Bài 34 (Thứ Tư 20/3/2002) 

CA VỊNH NGỢI KHEN CỦA CỰU ƯỚC

(Ca Vịnh Anna, Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Hai)

 

1.-        Tiếng của một người đàn bà dẫn chúng ta hôm nay vào một lời cầu nguyện chúc tụng Chúa của sự sống. Thật vậy, trong câu truyện ở cuốn Sách Samuel Thứ Nhất, bà Anna là người đã xướng lên bài thánh thi chúng ta vừa công bố, sau khi bà hiến dâng con mình là bé Samuel lên cho Chúa. Bé sẽ là một vị tiên tri trong Dân Do Thái, và bằng việc làm của mình, bé sẽ đánh dấu một cuộc chuyển tiếp của dân Do Thái sang một thể chế chính quyền mới, một thể chế quân chủ, một thể chế sẽ có những vị đóng vai chính như một vua Saolê bất hạnh và một vua Đavít hiển vinh. Bà Anna đã phải trải qua một quá khứ đau thương, như câu truyện kể lại, vì Chúa “đã làm cho bà bị son sẻ” (1Sam 1:5).

Trong dân Do Thái xưa, người phụ nữ nào bị coi như là một cành cây khô, một sự hiện diện chết chóc, một phần là bởi vì họ đã gây cản trở chồng mình trong việc nối dõi tông đường, một sự kiện quan trọng ở những gì vẫn còn là một viễn ảnh bất định và mập mờ về cuộc sống tương lai.

2.-        Tuy nhiên, bà Anna đã đặt tin tưởng nơi Vị Thiên Chúa của sự sống nên đã nguyện cầu rằng: “Ôi Chúa các đạo binh, nếu Ngài dủ tình đoái thương đến nỗi khốn cùng của nữ tì Chúa, nếu Chúa nhớ đến tôi và đừng bỏ quên tôi, nếu Chúa ban cho nữ tì của Chúa một đứa con trai, tôi sẽ dâng nó trót đời cho Chúa” (câu 11). Và Thiên Chúa thực sự đã nghe tiếng kêu của người đàn bà khiêm hạ này, Ngài đã ban cho bà Samuel: một thân cây khô đã trổ sinh một chồi cây sống (xem Is 11:1); điều đối với quan điểm loài người bất khả đã trở thành một thực tại cảm kích, đó là con trẻ được hiến dâng lên cho Chúa.

Bài ca tạ ơn thốt lên từ môi miệng của người mẹ này sẽ được lập lại một lần nữa và được tái diễn ngữ bởi một người mẹ khác, đó là Đức Maria, Vị trinh nguyên đã sinh con bởi quyền phép Thần Linh Thiên Chúa. Thật vậy, trong bài ca vịnh “Ngợi Khen” của Mẹ Chúa Giêsu, người ta thấy được bài ca vịnh của bà Anna, một bài ca vịnh mà chính vì thế mới được gọi là “Bài Ca Vịnh Ngợi Khen của Cựu Ước”.


3.-        Thật vậy, các học giả nhận thấy rằng vị tác giả sách thánh đã đặt trên môi miệng bà Anna một loại Thánh Vịnh vương giả, một loại thánh vịnh phảng phất những trích dẫn và những qui chiếu gián tiếp theo những bài Thánh Vịnh khác.

Trong phần tiền cảnh, hình ảnh của một vị vua Do Thái hiện lên, bị đối phương quyền lực hơn tấn công, nhưng cuối cùng đã được cứu và chiến thắng vì Chúa là Đấng ở với vua, Ngài đã bẻ gẫy những cung tên của kẻ quyền uy thế lực (xem 1Sam 2:4). Bài ca được kết thúc một cách có ý nghĩa, khi Chúa xuất hiện bằng một cuộc thần hiển long trọng: “Những kẻ thù của Chúa bị đánh tan. Đấng Tối Cao trên tầng trời làm vang dội sấm xét; Chúa phán xử khắp cùng bờ cõi trái đất. Giờ đây Ngài ban sức mạnh cho vị vua của Ngài và tạo quyền thế cho Đấng Ngài xức dầu” (cầu 10). Theo tiếng Do Thái, chữ cuối cùng chính là “đấng thiên sai”, tức là “đấng được xức dầu”, một từ ngữ làm cho lời cầu nguyện vương giả này được biến thành một bài ca của niềm hy vọng về một vị thiên sai.

4.-        Chúng ta muốn chú trọng đến hai từ ngữ trong bài thánh thi tạ ơn này, bài thánh thi nói lên cho thấy tâm tình cảm mến của bà Anna. Từ thứ nhất cũng nổi bật trong bài Ca Vịnh Ngợi Khen của Mẹ Maria, và là một thứ ngược đảo về số phận do Thiên Chúa thực hiện. Kẻ quyền năng bị hạ xuống còn kẻ yếu mềm “được tràn đầy sức mạnh”; kẻ no thỏa không tìm đâu ra lương thực, còn kẻ đói khát lại ngồi tại một bàn tiệc cao lương hảo vị; kẻ bần cùng được nâng lên khỏi bụi đất để lãnh nhận “một chỗ ngồi vẻ vang” (xem các câu 4-8).

Người ta dễ nhận thấy nơi lời cầu nguyện cổ kính này đề tài về bảy tác động được Mẹ Maria thấy Thiên Chúa Cứu Tinh thể hiện trong giòng lịch sử: “Ngài đã ra tay uy quyền, Ngài đã dẹp tan kẻ ngạo mạn…, Ngài đã hạ kẻ quyền năng xuống khỏi ngai tòa của họ, và nâng những ai thấp hèn lên; Ngài đã cho người đói khó đầy những gì thiện hảo, và đã để kẻ giầu có trở thành tay không. Ngài đã hộ phù Do Thái tôi tớ của Ngài” (Lk 1:51-54).

Đó là lời tuyên xưng đức tin của hai bà mẹ trước Vị Chúa của lịch sử, Đấng tự mình trang bị để bảo vệ kẻ thấp hèn nhất, kẻ bần cùng và bất hạnh, kẻ bị tổn thương và nhục nhã.

5.-        Một đề tài khác chúng ta muốn chia sẻ dù liên quan đến nhân vật Anna, đó là “Người vợ son sẻ hạ sinh bảy đứa, còn bà mẹ mắn con lại trở nên cằn cỗi” (1Sam 2:5). Chúa là Đấng đạo lộn định mệnh cũng là Đấng làm nguồn mạch cho sự sống và sự chết. Lòng dạ son sẻ của bà Anna giống như một ngôi mộ; nhưng Thiên Chúa đã làm cho sự sống nẩy sinh, vì trong “hồn sống của hết mọi sinh vật cùng hơi thở sống của toàn thể loài người đều ở trong bàn tay này” (Jb 12:10). Bởi thế, ngay sau câu trên là câu: “Chúa đã làm cho chết và ban cho sống; Ngài đầy xuống âm phủ; Ngài lại đưa lên” (1Sam 2:6).

Tới đây, niềm hy vọng chẳng những liên quan đến con trẻ được sinh ra, mà còn đến cả những gì Thiên Chúa có thể hồi sinh sau khi chết nữa. Bởi thế, một chân trời như mang nét “vượt qua” của sự phục sinh đã hiện lên. Tiên tri Isaia sau này hát lên rằng: “Thế rồi kẻ chết của các người sẽ sống, thi thể của họ sẽ chỗi dậy; hãy thức giấc mà hát ca hỡi các người là kẻ đang nằm trong bụi đất. Vì sương sa của các người là thứ sương xa lóng lánh sáng, và mảnh đất tối tăm sẽ trổ sinh” (Is 26:19).


(ĐTC đã tóm gọn bài giáo lý Thánh Vịnh như sau:)

Anh chị em thân mến,

Đó là tiếng của bà Anna, mẹ của tiên tri Samuel, tiếng đã đưa chúng ta đến bài suy niệm sáng hôm nay đây. Bài ca vịnh tạ ơn của bà được gọi là “Bài Ngợi Khen của Cựu Ước”, vì nó rất giống như bài thánh ca chúc tụng được Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, xướng lên sau biến cố Truyền Tin.

Cả hai bài thánh ca đều là một lời cảm kích tuyên xưng đức tin nơi Vị Chúa của lịch sử, Đấng đứng về phía kẻ thấp hèn nhất, người bần cùng, và kẻ khổ đau. Bụng dạ son sẻ của bà Anna giống như một ngôi mộ tối tăm, song Thiên Chúa đã làm cho nó thành nơi phát sinh sự sống mới. Nhờ đó, chúng ta thấy một hình ảnh mờ mờ về Sự Phục Sinh, khi sự sống hoàn toàn chiến thắng trên sự chết. Cùng với bà Anna và Mẹ Maria, chúng ta cũng hát lên những lời chúc tụng Thiên Chúa, Đấng “làm cho chết và ban sự sống, Đấng đầy đọa… và phục hồi” (1Sam 2:6).

 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 27/3/2002)