Thứ Tư 27/2/2002
Bài Giáo Lý Thánh Vịnh 31
“THIÊN CHÚA KHÔNG DỬNG DƯNG TRƯỚC LỆ NHỎ”.(Ca Vịnh Isaia 38, Kinh Ban Mai, Thứ Ba, Tuần Thứ Hai)
1.- Trong các bài Ca Vịnh khác nhau được dùng chung với những bài Thánh Vịnh, Phụng Vụ Giờ Kinh còn cho chúng ta thấy một thánh thi tạ ơn tựa đề là “Bài ca của Hezekiah, vua xứ Giuđêa, sau khi vua bị bệnh và khỏi bệnh” (Is 38:9). Bài thánh thi này ở trong một phần của sách tiên tri Isaia, phần có tính chất sử lược (xem Is 36-39), với những sự kiện nhấn mạnh đến những gì, tuy hơi khác một chút, đã được kể lại trong Sách Các Vua quyển thứ hai (xem các đoạn 18-20).
Tiếp tục phụng vụ giờ kinh ban mai, hôm nay chúng ta đã nghe và đã biến hai điệu khúc lớn của bài ca vịnh này thành lời nguyện xin, một bài ca vịnh diễn tả hai tác động mang tính cách của những lời nguyện cầu tạ ơn: một đàng là cơn ác mộng khổ đau, do lời cầu xin, đã được Chúa cất đi khỏi thành phần tín trung của Ngài, còn một đàng là việc hoan ca tạ ơn vì vua đã được phục hồi cuộc sống và ơn cứu độ.
Vua Hezekiah, một nhà cầm quyền chính trực và là bạn của tiên tri Isaia, bị ngã bệnh nặng, một cơn bệnh được tiên tri Isaia cho biết là phải chết (xem Is 38:1). “Bấy giờ Hezekiah quay mặt vào tường mà cầu nguyện cùng Chúa: ‘Ôi Chúa, xin hãy nhớ lại là tôi đã tỏ hết lòng trung thành trước nhan Ngài như thế nào, trong việc thực hiện những gì Ngài mong muốn!’ Rồi Hezekiah nức nở khóc. Khi ấy Chúa phán với Isaia thế này: ‘Hãy đi nói với Hezekiah rằng: Vậy Chúa là Thiên Chúa của Đavít cha ngươi phán: Ta đã nhận lời ngươi cầu xin, đã chứng kiến cảnh ngươi nhỏ lệ. Ta sẽ chữa lành ngươi… Ta sẽ cho ngươi sống thêm 15 năm nữa’” (Is 38:2-5).
2.- Ở đây, bài ca vịnh tạ ơn bộc phát từ cõi lòng của một nhà vua. Như Tôi đã nói, đầu tiên vua nghĩ lại quá khứ. Theo quan niệm xưa của dân Do Thái, sự chết dẫn con người đến một chân trời hạ thổ, tiếng Do Thái gọi là Âm Phủ, nơi mất hẳn ánh sáng; sự sống bị hao mòn, trở nên như ma quái; không còn thời gian, triệt tiêu hy vọng; nhất là, không còn cơ hội để kêu cầu và tìm kiếm tôn thờ Thiên Chúa nữa.
Đó là lý do tại sao trước hết Hezekiah đã nhắc lại những lời đầy đắng cay khi vua chới với trước biên giới của sự chết: “Tôi sẽ không còn được thấy Chúa trong cõi nhân sinh nữa” (câu 11). Tác giả Thánh Vịnh cũng cầu xin như thế trong ngày yếu bệnh của mình: “Vì trong số kẻ chết ai còn nhớ đến Ngài? Ai còn chúc tụng Ngài trong cõi Âm Ti?” (Ps 6:6). Thế rồi, được thoát hiểm nguy sự chết, Hezakiah đã mạnh mẽ hân hoan xác nhận là: “Kẻ sống, kẻ sống dâng lời tạ ơn Ngài, như tôi làm hôm nay đây” (Is 38:19).
3.- Chính vì chủ đề này, nếu đọc theo ý nghĩa của Lễ Phục Sinh, bài ca vịnh của vua Hezekiah mới có một giọng điệu mới mẻ. Ngay trong Cựu Ước đã có những tia sáng chói chiếu lên từ các bài Thánh Vịnh, khi con người nguyện cầu tuyên xưng niềm tin của họ là “Chúa không ruồng rẫy bỏ mặc tôi cho Âm Phủ, cũng không để cho tôi trung của Ngài bị hủy hoại. Ngài tỏ cho tôi thấy con đường sự sống, tràn ngập niềm vui trước nhan Ngài, những hoan lạc muôn đời ở bên tay hữu Ngài” (Ps 15 [16]: 10-11; xem Ps 48 [49] và 72 [73]}. Về phần mình, tác giả Sách Khôn Ngoan cũng không ngần ngại xác nhận rằng niềm hy vọng của người công chính “đầy những tính cách bất tử” (Wis 3:4), vì vị tác giả này thâm tín rằng, cảm nghiệm được sống hiệp thông với Thiên Chúa thể hiện trong cuộc sống trần gian này sẽ không bị mất đi. Chúng ta bao giờ cũng sẽ vượt trên cái chết, được Thiên Chúa hằng hữu vô biên bất tận nâng đỡ và bảo vệ, vì “linh hồn kẻ công chính ở trong tay Thiên Chúa, nên không một cực hình nào chạm được đến họ” (Wis 3:1).
Nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, mà mầm mống hằng sống đặc biệt đã được gieo trồng và đã được nẩy mầm nơi tính chất tàn rụi chết chóc của chúng ta, một tính chất khiến cho chúng ta có thể lập lại những lời của Thánh Tông Đồ dựa vào lời Thánh Kinh Cựu Ước: “Và khi cái khả hoại được mắc lấy tính chất bất hoại và cái chết chóc được mắc lấy tính chất bất tử, thì bấy giờ nên trọn những gì đã viết: ‘Sự chết đã bị vinh thắng nuốt đi. Ôi sự chết, chiến thắng của ngươi ở đâu? Ôi sự chết, nọc độc của ngươi ở đâu?’” (1Cor 15:54-55; xem Is 25:8; Hosea 13:14).
4.- Tuy nhiên, Vua Hezekiah cũng kêu mời chúng ta hãy suy nghĩ về tính chất mỏng dòn yếu đuối của loài tạo vật. Những hình ảnh gợi lên suy tư nơi tâm trí chúng ta. Cuộcï sống con người được diễn tả như biểu hiệu của một cái lều du mục. Ở chỗ, chúng ta lúc nào cũng là những kẻ hành hương và là người lữ khách trên trần gian này. Cuộc sống của con người còn được ám chỉ về hình ảnh y phục là những gì đan kết vẫn có thể chưa nên trọn khi đường chỉ bị cắt và công việc gặp trở ngại (xem Is 38:12). Vị Tác giả Thánh Vịnh cũng cảm thấy như thế: “Ngài đã cho tôi sống những ngày rất ngắn ngủi; cuộc sống của tôi chẳng là gì trước nhan Ngài. Tất cả mọi vật hữu tử chẳng qua chỉ là hơi thở. Chúng ta vất vả ngược xuôi cũng chỉ như cơn gió thoảng; những gì chúng ta đeo đuổi tới cùng cũng chỉ là hơi bay” (Ps 38 [39]:6-7). Chúng ta phải nhận thức lại những giới hạn của mình, hãy biết rằng “Nếu sung sức cùng lắm chúng ta cũng chỉ sống tới 70 hay 80 năm cuộc đời; những năm tháng ấy hầu hết là sầu đau và cơ cực; chúng qua đi rất nhanh, tất cả chúng ta rồi cũng sẽ qua đi”, Tác Giả Thánh Vịnh nói lên một lần nữa như vậy (Ps 89 [90]:10).
5.- Bởi thế, trong ngày yếu đau và khổ đau, cần phải dâng lên Chúa lời ca than, như Hezekiah dạy chúng ta, bằng cách sử dụng những hình ảnh thi ca, ông đã diễn tả việc khóc lóc của mình như tiếng gáy của loài chim én và tiếng thầm thì của con chim câu (xem Is 38:14). Thế rồi, cho dù vua có ngần ngại nói lên rằng vua cảm thấy Thiên Chúa như là một đối phương, rất giống như là một con sư tử cấu xé nát hết mọi đốt xương của mình (xem câu 13), vua vẫn không thôi kêu cầu Ngài: “Ôi Chúa, tôi đang kiệt sức; xin Ngài hãy đỡ nâng tôi!” (xem câu 14).
Chúa không thể nào lạnh lùng dửng dưng trước nước mắt của những ai khổ đau, Ngài đáp ứng, ủi an và cứu độ, mặc dù không luôn luôn theo kiểu cách mong muốn của chúng ta. Đó là những gì Hezekiah đã công nhận ở đoạn kết, khích lệ tất cả mọi người hãy hy vọng, nguyện xin và tin tưởng, xác tín rằng Thiên Chúa sẽ không ruồng bỏ tạo vật của Ngài: “Chúa là Đấng cứu độ của chúng ta; chúng ta sẽ đàn hát xướng ca / Trong nhà của Chúa hết mọi ngày trong đời sống chúng ta” (câu 20).
6.- Truyền thống Latinh thời trung cổ vẫn còn bảo trì được lời dẫn giải hay về bài ca vịnh của Vua Hezekiah này của Bernardo di Chiaravalle, một trong những nhà thần bí tiêu biểu của ngành đan viện Tây Phương. Nó là bài thứ ba trong những Bài Giảng mà Bernardo, khi áp dụng cuộc sống của mỗi người vào thảm kịch mà nhà vua xứ Giuđêa này phải chịu, và phân tích sâu xa nội dung của bài ca vịnh, đã viết ra nhiều điều, trong đó có câu: “Tôi sẽ chúc tụng Chúa trong mọi lúc, tức là từ sáng tới tối, như tôi đã thực hiện, chứ không phải như những người chỉ chúc tụng Ngài khi Ngài làm lành cho họ, hay cũng không như những ai tin tưởng một lúc nào đó, nhưng lại bỏ cuộc khi thử thách xẩy đến, song như những vị thánh, tôi sẽ nói rằng: Nếu chúng ta đã lãnh nhận sự thiện từ tay Thiên Chúa thì chẳng lẽ chúng ta lại không chấp nhận cả sự dữ hay sao? Thế nên cả hai giây phút trong ngày sống này đều là thời gian phụng sự Thiên Chúa, vì than khóc về đêm, còn ban ngày thì hân hoan vui mừng. Tôi sẽ trầm mình trong khổ đau về đêm, để tôi có thể hoan hưởng hạnh phúc vào lúc ban mai” (Scriptorium Claravallense, Sermo III, No. 6, Milan 2000, pp. 59-60).
Bởi vậy, lời cầu khẩn của vị vua này được Thánh Bernardo đọc như biểu hiệu cho bài ca nguyện cầu của Kitô hữu, một bài ca nguyện phải vang vọng bằng cùng một tính cách liên lỉ và thâm trầm trong tăm tối của đêm đen và của thử thách, cũng như trong ánh sáng của ngày sống và của niềm vui.
(Kết thúc bài giáo lý, ĐTC đã tóm gọn như sau)
Anh chị em thân mến,
Bài Ca Vịnh Hezekiah, một ông Vua Do Thái xưa, được trình bày cho thấy hai phần khác biệt. Phần thứ nhất nói về những cảnh tượng kinh khiếp của khổ đau và sự chết đang tấn công người tôi tớ của Chúa. Phần thứ hai là một bài thánh thi vui mừng tạ ơn về cuộc sống mới và ơn cứu độ được Thiên Chúa ban cho.
Bài Ca Vịnh này mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ về thân phận mỏng dòn yếu đuối tạo vật chúng ta. Trong những lúc yếu đau và khổ đau cần phải dâng lên Chúa những tiếng kêu than, vì Ngài nhận lời chúng ta và không lạnh lùng dửng dưng trước những giọt lệ của chúng ta. Cả trong những lúc gặp may lành nữa, chúng ta cũng phải đặt niềm tin tưởng của mình nơi Chúa và hát ca chúc tụng Ngài bằng tấm lòng tri ân cảm tạ. Như thế, bài thánh thi của Hezekiah trở nên một mẫu mực cho lời cầu nguyện của Kitô hữu: cho dù sống trong tăm tối của sầu đau hay khổ đau, hoặc sống trong ánh sáng tỏa rạng của vui mừng và ơn cứu độ, Kitô hữu đều phải kêu lên Thiên Chúa và kêu cầu Đấng Thánh là Tạo Hóa và là Đấng Cứu Độ của họ.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
dịch theo L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 6/3/2002)