Thứ Tư 8/2/2006

 

 

“Thiên Chúa Gần Gũi Tất Cả Những Ai Kêu Cầu Ngài”

 

(Thánh Vịnh 144 [145]: 14-21 cho Kinh Tối Thứ Sáu, Tuần Thứ Bốn)

 

 

 

1.         Theo phụng vụ, bài Thánh Vịnh 144 (145) được chia làm hai phần, chúng ta lại suy niệm về bài thánh vịnh này, một bài thánh ca tuyệt vời để tôn vinh Chúa, một đức vua cảm thương chuyên tâm tới các tạo vật của mình. Giờ đây chúng ta muốn suy niệm phần thứ hai, từ câu 14 đến 21, tiếp tục lại đề tài chính yếu nơi phần đầu của bái thánh ca đây.

 

Phần thứ hai này tôn tụng tình thương thần linh, niềm êm ái, sự trung thành và đức thiện hảo là những gì bao trùm toàn thể nhân loại, bao gồm hết mọi tạo vật. Bấy giờ thánh vịnh gia chú trọng tới tình yêu Thiên Chúa giành riêng cho người nghèo và người yếu kém. Bởi vậy, tính cách vương giả thần linh không phải là những gì dửng dưng hay kiêu kỳ, như có những lúc xẩy ra nơi quyền lực con người. Thiên Chúa bày tỏ vai trò hoàng vương của mình ra bằng cách cúi mình xuống với những thụ tạo mỏng dòn nhất và bất lực nhất.

 

2.         Thật vậy, trước hết, ngài là một Người Cha “nâng dậy tất cả những ai sa ngã” và kiên cường những ai đã ngã xuống cát bụi đê hèn (câu 14). Bởi thế, những sinh vật là thành phần hướng về Chúa như là những kẻ ăn xin đói khát và, như một Người Cha quan tâm, ban cho họ lương thực họ cần sống (câu 15).

 

Vậy, từ môi miệng của thánh vịnh gia phát ra lời tuyên xưng niềm tin vào hai đệ nhất phẩm tính thần linh là công minh và thánh hảo. “Lạy Chúa, Chúa công minh trong mọi đường lối của Chúa, trung thành trong mọi công việc Chúa làm” (câu 17). Theo tiếng Do Thái, chúng ta thấy có hai tĩnh từ thông dụng để diễn tả Giao Ước giữa Thiên Chúa và Dân Ngài, đó là “saddiq” và “hasid”. Chúng là những tĩnh từ diễn tả đức công minh, một đức công minh cứu khỏi sự dữ và giải thoát khỏi sự dữ, và lòng trung tín là dấu hiệu cho thấy tình yêu thương cao cả của Chúa.

 

3.         Thánh vịnh gia đặt mình về bên phía thành phần được hưởng phúc lợi mà ông diễn tả bằng những bày tỏ khác nhau; chúng là những từ ngữ, trên thực tế, được sử dụng để làm tiêu biểu cho thành phần tín hữu đích thực. Chữ thứ hai “kêu cầu” Chúa bằng việc tin tưởng nguyện cầu, tìm kiếm Ngài nơi sự sống “trong chân lý” (câu 18), kính sợ Thiên Chúa, tôn trọng ý muốn của Ngài và tuân giữ Lời của Ngài (câu 19), thế nhưng, trên hết là “mến yêu” Ngài, tin tưởng rằng họ sẽ được tiếp nhận dưới áo choàng bao che và thân tình của Ngài (câu 20).

 

Bởi thế mà lời cuối cùng của thánh vịnh gia cũng là lời ông mỏ đầu bài thánh vịnh này: Nó là lời mời gọi hãy ca ngợi và chúc tụng Chúa và danh thánh của Ngài, tức là ca ngợi và chúc tụng ngôi vị sống động và thánh hảo là ngôi vị hoạt động và cứu độ trên thế giới và trong lịch sử. Ngoài ra, nó còn là một lời kêu gọi tất cả mọi tạo vật, thành phần đã lãnh nhận tặng ân sự sống, hãy liên kết mình với lời nguyện cầu chúc tụng này: “Tất cả mọi xác phàm hãy chúc tụng danh Chúa đến muôn đời”. Nó là một loại thánh ca bất tử cần phải được từ đất dâng lên trời cao; nó là việc cùng ngợi khen tình yêu phổ cập của Thiên Chúa là nguồn mạch an bình, hoan hỉ và cứu độ.

 

4.         Để kết thúc bài suy niệm của chúng ta đây, chúng ta hãy suy niệm một lần nữa về câu thánh vịnh êm ái dịu dàng là: “Lạy Chúa, Chúa gần gũi với tất cả những ai kêu cầu Chúa, với tất cả những ai kêu cầu Chúa trong sự thật” (câu 18). Nó là một thành ngữ đặc biệt được yêu chuộng bởi Barsanufius ở Gaza, một vị khổ tu chết vào giữa thế kỷ thứ 6, vị được các đan sĩ, viên chức Giáo Hội và giáo dân tới tham vấn vì sự khôn ngoan sáng suốt của ngài.

 

Chẳng hạn, để trả lời cho một người môn đệ muốn khám phá ra “những nguyên nhân của các chước cám dỗ khác nhau đã tấn công mình”, vị khổ tu Barsanufius đáp rằng: “Gioan ơi, đừng sợ những chước cám dỗ nổi lên chống lại con để thử thách con, đừng nhất định cố gắng hiểu nó ra sao; trái lại, hãy kêu danh thánh Chúa Giêsu: ‘Ôi Giêsu, xin cứu giúp con’. Và Người sẽ nghe lời con, vì ‘Chúa gần gũi với tất cả những ai kêu cầu Người’. Đừng thất đảm, hãy hăng hái chạy và con sẽ đạt tới đích điểm của con trong Chúa Kitô là Đức Giêsu Chúa chúng ta” (Barsanufius and John of Gaza, "Epistolario," 39: "Collana di Testi Patristici," XCIII, Rome, 1991, p. 109).

 

Những lời lẽ ấy của Vị Tổ Phụ xưa cũng hợp với chúng ta nữa. Trong các sự khó khăn, các chước cám dỗ, chúng ta không được chỉ thực hiện việc suy niệm về lý thuyết mà thôi – là chỗ phải chăng phát xuất ra những suy niệm ấy? – thế nhưng cần phải phản ứng một cách tích cực, khi kêu cầu Chúa, bảo tồn việc giao tiếp sống động với Chúa. Ngoài ra, chúng ta cần phải kêu tên Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, xin cứu giúp con!”. Để rồi chúng ta tin tưởng rằng Người đang lắng nghe chúng ta, vì Người ở gần những ai tìm kiếm Người. Chúng ta đừng nản lòng; trái lại, chúng ta hãy hăng say chạy – như vị Giáo Phụ này nói – và chúng ta cũng sẽ đạt tới sự sống là Chúa Giêsu.

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Bài suy niệm hôm nay của chúng ta trở lại với Thánh Vịnh 144, một bài thánh ca tuyệt vời để tôn vinh Chúa, vị vua yêu thương, Đấng từ tâm, êm ái dịu dàng, trung thành và ôm ấp tất cả mọi tạo vật trong sự thiện hảo của Ngài. Thánh vịnh gia nhấn mạnh rằng tình yêu thương của Chúa không bao giờ rời xa và là những gì cao cả nhưng đặc biệt giành cho thành phần yếu kém và nghèo khổ. Thiên Chúa là một người Cha bày tỏ bản tính vương giả của mình ta bằng cách cúi mình xuống bảo vệ bao che những ai mỏng dòn và bất lực.

 

“Chúa công minh nơi tất cả mọi đường lối của Ngài và yêu thương nơi tất cả mọi việc làm của Ngài”. Người tín hữu đích thực là người kêu cầu Chúa bằng việc sốt sắng nguyện cầu, tìm kiếm Ngài bằng một tấm lòng chân thành, kính sợ Ngài, và nhất là kính mến Ngài.

 

Để kết luận, chúng ta hãy ngẫm nghĩ lời khuyên của vị khổ tu Barsanufius ở Gaza, người khuyến khích tất cả chúng ta hãy kêu cầu sự trợ giúp của Chúa Giêsu trong những lúc bị cám dỗ. Thật thế, “Chúa gần gũi với tất cả những ai kêu cầu Ngài, những người kêu cầu Ngài bằng tấm lòng của họ”.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/2/2006