Bài 24 (Thứ Tư 5/12/2001)

 

“TẢNG ĐÁ BỊ LOẠI… ĐÃ TRỞ NÊN TẢNG ĐÁ NỀN”

 

(Thánh Vịnh 117 [118], Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Hai)

 

1.         Khi người Kitô hữu, hợp tiếng nguyện cầu với dân Yến Duyên hát bài Thánh Vịnh 117 (118) chúng ta vừa nghe, họ cảm thấy nơi mình một cái gì đó lâng lâng. Thật vậy, họ thấy nơi bài thánh thi phụng vụ này hai câu như vang âm cái ý nghĩa mới nơi Tân Ước. Thứ nhất là câu 22: “Tảng đá bị những tay thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá nền”. Câu này được Chúa Giêsu trích lại để ám chỉ về công cuộc tử nạn và phục sinh của Người, sau khi nói về dụ ngôn những viên thợ làm vườn nho sát nhân (x Mt 21:42). Câu này cũng được Thánh Phêrô nhắc lại ở Sách Tông Vụ: “Đức Giêsu này là tảng đá, một tảng đá bị những tay thợ xây loại bỏ, đã trở nên tảng đá nền. Ơn cứu độ không ở trong tay ai khác, và không có một tên tuổi nào ở dưới bầu trời này khiến chúng ta được ơn cứu độ” (Acts 4:11-12) Thánh Cyrilô Giêrusalem nhận định: “Chúng ta cho rằng chỉ có một Chúa Giêsu Kitô vì chỉ có một thân phận làm con; chúng tôi nói là chỉ có một để anh em đừng nghĩ rằng còn có một vị khác… Thật vậy, Người đã được gọi là tảng đá, không phải là một tảng đá vô hồn, cũng không phải là tảng đá do bàn tay loài người đục khoét mà có, song là một tảng đá nền, vì ai tin vào Người sẽ không bị lỡ làng” (Giáo Lý, nhan đề Anh ngữ của bản tiếng Ý về những bài giáo lý của Thánh Cyrilô, Le Catechesi, Rôma, 1993, tr. 312-313).

 

Câu thứ hai được Tân Ước trích dẫn từ bài Thánh Vịnh 117 (118) này là câu đám đông dân chúng hô lên trước việc Chúa Kitô long trọng tiến vào thành Giêrusalem như một Đấng Thiên Sai: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!” (Mt 21:9; Ps 117:26). Lời hoan hô này được gói ghém ở chữ Hosanna, một chữ được phát xuất từ lời kêu cầu hoshiac na' “xin cứu độ chúng tôi!” của người Do Thái. 

 

2.         Bài thánh thi Thánh Kinh sáng ngời này được đặt ở ngay tâm điểm của một tổng hợp của một ít bài thánh vịnh, từ thánh vịnh 112 (113) đến 117 (118), những bài thánh vịnh mang tên là Hallel Vượt Qua, tức là những bài thánh vịnh chúc tụng được dùng cho việc tôn thờ của người Do Thái đối với Lễ Vượt Qua cũng như đối với những lễ trọng chính trong năm phụng vụ. Lễ nghi của đoàn rước có thể lấy bài Thánh Vịnh 117 (118) này làm chủ đề, bài thánh vịnh được đơn ca viên hay ca đoàn hát lập đi lập lại, với Thành Thánh và Đền Thờ như bối cảnh của nó. Lời mở đầu và kết thúc bài thánh vịnh: “Hãy chúc tụng Chúa vì Ngài thiện hảo, vì lòng Ngài xót thương đến muôn đời” thật là tuyệt vời.

Chữ “xót thương” được chuyển dịch từ chữ hesed của tiếng Do Thái, một chữ nói đến lòng thủy chung hải hà của Thiên Chúa tỏ ra đối với đám dân được Ngài thiết lập giao ước và là đám dân thân tình với Ngài. Có ba hạng người cần phải chúc tụng tấm lòng thủy chung này, đó là tất cả dân Yến Duyên, là “nhà Aaron” hay hàng tư tế, và là “những ai kính sợ Chúa”, một cách nói bao gồm thành phần tín hữu cũng như thành phần trở lại, tức là phần tử của các dân nước khác muốn tuân giữ lề luật của Chúa (x các câu 2-4).

 

3.         Đoàn rước đi qua những đường phố Giêrusalem, vì bài thánh vịnh nói về “những túp lều của kẻ công chính” (xem câu 15). Ngoài ra, bài thánh thi cũng có cả lời tri ân cảm tạ nữa (xem các câu 5-18), với ý nghĩa là: dù có bị sầu thương, chúng ta cũng phải giơ cao ngọn đuốc tin tưởng cậy trông lên, vì bàn tay uy quyền của Chúa dẫn dắt đám dân trung thành của Ngài đến chỗ chiến thắng sự dữ và đến với ơn cứu độ.

 

Nhà thơ sách thánh này đã sử dụng những hình ảnh sắc nét và sống động; vị tác giả này đã so sánh những kẻ đối thù dã tâm với đàn ong hay với một cột lửa sẽ tiến đến chỗ tất cả mọi sự rồi biến thành đống tro tàn (xem câu 12). Được Chúa đỡ nâng, người công chính đã tỏ ra những phản ứng cứng rắn. Họ lập lại ba lần rằng “vì danh Chúa tôi trừ diệt chúng”, câu nói chất chứa một động từ của tiếng Do Thái ám chỉ đến việc nhúng tay vào hủy diệt sự dữ (xem các câu 10, 11, 12). Thật vậy, ở đằng sau tất cả những sự này phải có bàn tay quyền uy của Thiên Chúa, tức là có sự can thiệp hiệu nghiệm của Ngài, chứ hoàn toàn không phải là có bàn tay yếu đuối và vụng về của con người ta nhúng vào. Vì lý do này, niềm vui chiến thắng sự dữ mới đưa tới việc tuyên xưng đức tin một cách sống động như thế này: “Chúa là sức mạnh của tôi và là hoan ca của tôi, Ngài đã trở nên cho tôi phần rỗi” (câu 14).

 

4.         Thế rồi đoàn rước về tới đền thờ, ở tại “cửa công chính” (câu 19), tại ngưỡng Cửa Thánh của Sion. Đến đây bài ca tri ân cảm tạ thứ hai vang lên, một bài ca bắt đầu bằng cuộc trao đổi giữa cộng đoàn và các vị tư tế tham dự việc tôn thờ. Đơn ca viên xướng thay cho đoàn rước là: “Hãy mở cho tôi các cửa công chính: Tôi sẽ tiến vào để tạ ơn Chúa. Đây là cửa của Chúa, người chính trực sẽ qua đó tiến vào” (câu 20), rồi những người khác, có thể là các vị tư tế, nghe thế đáp lại. Khi tiến vào rồi, họ bắt đầu hát bài thánh thi tạ ơn Chúa, Đấng đích thân ở trong Đền Thờ như là một “tảng đá nền” an toàn vững chắc để xây lên ngôi nhà sự sống (x Mt. 7:24-25). Tín hữu đến đền thờ để bày tỏ đức tin của mình, dâng lời nguyện cầu và cử hành phụng vụ đều được lãnh nhận phép lành của vị tư tế ban cho.

 

5.         Cảnh trí cuối cùng mở ra trước mắt chúng ta là một lễ nghi hân hoan với những vũ điệu thánh hảo, những vũ điệu được kèm theo bằng việc hớn hở vẫy vẫy những cành lá: “Đoàn rước mừng lễ hãy cầm cành lá tiến lên cho đến các góc cạnh bàn thờ” (câu 27). Cuộc cử hành phụng vụ này là một cử hành hân hoan, mừng rỡ, là một diễn đạt của đời sống chúc tụng Chúa. Lễ nghi của các cành là lễ nghi nhắc lại Lễ Lều Tạm của dân Do Thái, một lễ được cử hành để tưởng nhớ cuộc hành trình của dân Yến Duyên đi qua sa mạc, một cử hành trọng thể với cuộc rước cầm những cành lá cây dừa, lá cây sim và lá cây dương liễu.

 

Kitô hữu đã lấy lễ nghi được bài Thánh Vịnh gợi lên này cho việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem, một biến cố được cử hành trong phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá. Chúa Kitô được đám đông dân chúng xưng tụng là “Con Vua Đavít” (x Mt 21:9), đám dân chúng “khi đến mừng lễ... cầm những cành lá dừa và đi nghênh đón Ngài mà hô lên: Hoan hô! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, vua dân Yến Duyên” (Jn 12:12-13). Tuy nhiên, trong việc cử hành mừng lễ này đã trổi lên một dạo khúc mở đầu cho giờ khắc Thương Khó và Tử Nạn của Chúa Giêsu, vị tiêu biểu cho tảng đá nền, một dạo khúc mang đầy những ý nghĩa, một ý nghĩa Phục Sinh vinh hiển.

 

Bài Thánh Vịnh 117 (118) phấn khích Kitô hữu nhận thức thấy “ngày Chúa đã lập nên” nơi biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu, một ngày mà “tảng đá bị những tay thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá nền”. Họ có thể dùng bài thánh vịnh này để hát lên lòng tri ân cảm tạ sâu xa của mình: “Chúa là sức mạnh của tôi và là hoan ca của tôi, Ngài đã trở nên cho tôi phần rỗi” (câu 14); “Đây là ngày Chúa đã lập nên, chúng ta hãy hân hoan mừng rỡ trong ngày đó” (câu 24).

 
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 12/12/2001)

 

 

(Có thể xem lại các bài Giáo Lý Hằng Tuần trước đây trong Phần Giáo Hội, mục Chìa Khóa Nước Trời, dưới nhan đề Giáo Lý Thánh Vịnh)