Bài 35 (Thứ Tư 3/4/2002) 

 

Vinh Quang của Chúa, Vị Quan Án của Thế Giới

(Thánh Vịnh 96 [97], Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Hai)

 

 

1.-        Ánh sáng, niềm vui và an bình đang tràn ngập cộng đồng của thành phần môn đệ Chúa Kitô dịp Lễ Phục Sinh, cũng như đang lan tràn khắp cả thiên nhiên tạo vật, cũng thấm nhập vào cả cuộc gặp gỡ của chúng ta đang diễn ra trong những ngày Bát Nhật Phục Sinh hoan hỉ này. Trong những ngày này, chúng ta đang cử hành cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên sự dữ và sự chết. Nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người , Vương Quốc công chính và yêu thương theo ý muốn của Thiên Chúa đã được vĩnh viễn thiết lập.

 

Hôm nay, chúng ta sẽ chú trọng đến Vương Quốc Thiên Chúa trong bài giáo lý của chúng ta, qua việc suy niệm bài Thánh Vịnh 96 (97). Bài Thánh Vịnh này mở đầu bằng một lời loan báo trang trọng: “Chúa hiển trị; địa cầu hãy hân hoan; các miền duyên hải hãy vui mừng”, và được coi như là một cuộc chúc tụng Vị Vua thần linh, Chúa của vũ trụ cũng như của lịch sử. Chúng ta có thể nói đây là một bài Thánh Vịnh “Lễ Phục Sinh”.

 

Chúng ta biết rằng, Chúa Giêsu quan trọng vấn đề loan báo Vương Quốc của Thiên Chúa trong việc rao giảng của Người. Đó không phải chỉ là việc tạo vật nhận biết mình lệ thuộc vào Vị Hóa Công của mình; nó còn là niềm xác tín về một dự án, một phác họa, một chiến thuật của sự hài hòa và thiện hảo do Thiên Chúa mong muốn thực hiện nơi lịch sử nữa. Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh Vượt Qua của Chúa Giêsu đã làm hoàn thành dự án này.

 

2.-        Vậy chúng ta hãy đọc hết bài Thánh Vịnh được phụng vụ ấn định để chúng ta cử hành Giờ Kinh Ban Mai này. Ngay sau khi công bố Chúa là Vua, một lời công bố vang lên như một phát kèn lệnh, thì nguyên một cuộc thần hiển cả thể hiện ra trước con người cầu nguyện. Bằng việc sử dụng những câu trích dẫn, những suy diễn liên quan đến các đoạn khác của các bài thánh vịnh, hay của các tiên tri, nhất là của tiên tri Isaia, tác giả thánh vịnh diễn tả việc Vị Vua cao cả xuất hiện ở một cảnh trí thế gian được vây tỏa bởi một loạt những tác viên hay trực viên của vũ trụ, như các đám mây, màn đêm dầy đặc, lửa, chớp.

 

Cùng với những thứ ở trong cảnh trí này còn có một loạt những trực viên khác đã nhân cách hóa tác hành của Ngài trong giòng lịch sử, như công chính, quyền lợi và vinh hiển. Tất cả những thứ này nhập cuộc khiến cho toàn thể tạo vật  náo động lên. Trái đất hoan hỉ khắp nơi, kể cả các hải đảo, được coi như  những nơi xa xăm nhất (x Ps 96 [97]:1). Những tia chớp thắp sáng cả thế giới, và cuộc động đất làm thế giới rùng mình kinh hãi (x câu 4). Những ngọn núi mà, theo vũ trụ học của Thánh Kinh, là hiện thân của một thực tại cổ kính và vững chắc nhất, bị tan ra như sáp ong (x câu 5), như tiên tri Mica đã xướng lên: “Này, Chúa đang đến từ nơi của Ngài… và các núi non sẽ chảy ra dưới chân Ngài và các thung lũng sẽ tách rời như sáp ong trước ngọn lửa” (Mi 1:3-4). Các thiên thần làm cho các tầng trời vang rền những bài ca chúc tụng tôn vinh đức công minh, công cuộc cứu độ được Chúa thực hiện cho kẻ lành. Sau hết, toàn thể nhân loại được chiêm ngưỡng thấy vinh quang thần linh tỏ hiện, một thực tại nhiệm mầu của Thiên Chúa (x Ps 96 [97]: 6), trong khi “những kẻ thù”, kẻ gian ác và bất chính, rút lui nhường chỗ cho quyền năng vô địch của việc Chúa phán quyết (x. câu 3).

 

3.-        Sau cuộc thần hiển của Vị Chúa vũ trụ, bài Thánh Vịnh diễn tả hai kiểu phản ứng của Đức Vua cao cả cũng như việc Ngài đi vào lịch sử. Một mặt là các kẻ tôn thờ ngẫu tượng và các ngẫu tượng lộn nhào xuống đất, xấu hổ và thảm bại; mặt kia là thành phần tín nghĩa, những người đã qui tụ lại ở Sion để cử hành phụng vụ tôn vinh Chúa, hân hoan dâng lên Ngài bài thánh thi ca ngợi. Cảnh về “những kẻ tôn thờ các thứ ngẫu tượng” (x các câu 7-9) rất ngoạn mục; các thứ ngẫu tượng cúi mình trước Vị Thiên Chúa duy nhất, và các kẻ theo chúng cảm thấy hết sức hổ ngươi. Thành phần công chính hân hoan ở phán quyết thần linh, một phán quyết loại trừ những gian dối và lòng đạo đức giả tạo, nguồn gốc gây ra tình trạng thê thảm và nô lệ về luân lý. Chúng lên tiếng tuyên xưng một niềm tin minh tường là: “Ôi Chúa, Chúa là Đấng tối cao trên toàn trái đất; Chúa vượt lên trên hết mọi thứ thần linh” (câu 9).

 

4.-        Tương phản lại với hình ảnh cho thấy vinh thắng trên những thứ ngẫu tượng cũng như trên những kẻ tôn thờ ngẫu tượng là một hình ảnh của những gì được gọi là một ngày rạng ngời của kẻ tín nghĩa (câu 10-12). Thật vậy, một ánh sáng hiện lên như bình minh cho kẻ công chính đã được đề cập đến (câu 11): đó là việc hiện lên của một bình minh vui mừng, hoan lạc và hy vọng, vì – như chúng ta đã quá biết – ánh sáng là biểu hiệu cho Thiên Chúa (x 1Jn 1:5).

 

Tiên tri Malachi đã xác nhận là: “Vì ngươi kính sợ danh Ta mà mặt trời công chính chiếu tỏa ánh sáng chữa lành sẽ tỏ hiện” (Ml 3:20). Ánh sáng và hạnh phúc đi đôi với nhau: “Niềm vui cho người có tâm hồn ngay thẳng. Hỡi các người công chính, hãy hân hoan trong Chúa và hãy tán tạ thánh danh của Ngài!” (Ps 96 [97]:11-12).

 

Vương Quốc của Thiên Chúa là nguồn mạch bình an và yên hàn, thắng đoạt đế quốc của tối tăm. Một cộng đồng Do Thái trong thời của Chúa Giêsu đã xướng lên rằng: “Sự vô thần rút lui trước công lý, như tối tăm biến tan trước ánh sáng; sự vô thần sẽ vĩnh viễn biến mất, và công lý, như mặt trời, sẽ chiếu tỏa để mở màn cho một thế giới trật tự” (Libro dei misteri di Oumrln [Book of the Mysteries of Qumran]: 1Q 27, I, 5-7).

 

5-         Tuy nhiên, trước khi chúng ta kết thúc bài Thánh Vịnh 96 [97], chúng ta cần phải tái nhận thức là, cùng với dung nhan của Vị Vương Chúa còn có một lược toát về thành phần tín nghĩa nữa. Có bảy đặc tính được kể đến là dấu hiệu cho thấy sự thiện hảo và vẹn toàn. Những ai đợi chờ Vị Vua thần linh cao cả đến, họ ghét sự dữ, yêu mến Chúa, họ là hasidim, tức thành phần tín nghĩa (x câu 10), kẻ bước đi trên con đường chân chính, có một tấm lòng ngay thẳng, hoan hỉ nơi những công cuộc của Thiên Chúa và tán tạ ngợi khen danh thánh của Chúa (x câu 12). Chúng ta hãy xin Chúa làm cho những đặc tính thiêng liêng này tỏa chiếu nơi gương mặt của chúng ta.

 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 10/4/2002)