Thứ Tư 1/2/2006

 

 

"Chúa là một Đức Vua yêu thương đầy lòng nhân ái"

 

(Thánh Vịnh 144 [145]: 1-13 cho Kinh Tối Thứ Sáu, Tuần Thứ Bốn)

 

 

 

Anh Chị Em thân mến:

 

1.         Chúng ta đã dâng lời nguyện của bài Thánh Vịnh 144 (145), một bài ca khen hoan hỉ lên Chúa là Đấng được tôn tụng như một đức vua yêu thương êm ái dịu dàng, quan tâm đến tất cả mọi tạo vật của Ngài. Phụng vụ đề bài thánh ca này ra cho chúng ta làm hai lần khác nhau, tương đương với hai chiều hướng về thi ca và linh thiêng của cùng bài thánh vịnh. Giờ đây chúng ta suy niệm phần thứ nhất, bao gồm các các từ 1 đến 13.

 

Bài thánh vịnh được dâng lên Chúa là Đấng được kêu cầu và diễn tả như “đức vua” (câu 1), một biệu hiệu thần linh chủ yếu ở các bài thánh vịnh khác (x các Thánh Vịnh 46; 92; 95-98). Còn nữa, tâm điểm thiêng liêng nơi bài thánh ca của chúng ta đây được cấu tạo nên chính bởi việc thiết tha và sốt sắng cử hành tính cách hoàng vương thần linh. Nơi việc cử hành này, bốn lần lập lại – như thể nói đến 4 điểm chính về con người và lịch sử – tiếng Do Thái “malkut”, “vương quốc” (câu 11-13).

 

Chúng ta biết rằng những biểu hiệu hoàng vương này, những biểu hiệu sẽ có một tính chất chính yếu nơi việc rao giảng về Chúa Kitô, là tiêu biểu cho dự án cứu độ của Thiên Chúa: Ngài không dửng dưng trước lịch sử loài người; hơn nữa, Ngài muốnthực hiện với và cho chúng ta một dự án hòa hợp và hòa bình. Toàn thể nhân loại cũng được kêu gọi để làm hoàn trọn sự án này trong việc đáp ứng ý muốn cứu độ thần linh, một ý muốn bao gồm tất cả mọi “con người”, “tất cả mọi thế hệ” và “tất cả mọi thế kỷ”. Mộg tác động phổ quát, một tác động nhổ tận gốc rễ sự dữ khỏi thế gian và tôn vương “vinh quang” của Chúa, tức là tôn vương sự hiện diện cá thể, hiệu năng và siêu việt của Ngài.

 

2.         Ở tâm điểm của bài thánh vịnh này, cái tâm điểm thực sự hiện lên ở trọng tâm của việc sáng tác này, là lời ca ngợi nguyện cầu của thánh vịnh gia, người biến mình trở thành phát ngôn viên của tất cả mọi tín hữu và là người ngày nay cũng là phát ngôn viên cho tất cả chúng ta nữa. Thật vậy, lời cầu nguyện cao cả nhất của thánh kinh là việc ca ngợi các công cuộc cứu độ chứng tỏ tình Chúa yêu thương tạo vật của Ngài. Bài thánh vịnh này tiếp tục tôn tụng “danh hiệu” thần linh, tức là tôn tụng ngôi vị của Ngài (câu 1-2), một ngôi vị tỏ mình ra qua hoạt động lịch sử của Ngài, với những chữ được đề cập tới như “các công cuộc”, “các kỳ công”, “các sự phi thường”, “quyền năng”, “cao cả”, “công lý”, “nhẫn nại”, “tình thương”, “ân sủng”, “thiện hảo” và “dịu dàng”.

 

Đây là một loại cầu nguyện theo hình thức của một bài kinh cầu công bố việc Thiên Chúa nhập cuộc với những thăng trầm của con người để dẫn toàn thể thực tại tạo vật đến tình trạng trọn vẹn cứu độ. Chúng ta không bị bỏ mặc cho các quyền lực tăm tối, hay bỏ mặc cho tự do của chúng ta, song chúng ta được trao phó cho hoạt động của vị Chúa uy quyền và yêu thương, Đấng sẽ thiết lập cho chúng ta một dự án, một “triều đại” (câu 11).

 

3.         “Triều đại” này không phải ở chỗ quyền lực hay thống trị, vinh thắng hay áp chế, như thường xẩy ra, bất hạnh thay, nơi các vương quốc trần gian, mà là ngai tòa của một thể hiện những gì là thương yêu, dịu dàng, thiện hảo, ân sủng, công lý, như được xác định một số lần nơi các câu bao gồm việc ngợi khen.

 

Cái tổng hợp về hình ảnh thần linh này là ở câu 8: Chúa “chậm bất bình và giầu tình yêu thương bền vững”. Chúng là những chữ nhặc lại việc Thiên Chúa tỏ mình ra ở Sinai, nơi Ngài phán: “Chúa, Chúa, một Thiên Chúa nhân hậu và khoan dung, chậm giận dữ và giầu tình yêu thương bền vững và thủy chung” (Ex 34:6). Ở đây chúng ta thấy được chiều hướng tuyên xưng niềm tin tưởng vào Thiên Chúa của Thánh Gioan Tông Đồ choc ho chúng thấy một cách đơn giản Ngài là tình yêu: “Deus caritas est” (x 1Jn 4:8,16).

 

4.         Ngoài việc suy niệm về những lời lẽ tuyệt vời này, những chữ cho chúng ta thấy một Vị Thiên Chúa “chậm bất bình và giầu tình yêu thương kiên vững”, lúc nào cũng sẵn sàng thứ tha và cứu giúp, chúng ta hướng tới câu thứ 9 rất tuyệt vời: “Chúa là Đấng nhân lành với tất cả mọi sự, cảm thương hết mọi tạo vật”. Một lời lẽ cần phải suy niệm, một lời lẽ ủi an, một niềm xác tín giúp cho cuộc sống của chúng ta. Về vấn đề này, Thánh Phêrô Chrysologus (sinh khoảng năm 380 và chết khoảng năm 450), đã diễn tả bằng những lời này trong văn kiện “Bàn Lần Thứ Hai về Việc Chay Tịnh”: “’Công cuộc của Chúa thì cao cả’: Thế nhưng, cái cao cả chúng ta thấy đây ở nơi cái cao cả của Việc Tạo Thành, quyền năng này bị trổi vượt hơn bởi cái cao cả của tình yêu thương. Thật vậy, vị tiên tri đã nói: ‘Công cuộc của Thiên Chúa thì cao cả’, rồi thêm ở một câu khác: ‘Tình thương của Ngài còn lớn lao hơn tất cả các công cuộc của Ngài’. Anh chị em thân mến, tình thương tràn đầy các tầng trời, tràn đầy mặt đất. Bởi thế, tình thương cao cả, bao dung và đặc thù của Chúa Kitô, một tình thương giữ tất cả mọi phán quyết chỉ cho một ngày duy nhất, được ấn định cho tất cả mọi thời gian của con người trong việc thỏa hiệp ăn năn thống hối. Bởi vậy, vị tiên tri này, vị không tin tưởng vào chính công lý, đã hoàn toàn tin tưởng vào tình thương: ‘Tình thương, ôi Chúa Trời con, bằng sự thiện hảo của mình, bằng chính lòng cảm thương của mình, xin hãy tẩy xóa việc con vấp phạm’ (Ps 50:3)’” (42,4-5: "Sermoni 1-62 bis," "Scrittori dell'Area Santambrosiana," 1, Milan-Rome, 1996, pp. 299, 301). Bởi thế chúng ta cũng thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa Trời con, xin hãy xót thương con, vì tình thương của Ngài cao cả”.

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Việc suy niệm của chúng ta hôm nay về bài Thánh Vịnh 144, bài thánh vịnh cho thấy Chúa là một Đức Vua yêu thương đầy lòng cảm xót. Tâm điểm thiêng liêng của bài nguyện cầu này là việc thiết tha cảm kích chúc tụng sự uy nghi cao cả của Thiên Chúa.

 

Thật vậy, cái biểu hiệu cho hoàng vương là biểu hiệu cho dự án cứu độ của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người: Chẳng những không dửng dưng trước loài người, Ngài còn muốn thiết lập trên thế gian này một vương quốc hòa hợp và hòa bình, và để thực hiện mụa đích ấy, Thiên Chúa đã nhập cuộc với lịch sử của chúng ta qua các công việc tuyệt vời và những việc làm quyền năng.

 

Không như các vương quốc thế tục là những vương quốc thường có tính cách quyền uy hay thậm chí áp bức, bài thánh vịnh này cho thấy một triều đại êm ái dịu dàng, ân sủng và công chính. Thật vậy, Đức Vua này “chậm bất bình và đầy yêu thương”.

 

Thánh Phêrô Chrysologus nhận định rằng, tình thương của Chúa còn cao cả hơn các việc làm của Chúa nữa. Hôm nay chúng ta cũng hãy cất tiếng chúc tụng lòng Thiên Chúa nhân ái, xót thương và chăm sóc cho tất cả nhân loại! 
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/2/2006