Bài 26 (Thứ Tư 9/1/2002)

MỌI SINH VẬT HÃY CHÚC TỤNG CHÚA

(Thánh Vịnh 150, Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Hai) 

1.         Bài thánh thi vừa giúp vào việc cầu nguyện của chúng ta đó là Thánh Vịnh 150, ca khúc cuối cùng của Sách Thánh Vịnh. Lời sau hết được vang lên trong sách cầu nguyện của dân Do Thái này là alleluia, tức là lời thuần túy chúc tụng Thiên Chúa, và đó là lý do tại sao bài Thánh Vịnh này được sử dụng hai lần cho Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Mai của Chúa Nhật thứ hai và thứ tư.

 

Bài thánh vịnh ngắn ngủi được phân cú bằng một loạt 10 khiến lệnh ngữ giống nhau, “hallelu”, “hãy chúc tụng!”. Như một bản nhạc và khúc ca vĩnh cửu, chúng dường như không bao giờ kết thúc, trái lại, chúng giống như điệp khúc Alleluia nổi tiếng trong bài Messiah của Handel. Việc chúc tụng Thiên Chúa trở nên như hơi thở liên tục của linh hồn. Như có lời viết: “đó là một trong những phần thưởng cho con người, đó là việc lặng lẽ chúc tụng và khả năng hoan hỉ; nó được tóm gọn trong câu Rabbi Akiba khuyên các môn đệ của mình rằng: một bài ca mọi ngày, một bài ca cho mọi ngày” (A. J. Heschel, Chi è l’oumo?, Milan 1971, p. 178, the English title is Who is Man?).

2.         Bài Thánh Vịnh 150 dường như cho thấy 3 thời đoạn. Thoạt tiên, ở hai câu đầu, chúng ta gắn mắt vào “Chúa” trong “thánh điện của Ngài”, vào “quyền năng của Ngài”, vào “những việc lạ lùng Ngài thực hiện”, vào “sự cao cả” của Ngài. Thế rồi, vào thời đoạn thứ hai, như đà chuyển vận của âm nhạc chính hiệu, ban hợp ca của đền thờ Sion hòa lời chúc tụng Thiên Chúa (các câu 3-5b), được phụ diễn bằng các vũ khúc và ca khúc thánh. Sau hết, ở câu cuối cùng của bài Thánh Vịnh (x câu 5c), cả hoàn cầu xuất hiện, được tiêu biểu nơi “hết mọi sinh vật”, hay nếu muốn theo nguyên ngữ Do Thái, nơi “hết mọi vật thở hơi”. Chính sự sống trở thành lời chúc tụng, lời chúc tụng dâng lên Đấng Hóa Công từ những vật được Ngài tạo dựng.

3.         Trong lần đầu tiếp chạm với Thánh Vịnh 150 này, chúng ta chỉ cần suy niệm phần đầu và phần cuối của bài thánh thi ấy thôi. Chúng ta sẽ đào sâu hơn phần thứ hai, phần tâm điểm của bài sáng tác, trong tương lai, trong lần bài Thánh Vịnh được dùng cho Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Mai tới đây. “Cung thánh” là nơi thượng hạng cho vấn đề ca hát và nguyện cầu dâng lên (x câu 1). Nguyên ngữ Do Thái nói về một nơi “linh thánh” thuần túy, siêu việt, chỗ Thiên Chúa ngự. Bởi thế nó liên quan đến chân trời thiên lý và thiên đình, là nơi, như Sách Khải Huyền về sau cho thấy, cử hành phụng vụ trọn hảo của Con Chiên (như câu 5:6-14). Mầu nhiệm của Thiên Chúa, một mầu nhiệm các thánh được trọn vẹn hiệp thông, là một chốn của ánh sáng và niềm vui, của tỏ hiện và yêu thương. Chính vì thế chúng ta mới hiểu được lý do tại sao bản dịch Bảy Mươi và bản dịch Latinh Vulgata sử dụng chữ “các thánh” thay vì chữ “cung thánh”: “Hãy chúc tụng Chúa nơi chư thánh của Ngài!”.

 

4.         Từ trời cao tư tưởng của chúng ta chuyển xuống mặt đất, chú trọng đến “các việc quyền năng” Thiên Chúa thực hiện để chứng tỏ “sự uy nghi cao cả của Ngài” (câu 2). Những việc quyền năng này đã được Thánh Vịnh 104 (105) diễn tả, để mời gọi dân Do Thái hãy “suy niệm về tất cả các việc kỳ diệu của Ngài” (câu 2), để nhớ đến “những việc lạ lùng Ngài đã thực hiện, những kỳ công và những phán lệnh Ngài ban bố” (câu 5). Thế rồi Tác Giả Thánh Vịnh nhắc lại “giao ước Ngài đã thiết lập với Abraham (câu 9), câu truyện ngoại thường về Giuse, những phép lạ giải phóng họ khỏi Ai Cập, và cuộc hành trình của họ qua sa mạc, cuối cùng là tặng ân đất hứa ban cho họ. Bài Thánh Vịnh khác nói về những khốn khó được Chúa giải cứu khỏi những ai “kêu” lên Ngài; những ai được Ngài giải thoát cần phải lập đi lập lại rằng “Họ hãy tri ân cảm tạ Chúa vì Ngài xót thương, vì Ngài đã thực hiện những việc lạ lùng cho con cái loài người!” (Ps 106 [107]:8,15,21,31).

 

Nhờ đó, trong bài Thánh Vịnh của chúng ta đây, chúng ta mới hiểu được cái liên hệ với “những việc quyền năng” theo nguyên ngữ Do Thái, tức là, “những kỳ công” quyền năng (x câu 2) Thiên Chúa gieo mầm nơi lịch sử cứu độ. Việc chúc tụng trở thành một lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Hóa Công và Cứu Độ, một việc hân hoan cử hành tình yêu của Thiên Chúa được tỏ hiện bằng việc tạo dựng và cứu độ, bằng việc ban phát sự sống và giải phóng.

 

5.         Giờ đây chúng ta tới câu cuối cùng của bài Thánh Vịnh 150 (x câu 5c[6]). Tiếng Do Thái nói về “sinh vật” chúc tụng Thiên Chúa có liên quan đến “hơi thở”, như Tôi đã nói tới trên đây, nhưng cũng liên quan đến cả một cái gì đó mật thiết và thâm sâu vốn bẩm sinh nơi con người.

 

Mặc dù người ta có thể nghĩ rằng tất cả mọi sự sống thụ sinh đều phải là một bài thánh thi chúc tụng Đấng Hóa Công, nhưng còn đúng hơn nữa khi cho rằng con người thụ tạo đóng vai trò chính yếu trong ca đoàn chúc tụng này. Nhờ con người, phát ngôn viên của toàn thể thụ tạo, tất cả mọi sinh vật dâng lời chúc tụng Chúa. Hơi thở sống động của chúng ta, một thứ hơi thở gồm cả tự thức, nhận biết và tự do (x Ps 20:27), trở nên một bài ca và trở thành lời nguyện cầu của toàn thể sự sống sinh động trong hoàn vũ.

 

Đó là lý do tại sao tất cả chúng ta phải cùng nhau “hát khen và tấu nhạc dâng lên Chúa bằng những bài thánh vịnh và thánh thi, những ca khúc thiêng liêng” với cả tâm hồn của mình (Eph 5:19).

 

6.         Trong việc sao chép các câu của bài Thánh Vịnh 150, các vị tác giả của những bản gốc Do Thái ngữ thường phác tả cho thấy cột nến Menorah, một chân nến bảy nhánh nổi tiếng được đặt trong Nơi Cực Thánh của đền thờ Giêrusalem. Như thế là họ muốn đề nghị một lối giải thích hay ho về bài Thánh Vịnh, một lời Amen thực sự và xứng hợp với lời cầu nguyện được “những vị tôn huynh” của chúng ta hằng sử dụng, ở chỗ toàn thể con người, với tất cả mọi nhạc cụ và hình thức ca nhạc do tài nghệ của họ sáng chế ra, như kèn thổi, đàn địch, đa huyền cầm, trống phách, vũ điệu, đàn giây, sáo tiêu, chiêng bạt, não bạt, như bài Thánh Vịnh nói đến như là “mọi sự thở hơi”, được mời gọi để cháy lên như cột nến Menorah trước Nơi Cực Thánh, bằng một lời cầu nguyện chúc tụng và tạ ơn liên lỉ. Hiệp nhất với Con là tiếng nói trọn hảo của toàn thể hoàn vũ được Người dựng nên, chúng ta cũng hãy trở thành một lời nguyện cầu liên lỉ trước ngai tòa Thiên Chúa.

 

(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 16/1/2002)