Bài 25 (Thứ Tư 12/12/2001) 

BÀI CA VỊNH SỬ DỤNG NGÔN TỪ YÊU THƯƠNG

(Ca Vịnh Đaniên về Ba Người Trẻ, Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Hai)

 

1.         Bài ca vịnh chúng ta vừa nghe là phần đầu của một khúc thánh thi dài mà hay, một khúc thánh thi được thấy trong Sách Đaniên bản Hy Lạp. Bài ca vịnh này được hát lên bởi ba người nam Do Thái trẻ, những người bị quẳng vào vạc lửa vì đã không chịu tôn thờ bức tượng Vua Babylon Nabuchodonosor. Phần khác của cùng bài thánh thi này được thấy trong Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai Chúa Nhật thứ nhất và thứ ba theo sách thánh vịnh phụng vụ. Như chúng ta đã biết, Sách Đaniên là văn kiện cho thấy những mầm mống, những niềm hy vọng và những trông ngóng hứa hẹn của Dân Tuyển Chọn, thành phần vào thời đoạn Maccabê (thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên) đang phải chống chọi để có thể sống theo Lề Luật Chúa dạy.

 

Ba người trẻ được gìn giữ khỏi bị thiêu cháy một cách kỳ diệu trong vạc lửa đã hát lên một bài thánh thi chúc tụng dâng lên Thiên Chúa. Bài thánh thi giống như là một thứ kinh cầu, vừa theo kiểu tái tấu những câu cú lại vừa mới mẻ nơi mỗi câu, ở chỗ, những lời kêu cầu dâng lên Thiên Chúa này như hương trầm tỏa lan trong không khí giống như những đám mây nhưng là những đám mây đặc biệt. Lời cầu nguyện không muốn tránh né việc lập đi lập lại, như trường hợp người yêu muốn diễn tả tình yêu của mình cứ lập đi lập lại tình yêu của mình vậy. Việc nhấn mạnh cùng một điều giống nhau là để nói lên cho thấy tính cách dạt dào đầy rung động nơi cảm tình nội tâm cũng như nơi cảm thức của con người.

 

2.         Chúng ta đã nghe đoạn đầu của bài thánh thi vũ trụ nơi chương thứ ba của Sách Đaniên, từ câu 52 đến 57. Đó là đoạn dẫn nhập mở đường cho đoàn diễn hành vĩ đại của các tạo vật trong việc chúng tham gia vào việc chúc tụng Thiên Chúa. Nếu nhìn tổng quan về toàn bài ca vịnh này, một bài ca vịnh giống như một kinh cầu kéo dài, chúng ta khám phá ra một loạt liên tục những yếu tố tạo nên đề tài của bài thánh thi. Nó được bắt đầu với sáu lời kêu cầu trực tiếp dâng lên Thiên Chúa; sáu lời kêu cầu này chứa đựng lời kêu gọi chung “tất cả những công trình của Chúa” hãy mở miệng lưỡi mình ra hết lời chúc tụng Thiên Chúa (xem câu 57). Đây là phần chúng ta xét đến hôm nay và là phần Phụng Vụ cho Giờ Kinh Ban Mai của Chúa Nhật tuần thứ hai. Sau phần này, bài ca vịnh còn được kéo dài ở chỗ hiệu triệu tất cả mọi tạo vật trên trời dưới đất chúc tụng và ngợi khen Chúa của chúng.

 

3.         Đoạn đầu tiên của chúng ta hôm nay đây sẽ lại được lập lại một lần nữa ở Giờ Kinh Ban Mai Chúa Nhật tuần thứ tư. Giờ đây chúng ta sẽ lấy ra một ít yếu tố để suy niệm thôi. Yếu tố đầu tiên là lời mời gọi chúc tụng: “Chúc tụng Ngài... “, câu chúc tụng cuối cùng trở thành “Chúc tụng Chúa...!”

 

Trong Thánh Kinh có hai hình thức chúc phúc đan kết nhau. Trước hết là việc chúc phúc từ Thiên Chúa mà đến: Chúa chúc phúc cho dân Ngài (x Num 6:24-27). Đó là một việc chúc phúc tác hiệu, nguồn mạch của thành đạt, hạnh phúc và thịnh vượng. Rồi cũng có cả việc chúc tụng từ đất lên trời nữa. Con người lãnh nhận thật nhiều ơn phúc do lòng quảng đại của Thiên Chúa thì lên tiếng chúc tụng Thiên Chúa, ca khen, cảm tạ và tôn tụng Ngài: “Hồn tôi ơi hãy chúc tụng Chúa” (Ps 102 [103]: 1; 103 [104]: 1).

 

Các vị tư tế thường ban phúc lành của Thiên Chúa (x Num 6:22-23,27; Sir 50:20-21), bằng việc đặt tay; còn việc nhân loại chúc tụng được bộc lộ nơi bài thánh thi phụng vụ do cộng đoàn tín hữu dâng lên Chúa.

 

4.         Việc đối đáp là yếu tố khác chúng ta cần phải để ý đến trong đoạn ca vịnh chúng ta đang suy niệm đây. Chúng ta mường tượng thấy được rằng, trong một đền thờ đầy những người, đơn ca viên xướng lên lời chúc tụng: “Chúc tụng Ngài, lạy Chúa...”, khi kể lại những việc làm kỳ diệu của Thiên Chúa, trong khi đó cộng đồng tín hữu liên tục lập lại câu công thức: “đáng chúc tụng và vinh quang hơn hết cho đến muôn đời”. Đó là những gì cũng xẩy ra ở Thánh Vịnh 135 (136), bài “đại Hallel”, một bài chúc tụng cả thể, được con người lập lại lời “Tình thương của Ngài bền vững đến muôn đời”, trong khi đơn ca viên thuật lại những việc cứu độ khác nhau do Chúa thực hiện nơi dân của Ngài.

 

Trong bài Thánh Vịnh của chúng ta đây, đối tượng trước nhất của lời chúc tụng là danh “vinh hiển và thánh hảo” của Thiên Chúa, một danh vang lên trong đền thờ, một đền thờ cũng “thánh hảo và hiển vinh”. Khi lấy đức tin chiêm ngưỡng Thiên Chúa, Đấng ngự trên “ngai tòa vương quốc của Ngài”, các vị tư tế và dân chúng nhận thức được mình là đối tượng cho ánh mắt của Ngài, một ánh mắt “thấu tận các vực thẳm”, và niềm nhận thức này khơi nguồn cho con tim lên tiếng chúc tụng: “Chúc tụng... chúc tụng...”. Thiên Chúa, Đấng “ngự trên các thần cherubim” và cư ngụ trên “các tầng trời cao”, cũng là Đấng gần gũi dân của Ngài, thành phần nhờ đó cảm thấy mình được bảo vệ và an toàn.

           

5.         Khi phác hoạ bài ca vịnh này để dùng cho sáng Chúa Nhật, Lễ Phục Sinh hằng tuần của Kitô hữu, Giáo Hội muốn kêu mời chúng ta hãy mở mắt hướng về việc tân tạo đã được bắt nguồn từ cuộc phục sinh của Chúa Giêsu. Thánh Gregory of Nyssa, Vị Giáo Phụ Hy Lạp ở thế kỷ thứ bốn, đã giải thích rằng, nhờ cuộc Vượt Qua (Sống Lại) của Chúa, một “trời mới và đất mới đã được tạo dựng… một con người khác được đổi mới phát hiện theo hình ảnh của Đấng Tạo Dựng của mình, nhờ cuộc hạ sinh từ trên cao” (x Jn 3:3-7). Rồi thánh nhân tiếp: “Người nhìn vào thế giới cảm giác có thể suy diễn từ những vật hữu hình để thấy được vẻ đẹp vô hình thế nào..., cũng vậy, người nhìn vào thế giới mới của tạo vật thuộc về giáo hội sẽ thấy được trong đó Đấng đã trở nên tất cả mọi sự nơi mọi người, khi Ngài dùng tay dẫn dắt tâm trí con người bằng những sự khả tri đối với bản chất tư duy của chúng ta, để chúng ta có thể tiến đến chỗ vượt ra ngoài tầm mức hiểu biết loài người” (Langerbeck H., Gregorii Nysseni Opera, VI, 1-22 passim, p. 385).


(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 19+26/12/2001)