Bài 22 (Thứ Tư 21/11/2001)
HÃY HÁT MỪNG CHÚA VÌ NGÀI VINH THẮNG
(Ca Vịnh Xuất Hành, Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Bảy, Tuần Thứ Nhất)
1. Bài thánh ca chiến thắng này (xem Ex 15:1-18), bài thánh ca cho buổi nguyện Kinh Ban Mai ngày Thứ Bảy trong tuần thứ nhất đây, đưa chúng ta về lại với giây phút quan trọng của lịch sử cứu độ, đó là biến cố Xuất Ai Cập, thời điểm Thiên Chúa giải cứu dân Yến Duyên khỏi tình trạng tuyệt vọng về phương diện loài người. Sự thật hết sức hiển nhiên là, sau một thời gian dài làm tôi bên nước Ai Cập, bấy giờ những người Do Thái đang trên đường tiến về đất hứa, thì đạo quân của vua Pharaon đuổi kịp họ, để rồi, nếu Chúa không vung tay uy quyền của Ngài ra can thiệp vào thì không gì có thể cứu nổi họ cả. Bài thánh ca vui mừng diễn tả cho thấy cái ngạo mạn nơi những ý đồ của một đạo quân sát khí: “Ta sẽ rượt theo, sẽ chộp bắt, sẽ chia chiến lợi phẩm” (Ex 15:9).
Một đạo binh hùng mạnh nhất làm sao có thể chống lại được quyền toàn năng thần linh cơ chứ? Thiên Chúa đã khiến biển khơi trở thành lối thoát cho đám dân bị tấn công rồi lại trở thành lấp lối cho những kẻ hung hãn: “Khi gió của Ngài thổi tới, biển khơi liền phủ chụp lên chúng, làm chúng bị chìm ngập dưới những giòng nước mãnh liệt” (Ex 15:10). Những hình ảnh ghê gớm này là những gì nói lên cho thấy sự cao cả của Thiên Chúa, đồng thời cũng cho thấy cả việc dân chúng tỏ ra lạ lùng bỡ ngỡ đối với con mắt khó có thể tin được của họ, để rồi họ đã đồng thanh bộc lên tiếng hát chúc tụng qua bài thánh ca vinh thắng: “Chúa là sức mạnh và là hoan ca của tôi, Ngài đã trở nên cho tôi phần rỗi. Ngài là Thiên Chúa của tôi, tôi sẽ chúc tụng Ngài, Thiên Chúa của cha ông tôi, và tôi sẽ tôn vinh Ngài” (Ex 15:2).
2. Bài Ca Vịnh không phải chỉ ca lên mừng cuộc giải thoát đã được thực hiện; nó còn cho thấy cả một mục tiêu tích cực nữa, đó chính là việc họ tiến vào nơi cư ngụ của Thiên Chúa để sống hiệp thông với Ngài: “Bằng tình yêu trung kiên của mình, Chúa đã dìu dắt đám dân mà Chúa cứu chuộc, đã dùng sức mạnh để hướng dẫn họ đến nơi thánh cư của Ngài” (Ex 15:13). Hiểu như thế, biến cố này không phải chỉ là nền tảng của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài, mà còn trở thành một “biểu hiệu” cho toàn thể lịch sử cứu độ nữa. Vào nhiều trường hợp khác nữa, dân Yến Duyên cũng sẽ sống còn ở những hoàn cảnh tương tư, và biến cố Xuất Ai Cập lại được thường xuyên tái diễn. Biến cố này đã đặc biệt ám chỉ về công cuộc cứu chuộc cao cả do Chúa Kitô thực hiện bằng cái chết và phục sinh của Người.
Vì lý do này, bài ca vịnh của chúng ta ở đây đã được phụng vụ Vọng Phục Sinh đặc biệt lập lại để nói lên cho thấy, bằng một hình ảnh mãnh liệt, những gì đã xẩy ra nơi Chúa Kitô. Nơi Chúa Kitô, chúng ta chẳng những đã được cứu khỏi tên bạo tàn trần gian, mà còn thoát khỏi cả tình trạng làm tôi cho Satan và tội lỗi nữa, một tình trạng đè nén định mệnh con người ngay từ ban đầu. Nhờ Chúa Kitô, con người đã quay trở lại đường lối dẫn đưa chúng ta về nhà Cha.
3. Cuộc giải phóng này, một cuộc giải phóng đã chiếm được một cách mầu nhiệm nơi Phép Rửa như một mầm mống của sự sống để vươn lên, sẽ đạt tới tầm mức trọn vẹn của nó vào lúc tận cùng thời gian, khi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang để “trao Vương Quốc lại cho Thiên Chúa Cha” (1Cor 15:24). Chính chân trời cùng tận, chân trời cánh chung này mà Phụng Vụ Giờ Kinh hẳn đã mời gọi chúng ta tìm kiếm, khi đưa vào bài ca vịnh của chúng ta đây một câu trích từ Sách Khải Huyền: “Họ đã chiến thắng con mãnh thú... (Họ) đang hát bài ca vịnh Moisen, người tôi tớ của Thiên Chúa” (15:2-3).
Những gì biến cố Xuất Ai Cập ám chỉ và những gì biến cố Phục Sinh đã đạt thành bằng một đường lối dứt khoát, một đường lối vẫn hướng về tương lai, sẽ là những gì được hoàn toàn hiện thực nơi tất cả những ai được cứu độ vào lúc tận cùng thời gian. Thật vậy, việc cứu độ của chúng ta là một việc cứu độ có thực và trọn vẹn, thế nhưng việc cứu độ này lại ở giữa cái “đã” và cái “chưa” nơi thân phận trần gian của chúng ta, như Thánh Tông Đồ Phaolô nhắc nhở: “Chúng ta được cứu độ là ở niềm hy vọng” (Rm 8:24).
4. “Tôi sẽ hát mừng Chúa vì Ngài vinh thắng” (Ex 15:1). Lập lại trên môi miệng chúng ta những lời của bài thánh ca xa xưa, phụng vụ giờ kinh ban mai muốn mời gọi chúng ta hãy nhìn ngày sống của mình ở một chân trời quang sáng của lịch sử cứu độ. Đó là cách Kitô hữu nhận định về giòng thời gian. Nơi cuộc chồng chất tháng ngày, không có chuyện bất hạnh sẽ làm cho chúng ta bị vùi dập, mà là một dự án cứ tuần tự tỏ hiện và là dự án chúng ta phải biết khôn ngoan đọc được nơi những biến cố của thời đại chúng ta.
Các vị Giáo Phụ của Hội Thánh rất thích hợp với quan điểm này. Thật vậy, các ngài thích đọc những sự kiện Cựu Ước nổi bật bắt nguồn lịch sử cứu độ – từ hồng thủy đời Noe đến khi Abraham được kêu gọi, từ cuộc giải phóng ở biến cố Xuất Ai Cập đến việc hồi hương của dân Do Thái sau cuộc lưu đầy ở Babylon – những sự kiện các ngài cho như là “những tiền thân” của các biến cố mai hậu, khi các ngài gán cho những sự kiện này một giá trị “mẫu thức”, ở chỗ, chúng cho thấy trước những đặc tính chính yếu của chúng được lập lại một cách nào đó trong suốt giòng lịch sử nhân loại.
5. Đối với các tiên tri, các vị đã đọc lại những biến cố lịch sử cứu độ, khi các vị chứng tỏ cho thấy những biến cố đó có ảnh hưởng đến thực tại bấy giờ ra sao và cũng chỉ cho thấy những gì sẽ hoàn toàn xẩy ra trong tương lai. Bởi thế, khi suy niệm về mầu nhiệm giao ước Thiên Chúa thiết lập với dân Yến Duyên, các vị đã bắt đầu nói về một thứ “giao ước mới” (Jer 31:31; x Ez 36:26-27), một thứ tân ước mà lề luật của Thiên Chúa sẽ được viết nơi tâm can của con người. Chúng ta rất dễ thấy được nơi lời tiên tri một thứ giáo ước mới được niêm ấn bằng máu Chúa Kitô và được hiện thực nhờ tặng ân Thần Linh. Giờ đây, qua việc đọc lại ca vịnh chiến thắng về Cuộc Xuất Ai Cập xa xưa này, theo ý nghĩa trọn vẹn nơi cuộc xuất hành của biến cố Phục Sinh, người tín hữu có thể hân hoan vui sống như là một Giáo Hội lữ hành đang tiến bước qua giòng thời gian để tiến về Giêrusalem thiên đình.
6. Chúng ta có thể càng lạ lùng khi chiêm ngắm những gì Thiên Chúa thực hiện cho dân Ngài, ở chỗ: “Chúa đã mang họ tới và trồng họ trên núi của Chúa, nơi mà, Ôi Chúa, nơi mà Chúa đã thiết dựng” (Ex 15:17). Bài thánh ca chiến thắng này hát mừng cuộc chiến thắng của Thiên Chúa chứ không phải cuộc chiến thắng của loài người. Nó là một bài ca vịnh của yêu thương chứ không phải một bài ca vịnh của chiến tranh. Khi để cho ngày sống của mình được tràn đầy bởi những rung động của lời dân Do Thái chúc tụng xưa ấy, chúng ta sẽ bước đi trên những nẻo đường thế gian, những nẻo đường đầy rùng rợn, hiểm nguy và đau khổ, song với một niềm tin tưởng rằng mình luôn được ánh mắt xót thương của Thiên Chúa theo dõi. Không gì có thể chống cự lại được quyền lực của tình Ngài yêu thương.
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 28/11/2001)