Bài 30 (Thứ Tư 6/2/2002)
“NIỀM MONG MỎI HƯỚNG VỀ ĐỀN THÁNH CỦA THIÊN CHÚA”.(Thánh Vịnh 42 [43], Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Hai)
1.- Trong một buổi triều kiến chung trước đây, khi dẫn giải về bài Thánh Vịnh trước bài Thánh Vịnh chúng ta vừa hát đây, chúng ta đã nói rằng bài Thánh Vịnh đó có liên hệ chặt chẽ với bài Thánh Vịnh sau đó. Thật vậy, các bài Thánh Vịnh 41 (42) và 42 (43) chỉ là một bài ca duy nhất, một bài ca được chia ra làm 3 phần với cùng một tiền xướng: “Hỡi hồn tôi ơi, sao ngươi lại phiền muộn? Sao ngươi lại rên rỉ trong ta? Hãy đợi chờ Thiên Chúa, Đấng ta sẽ lại dâng lời chúc tụng, Đấng là Vị Cứu Tinh và là Thiên Chúa của ta” (Ps 41[42]:6,12; 42[43]:5).
Những lời này, những lời giống như là một cuộc độc thoại, nói lên cho thấy những cảm xúc sâu xa của vị Tác Giả Thánh Vịnh. Ông thấy mình xa cách Sion, qui điểm của việc ông hiện hữu, vì đó là nơi đặc biệt cho Thiên Chúa hiện diện cũng như cho việc tín hữu tôn thờ. Bởi thế, ông cảm thấy một sự lẻ loi cô độc khôn lường, thậm chí đến độ sùng lên đối với thành phần thiếu lòng đạo, thành phần trở thành tệ hại trước việc tách lìa và thinh lặng về phía Thiên Chúa. Tuy nhiên, vị Tác Giả Thánh Vịnh phản kháng lại nỗi buồn phiền này bằng một lời kêu gọi hãy tin tưởng, một lòng tin tưởng chính ông hướng về, và bằng một khẳng định tuyệt đẹp của niềm hy vọng: Ông tin tưởng rằng ông vẫn có thể chúc tụng Thiên Chúa, “sự cứu độ cho dung nhan của tôi”.
Nơi bài Thánh Vịnh 42 (43), thay vì chỉ nói với chính mình như trong bài Thánh Vịnh trước đó, vị Tác Giả Thánh Vịnh hướng về Thiên Chúa và tha thiết xin Ngài bảo vệ ông khỏi các kẻ thù nghịch của ông. Sử dụng hầu như nguyên văn lời than van được bày tỏ ở bài Thánh Vịnh khác (xem 41 [42]:10), con người cầu nguyện, trong lúc này, hướng thẳng tiếng kêu ai oán của mình về Thiên Chúa: “Tại sao Ngài lại loại trừ tôi? Tại sao tôi cứ phải lang thang than khóc, bị kẻ thù áp bức?” (Ps 42[43]:2).
2.- Tuy nhiên, đến đây, ông cảm thấy rằng giai đoạn cách xa sống trong tăm tối đã gần kết thúc, nên đã nói lên niềm tin của mình đối với việc trở về Sion để lại được thấy nơi thần linh ngự trị. Thành Thánh không còn là một quê hương mất mát nữa, như trường hợp than khóc của bài Thánh Vịnh trước đó (x Ps 41[42]:3-4), trái lại, nó là một mục tiêu hoan lạc ông đang tiến tới. Hướng đạo viên cho cuộc trở về Sion sẽ là “sự thật” về Thiên Chúa và là “ánh sáng” của Ngài (x Ps 42[43]:3). Chính Chúa sẽ là cùng đích của cuộc hành trình. Ngài được kêu cầu như vị thẩm phán và vị bảo vệ (xem các câu 1-2). Có ba động từ cho thấy việc can thiệp để đáp lời ông kêu cầu là: “Xin hãy ban công lý cho tôi”, “xin hãy bênh vực tôi”, “xin hãy giải cứu tôi” (câu 1). Chúng giống như ba vì tinh tú của niềm hy vọng, những vị tinh tú soi sáng bầu trời thử thách tối tăm và báo hiệu rạng đông cứu độ sắp đến.
Bài đọc có ý nghĩa của Thánh Ambrosiô về kinh nghiệm của vị Tác Giả Thánh Vịnh này đem áp dụng kinh nghiệm ấy vào Chúa Giêsu lúc Nguòi cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu: “Đừng lạ lùng khi thấy vị tiên tri nói rằng linh hồn của ông bị bấn loạn khi chính Chúa Giêsu cũng đã nói: Giờ đây linh hồn Thày bối rối. Thật vậy, Người đã mặc lấy những yếu hèn của chúng ta, thậm chí cả cảm xúc của chúng ta nữa, và đó là lý do tại sao Người đã buồn sầu đến nỗi chết được, nhưng không phải vì sự chết. Một cái chết tự nguyện, một cái chết chi phối hạnh phúc của toàn thể nhân loại, không thể nào lại gây ra phiền não. Vậy mà Người đã phiền não đến nỗi chết khi mong chờ cái hân hạnh được hoàn thành cái chết. Việc này được phản ảnh nơi chính chứng từ của Người khi Người nói về cái chết của Người là: Còn một phép rửa Thày cần phải chịu, và Thày trông mong biết bao cho tới khi nó hoàn tất!" ("The Remonstrnaces of Job and David", VII, 28, Roma 1980, p. 233).
3.- Giờ đây, tiếp tục với bài Thánh Vịnh 42 (43), vấn đề vẫn mong được giải quyết sắp hiện lên trước mắt vị Tác Giả Thánh Vịnh: đó là việc trở về với nguồn mạch sự sống cùng với mối hiệp thông trong Thiên Chúa. "Sự Thật", tức lòng trung thành yêu thương của Chúa, và "ánh sáng", tức mạc khải về sự thiện hảo của Ngài, được biểu hiệu như là những vị sứ giả chính Thiên Chúa từ trời sai đến để nắm lấy tay kẻ trung tín mà dẫn đến mục tiêu ước mong (x Ps 42[43]:3).
Thật là chí lý ở cái thứ tự của những giai đoạn tiến gần đến Sion và trung tâm linh thiêng. Trước hết là “ngọn đồi thánh” hiện lên, một ngọn đồi là địa điểm của đền thờ và thành Đavít. Rồi đến “những nơi cư ngụ” nhập cuộc, tức là cung thánh của Sion cùng với tất cả những khu vực và đền đài khác nhau. Đoạn tới “bàn thờ của Thiên Chúa”, nơi dâng lễ hy tế và là nơi thờ phượng của toàn dân. Mục tiêu cuối cùng và tối hậu là Vị Thiên Chúa của niềm vui, là việc gắn bó, là cuộc hội ngộ thân tình với Ngài, Đấng mới đầu cách xa và lặng lẽ.
4.- Đến nay mọi sự trở thành bài ca, trở thành hoan lạc, trở thành mừng vui (xem câu 4). Ở bản gốc Do Thái thì nói đến “Vị Thiên Chúa là niềm vui cho cuộc hoan lạc của tôi”. Đó là một kiểu nói Semitic cho thấy cái tuyệt đỉnh, ở chỗ, vị Tác Giả Thánh Vịnh muốn nhận mạnh rằng Chúa là nguồn mạch của tất cả mọi hạnh phúc, là niềm vui tốt hậu, là hòa bình trọn vẹn.
Bản dịch Bảy Mươi theo tiếng Hy Lạp bởi thế hình như đã phải dùng đến một từ ngữ tương đương với tiếng Aramaic để nói lên sự trẻ trung và dịch là “với Thiên Chúa niềm vui của tuổi xuân tôi”, theo đó cho thấy ý tưởng về sự mới mẻ và cường độ của niềm vui Chúa ban. Sách Thánh Vịnh theo bản dịch Latinh Vulgata, một bản dịch từ bản dịch Hy Lạp, do đó mới có câu: “ad Deum qui laetificat juventutem meam”. Bởi thế, bài Thánh Vịnh mới được đọc lên dưới chân bàn thờ, trước phụng vụ Thánh Thể, như lời kêu cầu mở đầu cho việc gặp gỡ Chúa.
5.- Lời than vãn ban đầu của câu tiền xướng nơi bài Thánh Vịnh 41 (42) – 42 (43) vang vọng lần cuối cùng ở phần kết (xem Ps 42 [43]:5). Con người cầu nguyện chưa tiến đến đền thờ Thiên Chúa, ông vẫn còn bị chấn động bởi bóng tối tăm thử thách; thế nhưng, giờ nay, trước mắt của ông hiện lên ánh sáng của một cuộc gặp gỡ sắp tới và môi miệng của ông đã thốt lên cung điệu của một bài ca hân hoan. Đến nay thì lời kêu cầu có tính cách hy vọng hơn nhiều. Khi dẫn giải về bài Thánh Vịnh của chúng ta đây, thật vậy, Thánh Âu Quốc Tinh đã nhận định rằng: “Hy vọng nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ đáp lại kẻ tâm hồn bối rối…. Hãy tạm sống trong hy vọng. Hy vọng mà thấy được thì không còn là hy vọng nữa; song nếu chúng ta đợi chờ những gì chúng ta không thể thấy được, chính là do chúng ta kiên nhẫn đợi chờ chúng vậy (xem Rm 8:24-25)” (“Esposizione sui Salmi I”, Rome 1982, p. 1019).
Bởi thế, bài Thánh Vịnh mới trở nên lời nguyện cầu của con người đang hành trình trên thế gian mà vẫn còn đang thấy mình dính dáng với sự dữ và khổ đau, thế nhưng lại tin tưởng rằng lịch sử được kết thúc không phải nơi một vực thẳm sự chết mà là nơi cuộc gặp gỡ cứu độ với Thiên Chúa. Niềm tin này đối với Kitô hữu còn mãnh liệt hơn nữa, thành phần đã được Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái rao giảng như sau: “Nhưng anh em đã tiến đến Núi Sion và đến thành đô của Thiên Chúa hằng sống, Giêrusalem trên trời, có vô vàn thiên thần mừng vui mở hội, có hội đồng thành phần trưởng tử có tên trên trời, có Thiên Chúa Vị Thẩm Phán của tất cả mọi người, có hồn thiêng của kẻ lành đã được thành toàn, và có Chúa Giêsu Vị Trung Gian Tân Ước với máu của Người vẩy xuống vang lên tiếng nói còn hùng hồn hơn cả máu của Abel” (Heb 12:22-24).
(Kết thúc bài giáo lý, ĐTC đã tóm gọn như sau)
Anh chị em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 42 là một lời diễn tả của lòng mong mỏi sâu xa hướng về Đền thánh của Thiên Chúa, nơi Ngài ngự giữa con người. Tác Giả Thánh Vịnh cầu nguyện để ông được ánh sáng và chân lý của Thiên Chúa dẫn đến Đền Thờ này. Ông biết rằng Chúa không bao giờ quên những kẻ thành tín của Ngài, cho dù giữa cơn thử thách của họ. Trong hy vọng, nhìn thấy tận điểm cuộc hành trình của mình, ông đã bộc lên một bài thánh thi sốt sắng chúc tụng “Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa niềm vui của tôi” (câu 4).
Đối với Thánh Ambrôsiô, cảm nghiệm của vị Tác Giả Thánh Vịnh cũng đã được Chúa Giêsu chia sẻ khi Người cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu. Những người môn đệ theo chân Chúa Kitô cũng hát bài Thánh Vịnh hy vọng và chúc tụng này trong cuộc hành trình của họ trên thế gian. Sống giữa sự dữ và khổ đau, họ biết hết sức chắc chắn là mục đích của lịch sử không phải là cái chết vô vọng mà là cuộc hội ngộ hân hoan với Vị Thiên Chúa cứu độ chúng ta.
Cuối buổi triều kiến chung hôm nay, có sáu tù nhân ở nhà lao Arienzo, (4 người Ý, 1 người Croat và 1 Albani), sau khi đã nhận thức hay tái nhận thức đức tin của mình, đã được ĐGM Giovanni Salvatore Rinaldi giáo phận Acerra, cùng vị tuyên úy cho lao tù và hai linh mục giáo phận, dẫn đến chào ĐTC. ĐGM đã cho biết là vị tuyên úy muốn dẫn đi 10 người song quan tòa chỉ cho phép 6. Trong số tù nhân được vị tuyên uý này phục vụ có một người Hồi Giáo muốn được rửa tội. ĐGM nói: “Vị tuyên úy có ý định dẫn một nhóm tù nhân trẻ đến gặp ĐGH; vì từ thánh Mười, họ đã tham dự vào cuộc hành trình đức tin và chương trình gia nhập Kitô giáo. Thật ra một số trong họ đang sửa soạn rước lễ lần đầu; những người khác được thêm sức; và một thành hôn”.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,dịch từ L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 13/2/2002)