Bài 17 (Thứ Tư 17/10/2001)

ÔI THIÊN CHÚA, NƠI THÁNH ĐIỆN CỦA NGÀI,
CHÚNG TÔI SUY TƯỞNG ĐẾN TÌNH NGÀI YÊU THƯƠNG

(Thánh Vịnh 47 [48], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Năm, Tuần Thứ Nhất)

1.         Bài Thánh Vịnh vừa được công bố là một ca vịnh tôn vinh Sion, “thành đô của Đức Vua cao cả” (câu 3), ở vào lúc vị thế của đền thờ Chúa và nơi Ngài hiện diện ở giữa loài người. Đức tin Kitô giáo giờ đây qui thành đô này về “Giêrusalem trên trời”, thành đô “mẹ của chúng ta” (Gal 4:26).

Cung cách phụng vụ của bài thánh thi này, bài thánh thi gợi lên cho thấy một cuộc cung nghinh của ngày hội lễ (xem các câu 13-14), cho thấy một cái nhìn an bình về Giêrusalem, một cái nhìn phản ánh ơn cứu độ thần linh, đã làm cho bài Thánh Vịnh 47 (48) thành một lời cầu nguyện giúp chúng ta có thể sử dụng  để bắt đầu một ngày sống, bằng việc cất tiếng hát lên bài ca vịnh chúc tụng, cho dù chân trời có những đám mây che phủ.

Để cảm nhận được ý nghĩa của bài Thánh Vịnh này, chúng ta thấy có 3 lời than xuất hiện ở đầu, giữa và cuối bài Thánh Vịnh, như để làm mốc điểm chính cho việc sáng tác và cũng để dẫn chúng ta vào nội dung của bài thánh vịnh. Ba lời kêu than này là: “Chúa là Đấng cao cả và đáng chúc tụng trong thành đô của Thiên Chúa chúng ta” (câu 2); “Ôi Thiên Chúa, nơi thánh điện của Ngài, chúng tôi suy tưởng tình Ngài yêu thương” (câu 10); “Đó là Thiên Chúa của chúng ta, Thiên Chúa muôn đời và mãi mãi, chính Ngài là Đấng dẫn dắt chúng ta” (câu 15).

2.         Ba lời than này, những lời than chẳng những tôn tụng Thiên Chúa mà còn tôn vinh cả “thành đô của Thiên Chúa chúng ta” (câu 2) nữa, đã bố cục bài Thánh Vịnh lại thành hai phần chính. Phần thứ nhất là một cuộc hân hoan cử hành thành thánh Sion đã thắng được các cuộc tấn công của những kẻ thù địch, an bình ở dưới chiếc áo choàng bảo vệ của Thiên Chúa (các câu 3-8). Có một loạt định nghĩa tiêu biểu về thành đô này như sau: đó là một nơi cao vời vợi vươn lên như ánh sáng chiếu tỏa, là một nguồn hoan lạc cho các dân nước trên trái đất, là một “Thái Sơn” hội tụ đất trời. Đó là, theo cách diễn đạt của tiên tri Eâzêkiên, thành đô Emmanuel, vì “Chúa ở đó”, hiện diện nơi đó (x Ez 48:35). Thế nhưng, cũng có những đạo quân ào ạt công hãm Giêrusalem, tượng trưng cho việc sự dữ tấn công vinh quang của thành đô Thiên Chúa. Cuộc đụng độ cho thấy trước được kết quả tức khắc.

3.             Thật vậy, quyền lực thế gian, một khi tấn công thành thánh thì đồng thời cũng động đến cả Chúa là vua của thành thánh nữa. Vị tác giả Thánh Vịnh đã tỏ cho thấy tình trạng vỡ mộng ngông cuồng của binh hùng tướng mạnh nơi hình ảnh liên quan đến tình trạng quằn quại sinh con: “Chúng bị khiếp hãi như trải qua cơn đau chuyển bụng sinh con” (câu 7). Vẻ hung dữ biến thành bạc nhược và mềm yếu, uy quyền thành sụp đổ và tháo chạy. Một hình ảnh khác cũng cho thấy cùng một tư tưởng như thế, đó là đạo quân tháo chạy được so sánh với một đội chiến hạm hùng mạnh đụng phải một trận bão nổi lên gây ra bởi ngọn gió Đông dữ dội (xem câu 8). Điều tồn tại đó là niềm tin không lay chuyển nơi kẻ ở trong bóng bảo vệ thần linh, đó là niềm tin tưởng rằng chung cuộc không thuộc về tay sự dữ mà là sự thiện; Thiên Chúa chiến thắng các quyền lực thù địch, cho dù chúng có vẻ mạnh mẽ và bất khả bại.


4.             Kẻ tín nghĩa cử hành trong chính đền thờ việc họ tạ ơn Vị Thiên Chúa giải cứu của mình. Họ hát một bài thánh thi dâng lên tình yêu nhân hậu Chúa, một tình yêu được diễn tả nơi chữ hésed trong tiếng Do Thái, chữ tiêu biểu cho thần học về giao ước. Giờ đây chúng ta sang đến phần thứ hai của bài Thánh Vịnh (xem các câu 10-14). Sau bài ca vịnh dài chúc tụng Vị Thiên Chúa tín trung, chính trực và cứu độ (xem các câu 10-12), thì xuất hiện một loạt những gì ở chung quanh đền thờ và thành thánh (các câu 13-14). Nào là những tháp canh cho thấy việc Thiên Chúa cương quyết bảo vệ thành, nào là những thành lũy nói lên cho thấy Sion được Đấng Chủ Trị thiết lập vững vàng. Các tường thành Giêrusalem nói lên và những tảng đá của thành nhắc lại những công cuộc cần phải được truyền lại “cho thế hệ mai sau” (câu 14), qua những câu truyện cha ông kể lại cho con cháu (xem Thánh Vịnh 77: 3,7). Sion là nơi chứng kiến hàng loạt tác động cứu độ không ngừng của Chúa, những tác động cứu độ được truyền đạt nơi giáo lý và được cử hành trong phụng vụ, để tín hữu tiếp tục hy vọng vào Chúa là Đấng đã nhúng tay vào việc giải phóng họ.

               
5.             Ở đoạn đối ca kết thúc xuất hiện một trong những định nghĩa đẹp nhất về Chúa, cho Ngài như là một vị mục tử chăn dắt dân Ngài: “Chính Ngài là Đấng chăn dắt chúng ta” (câu 15). Vị Thiên Chúa của Sion là Vị Thiên Chúa của Cuộc Xuất Hành, của tự do, của việc sát cận với đám dân làm tôi ở Ai Cập và cũng là đám dân lữ hành trong sa mạc. Giờ đây đám dân Yến Duyên được an cư lạc nghiệp trong đất hứa ấy biết rằng Chúa sẽ không bỏ rơi mình: Giêrusalem là dấu hiệu cho thấy Ngài gần gũi với họ và đền thờ là nơi Ngài hiện diện. Khi đọc lại những diễn tả này, Kitô hữu tiến đến việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô là đền thờ mới sống động của Thiên Chúa (xem Jn 2:21), và hướng về Giêrusalem thiên quốc là nơi không cần đền thờ hay ánh sáng ngoại tại nào nữa, vì “đền thờ là Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng và là Con Chiên... vinh quang của Thiên Chúa là ánh sáng của thành và Con Chiên là đèn của thành” (Rev 21:2-23). Thánh Âu Quốc Tinh đã mời gọi chúng ta hãy đọc lại theo “tâm thức” này, vì thánh nhân thâm tín rằng, nơi các Sách Thánh Kinh “không có gì khác ngoài những quan tâm đến thành đô trần thế, vì tất cả những gì được nói về nó đều ám chỉ đến thành này, hay những gì được thành này hiện thực, đều tiêu biểu cho một cái gì đó cũng có thể ngầm ám chỉ Giêrusalem thiên quốc” (City of God, XVII, 3, 2). Thánh Paulinus Nola cũng đã làm âm vang tư tưởng ấy của thánh Âu Quốc Tinh, vì khi dẫn giải những lời của bài Thánh Vịnh này, thánh nhân đã khuyên dụ chúng ta hãy cầu nguyện để “chúng ta có thể thấy mình là những viên đá sống động nơi tường thành Giêrusalem thiên quốc tự do” (Letter 28, 2 gửi Severus). Chiêm ngưỡng thấy sự vững chắc và cứng cát của thành ấy, vị Giáo Phụ Hội Thánh này còn nói tiếp: “Thực vậy, Đấng ngự trong thành này tỏ ra cho thấy mình là Một trong ba ngôi... Đức Kitô chẳng những là nền tảng của thành mà còn là tháp và cửa thành nữa... Nếu ngôi nhà linh hồn chúng ta được xây dựng trên Người, và việc kiến trúc dựa trên Người để xứng đáng có một nền tảng vững vàng như vậy, thì cửa vào thành cũng chính là Đấng muôn đời dẫn dắt chúng ta và sẽ dẫn chúng ta đến chỗ đồng cỏ của Người” (cùng nguồn vừa dẫn).


 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 24/10/2001)