Bài 36 (Thứ Tư 10/4/2002)

 

Vinh Quang của Chúa, Vị Quan Án của Thế Giới

(Thánh Vịnh 79 [80], Kinh Ban Mai, Thứ Năm, Tuần Thứ Hai)

 

1.-        Bài Thánh Vịnh chúng ta vừa nghe có một giọng than vãn và van lơn của toàn thể dân Do Thái. Phần đầu của bài Thánh Vịnh sử dụng một biểu hiệu quá quen thuộc là việc mục vụ. Chúa được kêu cầu như là “một vị mục tử của dân Do Thái”, Đấng là “vị dẫn dắt đàn chiên của Giuse” (câu 2). Từ cao điểm của Hòm Bia Giao Ước có thần Cherubim ngự, Chúa đã dẫn đắt đàn chiên của Ngài là dân Ngài, và bảo vệ họ khỏi hiểm nguy.

Đó là những gì Ngài đã làm trong việc họ băng qua sa mạc. Tuy nhiên, giờ đây, Ngài dường như vắng mặt, hầu như Ngài đang thiếp ngủ hay lạnh lùng dửng dưng. Ngài chỉ cho đàn chiên được Ngài dẫn dắt và nuôi dưỡng (x Ps 22 [23]} thứ bánh châu lệ (x câu 6). Các kẻ thù nhạo cười đám dân bị hạ nhục và bị xúc phạm này; thế mà dường như Thiên Chúa chẳng nhúc nhích gì cả, chẳng chút “động lòng” (câu 3), Ngài cũng chẳng tỏ ra quyền năng của Ngài, một quyền năng bao che bảo vệ các nạn nhân của bạo lực và bị đàn áp.

Việc lập lại lời van nài theo kiểu đối ca (x câu 4,8) như thể là việc tìm cách lay động Thiên Chúa cho khỏi có thái độ cách biệt, để Ngài quay về chăn dắt và bảo vệ dân của Ngài.

2.-        Nơi phần thứ hai của bài cầu nguyện này, một phần đầy những căng thẳng kèm theo lòng tin tưởng, chúng ta thấy một biểu hiệu khác rất hợp với Thánh Kinh, đó là biểu hiệu cây nho. Nó là một hình ảnh dễ hiểu, vì nó liên quan đến viễn ảnh của Đất Hứa đồng thời cũng là dấu hiệu sinh hoa kết trái và vui mừng.

Như tiên tri Isaia dạy ở một trong những trang thi ca của ngài (x Is 5:1-7), cây nho tiêu biểu cho dân Do Thái. Nó cho thấy 2 chiều kích căn bản: chiều kích thứ nhất, vì nó được Thiên Chúa trồng cấy (x Is 5:2; Ps 79 [80]: 9-10), cây nho tượng trưng cho quà tặng, cho ân sủng, cho tình yêu Thiên Chúa; chiều kích thứ hai, nó cần đến công khó của nhà nông là việc làm cho cây nho sinh hoa kết trái để làm rượu; bởi thế, nó cũng tượng trưng cho việc đáp ứng của con người, cho nỗ lực của con người cũng như cho hoa trái của các việc lành.

3.-        Qua hình ảnh cây nho, bài Thánh Vịnh nhắc lại những giai đoạn chính của lịch sử dân Do Thái: rễ của nó là kinh nghiệm Xuất Ai Cập và việc vào Đất Hứa. Cây nho tiến tới tầm mức cao nhất của mình trên toàn vùng Palestina và cả ngoài vùng này nữa trong triều đại vua Solomon. Thật vậy, nó vươn từ những vùng núi non thuộc miền bắc xứ Lebanon là nơi có những cây trắc bá, đến Địa Trung Hải và gần tới sông cả Euphrates (x câu 11-12).

Tuy nhiên, vinh quang của việc triển nở này đã bị tàn tạ. Bài Thánh Vịnh nhắc nhở chúng ta rằng, có một cơn bão tố đánh vào cây nho của Thiên Chúa, nghĩa là, dân Do Thái phải chịu đựng một cuộc thử thách dữ dội, một cuộc chiếm đánh kinh hoàng tàn phá Đất Hứa. Đóng vai như là một tay chiếm phá, chính Thiên Chúa đã phá đổ tường thành vây quanh cây nho, để cho nó bị giầy xéo bởi những tên trộm cướp,  tiêu biểu nơi hình ảnh con gấu dại, một con thú vẫn được coi là hung dữ và nhơ bẩn theo tập tục cổ xưa. Quyền lực của con gấu liên quan đến tất cả những con hoang thú, tiêu biểu cho một lũ tác hại hủy hoại hết mọi sự (x câu 13-14).

4.-        Thế rồi, một lời thiết tha kêu gọi được dâng lên Thiên Chúa, phá vỡ sự nín thinh của Ngài ra tay tái diễn việc bảo vệ thành phần nạn nhân: “Từ trời cao, lạy Chúa các đạo binh, xin hãy đoái nhìn lại, xin hãy nhìn xuống và trông xem; hãy coi sóc cây nho này” (câu 15). Thiên Chúa sẽ lại là Đấng bảo vệ thân nho đang trải qua một cơn bão tố dữ dội, Ngài đánh tan tất cả những ai muốn làm cho nó bật gốc lên và thiêu cho nó bị cháy rụi (x câu 16-17).

Đến đây, bài Thánh Vịnh hướng tới một niềm Hy Vọng có mầu sắc thiên sai. Thật vậy, ở câu 18 có lời cầu khẩn là: “Chớ gì ơn trợ giúp của Ngài ở với con người bên hữu Ngài, ở với kẻ Ngài đã từng làm cho mạnh mẽ”. Chúng ta trước hết nghĩ đến vị vua theo giòng dõi Đavít, Đấng mà với sự trợ giúp của Thiên Chúa sẽ lãnh đạo một cuộc nổi dậy giành lấy tự do. Thế nhưng, việc tin tưởng vào Đấng Thiên Sai tương lai được nói tới đây tức là một “con người” sẽ được tiên tri Đaniên nói tới (x 7:13-14), và Giêsu sẽ được coi như là danh xưng nói lên việc Người làm cũng như bản vị thiên sai của Người. Thật vậy, các vị Giáo Phụ đã đồng thanh nói lên rằng, cây nho được bài Thánh Vịnh gợi lên cho thấy đây là tiền thân loan báo về Chúa Kitô là “cây nho thật” (Jn 15:1) và về cả Giáo Hội của Người nữa.

5.-        Vì dung nhan của Chúa lại chiếu tỏa, dân Do Thái cần phải thận trọng trong việc trung thành và cầu nguyện cùng Vị Thiên Chúa Cứu Độ. Đó là những gì tác giả bài Thánh Vịnh đã diễn đạt khi xác nhận rằng: “Bấy giờ chúng tôi sẽ không tránh né nhan Ngài” (câu 19). Vậy Thánh Vịnh 79 (80) là một bài ca đặc biệt, được ghi dấu vết khổ đau, nhưng cũng có đặc tính của lòng tin tưởng bất khả diệt. Thiên Chúa luôn sẵn sàng “trở lại với dân Ngài, nhưng dân Ngài cũng cần phải “trở lại” với Ngài bằng lòng trung thành. Nếu chúng ta hối cải tội lỗi mình, Chúa sẽ “rút lại” ý định trừng phạt của Ngài: Đó là niềm xác tín của vị tác giả thánh vịnh, một xác tín cũng vang vọng nơi tâm hồn của chúng ta, hướng chúng ta về một niềm hy vọng.

(ĐTC đã tóm bài giáo lý của Ngài bằng Anh ngữ như sau)

Anh chị em thân mến,

Bài Thánh Vịnh 79 là một bài ca than vãn, một lời van xin Chúa. Thiên Chúa được kêu cầu nhữ “Vị Mục Tử” và được kêu gọi để cứu độ dân Ngài là đàn chiên Ngài chăn dắt. Thế rồi xuất hiện hình ảnh cây nho: được Chúa trồng và con người chăm bón, nó nẩy nở và phát triển, sinh nhiều hoa trái. Thế nhưng những tường thành bảo vệ nó đã bị phá đổ và bị giầy xéo bởi những con hoang thú, tiêu biểu cho tội lỗi và sự dữ.

Tuy nhiên, dân thánh của Thiên Chúa không mất niềm hy vọng. Họ kêu lên Chúa. Thật vậy, không phải là Thiên Chúa đã bỏ rơi dân của Ngài, mà là dân Ngài đã bỏ Ngài mà đi. Bởi thế, tất cả chúng ta cần phải trở về cùng Chúa, Đấng hằng sẵn sàng cứu độ chúng ta khỏi hình khổ và sự chết đời đời, bằng việc hiến ban ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô.

 
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 17/4/2002)