Bài 18 (Thứ Tư 24/10/2001)

TÔI ĐÃ LỖI PHẠM ĐẾN CHÍNH CHÚA

 

(Thánh Vịnh 50 [51], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Sáu, Tuần Thứ Nhất) 

1.         Chúng ta vừa nghe bài Miserere là một trong những kinh nguyện nổi tiếng của Thánh Vịnh, một thánh vịnh thống hối thiết tha và thông dụng nhất, một thánh thi về việc vấp phạm và lòng tha thứ, một suy niệm sâu xa về lầm lỗi và ân sủng. Phụng Vụ Giờ Kinh sắp xếp để chúng ta cầu nguyện bằng thánh vịnh này vào Kinh Ban Mai của mỗi ngày Thứ Sáu. Qua bao thế kỷ, lời nguyện cầu này đã được dâng lên trời cao từ cõi lòng của nhiều tín đồ Do Thái và Kitô Hữu, như một nỗi thổn thức của lòng thống hối cũng như của niềm hy vọng nơi một Vị Thiên Chúa từ bi nhân hậu.

 

Truyền thống Do Thái đã đặt bài thánh vịnh này nơi môi miệng của Đavít, một con người đã thống hối nhờ những lời nghiêm thẳng của tiên tri Nathan (x các câu 1-2, 2Sam 11-12), vị đã quở trách vua về việc vua ngoại tình với Bathsheba cũng như về việc vua mưu đồ sát hại Uria chồng của bà. Tuy nhiên, bài thánh vịnh đã trở nên phong phú hơn ở vào những thế kỷ sau đó, nhờ lời nguyện cầu của biết bao nhiêu là tội nhân khác nữa, thành phần, theo giáo huấn của tiên tri Giêrêmia và Eâzêkiên (xem câu 12; Jer 31: 13-34; Ez 11:19, 36:24-28), đã ý thức được vấn đề “trái tim mới” và “Thần Linh” Thiên Chúa nơi con người được cứu chuộc.

 

2.         Thánh Vịnh 50 (51) cho chúng ta thấy hai chân trời. Trước hết là vùng tăm tối của tội lỗi (xem các câu 3-11) là nơi con người thuộc về ngay từ khi bắt đầu hiện hữu: “Này đây tôi đã được sinh ra trong tội lỗi, tôi đã được thụ thai như là một tội nhân” (câu 7). Cho dù lời tuyên nhận này không được coi như là một công thức hiển nhiên về tín điều nguyên tội là tín điều đã được thần học Kitô giáo xác nhận, song lời tuyên nhận này thật là tương hợp với tín điều ấy: thật vậy, lời tuyên nhận này nói lên cho thấy chiều kích sâu xa của tình trạng yếu hèn bẩm sinh về luân lý nơi con người. Phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh hiện lên như là một phần phân tách về tội lỗi trước nhan Thiên Chúa. Ba từ ngữ Do Thái được sử dụng đến ở đây để nói lên thực tại buồn thảm này, một thực tại xẩy ra bởi việc lạm dụng tự do của con người.


3.         Từ ngữ thứ nhất là hattá, nghĩa đen là “bị hụt hẫng”: tội lỗi là một tình trạng lệch lạc đẩy chúng ta xa khỏi Thiên Chúa là đích điểm cốt yếu cho mối liên hệ của chúng ta, bởi thế, nó cũng đẩy chúng ta xa khỏi tha nhân nữa. Từ ngữ Do Thái thứ hai là awôn, một từ ngữ đưa chúng ta tới hình ảnh “ngoằn ngoèo” hay “cong queo”. Tội lỗi là tình trạng sai biệt lung tung không đúng với những gì là ngay thẳng; nó là một thứ đảo lộn, xiên xẹo, méo mó về sự thiện và sự dữ; như ý nghĩa được tiên tri Isaia tuyên cáo: “Khốn cho những ai cho tốt là xấu và xấu là tốt, những ai biến tối tăm thành ánh sáng và ánh sáng thành tối tăm” (5:20). Chắc vì lý do này mà việc hoán cải theo Thánh Kinh mới được cho là một cuộc “trở về” (theo tiếng Do Thái là shub) với đường ngay nẻo chính, khi con người sửa chữa lại đời sống của mình. Từ ngữ thứ ba tác giả thánh vịnh sử dụng để nói về tội là peshá. Tiếng này nói lên cho thấy việc bầy tôi nổi lên chống lại thượng cấp của mình, và bởi đó cũng cho thấy việc họ ngang nhiên đối đầu với Thiên Chúa cũng như với dự án của Ngài nơi lịch sử nhân loại.


4.         Tuy nhiên, nếu con người thú nhận tội lỗi của mình thì đức công minh cứu độ của Thiên Chúa lúc nào cũng sẵn sàng thanh tẩy họ tận gốc rễ. Bởi vậy, chúng ta tiến sang phần ý nghĩa thứ hai của bài thánh vịnh, đó là lãnh giới rạng ngời của ân sủng (xem các câu 12-19). Bằng việc thú nhận tội lỗi, con người cầu nguyện sẽ thấy hiện lên một chân trời sáng lạn là nơi Thiên Chúa sinh động. Chúa không chỉ tác động một cách tiêu cực, trong việc loại trừ tội lỗi, mà còn tái tạo nhân loại tội lỗi bằng Thần Linh ban sự sống của Ngài nữa, ở chỗ, Ngài đặt nơi con người một “trái tim” mới mẻ và tinh tuyền, tức một lương tâm đổi mới, cũng như Ngài mở ra cho họ một cơ hội sống tin tưởng thuần khiết và tôn thờ đẹp lòng Thiên Chúa.

 

Giáo phụ Origen đã nói về việc trị liệu thần linh, một trị liệu Chúa thực hiện bằng lời của Ngài cũng như bằng việc chữa lành của Đức Kitô, là “nếu Thiên Chúa giúp tạo nên những phương dược từ các loại thảo mộc được trộn lẫn với nhau một cách thích hợp để trị liệu phần xác thế nào, thì Ngài cũng giúp cho phần hồn có những vị thuốc bằng lời Ngài thấm nhập rải rác khắp các cuốn Sách Thánh thần linh... Thiên Chúa còn một trợ y liệu khác lấy Chúa là Khuôn Mẫu, Đấng phán về mình rằng: ‘Kẻ khỏe mạnh không cần đến thày thuốc mà là kẻ yếu đau’. Người là vị y sĩ thượng hạng  có thể chữa trị hết mọi yếu đuối và bệnh nạn” (Origen, Homilies on Psalms, trích từ bản Ý Ngữ, Omelie sui Salmi, Florence, 1991, pp. 247-249).

 

5.         Sự sâu xa phong phú của Thánh Vịnh 50 (51) đáng cho chúng ta phải cẩn thận dẫn giải từng câu. Nó là những gì chúng ta sẽ thực hiện khi chúng ta trở lại với nhau một lần nữa vào Giờ Kinh Ban Mai của những Ngày Thứ Sáu tiếp tới. Nhìn tổng quan bài thánh vịnh này, một cái nhìn tổng quan chúng ta có được từ lời khẩn nguyện nổi tiếng trong Thánh Kinh đây, chúng ta thấy một số yếu tố nồng cốt về một thứ linh đạo cần phải được thấm nhuần vào đời sống thường nhật của tín hữu. Trước hết là một cảm quan thực sự về tội lỗi, được coi như là một sự chọn lựa tự do, theo ý nghĩa tiêu cực ở lãnh vực luân lý và thần học: “Tôi đã lỗi phạm đến Chúa, đến chính Chúa, tôi đã làm nên những điều xấu xa trước nhan Chúa” (câu 6).

 

Trong bài thánh vịnh này còn có một cảm quan thực sự về khả năng hoán cải nữa, ở chỗ, tội nhân, thành tâm hối lỗi, (x câu 5), đến trước Thiên Chúa trong cảnh khốn cùng và trần trụi của mình, nài xin Ngài đừng loại trừ mình khỏi nhan của Ngài (xâu 13). 

 

Sau hết, trong bài Miserere, niềm xác tín sâu xa tin tưởng vào lòng tha thứ của Thiên Chúa còn “loại bỏ, rửa sạch, thanh tẩy” tội nhân (xem các câu 3-4), và có thể biến đổi họ thành một tạo vật mới, thành phần được biến đổi về tinh thần, môi miệng và con tim (xem 4-19). “Cho dù tội lỗi của chúng ta có đen thui như  đêm tối, thì tình thương Thiên Chúa vẫn lớn hơn cả cảnh khốn cùng của chúng ta nữa. Chỉ cần một điều duy nhất là, tội nhân phải để hé cửa tiến vào lòng họ... Thiên Chúa có thể làm tất cả những gì còn lại... Mọi sự được bắt đầu và kết thúc ở lòng xót thương của Ngài”, Thánh Faustina Kowalska đã viết như thế (M. Winowska, The Ikon of Divine Mercy, The Message of Sister Faustina, trích từ ấn bản Ý Ngữ, L’Icona dell’ Amore Misericordioso. Il messaggio di Suor Faustina, Rome, 1981, p. 271).

 

(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 31/10/2001)