Thứ Tư 15/2/2006

 

 

“Linh Hồn Tôi Ngợi Khen Chúa...”

 

(Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat cho Kinh Tối Thứ Sáu, Tuần Thứ Bốn)

 

 

 

Anh Chị Em thân mến:

 

1.         Chúng ta đã tiến đến tận điệm của cuộc hành trình dài được bắt đầu đúng 5 năm trước đây bởi vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi là Đức Giáo Hoàng đáng nhớ Gioan Phaolô II. Trong các buổi giáo lý này, vị Đại Giáo Hoàng này muốn duyệt qua toàn bộ Thánh Vịnh và ca vịnh làm nên cấu trúc cho việc cầu nguyện chính yếu của Phụng Vụ Giờ Kinh Tối. Khi tiến tới chỗ kết thúc cuộc hành trình rảo qua các bài Thánh Kinh ấy, như một cuộc hành trình băng qua một ngôi vườn đầy những cánh hoa chú ctụng, kêu van, nguyện cầu và chiêm niệm, giờ đây chúng ta hãy giành chỗ cho bài ca vịnh niêm ấn tất cả việc cử hành Giờ Kinh Tối, đó là bài ca vịnh Ngợi Khen – Magnificat (Lk 1:46-55).

 

Đây là một bài ca vịnh cho thấy linh đạo “anawim” của Thánh Kinh, tức là linh đạo của những tín hữu nhìn nhận mình là “nghèo hèn”, chẳng những vì họ không dính dáng với tất cả những thứ ngẫu tượng giầu sang và quyền lực, mà còn vì họ hết sức khiêm hạ trong lòng nữa, không chiều theo xu hướng kiêu kỳ, mở lòng mình ra có ơn cứu độ thần linh. Toàn thể bài ca vịnh Ngợi Khen, chúng ta vừa nghe Ca Đoàn của Nguyện Đường Sistine trình bày, có đặc điểm ở “lòng khiêm hạ” này, theo tiếng Hy Lạp là “tapeinosis”, một từ ngữ ám chỉ một tình trạng khiêm hạ và nghèo hèn cụ thể.

 

2.         Tác động thứ nhất của bài ca vịnh Thánh Mẫu này diễn ra như thể một đơn ca viên độc xướng cất tiếng lên Chúa trên trời cao. Thật vậy, d8iều này được sáng tỏ ở việc liên tục sử dụng ngôi thứ nhất: “Linh hồn tôi…, thấn trí tôi…, Đấng Cứu Độ tôi…, sẽ chúc tụng tôi diễm phúc…, đã làm cho tôi những điều cao cả…”. Bởi thế, linh hồn của lời nguyện cầu này là việc cử hành ân sủng thần linh được ban cho tâm can và cuộc đời của Mẹ Maria, biến Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Kitô. Chúng ta thực sự nghe thấy tiếng của Vị Trinh Nữ này nói về Đấng Cứu Độ Mẹ như thế, Đấng đã làm nơi hồn xác Mẹ những điều cao trọng.

 

Cấu trúc sâu xa nơi bài ca vịnh nguyện cầu này của Mẹ đó là lời ngợi khen chúc tụng, tri ân cảm tạ, hân hoan biết ơn. Thế nhưng, việc chứng từ cá nhân này không phải là những gì lẻ loi và tư riêng, hoàn toàn cá nhân, vì Trinh Nữ Maria ý thức rằng Mẹ có một sứ vụ cần phải thực hiện cho nhân loại, và cuộc sống của Mẹ được gắn liền với lịch sử cứu độ. Bởi thế Mẹ mới nói: “Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia đối với những ai kính sợ Ngài” (câu 50). Bằng lời ca ngợi Chúa này, Vị Trinh Nữ lên tiếng thay cho tất cả mọi tạo vật được cứu chuộc sau tiếng “Xin Vâng” của Mẹ, thành phần được Thiên Chúa xót thương qua hình ảnh của Chúa Giêsu do Vị Trinh Nữ này hạ sinh.

 

3.         Tới đây là phần diễn tiến thứ hai về thi ca và linh thiêng của bài Magnificat (câu 51-55). Phần này có giọng điệu của một ca đoàn, như thể tiếng của Mẹ Maria hợp với tiếng của cộng đồng tín hữu ca ngợi những quyết định lạ lùng của Thiên Chúa. Theo nguyên ngữ Hy Lạp của Phúc Âm Thánh Luca, chúng ta thấy 7 động từ ở thể bất định, nói lên nhiều tác động khác nhau được Chúa thực hiện thường xuyên trong lịch sử, đó là “Ngài đã ra tay uy quyền…, Ngài đã đánh tan kẻ kiêu ngạo…, Ngài đã hạ bệ những kẻ quyền uy thế lực…., nâng lên những kẻ hèn kém…., Ngài đã cho người đói khổ no đầy những điều tốt đẹp…, còn kẻ giầu sang Ngài để về không…., Ngài đã trợ giúp Yến Duyên là tôi tớ của Ngài”.

 

Rõ ràng là nơi bảy việc làm của Thiên Chúa đây là “kiểu cách” được vị Chủ Tể lịch sử tỏ ra qua tác hành của Ngài, ở chỗ, Ngài đặt mình về phía kẻ thấp hèn nhất, dự án của Ngài được dấu ẩn dưới những gì mờ tối nơi những cuộc thăng trầm của con người, những cuộc thăng trầm cho thấy thành phần “kiêu hãnh”, “quyền lực” và “giầu sang” là những kẻ thắng thế. Tuy nhiên, cuối cùng, sức mạnh âm thầm của Ngài sẽ đi tới chỗ tỏ ra cho thấy ai là những người được Thiên Chúa ưu chuộng, đó là thành phần “trung tín” với Lời của Ngài, “thành phần khiêm hạ”, thành phần đói khát”, “thành phần Yến Duyên tôi tớ của Ngài”, tức là cộng đồng Dân Chúa được cấu tạo bởi những, ai như Mẹ Maria, ‘nghèo khó”, tinh tuyền và có tâm hồn đơn sơ chân thành. Cộng đồng này là “đàn nhỏ” được Chúa Giêsu kêu gọi đừng sợ, vì Chúa Cha đã muốn ban cho nó vương quốc của Ngài (x Lk 12:32). Như thế, bài ca vịnh đây mời gọi chúng ta hãy liên kết mình với đàn nhỏ này, thực sự trở thành những phần tử của Dân Chúa trong tinh tuyền và có một tâm can đơn thành, trong tình yêu Thiên Chúa.

 

4.         Vậy chúng ta hãy chấp nhận lời mời gọi Thánh Ambrôsiô ngỏ cùng chúng ta trong bài dẫn giải về ca vịnh Magnificat này. Vị đại tiến sĩ này của Giáo Hội khuyên dụ rằng: “Chớ gì Mẹ Maria chúc tụng Chúa nơi tâm hồn của mỗi người, chớ gì tâm thần của Mẹ hân hoan trong Chúa nơi mỗi người; nếu, theo xác thịt, Chúa Kitô chỉ có một người mẹ duy nhất, thì theo đức tin tất cả mọi linh hồn đều hạ sinh Chúa Kitô; thật vậy, mỗi người nhận lãnh nơi chính bản thân mình Lời Chúa… Linh hồn của Mẹ Maria chúc tụng Chúa và thần trí của Mẹ hân hoan trong Thiên Chúa, vì tận hiến với cả linh hồn và tâm thần của mình cho Chúa Cha và Chúa Con, Mẹ thiết tha tôn thờ Thiên Chúa duy nhất là Đấng mọi sự được xuất phát, cũng như tôn thờ một Chúa duy nhất là Đấng nhờ Người mà mọi sự được hiện hữu” ("Esposizione del Vangelo Secondo Luca," 2,26-27: Saemo, XI, Milan-Rome, 1978, p. 169).

 

Trong lời dẫn giải tuyệt vời này của Thánh Amrôsiô về bài ca vịnh Magnificat, tôi luôn cảm kích trước lời lạ lùng này: “Nếu, theo xác thịt, Chúa Kitô chỉ có một người mẹ duy nhất, thì theo đức tin tất cả mọi linh hồn đều hạ sinh Chúa Kitô; thật vậy, mỗi người nhận lãnh nơi chính bản thân mình Lời Chúa”. Như thế, vị tiến sĩ thánh thiện này, khi giải thích những lời lẻ của chính Mẹ Maria, kêu gọi chúng ta hãy cống hiến cho Chúa một chỗ cư ngụ trong linh hồn của chúng ta cũng như trong đời sống của chúng ta. Chúng ta chẳng những phải cưu mang Người trong lòng của mình, mà còn phải mang Người vào thế giới nữa, nhờ đó cả chúng ta nữa cũng sinh ra Chúa Kitô cho thời đại của chúng ta đây. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta biết chúc tụng Người bằng tâm thần và linh hồn của Mẹ Maria, và biết mang Chúa Kitô đến cho thế giới một lần nữa.

 

(Bao giờ cuối cùng Đức Thánh Cha cũng tóm gọn bài giáo lý bằng tiếng Ý bằng tiếng Anh như sau:)

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay chúng ta kết thúc loạt bài suy niệm được bắt đầu bởi vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về các bài Thánh Vịnh và ca vịnh của Phụng Vụ Giờ Kinh.

 

Chúng ta làm điều này bằng việc suy niệm bài Magnificat là bài tôn vinh thành phần nghèo khó trong theo Thánh Kinh, đó là thành phần “anawim”, những người sống hết sức khiêm nhượng trong lòng và mở lòng mình ra trước ơn cứu độ của Thiên Chúa. Họ là thành phần không kiêu hãnh và không tham muốn những gì là cao cả của con người.

 

Phần thứ nhất của bài ca vịnh này cho thấy Mẹ Maria hân hoan trong ân sủng đã được ban cho tâm hồn và đời sống của Mẹ. Mẹ làm điều này một cách riêng tư, song cũng ý thức được sứ vụ của Mẹ đối với toàn thể nhân loại.

 

Phần thứ hai hòa hợp những lời lẽ của Mẹ với toàn thể lịch sử của tín hữu. Họ ca ngợi những quyết định lạ lùng của Thiên Chúa là Đấng “dẹp tan lòng trí kiêu căng”… “hạ bệ thành phần quyền hành thế lực”… “cho kẻ đói khó no đầy những điều thiện hảo”.

 

Chúng ta hãy kết thúc bằng việc liên kết mình với lời mời gọi của Thánh Ambrôsiô cả: “Chớ gì Mẹ Maria chúc tụng Chúa nơi tâm hồn của mỗi người, chớ gì tâm thần của Mẹ hân hoan trong Chúa nơi mỗi người”.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 15/2/2006