13/3 Thứ Tư.
Bài Giáo Lý Thánh Vịnh 33:THIÊN CHÚA GIÚP CHÚNG TA
THẮNG VƯỢT NHỮNG KHỐN KHÓ CỦA CHÚNG TA(Thánh Vịnh 76 (77), Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Hai)
1.- Khi đặt bài Thánh Vịnh 76 (77), chúng ta vừa tuyên đọc, vào kinh ban mai, phụng vụ muốn nhắc nhở chúng ta rằng một ngày sống được mở màn không phải lúc nào cũng sáng sủa. Giống như một ngày tăm tối hiện lên với bầu trời đầy mây mù báo hiệu giông tố bão bùng, cuộc đời của chúng ta cũng cảm nghiệm thấy những ngày đầy nước mắt và lo âu sợ hãi. Đó là lý do tại sao vừa hừng đông lời cầu nguyện đã biến thành một lời than van, lời nài nỉ, lời kêu cứu.
Bài Thánh Vịnh của chúng ta đây thực sự là một lời thiết tha kêu cầu liên lỉ dâng lên Thiên Chúa, mang tính cách hết sức tin tưởng, thật vậy, một niềm tin tưởng vào việc can thiệp của Thiên Chúa. Đúng thế, đối với vị Tác Giả Thánh Vịnh, Chúa không phải là một đế vương vô tâm, bỏ xó những tầng trời rạng rỡ của Ngài, dửng dưng với các sinh hoạt của chúng ta. Từ ý thức này, một ý thức có những lúc thắt bó tâm can con người, hiện lên những vấn đề rất đắng cay có thể đưa đến tình trạng khủng hoảng về đức tin, đó là vấn đề “phải chăng Thiên Chúa đang chối bỏ tình yêu của Ngài cùng với thành phần Ngài đã tuyển chọn? Ngài đã quên mất thời Ngài đã nâng đỡ chúng ta và làm cho chúng ta sống hạnh phúc rồi hay sao?” Rồi chúng ta sẽ thấy, những vấn đề này phải được tan biến bởi tấm lòng tin tưởng đổi mới đặt nơi Thiên Chúa, Vị Cứu Chuộc và Cứu Tinh.
2.- Vậy chúng ta hãy tiếp tục khai triển lời cầu nguyện này, lời cầu nguyện được bắt đầu bằng một cung giọng thảm thiết, buồn thương, rồi từ từ hướng đến tình trạng bình tâm và hy vọng. Ở đây, trước hết chúng ta thấy hiện lên cảnh than van về hiện trạng buồn thảm cũng như về việc Thiên Chúa im hơi lặng tiếng (xem các câu 2-11). Tiếng kêu cứu vang lên một tầng trời dường như câm nín, những bàn tay giơ cao nài nỉ, với tấm lòng đầy nát tan. Tình trạng gồng mình chịu khó liên tục tái diễn nơi tận đáy linh hồn, xẩy ra trong một đêm không ngủ, thấm đẫm nước mắt và nguyện cầu, […] “[tôi suy niệm] trong lòng”, như ở câu 7 cho thấy.
Khi cơn đau lên đến hết cỡ, cũng như khi con người mong sao thoát khỏi việc uống chén đau thương (xem Mt 26:39), là lúc những lời lẽ bột phát lên và trở thành lời than tiếng khóc, như đã nói đến trước đây (xem Ps 76 [77]: 8-11). Tiếng kêu la này như đặt vấn đề với tính cách mầu nhiệm của Thiên Chúa và việc Ngài im hơi lặng tiếng.
3.- Vị tác giả Thánh Vịnh ngẫm nghĩ tại sao Chúa lại ruồng bỏ mình, tại sao Ngài đã thay hình đổi dạng, đã quên đi tình Ngài yêu thương, quên lời Ngài hứa cứu độ, và quên việc Ngài tỏ lòng âu yếm xót thương. “Bàn tay phải của Đấng Tối Cao”, một bàn tay đã hoàn thành cuộc cứu độ lạ lùng nơi biến cố Xuất Ai Cập, giờ đây dường như đã bị bất toại (xem câu 11). Đó là một “cực hình” thực sự và đúng nghĩa, một cuộc cực hình khiến đức tin của con người nguyện cầu phải điêu đứng. Nếu thực sự là như vậy thì Thiên Chúa quả không còn là Thiên Chúa nữa, Ngài sẽ trở thành một hữu thể độc ác và có một dung nhan như những ngẫu tượng không biết cứu độ, vì chúng bất khả, lạnh lùng và vô năng. Cả một thảm kịch đức tin trong lúc bị thử thách và vắng bóng Thiên Chúa đã hiện lên nơi những câu đầu tiên của bài Thánh Vịnh 76 (77) này.
4.- Tuy nhiên, vẫn còn những lý do để hy vọng. Những gì xuất hiện nơi phần thứ hai của lời cầu khấn (xem các câu 12-21) giống như một bài thánh thi được viết ra để lập lại niềm xác tín can đảm của lòng con người tin tưởng ngay cả trong ngày tăm tối của đau thương. Con người hoan ca cuộc cứu độ trong quá khứ, một cuộc cứu độ được thể hiện rõ ràng nơi việc tạo thành cũng như nơi việc giải thoát khỏi cảnh làm tôi Ai Cập. Cái hiện trạng khổ cực được cảm nghiệm cứu độ trong quá khứ chiếu soi, một cảm nghiệm cứu độ là hạt giống được gieo mầm trong lịch sử, ở chỗ, nó không chết mà chỉ bị dập vùi rồi sẽ nẩy sinh sau đó (xem Jn 12:24).
Như thế là vị Tác Giả Thánh Vịnh đã nói đến một quan niệm thánh kinh hệ trọng, quan niệm của “việc tưởng niệm”, một việc tưởng niệm không phải chỉ như là một ký ức nhung nhớ phôi phai, mà là niềm tin vào tác động thần linh hiệu lực: “Tôi sẽ nhớ lại những việc Chúa làm; phải, tôi sẽ nhớ lại những kỳ công của Ngài trong quá khứ” (Ps 76[77]:12). Hành động tuyên xưng đức tin nơi những việc cứu độ trong quá khứ là việc đưa đến niềm tin vào những gì Chúa luôn là và bởi đó cũng vẫn là trong hiện tại. “Ôi Thiên Chúa, đường lối của Ngài thánh hảo; … Chỉ có Ngài mới là Vị Thiên Chúa đã thực hiện những sự lạ lùng” (các câu 14-15). Thế nên, hiện trạng, một hiện trạng không có lối thoát và tối tăm mù mịt, được soi sáng bởi đức tin nơi Thiên Chúa và hướng tới hy vọng.
5.- Để bảo trì đức tin này, Tác Giả Thánh Vịnh có lẽ đã trích lại một thánh thi cổ, bài thánh thi hình như được hát lên trong phụng vụ của đền thờ Sion (xem các câu 17-20). Nó là một cuộc thần hiển rạng ngời, nhờ đó Chúa đã đi vào cảnh giới lịch sử, biến đổi thiên nhiên tạo vật, nhất là biến đổi những giòng nước, biểu hiệu cho hỗn loạn, sự dữ và khổ đau. Hình ảnh tuyệt đẹp là hình ảnh đường lối của Thiên Chúa vượt qua những giòng nước, dấu hiệu của việc Ngài chiến thắng các quyền lực tiêu cực: “Đường lối của Ngài vượt qua biển cả, vượt qua các giòng nước mãnh liệt, dù bước chân Ngài không in dấu vết” (câu 20). Và người ta nghĩ đến việc Chúa Kitô bước đi trên nước, một dấu hiệu hùng hồn cho thấy việc Người chiến thắng trên sự dữ (xem Jn 6:16-20).
Ở phần kết, khi nhắc nhở đến việc Thiên Chúa đã dẫn dắt dân của Ngài “như một đoàn lũ được Moisen và Aaron chăm sóc” (Ps 76[77]:21), bài Thánh Vịnh ngầm đưa đến một niềm tin tưởng là Thiên Chúa sẽ trở lại cứu độ chúng ta. Bàn tay quyền năng và vô hình của Ngài sẽ ở với chúng ta qua bàn tay hữu hình của các vị mục tử và hướng đạo viên do Ngài chọn cử. Bài Thánh Vịnh, bắt đầu bằng một tiếng la đau, cuối cùng làm dậy lên những cảm thức tin tưởng và hy vọng vào vị mục tử cao cả của linh hồn chúng ta (xem Heb 13:20; 1Pt 2:25).
(ĐTC đã tóm gọn bài giáo lý Thánh Vịnh như sau:)
Anh chị em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 76 là một lời nguyện cầu của nỗi than van và là một lời kêu cứu Thiên Chúa ngay khi vừa mở màn cho một ngày mới. Vị Tác Giả Thánh Vịnh, trong cơn sầu thảm của mình, bị thúc đẩy lên tiếng đặt vấn đề phải chăng Thiên Chúa đã quên những lời hứa hẹn của Ngài và đã ruồng bỏ dân của Ngài. Tuy nhiên, vị tác giả này vẫn không mất lòng tin tưởng; bằng một niềm hy vọng đổi mới, tác giả đã ngẫm nghĩ đến các việc cứu độ của Thiên Chúa trong quá khứ, khi Ngài dẫn dân Ngài qua Biển Đỏ, nhờ tay của Moisen và Aaron. Hành động tưởng nhớ đến việc cứu độ quá khứ dân Do Thái cảm nghiệm được đã trở thành một lời tuyên xưng đức tin vào sự hiện diện liên tục của Thiên Chúa cũng như vào quyền năng cứu độ của Ngài. Bài Thánh Vịnh kết thúc với hình ảnh Thiên Chúa bước đi qua các giòng nước mãnh liệt (câu 20) để dẫn lối cho dân Ngài, một hình ảnh Kitô hữu đọc thấy như một ám chỉ về việc Chúa Giêsu Kitô bước trên nước (x Jn 16:6-20), và thậm chí giờ đây vẫn dẫn Giáo Hội bằng đức tin cho đến tầm mức trọn vẹn của ơn cứu độ.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
dịch theo L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 20/3/2002)