Bài 21 (Thứ Tư 14/11/2001)
CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA VỀ TẶNG ÂN LỀ LUẬT
(Thánh Vịnh 118 [119], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Bảy, Tuần Thứ Nhất)
1. Những gì phụng vụ Kinh Ban Mai của Ngày Thứ Bảy thuộc tuần thứ nhất đã hiến cho chúng ta đó là một đoạn cung điệu của Thánh Vịnh 118 (119), (các câu 145-152), một giòng cung điệu trong lời nguyện cầu dài với 22 đoạn cung điệu, hay 22 cung điệu, con số tương đương với những chữ thuộc mẫu tự Do Thái. Mỗi một đoạn cung điệu bắt đầu bằng một chữ khác nhau trong mẫu tự Do Thái và thứ tự của các đoạn cung điệu căn cứ vào các chữ của mẫu tự. Bài Thánh Vịnh chúng ta vừa công bố là đoạn cung điệu thứ 19 (các câu 145-152) tương đương với chữ qoph.
Việc giới thiệu mở màn này sẽ giúp rất nhiều vào việc giúp cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của bài thánh thi tôn kính lề luật thần linh đây. Nó giống như nhạc Đông phương là loại nhạc có những sóng điệu không ngớt vang động dâng lên tận trời cứ âm vọng trong tâm trí và cảm quan, tinh thần và thể xác của con người cầu nguyện.
2. Theo một nhịïp điệu từ “aleph đến tav”, từ chữ đầu tiên cho đến chữ cuối cùng của mẫu tự Do Thái, chúng ta có thể nói từ A đến Z trong mẫu tự của chúng ta, con người cầu nguyện nói lên lời tạ ơn đối với Lề Luật Chúa, một lề luật được họ coi như là một ngọn đèn soi cho bước chân của họ trên nẻo đường đời đầy những tối tăm.
Người ta nói rằng đại triết gia kiêm khoa học gia Blaise Pascal đã đọc bài thánh vịnh ý nghĩa nhất trong các thánh vịnh này mỗi ngày, cũng như nhà thần học Dietrich Bonhoeffer, người bị Nazis thảm sát năm 1945, đã dùng bài thánh vịnh này làm lời nguyện cầu sống trong mọi lúc khi ông viết rằng: “Không thể phủ nhận được tính cách trầm trầm là bài Thánh Vịnh 118 (119) vì nó dài dòng và đơn điệu, thế nhưng chúng ta cần phải chậm rãi và nhẫn nại đọc từng lời, từng câu một. Bấy giờ chúng ta mới khám phá ra rằng những lần lập đi lập lại bề ngoài ấy thực sự là những khía cạnh mới của cùng một thực tại, đó là lòng yêu mến Lời Chúa. Vì tình yêu này không cùng, nên những lời tuyên xưng tình yêu ấy cũng thế. Những lời ấy có thể đồng hành với chúng ta suốt cả cuộc đời, và với tính cách đơn sơ giản dị của chúng, những lời ấy trở thành lời nguyện cầu của giới trẻ, của người trưởng thành cũng như của thành phần đứng tuổi khả kính” (Pray the Psalms with Christ, English translation of the Italian title, Pregare i Salmi con Cristo, Brescia, 1978, 3a edizione, p. 48).
3. Sự kiện lập đi lập lại này, không kể nó giúp cho chúng ta dễ nhớ trong việc hát ca đoàn, nó còn là một cách tốt đẹp trong việc nuôi dưỡng tâm tình gắn bó với Thiên Chúa và tin tưởng phó mình vào tay Ngài là Đấng chúng ta kêu cầu và yêu mến. Nơi việc cứ lập đi lập lại của Thánh Vịnh 118 (119) này, Tôi muốn nêu lên một chi tiết quan trọng. Mỗi một câu trong 176 câu, con số câu làm nên bài ca tụng Sách Torah, Lề Luật và Lời thần linh này, đều có ít nhất là một trong tám chữ sau đây được dùng để trực tiếp nói đến Sách Torah, đó là lề luật, lời lẽ, chứng từ, phán quyết, chỉ dạy, sắc chỉ, huấn thị và mệnh lệnh.
Như thế, Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau trong một cuộc trao đổi bằng lời bảo và việc làm, bằng dạy dỗ và lắng nghe, bằng chân lý và đời sống.
4. Giờ đây chúng ta tiến đến đoạn cung điệu (các câu 145-152) của chúng ta hôm nay, một đoạn cung điệu rất hợp với tinh thần của buổi nguyện Kinh Ban Mai. Thật vậy, cảnh trí chính của bộ tám câu thánh vịnh này là cảnh về đêm, thế nhưng lại là cảnh hướng về một ngày mới. Sau một đêm dài canh thức đợi trông và nguyện cầu trong Đền Thờ, vào lúc hừng đông xuất hiện nơi chân trời cũng là lúc bắt đầu giờ phụng vụ, người tín hữu tin rằng Chúa sẽ nhận lời kẻ đã thâu đêm nguyện cầu, bằng việc họ tin tưởng và suy niệm Lời thần linh. Ý thức vững mạnh như vậy và nhìn thấy một ngày mở ra trước mắt, họ sẽ không còn hãi sợ hiểm nguy nữa. Họ biết rằng, được Thiên Chúa ở với, họ sẽ không còn bị khống chế bởi những kẻ bách hại họ, thành phần công hãm họ bằng lọc lừa đảo điên (x câu 150).
5. Đoạn cung điệu này nói lên cho thấy một lời nguyện cầu thiết tha: “Lạy Chúa, con kêu lên với tất cả tâm hồn... Con chỗi dậy trước khi hừng đông lên để kêu cầu Chúa cứu giúp con; con tin tưởng vào lời của Chúa...” (các câu 145, 147). Trong Sách Ai Ca, chúng ta cũng đọc thấy lời mời gọi này: “Nào hãy chỗi dậy đi, hãy kêu lên trong đêm tối vào lúc bắt đầu thức canh; hãy để nỗi lòng của mình tràn ra như nước chảy trước nhan Chúa! Hãy giơ tay lên hướng về Ngài” (2:19). Thánh Ambrose đã lập lại như thế này: “Ôi con người, ngươi không biết hay sao mỗi ngày ngươi phải dâng lên Thiên Chúa hoa trái đầu mùa của con tim và tiếng nói ngươi hay sao? Khi hừng đông lên, ngươi hãy mau mắn mang tới Giáo Hội những hoa trái đầu mùa của lòng ngươi sùng kính” (Exp. Inps. CXVIII; PL 15, 1476 A).
Đoạn cung điệu của chúng ta hôm nay đây còn là việc làm thăng hóa niềm tin tưởng, niềm tin là chúng ta không bị lẻ loi, vì Thiên Chúa là Đấng lắng nghe chúng ta và ra tay can thiệp cho chúng ta. Người cầu nguyện là kẻ thân thưa rằng: “Lạy Chúa, Chúa ở gần con” (câu 151). Những bài thánh vịnh khác cũng cho thấy điều này: “Vì thù địch của con, xin Chúa hãy xích lại gần con, hãy cứu lấy con, hãy giải thoát con!” (Ps 68:19); “Chúa gần gũi những tấm lòng tan nát và cứu vớt những kẻ dập nát tâm can” (Ps 33:19).
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 21/11/2001)