Bài 23 (Thứ Tư 28/11/2001) 

TẤT CẢ MỌI DÂN NƯỚC CHÚC TỤNG TÌNH YÊU THỦY CHUNG CỦA THIÊN CHÚA

(Thánh Vịnh 116 [117], Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Bảy, Tuần Thứ Nhất)

 

1.         Đây là một trong những bài thánh vịnh ngắn nhất. Trong tiếng Do Thái, bài thánh vịnh này chỉ có 17 chữ, trong đó có 9 chữ quan trọng. Bài thánh vịnh này là một tụng khúc ngắn, tức là một bài thánh thi chúc tụng thiết yếu đóng vai trò lý tưởng trong việc kết thúc các bài thánh vịnh dài. Điều này đôi khi cũng được thấy nơi phụng vụ, như hiện nay với tụng khúc Sáng danh Đức Chúa Cha, một tụng khúc chúng ta dùng để kết thúc khi đọc đến cuối hết mỗi bài thánh vịnh.

 

Thật vậy, số chữ ít ỏi trong lời cầu nguyện này có một ý nghĩa sâu xa trong việc tung hô giao ước Chúa đã thiết lập với dân của Ngài theo quan điểm phổ quát. Bởi thế, Thánh Tông Đồ Phaolô đã dùng câu đầu tiên trong bài thánh vịnh này để mời gọi các dân nước trên thế giới hãy tôn vinh Thiên Chúa. Đúng thế, ngài đã viết cho Kitô hữu giáo đoàn Rôma là Các Dân Ngoại có thể thực hiện tôn vinh Thiên Chúa vì tình thương của Ngài như lời đã viết: “Hỡi tất cả mọi quốc gia, hãy chúc tụng Chúa; hỡi tất cả mọi dân tộc anh em, hãy tôn vinh Ngài” (15:9,11).

 

2.         Như vẫn thường xẩy ra cho loại bài thánh vịnh này, một bài thánh vịnh ngắn ngủi chúng ta đang suy niệm đây, bài thánh vịnh vang lên lời mời gọi chúc tụng không phải chỉ nhắm đến dân Yến Duyên thôi, mà còn đến tất cả mọi dân nước trên trái đất này nữa. Tụng khúc Alleluia phải được bộc lên từ cõi lòng của tất cả những kẻ lành thành tâm tìm kiếm và kính mến Thiên Chúa. Sách Thánh Vịnh, một lần nữa, lại phản ảnh cho thấy một viễn ảnh rất bao quát, một viễn ảnh được nuôi dưỡng từ kinh nghiệm của dân Yến Duyên trong cuộc lưu đầy ở Babylon vào thế kỷ thứ sáu trước Chúa Kitô giáng sinh. Vào thời dân Do Thái giao chạm với các dân nước và văn hóa khác và cảm thấy nhu cầu cần loan báo niềm tin của mình cho những ai sống quanh mình. Sách Thánh Vịnh phác tả một quan niệm cho thấy sự thiện được nẩy nở ở nhiều nơi chốn và nó có thể qui hướng về một Vị Chúa và là Tạo Hóa duy nhất.

Như thế, chúng ta có thể nói đến một lời cầu nguyện “đại kết” mà giờ đây ôm ấp các dân nước khác nhau về nguồn gốc, lịch sử và văn hóa. Chúng ta có cùng một “viễn ảnh” lớn lao như tiên tri Isaia, vị cho thấy rằng “vào ngày cùng tháng tận”, tất cả mọi dân nước sẽ kéo nhau tiến về “ngọn núi của nhà Chúa”. Bấy giờ họ sẽ buông gươm giáo xuống; họ sẽ biến gươm kiếm thành lưỡi cầy, biến thương đao thành liềm hái, nhờ đó nhân loại có thể sống trong an vui thái hòa, hát lên bài ca chúc tụng Vị Chúa duy nhất của tất cả mọi người, lắng nghe lời Ngài và tuân giữ lề luật của Ngài (x Is 2:1,5).

3.         Yến Duyên, thành phần Dân Được Tuyển Chọn, đã mang một sứ mệnh truyền giáo cần phải hoàn thành ở chân trời đại đồng này. Họ phải loan báo hai phẩm tính thần linh cao cả họ đã cảm nghiệm thấy khi sống giao ước với Chúa (x câu 2). Hai phẩm tính thần linh này, hai phẩm tính làm nên những nét chính yếu nơi dung nhan Thiên Chúa, nét “nhị thức thiện hảo” của Thiên Chúa, như Thánh Gregory Nyssa đề cập đến (x On the Titles of the Psalms, nguyên bản tiếng Ý là Sui titoli dei Salmi, Rome, 1994, p. 183), được diễn đạt bằng những từ ngữ Do Thái, những từ ngữ khi chuyển dịch không chuyển chở trọn vẹn ý nghĩa sâu xa của chúng.

Chữ thứ nhất là hésed, một từ ngữ được Sách Thánh Vịnh lập đi lập lại, một từ ngữ Tôi cũng đã giải thích trước đây. Nó cho thấy sự phong phú nơi cảm tình sâu xa diễn tiến giữa hai ngôi vị, được gắn bó với nhau  bằng một liên kết đích thực và vững chắc. Nó chất chứa những giá trị như yêu thương, thủy chung, thương cảm, lành thánh và dịu dàng. Giữa Thiên Chúa và chúng ta cũng có một mối liên hệ, không lạnh lùng như trường hợp giữa một vị hoàng đế và hạ thần của ông, mà là sinh động như giữa hai người bạn, giữa hai vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái.

 

4.         Chữ thứ hai là eméth cũng là chữ đồng nghĩa với từ ngữ thứ nhất. Nó là chữ được ưa chuộng nơi Sách Thánh Vịnh, một cuốn sách dùng chữ này hơn nửa số lần trong cả Cựu Ước.

 

Chính chữ này nói lên cho thấy một “sự thật”, tức là nói lên cho thấy cái đích thực của một mối liên hệ, cái chuyên chính và thành tín của nó, bất chấp những trở ngại và thử thách; nó là sự thủy chung tinh tuyền hoan lạc không hề biết đến bội vong. Không phải là ngẫu nhiên vị tác giả Thánh Vịnh đã tuyên bố rằng nó “muốn đời trung tín” (câu 2). Tình yêu thủy chung của Thiên Chúa không bao giờ ngừng và sẽ không bỏ  mặc chúng ta cho lẻ loi cô độc, cho tăm tối mung lung, cho một số mệnh mù quáng, cho không không hay cho tử thần.

 

Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu nhưng không, liên lỉ và bất tận. Đó là sứ điệp của bài Thánh Vịnh của chúng ta hôm nay đây, một bài thánh vịnh ngắn ngủi như hơi thở nguyện cầu bộc phát từ tâm can song lại vang vọng như cả một bài ca vĩ đại.


5.            Những lời lẽ bài thánh vịnh này bộc phát như âm dội của bài ca vang lên trên Giêrusalem thiên đình, nơi mà cả một đoàn lũ đông đảo mọi ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia chúc tụng vinh hiển thần linh trước ngai tòa của Thiên Chúa và của Con Chiên (x Apoc 7:9). Giáo Hội lữ hành hòa điệu với bài ca diễn tả khôn cùng lời chúc tụng này, những diễn tả thường được kèm theo bằng tài nghệ thi phú và nghệ thuật âm nhạc. Chúng ta có thể kể đến chẳng hạn như kinh Te Deum, một kinh được các thế hệ Kitô hữu sử dụng qua các thế kỷ để chúc tụng và tạ ơn. “Chúng tôi chúc tụng Ngài, Ôi Thiên Chúa, chúng tôi tuyên xưng Ngài, Ôi Thiên Chúa, toàn thể trái đất kính tôn Ngài là Cha hằng hữu”. Về phần mình, bài thánh vịnh chúng ta đang suy niệm hôm nay đây là một tổng hợp của một phụng vụ chúc tụng kéo dài Giáo Hội dâng lên trên trần thế, khi liên kết mình với lời chúc tụng tuyệt hảo của chính Chúa Kitô đã ngỏ cùng Cha của Người.

 

Chúng ta hãy chúc tụng Chúa! Chúng ta hãy không ngừng chúc tụng Ngài. Thế nhưng chúng ta phải diễn tả lời chúc tụng của mình bằng đời sống hơn là bằng ngôn từ. Như tất cả mọi bài thánh vịnh chúc tụng Chúa, Giáo Hội, thành phần Dân của Thiên Chúa, nổ lực muốn mình trở nên một bài thánh thi chúc tụng, song chúng ta sẽ khó đạt thành, nếu chúng ta kêu gọi các dân nước dùng bài thánh vịnh của chúng ta đây để tôn vinh Chúa mà chúng ta lại không coi trọng lời Chúa cảnh giác: “Vậy ánh sáng của các con phải chiếu tỏa trước người ta để họ thấy được các việc lành các con làm mà tôn vinh Cha các con ở trên trời” (Mt 5:16).


(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 5/12/2001)


(Có thể xem lại các bài Giáo Lý Hằng Tuần trước đây trong Phần Giáo Hội, mục Chìa Khóa Nước Trời, dưới nhan đề Giáo Lý Thánh Vịnh)