Bài 37 (Thứ Tư 17/4/2002)
HÃY LÀM CHỨNG CHO VIỆC CỨU ĐỘ THẾ GIỚI
(Ca Vịnh 12, Kinh Ban Mai, Thứ Năm, Tuần Thứ Hai)
1.- Bài thánh thi chúng ta vừa công bố hiện lên như một bài hoan ca trong phụng vụ giờ kinh ban mai. Bài thánh thi này là một thứ dấu ấn cuối cùng kết thúc những trang Sách Isaia, một cuốn sách có nội dung về Đấng Thiên Sai. Những trang Sách Isaia thường được gọi là “Sách Emmanuel” này bao gồm các chương từ 6 tới 12. Thật vậy, ở tâm điểm của những lời tiên tri ấy hiện lên hình ảnh của một vị vương chủ, Đấng thuộc giòng dõi đế vương Đavít nhưng lại tỏ ra cho thấy những tính chất trổi vượt và được gọi bằng những danh hiệu vinh sang, như “Vị Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Uy Hùng, Người Cha Muôn Thuở, Hoàng Tử Thái Bình” (Is 9:5).
Hình ảnh cụ thể về Vị Vua Giuđa được tiên tri Isaia hứa báo như là một người con và là người thừa kế của Ahaz, vị vương chủ bấy giờ, vị vương chủ xa vời với lý tưởng của giòng dõi Đavít, là dấu hiệu của một lời hứa báo tốt đẹp hơn, đó là hình ảnh của Đấng Thiên Sai vương giả, Đấng sẽ tác hành theo đúng như danh xưng “Emmanuel”, tức là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, trở nên sự hiện diện thần linh tuyệt vời nhất trong lịch sử nhân loại. Bởi thế, cũng dễ hiểu được tại sao Tân Ước và Kitô Giáo đã trực giác thấy được nơi dáng vẻ vương giả ấy cái nét của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người gắn liền với chúng ta.
2.- Bài thánh thi chúng ta giờ đây nói tới (xem Is 12:1-6) được các học giả, căn cứ vào tính chất văn từ của nó, hay vào cung cách của nó, cho là một sáng tác sau thời tiên tri Isaia, vị đã sống trước Chúa Kitô 8 thế kỷ. Nó hầu như là một bài trích dẫn, một bản văn mang những đặc tính của một bài Thánh Vịnh, có lẽ được sáng tác cho việc phụng vụ, với những lời lẽ ở đây đưa đến việc kết thúc cuốn “Sách Emmanuel”. Thật vậy, bài thánh thi này gợi lên cho chúng ta thấy một vài đề tài, như về việc cứu độ, niềm hân hoan, tác động thần linh, sự hiện diện của “Đấng Thánh Yến Duyên” nơi dân chúng, việc bộc lộ cho thấy tính cách siêu việt “thánh hảo” của Thiên Chúa, hay việc Ngài ưu ái và chủ động gần gũi làm cho dân chúng có thể nương tựa vào Ngài.
Người đang xướng hát là một con người đã trải qua cảm nghiệm cay đắng, một cảm nghiệm được coi như là một tác động của công lý thần linh. Thế nhưng, giờ đây thử thách đã qua rồi, việc thanh tẩy đã có công hiệu; cơn giận của Chúa được thay thế bằng nụ cười, bằng việc Ngài sẵn sàng ra tay cứu giúp và ủi an.
3.- Hai tiết đoạn của bài thánh thi có thể nói đã phác tả hai thời khắc. Ở thời khắc thứ nhất (xem các câu 1-3), được bắt đầu bằng lời mời gọi cầu nguyện: “Vào ngày ấy, ngươi sẽ nói”, chữ “cứu độ” (hay đọc “đấng cứu độ”) hơn hết, được lập đi lập lại ba lần và ám chỉ về Chúa: “Thiên Chúa thực là đấng cứu độ của tôi… Ngài vẫn là Đấng Cứu Độ của tôi… những giếng nước cứu độ”. Chúng ta hãy nhớ rằng tên gọi của Isaia, giống như tên gọi của Chúa Giêsu, có gốc rễ nơi động từ ya’a trong tiếng Do Thái, một động từ hướng tới “việc cứu độ”. Bởi thế, con người cầu nguyện của chúng ta đã tuyệt đối tin rằng ân sủng thần linh là cội gốc của việc giải thoát và niềm hy vọng.
Vấn đề đáng chú ý ở đây là bài thánh thi này được ngầm qui chiếu về biến cố cứu độ cả thể của cuộc xuất phát cho khỏi cảnh làm tôi ở Ai Cập, với những lời được trích lại từ bài ca giải phóng mà Moisen đã hát lên: “Chúa là mạnh lực của tôi và là sức can trường của tôi” (Ex 15:2).
4.- Ơn cứu độ do Chúa ban có thể làm cho niềm hân hoan và lòng tin tưởng bừng lên ngay trong ngày tối tăm của thử thách, được phác tả như nước, một hình ảnh cổ trong Thánh Kinh: “Ngươi hân hoan kín nước nơi suối cứu độ” (Is 12:3). Ở đây chúng ta thấy gợi lại cảnh về người nữ Samaritanô khi Chúa Giêsu cho chị cơ hội có được trong lòng chị một “suối nước vọt lên sự sống đời đời” (Jn 4:14).
Thánh Cyrilô Alexandria dẫn giải về đoạn Phúc Âm này một cách sâu xa như sau: “Chúa Giêsu gọi tặng ân Thần Linh sinh động là nước hằng sống, một thứ nước duy nhất nhờ đó nhân loại, mặc dù hoàn toàn bị bỏ rơi, như những thân cây trên núi, khô cằn, bị mất hết các thứ nhân đức do việc ma qủi lừa đảo, được lấy lại vẻ đẹp xưa của bản tính mình… Chúa Cứu Thế gọi ân huệ Thánh Linh là nước, mà nếu con người gắn bó với Ngài, Ngài sẽ ban nơi họ một nguồn giáo huấn thần linh, đến nỗi họ không cần kẻ khác chỉ dẫn, và còn có thể huấn dụ những ai khao khát Lời Thiên Chúa nữa. Các vị tiên tri thánh, các tông đồ và các vị thừa kế tác vụ của các ngài trong khi còn sống tại thế là như thế đó. Câu ngươi sẽ hân hoan kín nước nơi suối cứu độ được viết về những vị này vậy” (Commentary on the Gospel of John, 4, Rome 1994, pp. 272, 275).
Tiếc thay, nhân loại thường bỏ bê mạch nước này, mạch nước làm giãn cơn khát của toàn diện hữu thể con người, như tiên tri Giêrêmia đã buồn bã vạch ra điều này là: “chúng đã lãng quên ta, nguồn nước hằng sống; chúng đi đào cho chúng những giếng nước, những giếng nước cạn không có nước” (Jer 2:13). Tiên tri Isaia cũng thế, trước bài thánh thi này mấy đoạn, đã than lên rằng: “Những giòng nước của Siloe dịu dàng chảy”, biểu hiệu cho việc Chúa hiện diện ở Sion, và đã lên tiếng đe dọa về một thứ hình phạt lụt lội bởi “những giòng nước của Con Sông”, Euphrates, “rộng lớn và mãnh liệt” (Is 8:6-7), biểu hiệu cho quân lực và quyền năng kinh tế cũng như cho việc tôn thờ ngẫu tượng, những giòng nước bấy giờ đã làm cho Giuđa hoảng hồn khiếp vía nhưng rồi cũng đã nhận chìm nó.
5.- Một lời mời gọi khác, lời “và hãy nói trong ngày đó”, mở đầu cho tiết đoạn thứ hai (xem Is 12:4-6), một tiết đoạn tiếp tục lời mời gọi hãy hân hoan chúc tụng tôn vinh Chúa. Những lời kêu gọi hãy xướng hát càng tăng thêm: “Hãy chúc tụng, hãy kêu cầu, hãy biểu lộ, hãy công bố, hãy xướng ca, hãy la lên, hãy nhẩy nhót”.
Ở tâm điểm của việc chúc tụng này là lời tuyên xưng duy nhất của niềm tin vào Thiên Chúa Cứu Độ, Đấng can thiệp vào lịch sử và gần gũi với tạo vật của Ngài, chia sẻ những cuộc thăng trầm của Ngài. “Hãy ca khen chúc tụng Chúa về việc chiếm đạt vinh hiển của Ngài… Đấng Thánh Yến Duyên cao cả ở giữa các người” (câu 5-6). Lời tuyên xưng đức tin này cũng mang một nhiệm vụ truyền giáo nữa. “Hãy tỏ các việc Ngài ra nơi các dân nước… Hãy làm cho Ngài được toàn thể địa cầu nhận biết” (các câu 4-5). Ơn cứu độ chiếm hưởng phải được làm chứng cho thế giới thấy, để toàn thể loài người chạy đến những mạch suối bình an, vui mừng và tự do.
(ĐTC đã tóm bài giáo lý của Ngài bằng Anh ngữ như sau)
Anh chị em thân mến,
Với tiên tri Isaia, chúng ta có một bài thánh thi thoạt tiên nhìn về kinh nghiệm đắng cay được dân chúng cảm thấy như là phán quyết của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ở đoạn kết, bài thánh thi chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã nguôi giận và yêu thương khôn cùng. Tiên tri sử dụng hình ảnh nước để diễn tả hành động của Thiên Chúa: “ngươi sẽ hân hoan uống những suối nước cứu độ”. Đây là những suối nước tình yêu Thiên Chúa, những giòng nước sự sống mới. Tuy nhiên, có những lúc chúng ta lại thích những thứ nước chết chóc; để rồi chúng ta sầu khổ tự luận phạt mình. Sách Tiên Tri Isaia nói về một vị vua mang đến ơn cứu độ. Bằng những lời của vị tiên tri này, chúng ta hãy tuyên xưng đức tin của chúng ta nơi Chúa Kitô, Vua của chúng ta, và chúng ta loan báo cho thế giới ơn cứu độ ở nơi Người.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 24/4/2002)