(Thánh Vịnh 41 [42], Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Hai)
1. Một con nai rát cổ, đang thảm thiết kêu trong sa mạc khô cằn, mong gặp được giòng nước mát ở một mạch suối nước. Hình ảnh sống động này hiện lên trong bài Thánh Vịnh 41 (42) vừa mới được xướng lên. Chúng ta có thể nhìn thấy nơi hình ảnh này một linh đạo thâm thúy tiêu biểu cho bài thánh vịnh này, một viên ngọc thực quí của đức tin và thi văn. Thật vậy, theo các chuyên viên về Sách Thánh Vịnh, thì bài thánh vịnh của chúng ta đây có liên hệ chặt chẽ với bài thánh vịnh sau đó, Thánh Vịnh 42 (43), một thánh vịnh đã bị phân ra phần đầu thành thánh vịnh 41 (42), khi các thánh vịnh được xếp theo thứ tự để làm nên cuốn sách cầu nguyện cho Dân Chúa. Ngoài vấn đề có cùng một đề tài và cách khai triển, cả hai bài thánh vịnh này còn được chi phối bởi cùng một câu tiền xướng não nuột: “Ôi hồn tôi ơi, sao ngươi lại thảm não, lại xao xuyến trong ta như thế? Hãy hy vọng nơi Thiên Chúa; vì ta sẽ lại cất tiếng chúc tụng Ngài là Đấng phù trợ và là Thiên Chúa của ta” (Ps 41[42]: 6,12; 42 [43]:5). Câu than thở này, được lập lại hai lần ở bài thánh vịnh của chúng ta hôm nay và lần thứ ba ở bài thánh vịnh sau đó, là một lời mời gọi được con người cầu nguyện tự nhủ mình, để loại trừ đi nỗi buồn phiền bằng việc tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng chắc chắn sẽ lại tỏ mình ra như Đấng Cứu Tinh.
2. Thế nhưng, chúng ta hãy trở về với hình ảnh ban đầu của bài Thánh Vịnh; việc suy niệm về hình ảnh này sẽ thấm thía hơn nếu được đệm bằng bản nhạc Gregorian hay bằng tấu khúc Palestrina, Sicut Cervus. Thật vậy, con nai khát nước là biểu hiệu cho con người cầu nguyện trong việc họ hướng cả con người gồm hồn xác của mình về Chúa, Đấng dường như xa cách họ nhưng lại rất cần thiết đối với họ: “Linh hồn tôi khát khao Thiên Chúa, khát khao Thiên Chúa hằng sống” (Ps 41(42:3). Trong tiếng Do Thái, chữ nefesh vừa có nghĩa “linh hồn” vừa có nghĩa “cổ họng”. Bởi thế, chúng ta có thể nói rằng thân xác và linh hồn của con người cầu nguyện bị thu hút bởi nỗi ước vọng Thiên Chúa, một nỗi ước vọng chính yếu, tự động và mạnh mẽ. Không phải ngẫu nhiên mà truyền thống lâu đời đã diễn tả việc cầu nguyện như là một “hơi thở”, bởi vì nó sâu xa, cần thiết và căn bản như hơi thở ban sự sống vậy.
Origen, một đại tác giả Kitô giáo ở thế kỷ thứ ba, đã nói rằng, việc con người tìm kiếm Thiên Chúa là một cuộc thám hiểm không cùng, vì việc phát triển vẫn là một việc khả thể và cần thiết. Ở một trong những bài giảng về Sách Dân Số, vị tác giả này viết: “Những ai hành trình trên con đường tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa là những người không xây lên những căn nhà vĩnh tại mà là những túp lều di động, vì họ luôn chuyển qua những miền đất mới, và càng đi xa con đường trước mặt càng mở ra, hiện lên một chân trời mất hút vào vô tận” (Homily XVII, In Numeros [on Numbers] GCS VII, 159-160)
3. Giờ đây chúng ta hãy cố gắng bắt đầu cái bố cục căn bản của lời cầu khẩn này. Chúng ta có thể nghĩ rằng lời cầu khẩn này có ba tác động, hai trong ba tác động này thuộc về bài thánh vịnh của chúng ta đây, còn tác động thứ ba chúng ta thấy ở trong bài thánh vịnh sau đó, Thánh Vịnh 42 (43), bài thánh vịnh sẽ được tìm hiểu sau. Cảnh thứ nhất (x Ps 41(42):2-6) cho thấy một con nai khao khát, một khát khao làm bừng lên bởi hồi niệm về một quá khứ hân hoan vui sướng với những việc cử hành phụng vụ mà con người cầu nguyện không còn nữa: “Tôi miên man nhớ lại những điều ấy: nhớ lại tôi đã cùng đoàn người lũ lượt tiến về nhà Thiên Chúa, hân hoan hò hát những bài ca tạ ơn, cả một đám người trẩy hội” (câu 5).
“Nhà Thiên Chúa” theo nghĩa phụng vụ của mình tức là đền thờ Giêrusalem đã trở nên quen thuộc với con người trung nghĩa; nơi đây cũng là tâm điểm của mối thân tình giữa con người với Thiên Chúa, “mạch nước hằng sống” như trong bài ca của tiên tri Giêrêmia (2:13). Giờ đây, thiếu mất nguồn mạch sự sống này, nước mắt của con người cầu nguyện đã trở thành giọt nước duy nhất lóng lánh nơi đôi mắt của họ (Ps 41(42):4). Kinh nguyện của ngày hội trước kia dâng lên Chúa qua phụng vụ ở đền thờ giờ đây được thay thế bằng khóc lóc, than van và cầu khẩn.
4. Tiếc thay, nỗi sầu buồn hiện tại lại tương phản với một quá khứ trầm lắng và hân hoan. Vị tác giả Thánh Vịnh bấy giờ cảm thấy xa cách Sion, một chân trời bao chiếm lấy ông bấy giờ là chân trời của xứ Galilêa, thuộc miền bắc Thánh Địa, có liên quan tới những nguồn nước thiên nhiên xứ Jordan, tới đỉnh núi Hermon cũng như tới một ngọn núi khác xa lạ với chúng ta là Núi Mizar (x.câu 7). Như thế, chúng ta không nhiều thì ít đang ở miền đất của những thác núi xứ Jordan, của những thác nước là nguồn mạch cho con sông chảy khắp miền Đất Hứa. Tuy nhiên, những giòng nước ấy cũng không làm con người này giãn khát như những giòng nước ở Sion. Trái lại, trong con mắt của vị tác giả bài thánh vịnh, chúng còn giống như những giòng nước lũ lụt tàn phá tất cả mọi sự. Ông cảm thấy chúng đổ xuống trên ông như một giòng cuồng lưu hủy diệt sự sống: “Đủ mọi thứ sóng xô nước cuốn của Ngài ập xuống trên tôi” (câu 8). Theo Thánh Kinh, xao động, sự dữ và phán quyết thần linh được phác tả như một trận hồng thủy gây nên tàn phá và tiêu vong (Gen 6:5-8; Ps 68(69):2-3).
5. Giá trị tiêu biểu của cuộc bột phát ấy sau này mới rõ ràng. Cuộc bột phát ấy cho thấy tình trạng ngang trái, cho thấy những đối phương của con người cầu nguyện, có thể là chính những người dân ngoại ở miền xa xôi ấy, nơi mà con người thành tín này bị đầy ải. Họ khinh bỉ con người chính trực và nhạo báng niềm tin của con người này, mỉa mai hỏi rằng: “Thiên Chúa của ngươi đâu mất tồi?” (câu 11; x câu 14). Thế rồi con người thành tín ảo não đặt vấn đề với Thiên Chúa: “Sao Ngài lại bỏ rơi tôi?” (câu 10). Cái “lý do” được đặt ra cho Chúa, Đấng dường như vắng bóng trong ngày thử thách, là những gì vẫn thấy nơi các lời khẩn cầu trong Thánh Kinh.
Thiên Chúa có thể giữ im lặng được trước những miệng lưỡi khô ran đang kêu lên, trước linh hồn bị quằn quại, trước khuôn mặt sắp chôn vùi vào lòng biển cả bùn lầy này chăng? Dĩ nhiên là không! Bởi thế, con người cầu nguyện lấy lại được niềm hy vọng (x các câu 6 và 12). Tác động thứ ba, trong bài Thánh Vịnh sau đó 42(43), sẽ là lời cầu tin tưởng dâng lên Thiên Chúa (Ps 42(43):1,2a,3a,4b) bằng những lời lẽ hân hoan cảm tạ: “Tôi sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa là hân hoan, vui sướng của tôi”.
(L’Osservatore Romano, ấn
bản Anh ngữ, ngày 23/1/2002)