Bài 28 (Thứ Tư 23/1/2002)
THIÊN CHÚA
KHÔNG DỬNG DƯNG TRƯỚC SỰ DỮ ĐÂU
(Ca Vịnh 36 Sách Huấn Ca, Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Hai)
1. Trong Cựu Ước, Dân Chúa không phải chỉ có một cuốn sách cầu nguyện duy nhất là Thánh Vịnh. Những bản ca vịnh, những bài thánh thi, thánh vịnh, những lời cầu khẩn, cầu xin và kêu xin dâng lên Chúa như đáp lại lời của Ngài, được thấy rải rác ở nhiều trang Sách Thánh. Bởi thế mới thấy Thánh Kinh là một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và loài người, một cuộc hội ngộ được niêm ấn bằng lời thần linh, bằng ân sủng và yêu thương.
Đó là trường hợp của lời cầu khẩn chúng ta vừa ngỏ cùng Vị “Thiên Chúa của hoàn vũ” (câu 1). Lời cầu khẩn này được chất chứa trong Sách của Sirach, một con người khôn ngoan, vị đã thu thập các suy tư của mình, lời khuyên của mình, và các bài ca vãn của mình ở vào khoảng giữa năm 190 và 180 trước Công Nguyên, vào lúc mở màn cho một trang sử giải phóng của dân Do Thái dưới quyền chỉ huy của anh em Macabê. Vào năm 138, một người cháu của vị khôn ngoan này đã chuyển dịch công trình của ông mình sang tiếng Hy Lạp, như lời mở đầu cuốn sách viết, để cống hiến những giáo huấn trong đó cho nhiều độc giả và môn sinh hơn nữa.
Sách Sirach theo truyền thống Kitô giáo được gọi là “Ecclesiasticus”. Cuốn Sách này, một cuốn sách không được sổ bộ Thánh Kinh Do Thái kể đến, đã kết thúc bằng một tính chất, cùng với những tính chất khác, được gọi là “veritas christiana”. Bởi thế, những giá trị được phác họa trong tác phẩm khôn ngoan này đã trở thành yếu tố cho việc giáo dục Kitô giáo trong thời Giáo Phụ, nhất là trong lãnh vực đan viện, trở thành một thứ cẩm nang hướng dẫn những hành động thực tiễn của thành phần môn đệ Chúa Kitô.
2. Lời kêu cầu của đoạn 36 trong Sách Sirach, một lời kêu cầu có hình thức cầu nguyện giản dị hóa cho Giờ Kinh Phụng Vụ Ban Mai, được khai triển thành một số đề tài theo nhau.Trước hết, chúng ta thấy đây là một lời kêu cầu Thiên Chúa để xin Ngài can thiệp giúp dân Do Thái, chống lại những quốc gia ngoại bang đang đàn áp họ. Trong quá khứ, Thiên Chúa đã tỏ sự thánh thiện của Ngài ra khi Ngài trừng phạt những lỗi lầm của dân Ngài, trao họ vào tay kẻ thù của họ. Giờ đây, con người tin tưởng cầu xin Thiên Chúa hãy tỏ quyền năng cao cả của Ngài ra, qua việc Ngài dẹp tan quyền lực của những kẻ áp bức cũng như qua việc Ngài thiết lập một kỷ nguyên mới nổi bật tính cách cứu độ.
Lời kêu cầu này thực sự phản ảnh truyền thống nguyện cầu của dân Do Thái, đồng thời cũng thực sự nặng tính cách cảm nghiệm quá trình thánh kinh. Ở một nghĩa nào đó, lời kêu cầu này có thể được coi như là một mẫu nguyện cầu được dùng cho những lúc bị bách hại và đàn áp, như trường hợp ở vào thời của tác giả, thời bị các vương quốc ngoại bang Syria-Hellenic thống trị một cách nghiệt ngã và dữ dội.
3. Phần đầu của lời cầu nguyện này được khai mở bằng việc kêu xin Chúa hãy tỏ lòng xót thương và ghé mắt đoái nhìn (xem câu 1). Tuy nhiên, ngay sau đó lời cầu hướng đến tác động thần linh, một tác động được tuyên xưng bằng một loạt những động từ rất cảm kích, như “(Xin hãy đến cứu giúp chúng tôi. Xin hãy … bắt họ phải kinh sợ Chúa). Xin hãy ra tay. Hãy tỏ vinh quang của Ngài ra. Hãy ban những dấu chứng mới. Hãy thực hiện những việc lạ lùng. Hãy chứng tỏ oai phong của cánh tay cùng bàn tay phải của Ngài”.
Thiên Chúa của Thánh Kinh không dửng dưng trước sự dữ. Mặc dù đường lối của Ngài khác với đường lối của chúng ta, thời điểm của Ngài và dự định của Ngài khác với của chúng ta (x Is 55:8-9), Ngài cũng vẫn ở về bên thành phần nạn nhân và tỏ mình ra như một vị quan phán nghiêm thẳng đối với thành phần bạo động, thành phần đàn áp, thành phần thắng cuộc chẳng biết xót thương.
Tuy nhiên, việc can thiệp của Ngài không phải là việc hủy diệt. Trong việc tỏ ra quyền năng và trung thành yêu thương của mình, Ngài cũng làm phát sinh nơi lương tâm của thành phần hành ác một tâm trạng hết sức áy náy đưa họ đến việc ăn năn hoán cải: “Nhờ đó, như chúng tôi, họ sẽ nhận biết rằng, ngoài Ngài ra không có một Thiên Chúa nào khác” (câu 4).
4. Phần thứ hai của bài thánh thi này mở ra một quan niệm tích cực hơn. Thật vậy, trong khi phần thứ nhất kêu cầu Thiên Chúa ra tay can thiệp chống lại các kẻ địch thù, thì phần thứ hai không còn nói về kẻ thù địch nữa, mà là xin Thiên Chúa ưu ái dân Do Thái, van nài Ngài thương đến dân Ngài tuyển chọn cũng như thương đến thành thánh Giêrusalem.
Giấc mơ trở về của tất cả mọi người bị lưu đầy, bao gồm cả của những người thuộc vương quốc phía bắc, trở thành đối tượng của lời nguyện cầu này: “Xin hãy qui tụ tất cả mọi chi tộc Giacóp lại, để họ được thừa hưởng mảnh đất như xưa kia” (câu 10). Đó là một lời kêu xin cho toàn dân Do Thái được tái sinh, như trong những lúc họ còn hoan hỉ làm chủ toàn cõi Đất Hứa.
Để lời nguyện cầu thiết tha hơn nữa, con người cầu nguyện còn nhấn mạnh đến mối liên hệ thắt nối giữa Thiên Chúa và dân Do Thái cũng như với Giêrusalem. Dân Do Thái theo Ngài dự định “là một dân tộc được Ngài kêu gọi vì danh của Ngài”, một dân tộc “được Ngài gọi là trưởng tử”; Giêrusalem là “thành thánh của Ngài”, “nơi cư ngụ của Ngài”. Thế rồi lời cầu này nói lên lòng mong ước muốn thấy được mối liên hệ này càng ngày càng chặt chẽ hơn nữa, nhờ đó càng làm cho nó được hiển vinh hơn nữa: “Xin hãy làm cho Sion được tràn đầy sự uy nghi cao cả của Ngài, cho đền thờ của Ngài đầy những vinh quang của Ngài” (câu 13).
5. Trong Thánh Kinh, lời than van của những ai chịu đựng khổ đau không bao giờ đi đến chỗ tuyệt vọng cả, song bao giờ cũng hướng về hy vọng. Lời than van của họ phát xuất từ niềm tin là Chúa không bao giờ bỏ rơi con cái của Ngài, Ngài không buông rơi những ai Ngài đã tạo thành.
Lời nguyện cầu được chọn cho giờ kinh phụng vụ này đã thiếu mất một chi tiết rất hay trong lời cầu nguyện của chúng ta. Đó là xin Thiên Chúa “chứng tỏ cho thấy các việc Ngài làm trong quá khứ” (câu 14). Từ đời đời, Thiên Chúa đã có ý định yêu thương và cứu độ tất cả mọi tạo vật của Ngài, thành phần được kêu gọi để trở thành dân của Ngài. Đó là ý định Thánh Phaolô đã nhìn nhận “được Thần Linh mạc khải cho các vị tông đồ và tiên tri thánh thiện của Ngài… theo như hoạch định đời đời đã được Ngài hoàn thành nơi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Eph 3:5-11).
(Kết thúc bài giáo lý, ĐTC đã tóm gọn như sau)
Anh chị em thân mến,
Toàn thể Sách Thánh, nhất là nơi những bài thánh thi và lời cầu nguyện trong đó, cho thấy cuộc đối thoại trao đổi không ngừng giữa Thiên Chúa và nhân loại. Bài Ca Vịnh hôm nay được trích từ Sách Sirach, đôi khi cũng được gọi là Sách Ecclesiasticus, hay Sách của Giáo Hội, vì cuốn sách này không thuộc về sổ bộ Thánh Kinh Do Thái. Bài Ca Vịnh này là lời nguyện cầu trong lúc khổ đau, để van nài Thiên Chúa hãy bảo vệ những nạn nhân cho khỏi những kẻ đàn áp họ. Tiếng kêu than này phát xuất từ niềm tin tưởng là Thiên Chúa không dửng dưng trong cuộc chiến chống lại sự dữ, và nếu Ngài có ra tay trừng trị những kẻ hành ác thì không phải là Ngài muốn hủy diệt họ cho bằng muốn làm cho họ cải thiện đời sống. Bài Ca Vịnh cầu xin Thiên Chúa hãy tỏ lòng xót thương dân thánh của Ngài, để vinh hiển thần linh lại được chiếu soi nơi họ trước tất cả mọi dân nước. Dựa vào cảm nhận vững vàng nơi những gì Thiên Chúa đã thực hiện trong quá khứ, cũng như nơi những gì Ngài dự định cho tương lai, Bài Ca Vịnh Sirach này đã trở thành một bản thánh thi hy vọng của riêng Giáo Hội trong mọi thời đại vậy.
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 30/1/2002)