Bài 29 (Thứ Tư 30/1/2002)
VINH QUANG CỦA THIÊN CHÚA
NƠI THIÊN NHIÊN TẠO VẬT
(Thánh Vịnh 18 [19], Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Hai)
1. Mặt trời, với ánh quang phát tỏa trên bầu trời, với ánh sáng rạng ngời của nó, cùng với những tia sáng nồng ấm hữu dụng của nó đã vây bủa lấy nhân loại ngay từ ban đầu. Nhân loại đã thể hiện bằng nhiều hình thức tấm lòng biết ơn của mình đối với nguồn sự sống và phúc lợi này, bằng một nhiệt tình thường bộc lộ đến cao diểm của thi văn chân chất. Bài Thánh Vịnh 18 (19) tuyệt vời, phần thứ nhất chúng ta vừa đọc lên, không phải chỉ là một lời cầu nguyện ở hình thức của một bài thánh thi hết sức thiết tha; nó còn là một bài thi ca ngỏ cùng mặt trời cũng như ngỏ cùng việc nó chiếu soi mặt đất. Như thế, vị Tác Giả Thánh Vịnh này đã thuộc vào số danh sách dài liệt kê những ca sĩ ở vùng Cận Đông xưa, thành phần chúc tụng vì tinh tú chiếu soi bầu trời ban ngày này, vì tinh tú đầy sức nóng ngự trị lâu dài ở các miền của họ. Điều này làm chúng ta nhớ đến bài thi ca nổi tiếng đối với Aton, do Pharaoh Akhnoton sáng tác vào thế kỷ 14 trước Công Nguyên để dâng lên vầng dương được coi như một vị thần linh vậy.
Tuy nhiên, đối với con người của Thánh Kinh, thì những bài thi ca mặt trời này lại có một sự khác biệt sâu xa, ở chỗ, mặt trời không phải là một vị thần linh, mà là một tạo vật phục vụ Thiên Chúa và Tạo Hóa duy nhất. Hãy nhớ lại những lời trong Sách Khởi Nguyên cũng đủ thấy điều ấy: “Bấy giờ Thiên Chúa phán: ‘Hãy có ánh sáng trên bầu trời để phân chia ngày đêm. Aùnh sáng hãy phân chia thời gian nhất định, ngày tháng và năm trường’… Thiên Chúa đã dựng nên hai vầng sáng lớn, vầng sáng lớn làm chủ ban ngày và vầng sáng nhỏ làm chủ ban đêm… Thiên Chúa thấy như thế là tốt đẹp” (Gen 1:14,16,18).
2. Trước khi đi vào những câu của bài Thánh Vịnh được dùng để cử hành phụng vụ này, chúng ta hãy nhìn tổng quát toàn bài thánh vịnh ấy. Bài Thánh Vịnh 18 (19) giống như một bức họa hai phần gắn liền với nhau. Ở phần thứ nhất (các câu 2-7), phần chúng ta cầu nguyện hôm nay đây, chúng ta thấy một bài thánh thi dâng lên Đấng Tạo Hóa, Đấng tỏ bầy sự cao cả huyền diệu của mình nơi mặt trời và mặt trăng. Ở phần thứ hai của Bài Thánh Vịnh (các câu 8-15), chúng ta thấy một bài thánh thi khéo léo dâng lên Torah, tức là dâng lên Lề Luật của Thiên Chúa.Cả hai phần này đều hướng về cùng một đề tài, đó là việc Thiên Chúa chiếu soi vũ trụ bằng ánh sáng của mặt trời, cũng như việc Ngài chiếu soi nhân loại bằng sự rạng ngời của Lời Ngài được chứa đựng trong Mạc Khải thánh kinh. Nó giống như một vầng dương lưỡng diện: diện thứ nhất là việc thần hiển nơi vũ trụ của Đấng Hóa Công; diện thứ hai là việc tự ý tỏ hiện của Vị Thiên Chúa Cứu Độ nơi lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà Torah, Lời thần linh, được diễn tả bằng một cung điệu “mặt trời”: “Giới răn Chúa tinh nguyên, sáng soi con mắt” (câu 8).
3. Giờ đây chúng ta hãy đi vào phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh. Bài thánh vịnh này được bắt đầu với việc nhân cách hóa rất hay về các tầng trời, những gì mà, đối với Vị Tác Giả sách thánh, hiện lên như những chứng từ sống động cho công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa (các câu 2-5). Thật vậy, chúng “kể ra”, “loan truyền” các kỳ công của việc Thiên Chúa làm (xem câu 2). Ngày và đêm cũng đóng vai sứ giả truyền đạt tin mừng tạo dựng. Đó là một thứ chứng từ âm thầm, song lại vang lên một cách mãnh liệt khắp vũ trụ.
Bằng con mắt nội tâm của linh hồn, với trực giác đạo nghĩa không bị chi phối bởi tính cách nông cạn, con người nam nữ có thể nhận thấy rằng thế giới này không phải là một thế giới câm nín mà là một thế giới nói về Đấng Hóa Công. Như vị khôn ngoan xưa viết: “Có phân tích cái cao cả và đẹp đẽ của các sự vật được tạo thành mới thấy được tác giả thực sự của chúng” (Wis 13:5). Thánh Phaolô cũng nhắc nhở Kitô hữu Rôma là “Từ khi thế giới được tạo thành, những ưu phẩm vô hình về quyền năng hằng có và thần tính của Ngài đã có thể khả thấu và nhận thấy nơi những gì Ngài đã tạo dựng” (Rm 1:20).
4. Thế rồi bài thánh vịnh hướng đến mặt trời. Cảnh một hoàn cầu sáng tỏ được vị thi sĩ cảm hứng này phác tả như là một chiến binh hào hùng rời bỏ căn phòng ngủ đêm của mình, xuất hiện từ lòng tối tăm để bắt đầu cuộc sinh hoạt khôn cùng của mình trên các tầng trời (các câu 6-7). Nó giống như một tay lực sĩ không hề ngừng nghỉ hay bị kiệt quệ, trong lúc toàn khối hành tinh của chúng ta đây được bủa vây bằng sức nồng ấm mãnh liệt của nó.
Bởi vậy mặt trời mới được ví như là một người bạn đời, một vị anh hùng, một tay đối thủ, theo lệnh thần linh, hằng ngày phải chu toàn một việc làm, một thắng vượt và một cuộc đua trong những khoảng không gian cách thời. Như thế, Vị Tác Giả Thánh Vịnh này cho thấy mặt trời nóng bỏng giữa ban ngày, trong lúc cả trái đất ở trong sức nung nấu của nó, không khí bình lặng, không một góc cạnh chân trời nào có thể thoát được ánh sáng của nó.
5. Hình ảnh mặt trời của bài Thánh Vịnh này đã được phụng vụ của Kitô giáo về biến cố vượt qua sử dụng để diễn tả cuộc vượt qua chiến thắng của Chúa Kitô từ vùng tăm tối trong huyệt mộ đến mức trọn vẹn nơi sự sống mới của việc phục sinh. Phụng vụ Byzantine xướng lên vào buổi kinh sáng của Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh là: “Như mặt trời lên sau đêm tối, hoàn toàn chiếu rạng bằng ánh sáng mới mẻ của nó thế nào, Ngài cũng vậy, Ôi Ngôi Lời, Ngài cũng sẽ chiếu soi bằng một rạng ngời mới, khi Ngài rời bỏ nệm giường phối ngẫu của mình sau cuộc tử nạn”. Một bài thơ tự do (bài thứ nhất) cho kinh sáng của Ngày Lễ Phục Sinh nối kết việc tỏ hiện của vũ trụ với biến cố vượt qua của Chúa Kitô: “Các tầng trời hãy hân hoan, và trái đất hãy hớn hở, vì toàn thể vũ trụ hữu hình cũng như vô hình đều tham dự vào việc cử hành này, đó là Chúa Kitô, niềm vui muôn đời của chúng ta, đã phục sinh sống lại”. Bài thơ tự do khác (bài thứ ba) thêm: “Hôm nay, toàn thể vũ trụ, trên trời, dưới đất và vực thẳm, tràn đầy ánh sáng, và toàn thể tạo vật hát mừng Chúa Kitô phục sinh, Đấng là sức mạnh và là niềm vui của chúng ta”. Sau hết, bài thơ nữa, (bài thứ bốn), kết thúc: “Chúa Kitô, Cuộc Vượt Qua của chúng ta đã sống lại từ hầm mộ như mặt trời công chính chiếu sáng trên tất cả chúng ta ánh quang đức ái của Người”.
Phụng vụ theo lễ nghi Rôma không ví Chúa Kitô với mặt trời rõ ràng như phụng vụ Đông phương. Tuy nhiên, phụng vụ Rôma diễn tả cuộc phục hồi của vũ trụ bởi việc Người Phục Sinh, bắt đầu bằng bài ca chúc tụng vào sáng Lễ Phục Sinh với đoạn thánh thi nổi tiếng: “Aurora lucis rutilat, caelum resultat laudibus, mundus exultans iubilat, gemens infernus ululat” (“Hừng đông chiếu tỏa ánh sáng, các tầng trời hát ca, thế giới hân hoan nhẩy mừng, hỏa ngục kêu la than khóc”).
6. Tuy nhiên, việc Kitô giáo dẫn giải về bài Thánh Vịnh này cũng không làm mất đi sứ điệp thực sự muốn nói của nó, đó là sứ điệp về lời mời gọi khám phá ra lời thần linh hiện diện nơi thiên nhiên tạo vật. Dĩ nhiên, như đã nói ở phần hai của bài Thánh Vịnh, còn có một Lời khác cao cả hơn, quí giá hơn chính ánh sáng, đó là lời của Mạc Khải thánh kinh.
Dầu sao đi nữa, đối với những ai lắng tai nghe và mở mắt nhìn thì thiên nhiên tạo vật giống như là cuộc mạc khải tiên khởi, một cuộc mạc khải nói bằng thứ ngôn ngữ thông thạo của riêng mình, ở chỗ, giống như hầu hết sách thánh khác, cũng có những chữ viết của nó, được tiêu biểu bởi vô số tạo vật hiện diện trong vũ trụ. Thánh Gioan Chrystostom viết: “Sự thinh lặng của các tầng trời là tiếng nói còn vang vọng hơn cả tiếng kèn thổi, ở chỗ, tiếng nói này phóng vào đôi mắt của chúng ta, chứ không riêng gì đôi tai của chúng ta, sự cao cả của Đấng đã tạo dựng nên chúng” (PG 49:105). Còn Thánh Anathasiô thì: “Bầu trời, với tính cách vĩ đại của nó, vẻ đẹp và trật tự của nó, là người giảng dạy có thế giá về vị tác giả đầy linh động trong vũ trụ của nó” (PG 27:124).
(Kết thúc bài giáo lý, ĐTC đã tóm gọn như sau)
Anh chị em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 18 chúc tụng Thiên Chúa về các công việc tạo dựng của Ngài. Phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh nói về các tầng trời và những dấu chứng diệu kỳ về vinh quang của Thiên Chúa được chất chứa nơi chúng. Phần thứ hai hiện lên một cảnh trí rất thơ mộng về mặt trời là tinh tú mang lại sự sống cho con người bằng ánh sáng và sức nóng của nó. Truyền thống Kitô giáo hiểu sâu xa hơn ý nghĩa về hình ảnh mặt trời này, thấy nó như tiêu biểu cho việc Chúa Kitô Phục Sinh, cho việc Chúa chiến thắng bóng tối tăm tội lỗi và sự chết.
Bài Thánh Vịnh này là lời mời gọi chúng ta hãy nhận ra việc Thiên Chúa hiện diện nơi thiên nhiên tạo vật, và hãy đón nhận lời cứu độ của Ngài là những gì còn quí hóa hơn cả ánh sáng. Bởi thế, thiên nhiên tạo vật vẫn là một loại mạc khải tiên khởi, nói cho chúng ta biết rõ ràng về Đấng Tạo Hóa, cũng như có thể dẫn chúng ta vào sâu hơn mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta.
(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 6/2/2002)
"Xin xem những bài Giáo Lý trước trong loạt bài giáo lý chủ đề này trong phần Giáo Hội, mục Chìa Khóa Nước Trời, trang Giáo Lý Thánh Vịnh".