Bài 20 (Thứ Tư 7/11/2001)
THẾ GIỚI HÃY CHÚC TỤNG VỊ THIÊN CHÚA TÍN TRUNG
(Thánh Vịnh 99 [100], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Sáu, Tuần Thứ Nhất)
1. Truyền thống Do Thái gọi bài thánh thi chúc tụng chúng ta vừa nghe là “Thánh Vịnh để todáh”, tức là lời tạ ơn bằng phụng ca. Đó là lý do tại sao bài Thánh Vịnh này xứng đáng được nguyện vào Giờ Kinh Ban Mai. Chúng ta có thể nhận ra ba yếu tố đáng kể trong bốn câu của bài thánh thi hoan lạc này, những yếu tố làm cho cộng đồng Kitô hữu khi sử dụng để nguyện cầu được lợi ích thiêng liêng.
2. Trước hết là lời mời gọi thiết tha trong việc cầu nguyện, một lời mời gọi được rõ ràng thể hiện nơi khía cạnh phụng vụ. Điều này chứng tỏ ở những động từ truyền khiến, kèm theo những chi tiết liên quan đến phụng vụ được nhắc đến trong bài Thánh Vịnh: “Hãy kêu lên..., hãy hân hoan phụng sự Chúa, hãy hân hoan xướng hát trước nhan Ngài. Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa... Hãy cảm tạ tri ân tiến qua cổng của Ngài, hãy ca khen tiến vào cung điện của Ngài, hãy tạ ơn Ngài và hãy chúc tụng danh Ngài”. Đó là một loạt những lời mời gọi trong việc chẳng những tiến vào chốn thánh của đền thờ qua cổng và cung điện (x Ps 14:1; 23: 3, 7-10), mà còn mời gọi hoan hỉ chúc tụng Thiên Chúa nữa.
Đó như là một cái trục liên lỉ không gián đoạn trong việc chúc tụng bằng hình thức liên lỉ tuyên xưng niềm tin và lòng yêu thương. Việc chúc tụng từ trái đất dâng lên Thiên Chúa cũng là những gì nuôi dưỡng tâm linh của người tín hữu.
3. Tôi muốn nhấn mạnh đến chi tiết thứ hai ở ngay đầu của bài thánh thi, chỗ Tác Giả Thánh Vịnh kêu gọi toàn thể trái đất hãy tung hô Chúa (x câu 1). Bài Thánh Vịnh chắc chắn là chú trọng tới thành phần dân Chúa chọn, thế nhưng, vấn đề chúc tụng là một vấn đề phổ quát, như vẫn thấy nơi Thánh Vịnh có các “lời thánh thi ngỏ cùng Vị Chúa quốc vương” (x Ps 95-98 [96-99]). Thế giới và lịch sử không rơi vào tay của tình trạng may rủi, của xao động hay của tất yếu mù quáng. Trái lại, chúng được quản trị bởi một Vị Thiên Chúa nhiệm mầu, Đấng muốn nhân loại sống an toàn trong những mối liên đới chân chính đích thực. Ngài “là Vua. Thế giới được thiết dựng, nó sẽ không bao giờ bị xê xích; Ngài sẽ công bằng phân xử các dân nước... Ngài sẽ phân xử thế giới bằng đức công minh và các dân tộc bằng chân lý của Ngài” (Ps 95:10-13).
4. Chúng ta ở trong tay Thiên Chúa, Đấng là Chúa và là Vua, là Cha và là Hóa Công, và chúng ta vui mừng tin tưởng rằng Ngài sẽ không buông chúng ta ra khỏi tay của Ngài. Hiểu như thế chúng ta mới có thể cảm nhận được hơn nữa yếu tố chính yếu, yếu tố thứ ba của bài Thánh Vịnh. Thật vậy, ở trọng tâm của lời chúc tụng mà Tác Giả Thánh Vịnh đặt vào môi miệng chúng ta là một lời tuyên xưng đức tin, được bầy tỏ bằng một chuỗi những phẩm tính nói lên thực tại sâu xa của Thiên Chúa. Lời tuyên xưng chính yếu ấy gồm có những xác tín như sau: “Chúa là Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng nên chúng ta, thành phần thuộc về Ngài... Chúa thật là nhân hậu, tình Ngài yêu thương bền vững muôn đời, Ngài tín trung qua mọi thế hệ” (x các câu 3-5).
5. Trước tiên là một lời tuyên xưng lại niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, như giới răn thứ nhất của Thập Giới đòi hỏi: “Ta là Chúa, Thiên Chúa của các ngươi... Các ngươi sẽ không có chúa nào khác ngoài Ta” (Ex 20: 2.3). Lời tuyên xưng này vẫn thường được lập lại trong Thánh Kinh: “Vậy hôm nay anh em hãy nhận biết và giữ kỹ trong lòng anh em điều này: Chúa là Thiên Chúa trên các tầng trời cao, dưới mặt đất này chứ không có Đấng nào khác” (Dt 4:39). Sau đó tới lời tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa hóa công, Đấng là nguồn gốc của hữu thể và sự sống. Thế rồi, bằng một “công thức giao ước”, niềm tin của Yến Duyên là dân Thiên Chúa tuyển chọn đã xác nhận: “Chúng tôi thuộc về Ngài, là dân của Ngài và là chiên Ngài chăn dắt” (câu 3). Đó cũng là niềm xác tín được tín hữu thuộc Dân Chúa mới lấy làm của mình, với ý thức là mình là đàn chiên do Vị Mục Tử tối cao của các linh hồn dẫn dắt đến đồng cỏ trường sinh thiên đường (x 1Pt 2:25).
6. Sau khi tuyên xưng Vị Thiên Chúa duy nhất là Đấng Tạo Hóa và là nguồn mạch của giao ước, hình ảnh về Vị Chúa này được bài Thánh Vịnh của chúng ta tiếp tục ca khen qua việc suy niệm về ba phẩm tính thần linh vẫn thường vang lên trong Sách Thánh Vịnh, đó là lòng lành của Thiên Chúa, tình yêu nhân hậu (hésed) của Ngài và lòng trung tín của Ngài. Chúng là ba nhân đức thuộc về giao ước Thiên Chúa thiết lập với dân của Ngài; chúng nói lên cho thấy mối liên hệ không bao giờ bị đổ vỡ qua các thế hệ, bất chấp giòng suối bùn lầy tội lỗi, bất chấp nổi loạn và bất trung của con người. Với niềm tin tưởng thành tín này nơi tình yêu thần linh không bao giờ suy giảm ấy, dân Chúa đã hành trình qua giòng lịch sử trước những thử thách cám dỗ và yếu đuối mỗi ngày.
Niềm tin tưởng này trở thành một bài thánh thi mà đôi khi không nói lên lời, như Thánh Âu-Quốc-Tinh nhận định: “Đức ái càng gia tăng thì anh em càng thấy anh em trở nên những gì anh em nói và không nói được. Thật vậy, trước khi cảm nhận được những điều gì đó, anh em nghĩ rằng anh em có thể dùng lời lẽ để nói về Thiên Chúa; đến khi anh em hưởng được cái thú vị của chúng, anh em mới nhận ra rằng anh em không thể diễn tả cho trọn vẹn những gì anh em được nếm hưởng. Nếu anh em nhận thấy rằng anh em không biết làm sao để diễn đạt những gì anh em nếm hưởng thì phải chăng vì thế anh em câm lặng không chúc tụng nữa?... Chắc chắn là không. Anh em không thể nào lại vô ơn bội nghĩa đến như vậy. Đối với Đấng phải được tôn vinh, kính trọng và hết lòng ca ngợi... Anh em hãy lắng nghe bài Thánh Vịnh: ‘Toàn thể trái đất hãy hoan hỉ kêu lên Chúa’. Nếu anh em biết hỉ hoan trước nhan Chúa thì bấy giờ anh em mới hiểu được niềm vui của toàn thể trái đất” (Trích từ the Exposition on the Psalms, Italian version, Esposizioni sui Salmi III/1, Rome 1993, p. 459).
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 14/11/2001)