hữu.
Giờ đây chúng ta hãy hướng tới lời suy niệm của Thánh Grêgory Cả qua những bài Giảng của ngài về tiên tri Êzêkiên là những gì đã gắn liền với câu thánh vịnh chúng ta đã nhận định trên đây: “Ánh mắt của Ngài đã nhìn ngắm bản thể chưa hành thình của tôi; hết mọi ngày trong đời sống của tôi đã được ghi nhận trong sổ sách của Ngài” (câu 16). Về những lời ấy, Vị Giáo Hoàng kiêm Giáo Phụ này đã viết ra một bài suy niệm về tính cách nguyên khôi và tinh tế liên quan tới tất cả những ai trong cộng đồng Kitô Giáo tỏ ra nản chí lùi bước tiến lên trong cuộc hành trình thiêng liêng của họ.
Ngài nói rằng những ai yếu kém đức tin và cuộc sống Kitô Giáo đều thuộc về cái kiến trúc của Giáo Hội. “Tuy nhiên, họ được thêm thắt…. bởi thiện chí. Thật vậy, họ là người bất toàn và nhỏ bé, tuy nhiên , bao lâu họ còn có thể hiểu biết, thì họ vẫn mến yêu Thiên Chúa và tha nhân của họ, và không bỏ bê việc thực hiện taât cả những gì là thiện hảo có thể. Cho dù họ chưa chiếm được những tặng ân thiêng liêng để cởi mở tâm hồn của họ trước tác động toàn thiện và việc thiết tha chiêm niệm, song họ cũng không bị chậm chạm trong việc mến yêu Thiên Chúa và tha nhân, ở chỗ họ có thể nhận thức nó.
“Bởi vậy, có thể xẩy ra trường hợp là cả họ nữa cũng góp phần vào việc xây dựng Giáo Hội, vì, cho dù vị thế của họ ít quan trọng, cho dù họ trì trệ nơi giáo huấn, lời tiên tri, ơn làm phép lạ và hoàn toàn xa lánh thế gian, họ vẫn có nền tảng về lòng kính sợ và mến yêu” (2, 3, 12-13, "Opere di Gregorio Magno," IIV 2, Rome, 1993, pp. 79, 81).
Thế nên, sứ điệp
của Thánh Grêgôriô troơ thành một niềm an ủi lớn lao cho tất cả chúng ta, thành
phần thường chiến đấu một cách uể oải trên con đường của cuộc sống thiêng liêng
và giáo hội. Chúa biết chúng ta và bao bọc chúng ta bằng tình yêu của Ngài.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 6/1/2006
Sau đây là phần Anh ngữ tóm kết bài Giáo Lý Thánh Vịnh 138 trong buổi triều kiến chung hằng tuần tại Quảng Trường Thánh Phêrô với 20 ngàn người, một buổi triều kiến đã được ngài kết thúc bằng việc nhắc đến thành phần nạn nhân động đất sóng thần tsunami ngày 26/12/2004 cách đây 1 năm cũng như những nạn nhân bị thiên tai khác trên thế giới.
Anh Chị Em thân mến
Trong khi chúng ta cử hành tuần bát nhật Giáng Sinh và lễ Các Thánh Anh Hài, chúng ta lại chú tâm tới bài Thánh Vịnh 138.
Bài thánh ca chúc tụng này đưa ra một đề tài rất hợp với tinh thần của Giáng Sinh, khi chúng ta đang tưởng niệm đại mầu nhiệm về việc Con Thiên Chúa làm người vì phần rỗi của chúng ta.
Phần thứ hai của bài Thánh Vịnh này cống hiến việc suy niệm về ánh mắt yêu thương bao trùm tất cả loài người.
Để diễn tả tác động thần linh trong lòng người nữ, thánh vịnh gia nói tới những hình ảnh cổ thời của thánh kinh. Đặc biệt chúng ta thấy Đấng Tạo Hóa được tiêu biểu như là một người thợ gốm và là nhà điêu khắc hình thành tác phẩm của mình từ “bụi đất”.
Thật là mãnh liệt cái ý nghĩ là từ lúc chúng ta được thụ thai Thiên Chúa đã thấy được tương lai của chúng ta rồi: Trong cuốn sách sự sống của Chúa, các kinh nghiệm của cuộc đời trần gian chúng ta sống đều đã được ghi nhận.
Tóm lại, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngưỡng sứ điệp được vị tiền nhiệm của tôi là Thánh Giáo Hoàng Gregôriô Cả cống hiến niềm hy vọng và phấn khởi ngay cả cho thành phần chiến đấu trong cuộc hành trình thiêng liêng và giáo hội: “Những ai chưa có được những tặng ân thiêng liêng để cởi mở cõi lòng mình ra chiêm ngưỡng… thì không cần phải do dự gì trong việc khao khát tình yêu Thiên Chúa và tha nhân”.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo mạng điện toán toàn cầu Catholic Online