Bài 19 (Thứ Tư 31/10/2001)

 

MẦU NHIỆM VÀ SỰ QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA

 

(Ca Vịnh Isaia, Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Sáu, Tuần Thứ Nhất)

 

1.         “Chúa thật là một Vị Thiên Chúa ẩn thân” (Is 45:15). Lời mở đầu cho Kinh Ban Mai Ngày Thứ Sáu thuộc tuần thứ nhất của Thánh Vịnh được trích từ một bài suy niệm trong Sách Isaia về sự cao cả của Thiên Chúa được thể hiện nơi thiên nhiên tạo vật cũng như trong lịch sử, đó là một Vị Thiên Chúa tỏ mình ra, mặc dù Ngài vẫn ẩn thân một cách khôn thấu nơi mầu nhiệm của Ngài. Theo ý nghĩa này thì Ngài là “Vị Thiên Chúa ẩn thân”. Không tâm trí nào có thể thấu triệt được Ngài. Con người chỉ có thể thấy được việc Ngài hiện diện trong vũ trụ, nhận ra dấu vết của Ngài mà cúi đầu tôn thờ và chúc tụng mà thôi.

 

Bài suy niệm này phát xuất từ biến cố lịch sử liên quan đến việc Thiên Chúa lạ lùng giải phóng dân Ngài vào thời lưu đầy Babylon. Ai có thể nghĩ ra là thành phần dân Yến Duyên bị lưu đầy lại có thể trở về quê hương đất nước của họ? Nghĩ đến quyền lực của Babylon là họ thất kinh mất rồi. Thế mà lại xẩy ra một lời loan báo cả thể, một bất ngờ từ Thiên Chúa, Đấng phát động bằng những lời tiên tri, đó là Ngài sẽ ra tay can thiệp như trong thời Xuất Ai Cập vậy. Nếu hồi ấy Ngài đã dùng các hình phạt khiếp đảm để bẻ gẫy việc kháng cự của Pharaon thì giờ đây Ngài đã dùng một vị vua, vua Cyrus của Ba Tư để đánh bại quyền lực của Babylon cũng như để phục hồi tự do cho Yến Duyên.


2.         “Chúa là một Vị Thiên Chúa tự ẩn thân, Vị Thiên Chúa của Yến Duyên, Vị Cứu Tinh” (Is 45:15). Bằng những lời lẽ này, vị tiên tri mời chúng ta hãy nhận ra việc Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử, cho dù không tỏ tường ngay tức khắc. Chúng ta có thể nói rằng Ngài hoạt động “ở hậu trường”. Ngài là vị giám đốc bí mật và vô hình, Đấng tôn trọng tự do của tạo vật của mình, song đồng thời cũng nhúng tay vào điều khiển các biến cố trên thế giới. Niềm tin vào hoạt động Quan Phòng của Thiên Chúa là nguồn hy vọng cho kẻ tín nghĩa, thành phần biết là họ có thể cậy dựa vào việc liên lỉ hiện diện của Ngài, “Đấng đã hình thành trái đất và dựng nên nó, cũng là Đấng củng cố nó” (Is 45:18).

Thật vậy, hành động tác tạo không phải là một màn diễn xuất rồi biến vào đêm tối của thời gian, từ đó, sau thuở ban đầu của mình, thế giới như bị bỏ mặc kệ muốn ra sao thì sao. Thiên Chúa tiếp tục làm cho tạo vật do Ngài tạo dựng hiện hữu. Nhận biết Ngài đó là tuyên xưng phẩm tính độc nhất vô nhị của Ngài: “Ta không phải là Chúa hay sao? Ngoài Ta ra không còn Thiên Chúa nào khác” (Is 45:21). Theo ý nghĩa này thì Thiên Chúa là Vị Thiên Chúa duy nhất. Không gì có thể sánh ví được với Ngài. Tất cả mọi sự đều phải qui phục Ngài. Từ đó mới lòi ra tính cách chối bỏ của ngẫu tượng, một tính cách bị vị tiên tri gắt gao cho rằng: “Họ không biết gì về việc họ cung nghinh các ngẫu tượng bằng gỗ của mình và cứ tiếp tục cầu cùng vị thần linh không thể cứu độ họ” (Is 45:20). Chúng ta làm sao lại có thể cúi mình tôn thờ trước một sản phẩm của loài người được cơ chứ? 

3.         Đối với tính cách nhạy cảm hiện nay thì lập luận này có thể là quá đáng, như thể nó đang phê phán chính những hình ảnh ấy mà không nhận ra rằng chúng có thể có một giá trị tiêu biểu nào đó, một giá trị hợp với việc tôn thờ thiêng liêng Vị Thiên Chúa duy nhất. Những cách thức khôn khéo Thiên Chúa muốn chỉ dạy, bằng luật phép cứng rắn trong việc loại trừ đi những hình ảnh, theo lịch sử cho thấy, chắc chắn là để nhắm đến việc bảo vệ dân Yến Duyên khỏi bị lây nhiễm tình trạng tôn thờ đa thần. Căn cứ vào dung nhan Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Kitô, Giáo Hội, qua Công Đồng Chung Necêa II năm 787, đã cho phép sử dụng các ảnh thánh, miễn là những ảnh thánh này được đặt trong giá trị liên hệ chính yếu của chúng.

 

Việc khiển trách của vị tiên tri trên đây vẫn có một tính cách quan trọng liên quan đến tất cả những hình thức ngẫu tượng, không phải chỉ ở tại việc sử dụng các hình ảnh bất xứng hợp, mà còn thường ở tại những thái độ ngấm ngầm coi người và vật có một giá trị tuyệt đối thay cho chính Thiên Chúa.

4.         Về phía tạo vật, bài thánh thi đưa chúng ta vào thời sử, thời mà dân Yến Duyên thường cảm nghiệm được quyền năng ưu ái và xót thương của Thiên Chúa, cảm nghiệm được việc Ngài trung tín và quan phòng đối với họ. Tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài còn đặc biệt tỏ ra cho thấy một lần nữa bằng một đường lối cởi mở lạ lùng trong việc Ngài giải thoát họ khỏi cảnh lưu đầy, đến nỗi vị tiên tri thấy họ như là “những kẻ sống còn từ các dân nước”. Vị tiên tri đã mời gọi họ, nếu muốn, hãy suy nghĩ: “Các người hãy qui tụ lại và hãy đến, hãy lại gần nhau hỡi các người là những kẻ sống sót từ các dân nước”. Vị tiên tri đã kết thúc rằng việc Thiên Chúa Yến Duyên can thiệp vào lịch sử là việc không thể chối cãi được.

 

Thế rồi một quan niệm đại đồng rạng ngời hiện lên. Thiên Chúa tuyên bố rằng: “Hỡi tận cùng bờ cõi trái đất, hãy quay trở về với Ta để được cứu độ, vì Ta là Thiên Chúa chứ không có một vị nào khác” (Is 45:22). Thế thì rõ ràng là lòng ưu ái Thiên Chúa bộc lộ riêng với dân Yến Duyên là dân của Ngài không phải là hành động loại trừ, mà là một hành động yêu thương mưu ích cho toàn thể nhân loại. Bởi vậy chúng ta mới thấy quan niệm “bí tích” nơi lịch sử cứu độ được gói ghém trong Cựu Ước, một quan niệm không thấy nơi việc Thiên Chúa đặc biệt tuyển chọn con cái Abraham và sau này tuyển chọn các môn đệ của Chúa Kitô trong Giáo Hội là một đặc ân có ý “giới hạn” hay “loại trừ”, mà là dấu hiệu và là dụng cụ của một tình yêu phổ quát.

 

5.         Lời mời gọi hãy thờ kính cũng như việc hiến ban ơn cứu độ đều nhắm đến tất cả mọi dân nước: “Mọi đầu gối phải quì xuống trước nhan Ta, mọi miệng lưỡi sẽ thề nguyền với Ta” (Is 45:23). Đọc những lời này theo quan điểm của một người Kitô hữu tức là nghĩ đến toàn thể mạc khải Tân Ước, một mạc khải cho thấy một “Danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Phil 2:9) nơi Chúa Kitô, để “khi nghe tên Giêsu thì trên trời, dưới đất và trong âm phủ mọi đầu gối phải quì xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Giêsu Kitô là Chúa, cho vinh quang Thiên Chúa là Cha” (Phil 2:10-11).

 

Qua bài thánh thi này, lời chúc tụng ban mai của chúng ta có một chiều kích đại đồng và là lời chúc tụng nhân danh những ai chưa được ơn nhận biết Chúa Kitô. Đó là lời chúc tụng trở thành “việc truyền giáo”, bắt chúng ta phải đi khắp thế giới loan báo rằng Thiên Chúa đã tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc thế giới.  


 (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 7/11/2001)